Giá dầu giảm sâu có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng
Trong cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với báo giới dịp đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 19/1, Bộ Tài chính đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ diễn biến giá dầu thế giới tiếp tục giảm, có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó với tình huống này.
Dự báo khoản giảm thu tăng 20.000 tỷ đồng
Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 từ xuất khẩu dầu thô khoảng 93.000 tỷ đồng. Cách đây khoảng 1 tháng, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu thế giới giảm sâu khiến giảm thu khoảng 50.000 tỷ đồng, thì với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, sẽ vẫn đảm bảo cân đối thu như dự toán Quốc hội giao.
Đến nay, do giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, nên tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2015, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1, Bộ Tài chính ước tính khoản giảm thu có thể tăng lên thêm 20.000 tỷ đồng so với mức dự báo cách đây một tháng. Giá dầu thế giới giảm tác động hai chiều lên nền kinh tế.
Ở chiều tích cực, giá dầu giảm đang làm giảm đáng kể chi phí đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực, nên cải thiện hiệu quả kinh doanh của các DN, qua đó sẽ có đóng góp tốt hơn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, không thể phủ nhận giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho cân đối thu, chi NSNN.
Trả lời câu hỏi của báo giới: theo dự toán thu NSNN năm 2015 được Quốc hội phê duyệt, dự toán thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng được tính toán dựa trên giá xuất khẩu bình quân 100 USD/thùng. Tuy nhiên, với mặt bằng giá dầu dưới 50 USD/thùng như hiện tại, liệu Bộ Tài chính có đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân cho sát với diễn biến thị trường, nếu điều chỉnh giảm, thì Bộ Tài chính có giải pháp nào để bù đắp vào phần giảm thu từ nguồn xuất khẩu dầu thô, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, đến nay, Bộ Tài chính chưa có ý định đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân, mà vẫn phấn đấu thu đạt dự toán.
“Với các giải pháp đồng bộ mà Bộ Tài chính đề xuất, cũng như những giải pháp quyết liệt mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành, năm nay sẽ vẫn cố gắng thu đạt dự toán Quốc hội giao, qua đó đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách năm 2015″, ông Dũng khẳng định.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, theo dự báo của một số ít tổ chức trên thế giới, giá dầu sắp tới có thể dao động trong khoảng 20 – 50 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bùng nổ sau giai đoạn giá dầu giảm sâu. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh số ít các tổ chức đưa ra khả năng giá dầu sẽ còn giảm sâu thêm, thì nhiều dự báo cho thấy, sắp tới giá dầu sẽ phục hồi ở mức 70 – 80 USD/thùng.
“Để ứng phó thành công với giá dầu giảm, còn rất nhiều việc phải lo, bởi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015 rất nặng nề”, Bộ trưởng Dũng trăn trở.
Một loạt giải pháp đang được Bộ Tài chính triển khai, để bù đắp cho phần giảm thu do giá dầu thô xuất khẩu giảm như: triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất; kiểm soát chặt việc hoàn thuế, số hoàn thuế giá trị giá tăng không quá 85.000 tỷ đồng; tăng cường thu vào NSNN số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2014 là hơn 70.000 tỷ đồng…
Giảm giá xăng dầu cần sát thị trường hơn
Trong khi giá dầu thế giới giảm sâu và giảm từng ngày, thì với cơ chế điều hành giá xăng dầu bất cập hiện hành là giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá, các chuyên gia cho rằng, điều này đang đẩy rủi ro cho các DN, người tiêu dùng, trong khi DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi.
Nhìn nhận về bất cập trên, Bộ trưởng Dũng chia sẻ, tuy thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp giá đã giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày, nhưng trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh như hiện nay, đòi hỏi các DN kinh doanh xăng dầu phải tăng cường khả năng dự báo, để có thể đưa ra mức điều chỉnh giá nhanh hơn, nhiều hơn sao cho sát với diễn biến thị trường, để DN, người tiêu dùng được hưởng lợi. Điều này sẽ rất có lợi cho nền kinh tế.
Theo Hữu Hòe
Đầu tư Chứng khoán
Bộ Công Thương: Quản lý ứng dụng Uber cần tư duy mới
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 264 báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hoạt động của Uber.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chưa có văn bản, quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng viễn thông di động nói chung và mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động nói riêng. Do vậy, chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự trên nền tảng thiết bị di động tại Việt Nam.
Trong năm 2015, Bộ Công Thương có kế hoạch nghiên cứu xây dựng một văn bản hướng dẫn Nghị định 52 về nội dung hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Tuy nhiên, kể cả nghị định này và các văn bản hướng dẫn đều chưa có quy định điều chỉnh đối tượng nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới, không có hiện diện tại Việt Nam.
Như vậy, để quản lý toàn diện và hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự, Bộ Công Thương cho biết, đòi hỏi phải có một tư duy quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trước sự thay đổi nhanh của thực tiễn kinh doanh trên cơ sở các ứng dụng công nghệ mới.
Chưa có cơ chế, công cụ quản lý ứng dụng Uber
Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới Uber là xe cá nhân, chính vì vậy nó còn được gọi là "taxi không biển hiệu".
Khách hàng cần di chuyển sẽ cải đặt phần mềm Uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Phần mềm ứng dụng cung cấp bản đồ vị trí của xe để hai bên chủ động trong vấn đề thời gian và di chuyển.
Khi sử dụng Uber khách hàng không cần dùng tiền mặt, sau mỗi chuyến đi kết thúc, số tiền được Uber tự tính và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của cá nhân. Xe tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp.
Tại Việt Nam, nếu Công ty Uber chỉ cung cấp giải pháp công nghệ thì phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh thương mại và thương mại điện tử theo nghị định 52.
Trường hợp Công ty Uber trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh và vận hành mạng lưới xe thì công ty này là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc xác định mô hình hoạt động của Uber tại Việt Nam là rất quan trọng để từ đó xác định phương thức quản lý phù hợp. Hiện có quá nhiều thông tin trái chiều về các yếu tố của mô hình hoạt động Uber tại Việt Nam, mà kết luận cuối cùng chỉ có thể là của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, xếp Uber vào loại hình kinh doanh vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Trước mắt, Bộ Công Thương đang đề nghị Bộ GTVT cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải của Uber và cách thức quản lý phù hợp.
Bộ Tài chính và Bộ GTVT phối hợp nghiên cứu để có phương án phối hợp quản lý cước phí phù hợp.
Uber có thể triển khai dịch vụ mà không cần hiện diện tại Việt Nam, do vậy, cần có biện pháp giám sát phù hợp từ cơ quan thuế để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác.
Việc người tiêu dùng cung cấp số thẻ khi đăng ký mở tài khoản trên hệ thống Uber, sau mỗi lần sử dụng dịch vụ, cước phí sẽ tự động ghi nợ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ đang tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Đây cũng là thách thức cho cơ quan chức năng trong việc quản lý giao dịch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về những giao dịch thanh toán thẻ "không cần xác nhận" như trên.
Theo Mai Hương (Dân Việt)
"Muốn mua xe phải có chỗ đỗ là hoàn toàn đúng!" Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, đây là thời điểm chín muồi để áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng, đăng ký xe cá nhân. Tuy nhiên phải làm sao cho thấu tình đạt lý, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa, giải pháp "phải...