Giá dầu còn 30 USD/thùng, giảm sâu nhất trong 12 năm
Giá dầu có thể sẽ giảm xuống mức 20 USD/thùng.
Lần đầu tiên trong 12 năm giá dầu ngày 12-1 đã giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng. Giá dầu đã giảm liên tục suốt bảy ngày giao dịch qua, chỉ trong chín phiên giao dịch đầu năm 2016 đã mất 19% và mất 72% kể từ mức 108 USD/thùng tháng 6-2014.
Tại Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ giao vào tháng 2 giảm 3,1% so với ngày trước đó, xuống còn 30,44 USD/thùng. Trong ngày có thời điểm giá dầu xuống tới mức 29,93 USD/thùng. Tại Anh, giá dầu Brent giảm 3%, ở mức 30,86 USD/thùng.
Theo Reuters một nguyên nhân có thể là do giảm cầu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Đợt giảm này kéo dài lâu và giảm sâu hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia năng lượng và hiện chưa thấy dấu hiệu giá dầu sẽ ngừng giảm trong thời gian ngắn tới. Các nhà môi giới bi quan và chịu thua không thể dự đoán được khi nào làn sóng rớt giá từ đầu năm đến nay sẽ chựng lại. Một số nhà phân tích thị trường năng lượng trong đó có quản lý đầu tư Gary Bradshaw tại quỹ đầu tư Hodges Small Cap Fund cảnh báo giá dầu có thể còn giảm nữa, xuống mức 20 USD/thùng.
Video đang HOT
Tập đoàn tài chính và ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo đà bán tháo dầu sẽ còn tiếp tục, đến khi giá dầu chạm mốc 10 USD/thùng. Nhiều tập đoàn năng lượng lớn của thế giới thừa nhận có thể phải mất hàng năm nữa để giá dầu được khôi phục và bình ổn trở lại.
Giá dầu liên tục giảm 18 tháng qua đã khiến hàng trăm ngàn người mất việc, các tập đoàn năng lượng phải cắt giảm chi tiêu hàng tỉ USD.
Trong ngày 12-1, tập đoàn dầu khí BP Plc. (Anh) cho biết sẽ cắt giảm 5% nhân công đối phó với giá dầu liên tục giảm. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu năm 2016, cổ phiếu BP Plc. đã giảm 9%. Tập đoàn năng lượng quốc gia Petrolras (Brazil) lần thứ ba trong sáu tháng phải ra quyết định cắt giảm kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động. Trong khi đó, cổ phiếu của hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell Plc (liên kết giữa Hà Lan và Anh) và Exxon Mobil Corp (Mỹ) trong ngày 12-1 rớt 11% và 4%.
Giá dầu giảm sâu thế này là đòn chí mạng với Nga, nước mà nguồn thu từ năng lượng chiếm một nửa nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu.
Thậm chí với Saudi Arabia – nước có ảnh hưởng lớn trong việc điều chỉnh mức khai thác dầu để bảo vệ thị phần của mình dù mức khai thác đó có làm dầu giảm giá chăng nữa – cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực. Vì nguồn thu từ dầu giảm, trong kế hoạch ngân sách 2016, Saudi Arabia công bố hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu và giảm trợ giá nhiều chương trình.
Tại Mỹ thì Reuters lo ngại các công ty năng lượng Mỹ sẽ rất khó khăn để trụ được với đà giảm này. Cổ phiếu của các công ty năng lượng Mỹ giảm trung bình hơn 9% chỉ trong chín ngày giao dịch. Làn sóng giảm giá dầu thời gian qua đã đẩy hàng chục công ty năng lượng nhỏ ở Mỹ tới chỗ phá sản.
ĐĂNG KHOA
Theo_PLO
Giá dầu rớt xuống mức thấp nhất 12 năm qua
Giá dầu tại New York - Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua giữa lúc có những nỗi lo nhu cầu dầu tiếp tục sụt giảm do kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.
Giá dầu WTI tại Mỹ có lúc giảm đến 1,87 USD/thùng xuống còn 32,10 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 29-12-2003. Trong khi đó, giá dầu Brent tại London - Anh, giảm 2,07 USD xuống còn 32,16 USD / thùng.
Theo dự báo của Công ty Nomura Holdings (Nhật Bản), giá dầu Brent sẽ giảm còn 30 USD/thùng trong 10 ngày tới. Trong khi đó, tập đoàn tài chính toàn cầu UBS Group AG (Thụy Sĩ) nhận định tình trạng dư thừa nguồn cung có thể đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa.
Nguồn cung dư thừa tiếp tục đẩy giá dầu đi xuống. Ảnh: Twitter
Nguồn cung vẫn còn dồi dào khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng để giữ thị phần, khiến giá dầu không ngừng lao dốc.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thống kê được kho dự trữ tại TP Cushing, bang Oklahoma đã tăng lên mức kỷ lục 63,9 triệu thùng (mức lưu trữ tối đa là 73 triệu thùng) trong khi lượng dầu tại các kho dự trữ trên toàn quốc vẫn còn cao hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Ngoài ra, giá dầu còn bị tác động bởi việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 7-1 tiếp tục hạ tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ so với USD xuống còn 6,5645 NDT đổi 1 USD (mức thấp nhất kể từ tháng 3-2011). Chuyên gia phân tích Gordon Kwan của Nomura Holdings nhận định sự mất giá của đồng nhân dân tệ báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc có khả năng suy yếu thêm, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới hôm 7-1 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9% trong năm 2016, giảm 0.4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6-2015. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức tăng trưởng ước tính 2,4% của kinh tế thế giới năm 2015.
P.Nghĩa (Theo Bloomberg)
Theo_Người lao động
Giá dầu tăng 3% do thời tiết chuyển lạnh Giá dầu phiên 29/12 tăng hơn 1 USD/thùng do thời tiết lạnh hơn thúc đẩy sức mua. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu yếu và nguồn cung dồi dào từ OPEC vẫn gây áp lực lên thị trường. Giá dầu Brent và WTI đều tăng sau khi dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ trong mùa đông tại Mỹ có thể giảm...