Giá dầu châu Á đi xuống do lo ngại về dịch COVID-19
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 7/7, giữa lúc giới giao dịch lo ngại sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới trên thế giới, nhất là tại Mỹ, sẽ ảnh hưởng xấu tới nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
Vào lúc 14 giờ 03 phút ngày 7/7 (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn đã giảm 54 xu Mỹ (tương đương 1,3%) xuống còn 40,09 USD/thùng, sau khi có lúc tăng lên 40,79 USD/thùng trước đó trong cùng phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tại thị trường châu Á giảm 56 xu Mỹ (1,3%) xuống còn 42,54 USD/thùng, sau khi có lúc đạt 43,19 USD/thùng trong cùng phiên.
Giá dầu châu Á đi xuống phiên chiều 7/7. Ảnh minh họa: TTXVN
Với việc 16 bang ở Mỹ thông báo số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục trong 5 ngày đầu tiên của tháng 7/2020, ngày càng nhiều ý kiến quan ngại cho rằng các biện pháp y tế công cộng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu nhiên liệu của quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Bang Florida của Mỹ hiện đã áp dụng trở lại một số hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, California và Texas, hai trong số các bang đông dân nhất và có vai trò kinh tế quan trọng của Mỹ, cũng thông báo tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao trong số trường hợp nghi mắc COVID-19 đã được tiến hành xét nghiệm trong tuần qua.
Trước tình hình trên, trưởng chiến lược gia thị trường Michael McCarthy của CMC Markets, nhận định nhu cầu nhiên liệu có nguy cơ chịu tác động bất lợi khi các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 được áp dụng trở lại cùng với những quan ngại về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC , có thể không hỗ trợ nhiều cho giá dầu./.
Giá dầu châu Á giảm khi dự trữ dầu thô của Mỹ đột ngột tăng mạnh
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 28/5, sau khi các số liệu của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đột ngột tăng mạnh, qua đó làm giảm kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào lúc 14 giờ 9 phút giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 3% xuống 31,83 USD/thùng, sau khi giảm tới 5% xuống 31,14 USD/thùng trước đó trong cùng phiên. Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 2% xuống 34,03 USD/thùng, sau khi có lúc tụt xuống 33,63 USD/thùng.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) vừa công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 8,7 triệu thùng dầu trong tuần kết thúc vào ngày 22/5, trái ngược mức dự báo giảm 1,9 triệu thùng dầu của giới phân tích.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết số liệu của API hoàn toàn nằm ngoài dự đoán và điều này đồng nghĩa với việc số liệu về dự trữ dầu thô của Mỹ do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sắp công bố sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Stephen Innes, nhà chiến lược trưởng phụ trách các thị trường toàn cầu tại AxiCorp, cho rằng với thị trường dầu mỏ được cho là sẽ tái cân bằng với tốc độ nhanh hơn dự kiến, các nhà đầu tư sẽ dõi theo sát sao kết quả cuộc họp sắp tới giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu châu Á chiều 15/5 vẫn áp sát mức cao nhất trong hơn 1 tháng Vào lúc 14 giờ 07 phút ngày 15/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tại thị trường châu Á tăng 1,21 USD (3,9%) lên 32,34 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/4 (32,44 USD/thùng). Một nhà máy lọc dầu tại Ulsan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 414km về phía Đông Nam, ngày 23/4/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) Giá dầu...