Giá dầu, biến số cũ mà mới
Giá dầu (Brent) đã lần đầu tiên chạm ngưỡng 80 đô la Mỹ/thùng kể từ tháng 11-2014 đến nay. Theo đó, giá dầu đang ở mức 84,2 đô la Mỹ/thùng, tăng 26,3% so với thời điểm đầu năm 2018. Đây là mức tăng vượt qua nhiều dự báo của các chuyên gia đến từ Bloomberg hay Reuters.
Trước đó, phần lớn đều cho rằng giá dầu trong năm 2018 sẽ ngang bằng với mức của năm 2017, trung bình khoảng 55 đô la Mỹ/thùng. Nguyên nhân là do triển vọng kinh tế toàn cầu không có nhiều khả quan sau khi đã đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2017.
Giá dầu hiện nay và trong thời gian tới vẫn đang rất khó dự báo. Ảnh: T.L
Tuy nhiên, những diễn biến của giá dầu hiện nay và trong thời gian tới vẫn đang rất khó dự báo. Giá dầu tăng cao như hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía cung. Theo đó, Mỹ đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và yêu cầu các nước đồng minh không được nhập khẩu dầu từ quốc gia này. Sản lượng xuất khẩu khoảng trên hai triệu thùng/ngày hiện tại cùng với việc Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tăng sản lượng đã khiến giá dầu liên tục leo thang trong khoảng hai tuần gần đây. Chưa biết liệu có khả năng giá dầu có thể chạm mức 100 đô la Mỹ/thùng hay không nhưng với những diễn biến hiện nay thì đã xuất hiện nhiều tác động tiêu cực cho thị trường tiền tệ của Việt Nam.
Tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ
Việc giá dầu thế giới tăng cao liên tục trong thời gian gần đây đã khiến giá xăng của Việt Nam vừa phải điều chỉnh tăng thêm 675 đồng/lít, hiện đang được bán lẻ với giá khoảng 22.347 đồng/lít đối với xăng RON95. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay.
Video đang HOT
Nhưng tại sao giá dầu tăng lại ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)?
Thứ nhất, giá dầu tăng đã đẩy chỉ số lạm phát (CPI) của Việt Nam tăng cao trong thời gian vừa qua. Xăng dầu đang là mặt hàng chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. Với việc giá dầu tăng 26% từ đầu năm đến nay thì mặt hàng này đã trực tiếp làm CPI tăng khoảng 0,72% trong tổng mức tăng 3,2% của tất cả 654 mặt hàng. Ngoài ra, xăng dầu còn là nguyên liệu đầu vào trực tiếp và/hoặc gián tiếp để sản xuất ra nhiều loại hàng hóa khác nhau. Do đó, giá dầu tăng còn đẩy giá của nhiều mặt hàng khác cũng tăng lên. Như vậy, tổng mức ảnh hưởng của giá xăng dầu có thể lên tới con số 1%. Chỉ số CPI tăng khiến cho lãi suất thực dương của người gửi tiền giảm xuống. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho một số ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây để tránh nguy cơ mất thị phần về huy động vốn. Lãi suất huy động tăng sẽ như một phản ứng dây chuyền, làm tăng lãi suất cho vay ra nền kinh tế, đồng thời đẩy lợi suất kỳ vọng của trái phiếu chính phủ cũng tăng lên. Hệ quả là chi phí sử dụng vốn của toàn nền kinh tế sẽ tăng lên. Chi phí sử dụng vốn tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó có thể làm giảm động lực mở rộng sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP.
Thứ hai, Việt Nam là một nước nhập khẩu ròng đối với mặt hàng xăng dầu. Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 15-9-2018, Việt Nam đã nhập khẩu ròng xăng dầu các loại là 4,4 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 113% so với cùng kỳ của năm 2017. Kết quả này có nghĩa là giá dầu càng cao thì thâm hụt thương mại đối với mặt hàng này sẽ càng lớn. Diễn biến này sẽ gây áp lực trực tiếp lên tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ, bởi lẽ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước phần lớn không có nguồn thu từ ngoại tệ. Do vậy, toàn bộ nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu đều phải mua từ hệ thống ngân hàng. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho tỷ giá luôn chịu áp lực tăng kể từ giữa tháng 7-2018 đến nay.
Rõ ràng chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phải chịu sức ép rất lớn từ những biến động bên ngoài. Đây cũng chính là hệ quả khi mà độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức rất cao, hiện lên tới trên 200% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cần có giải pháp dự phòng để tránh những cú sốc cho nền kinh tế
Nhiều dự báo hiện nay cho rằng giá dầu sẽ khó có khả năng chạm mức 100 đô la Mỹ/thùng hoặc tiếp tục leo thang như diễn biến của năm 2014. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự báo và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị như hiện nay thì không thể khẳng định được rằng sẽ không có yếu tố bất ngờ diễn ra. Việc giá dầu tăng cao đã tác động trực tiếp đến nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng ta cần có các kịch bản ứng phó và ngay từ bây giờ cần xây dựng các vùng đệm nhằm giảm thiểu tối đa sự tác động của nó đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Để có vùng đệm này thì đòi hỏi chúng ta phải hy sinh một số yếu tố khác. Thứ nhất, đó là phải có phương án điều chỉnh đưa giá bán xăng dầu trong nước lên mức ngang bằng với các nước trong khu vực. Theo thống kê thì giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn Lào, Campuchia và chỉ cao hơn Indonesia – nước từng là thành viên của OPEC. Thứ hai, tạm ngừng tăng hoặc giãn tiến độ tăng giá của một số mặt hàng do Nhà nước quản lý để dành dư địa cho khả năng giá xăng dầu tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Giải pháp này nhằm tránh cho CPI có thể tăng cao ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Thứ ba, cần có giải pháp để đẩy nhanh quá trình đạt chuẩn quốc tế về dự trữ xăng dầu. Hiện nay, dự trữ của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 30 ngày nhập khẩu ròng, trong khi con số này theo chuẩn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) là 90 ngày.
Đông Hà
Theo thesaigontimes.vn
Giá dầu thế giới 13/10: Theo đà phục hồi của chứng khoán, giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu thế giới ngày 13/10 tăng nhẹ sau theo đà phục hồi của thị trường chứng khoán, khi những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tạm lắng xuống.
Đầu giờ ngày 13/10, theo ghi nhận của Petrotimes, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2018 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 71,33 USD/thùng, tăng 52 cent/thùng trong phiên. So với đầu giờ ngày 12/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2018 tăng 35 cent/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 11/2018 đứng ở mức 71,51 USD/thùng, tăng 54 cent/thùng trong phiên và tăng 43 cent/thùng so với đầu giờ ngày 12/10.
Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, đầu giờ ngày 13/10, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 71,67 USD/thùng và cao nhất là 71,73 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu WTI đứng ở mức 70,88 USD/thùng, giảm 2,29%.
Với dầu brent, đầu giờ ngày 13/10, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 80,37 USD/thùng và cao nhất là 80,43 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu brent đứng ở mức 80,14 USD/thùng, giảm 2,64%.
Giá dầu thế giới phục hồi theo đà phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu. Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng lan rộng từ thị trường chứng khoán Mỹ sang các thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu đã tạm thời lắng xuống.
Trong ngày 12/10, theo ghi nhận, thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm manh. Chứng khoán Nhật Bản phục hồi nhẹ, sau khi các nhà đầu tư quay trở lại tìm mua các cổ phiếu liên quan đến thị trường Trung Quốc. Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,5% lên 22.694,66 điểm sau khi giảm 3,9% trong ngày 11/10.
Tại Trung Quốc, đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,9% lên 2,606,91 điểm, sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 năm vào phiên 11/10.
Chứng khoán Hồng Kông hồi phục mạnh, nhưng lo ngại về triển vọng thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tiếp tục làm giảm sự hưng phấn của giới đầu tư. Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng hơn 2,1% lên 25.801,49 điểm, chỉ số này mất 2,9% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng hơn 2% lên 10.299,09 điểm.
Hà Lê
Theo petrotimes.vn
Cơn hoảng loạn chưa qua với giới đầu tư Sau phiên bán tháo ồ ạt hôm thứ Tư, chứng khoán toàn cầu tiếp tục có phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Năm khi nỗi sợ vẫn ám ảnh giới đầu tư toàn cầu. Trong phiên giao dịch thứ Năm, dù đã hãm lại so với phiên trước đó, nhưng phố Wall tiếp tục có phiên lao dốc mạnh...