Giá cổ phiếu lại làm khó Vietcombank?
Nửa năm 2019 trôi qua, một kế hoạch lớn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bước vào giai đoạn bắt đầu được chú ý, theo mục tiêu hoàn tất trong năm.
Năm nay Vietcombank tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, trong cấu phần kế hoạch tăng vốn điều lệ. Có thể xem đây là việc thực hiện tiếp phần chưa bán hết trong năm 2018, với chủ trương và cơ chế đã được các cơ quan chức năng và cổ đông chấp thuận.
Năm 2018: “Bạn rất tốt, nhưng tôi rất tiếc…”
Năm 2018, phải đến ngày làm việc cuối cùng của năm Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý, giao dịch bán cổ phần của Vietcombank cho GIC (quỹ đầu tư của Singapore) mới chính thức “khớp lệnh”.
Trước đó, ngay từ đầu năm, ngân hàng này đã chủ động tổ chức các cuộc giới thiệu, tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn bị cho kế hoạch chào bán 10% cổ phần tăng vốn.
Tại đại hội đồng cổ đông tháng 4/2018, lãnh đạo Vietcombank cho biết nhiều nhà đầu tư quan tâm đến đợt chào bán trên. Nhưng, cuối cùng, lượng chào bán thành công chỉ đạt 3%, cùng với GIC có thêm cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu là Mizuho mua để cân bằng tỷ lệ sở hữu.
Trong năm 2018, Vietcombank liên tục tạo kỷ lục mới về lợi nhuận cập nhật qua từng quý, nợ xấu được giảm thực chất xuống dưới 1%. Triển vọng về một ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt lợi nhuận “tỷ đô” cũng dần hình thành…
Nhưng vì sao họ không bán được hết 10% mà chỉ 3%?
Trước giao dịch trên, sau một cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, một thành viên đoàn công tác của Vietcombank cho biết, các đối tác đều đánh giá cao các chỉ số cơ bản, thậm chí là rất ấn tượng với triển vọng hoạt động của ngân hàng, nhưng có những trở ngại “khó nói”.
Thứ nhất, tại thời điểm đó, hầu hết các nhà đầu tư tiềm năng mà Vietcombank giới thiệu đều đã có những khoản đầu tư mới vào cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam. Đại diện một quỹ đầu tư lớn chia sẻ bên lề rằng, cho đến nay những khoản đầu tư mới đó đều chưa có lãi, nếu không nói là đang lỗ.
Thực tế này khiến các quỹ đầu tư trở nên thận trọng hơn khi mở rộng thêm các khoản mới, bên cạnh việc cân nhắc chính sách phải trích lập dự phòng liên quan…
Quả thực, tại thời điểm đó và thậm chí cho đến nay, nếu tính theo giá bán cho các nhà đầu tư nước ngoài trước đây, thị giá cổ phiếu các ngân hàng trong dòng chảy này đều đã giảm sâu. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau năm 2017 khởi sắc bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn và điều chỉnh trong năm 2018.
Video đang HOT
Thứ hai, có tỷ lệ sở hữu lớn và có tài sản liên quan của Nhà nước, cơ chế bán của Vietcombank có quy định chặt chẽ về định giá, về mức giá bán không được thấp hơn bình quân số phiên xác định trên sàn. Trong năm 2018, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank trên sàn phần lớn thời gian neo trên 6x.
Lãnh đạo Vietcombank cũng từng trao đổi bên lề rằng, thị giá cổ phiếu VCB lên cao gây khó cho việc chào bán. Trong khi đó nhà đầu tư còn phải chịu ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Cuối cùng, chốt năm 2018, như trên, ngân hàng này cũng đã bán thành công 3% với giá 55.800 đồng/cổ phiếu. Và chừng đó cũng đã thu về khoản thặng dư lớn.
Năm 2019: Vẫn ẩn số trở ngại giá bán
Với mức giá bán trên, dù chỉ mới ngắn hạn và mang tính thời điểm, VCB đang là trường hợp duy nhất của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam mang lại tỷ suất sinh lời cao cho nhà đầu tư nước ngoài trong hai năm trở lại đây.
Từ đầu năm 2019, đặc biệt trong quãng đi ngược thị trường chung để lên giá gần đây, giá cổ phiếu VCB đang hướng đến tạo đỉnh mới của năm, cuối tuần qua đã đạt 71.000 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là một trong những cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam tạo được tăng trưởng hàng đầu về thị giá từ đầu năm đến nay.
Với thực tế đó, một lần nữa, giá cổ phiếu lên cao có lại làm khó Vietcombank trong kế hoạch chào bán tiếp cổ phần đang xúc tiến?
Có nhiều yếu tố định hình quyết định của nhà đầu tư. Thị giá cổ phiếu chỉ một phần, nhưng với Vietcombank lại trở thành trọng số trong quyết định đó, vì cơ chế bán quy định rõ yếu tố tham chiếu giá bình quân trên sàn theo số phiên xác định.
Nhìn sang trường hợp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thông tin bán 17,65% cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đưa ra từ đầu quý 3/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực. Theo thông tin cập nhật gần đây, các điểm về cơ chế và sự chấp thuận của các đầu mối chức năng đã xong, nhưng vướng mắc còn lại chủ yếu là giá bán.
Với Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong một lần trao đổi trước đây từng nêu quan điểm rằng: việc triển khai kế hoạch đều đã có các quy định, các cơ chế và khách quan, minh bạch theo thị trường, giá cũng mang tính thị trường. Còn với ngân hàng, chỉ có những khẳng định và chủ quan là tuân thủ theo các quy định và cơ chế, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả nhất.
Hiệu quả đó cũng góp phần định hình giá cổ phiếu trên sàn. Mà tại Vietcombank năm nay thực tế và triển vọng có xu hướng gia tăng thêm.
Qua 5 tháng đầu năm 2019, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế tới khoảng 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 1% và đặc biệt tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu đã vượt trên mức 170%.
Lãnh đạo Vietcombank dự tính, kế hoạch lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng năm nay cũng nằm trong tầm tay. Thậm chí, kết quả cuối cùng có thể cao hơn kế hoạch, do ngân hàng gần như đã mở rộng tối đa phạm vi nhận diện nợ xấu, khó mở rộng hơn được nữa để tăng thêm trích lập dự phòng; trong khi tín dụng và dịch vụ vẫn tăng trưởng đúng dự kiến, thậm chí riêng tín dụng có thể xin tăng thêm sau khi đã áp dụng Basel II và mức thực hiện sau 6 tháng đạt cao.
Có thể kết quả và triển vọng kinh doanh tốt đã và đang góp phần định hình giá cổ phiếu VCB tăng cao trên sàn. Nhưng điều đó có một lần nữa là trở ngại đối với kế hoạch bán vốn tới đây hay không? Đây vẫn là ẩn số phía trước.
Còn nhận định chung về đợt chào bán lần này, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank khi trao đổi với BizLIVE cho biết: “Về cơ bản kế hoạch bán vốn năm nay vẫn thuận lợi”.
Theo bizlive.vn
Hệ quả tăng trưởng tín dụng chậm
Theo số liệu cập nhật mới đây trong cuộc họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến ngày 10/6 là 5,75%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng thấp hơn ở 5,17%.
Cho vay chậm lại
Theo thống kê của NHNN, vào thời điểm cuối năm 2018, số dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước khoảng 7,2 triệu tỉ đồng. Với mức tăng trưởng 5,75%, lượng vốn mà các TCTD đã bơm ra nền kinh tế trong gần nửa đầu năm khoảng 415 nghìn tỉ đồng, còn khá thấp so với mục tiêu bơm ra hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm nay.
Vốn cho vay ra nền kinh tế liệu có cần linh hoạt hơn?
Trước đó, số liệu chia sẻ cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 vừa qua đã là 5,74%, còn tổng phương tiện thanh toán tăng 4,98%. Diễn biến này cho thấy trong khi cung tiền trong 10 ngày đầu tháng 6 vẫn tăng ổn định thì ngược lại tăng trưởng tín dụng gần như đi ngang, khi chỉ nhích nhẹ thêm 0,1%.
Hoạt động cho vay đang chậm lại là điều có thể thấy được, khi thời điểm cùng kỳ này năm ngoái tính đến ngày 20/6 tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,35%, còn tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đạt thậm chí còn cao hơn ở 7,96%. Việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tổng phương tiện thanh toán trong hơn 5 tháng đầu năm nay cũng cho thấy lượng cung tiền bị hạn chế cũng phần nào ảnh hưởng lên hoạt động tín dụng tại các nhà băng.
Việc tập trung thu hồi nợ xấu cũng phần nào ảnh hưởng lên con số tăng trưởng, khi tại một số ngân hàng có nợ xấu thì số dư nợ tăng mới không đủ bù đắp cho số sụt giảm do thu hồi. Cũng theo NHNN, từ 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, theo đó giúp tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ nằm ở VAMC và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống còn 5,65%, giảm mạnh so với con số 9,5% năm 2017 và hơn 10% năm 2016.
Hệ quả
Với việc dòng tiền bơm ra nền kinh tế chậm lại, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bị hạn chế là điều có thể thấy được, do đó sẽ phần nào tác động lên tăng trưởng. Chính vì những lo ngại này mà ngay từ những tháng đầu năm nay, người đứng đầu Chính phủ đã không dưới 2 lần kêu gọi cần mở rộng tín dụng nhiều hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam theo đó không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng, do đó việc nới lỏng tiền tệ trở lại bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn đi kèm với lãi suất có thể là cần thiết. Thực tế là thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất để tránh cú sốc giảm tốc cho nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP trong quý 1 đầu năm nay ở mức 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, trong khi năm nay Quốc Hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng từ 6,6 - 6,8%, dù thấp hơn con số kỷ lục 7,08% thực hiện được trong năm 2018 nhưng lại cao hơn mục tiêu năm 2018 là từ 6,5 - 6,7%. Do đó, áp lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại năm nay là khá lớn.
Với nguồn vốn bơm ra bị hạn chế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng từ các nhà băng, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh phần nào bị ảnh hưởng. Đối với những doanh nghiệp lớn có uy tín, hoạt động kinh doanh hiệu quả thì còn có thể tìm đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn đối với những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ còn lại thì hiện nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn vay tại các ngân hàng.
Đối với khách hàng cá nhân, nếu việc tiếp cập vốn vay ngân hàng gặp khó khăn hơn khi nguồn vốn bị siết chặt, họ có thể lựa chọn tìm đến các hình thức tín dụng đen thay thế, dù phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn nhiều lần và gặp nhiều rủi ro hơn.
Đối với hệ thống các TCTD, tăng trưởng cho vay chậm lại cũng sẽ gây áp lực lên kế hoạch lợi nhuận. Nhiều ngân hàng trong năm 2018 đã ghi dấu ấn lợi nhuận kỷ lục, và tiếp nối sự hưng phấn đã đặt kế hoạc lãi trong năm nay tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nếu như không thể duy trì tăng trưởng tín dụng đủ cao thì con số lợi nhuận tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
Vẫn có những lợi ích
Dù vậy, nhà điều hành có lẽ vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng tại các nhà băng, khi mà mục tiêu ổn định vĩ mô đang được ưu tiên lớn nhất trong bối cảnh đầy rủi ro như hiện nay. Thị trường bất động sản đã nóng sốt trong 2 năm trở lại đây, trong đó không ít nguồn vốn là từ hệ thống ngân hàng chảy ra, do đó nếu như không hãm phanh đà nới lỏng tín dụng thì quả bong bóng bất động sản có thể hình thành là nguy hiểm.
Đơn cử như gần đây Hiệp hội bất động sản Việt Nam có nhiều kiến nghị liên quan đến quy định tại dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36, theo đó cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống 30% và tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay tiêu dùng nhà ở là biện pháp siết tín dụng, làm giảm nguồn cung bất động sản, thì NHNN vẫn bảo lưu quan điểm thực hiện khi cho rằng chính sách trên nếu thực hiện thì mức độ tác động của quy định trên tới thị trường bất động sản là không lớn.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng chậm cũng sẽ làm giảm sức ép tăng huy động vốn lên các ngân hàng, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó có thể tiếp tục giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, mục tiêu quan trọng nhất của nhà điều hành trong suốt thời gian qua. Thực tế trong 2 tháng gần đây, lãi suất tiền gửi tại một số nhà băng cũng đã được điều chỉnh giảm xuống, sau động thái tăng liên tiếp từ nửa cuối năm 2018 cho đến quý 1 đầu năm nay.
Đối với hệ thống các TCTD, tăng trưởng cho vay chậm lại cũng sẽ gây áp lực lên kế hoạch lợi nhuận. Nhiều ngân hàng trong năm 2018 đã ghi dấu ấn lợi nhuận kỷ lục, và tiếp nối sự hưng phấn đã đặt kế hoạch lãi trong năm nay tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nếu như không thể duy trì tăng trưởng tín dụng đủ cao thì con số lợi nhuận tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
Theo thegioitiepthi.vn
Vietcombank: Bứt phá ấn tượng, chinh phục những đỉnh cao mới Kết thúc năm 2018, Vietcombank tiếp tục tạo nên dấu ấn mới - dấu ấn khẳng định vị trí dẫn đầu và tiên phong trên mọi lĩnh vực. TS. Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đã có một số chia sẻ với phóng viên Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng. Hàng triệu khách hàng đã lựa chọn Vietcombank...