Giá cao su có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 7/2019
Giá cao su tại thị trường Nhật Bản đã tăng 5,3% trong tuần này, xác lập mức tăng giá theo tuần cao nhất trong gần 5 tháng trở lại đây do thị trường lo ngại nguồn cung bị sụt giảm.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (6/12), giá cao su giao tháng 5/2020 trên Sàn giao dịch hàng hoá Tokyo (TOCOM) đã giảm nhẹ 1 Yên Nhật xuống mức 197 Yên Nhật (1,81 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá cao su trên sàn TOCOM tăng mạnh lên 199,7 Yên Nhật/kg – mức cao nhất trong vòng 5,5 tháng trở lại đây trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung cao su sẽ bị sụt giảm khi Hội đồng cao su quốc tế ba bên (ITRC) trong ngày 5/12 cho biết đang xem xét các khả năng hạn chế xuất khẩu nhằm duy trì đà tăng của giá cao su. ITRC đại diện cho ba quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới, gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, giá cao su đã giảm xuống dưới áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư.
Trong ngày 4/12, một người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan đã cho biết Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch kéo dài 20 năm trong việc cắt giảm diện tích trồng cao su 21% và tăng giá cao su xuất khẩu lên gấp 3 lần mức giá hiện nay.
Tính chung cả tuần giao dịch này (2-6/12), giá cao su trên sàn TOCOM đã ghi nhận mức tăng 5,3% – mức tăng giá theo tuần cao nhất kể từ giữa tháng 7/2019.
Video đang HOT
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao tháng 5/2020 chốt phiên giao dịch ngày 6/12 tại mức 13.280 NDT (1.887 USD)/tấn, tăng 240 NDT so với phiên giao dịch trước đó. Giá cao su trên sàn SHFE hiện tiệm cận mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 1/2018. Dữ liệu cho thấy dự trữ cao su tại các nhà kho thuộc quyền quản lý của sàn SHFE trong tuần trước đã tăng 11,8%.
Quang Đặng (Tổng hợp)
Theo tapchicongthuong.vn
Giá thép cuộn cán nóng tăng phiên thứ sáu liên tiếp
Giá thép cuộn cán nóng tại thị trường Trung Quốc đã ghi nhận phiên tăng giá thứ sáu liên tiếp trong bối cảnh dự trữ mặt hàng này giảm xuống và triển vọng nhu cầu sử dụng sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/12, giá thép cuộn cán nóng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 0,7% lên mức 3.619 NDT (514,14 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá thép cán nóng tăng mạnh 1,5% lên mức cao nhất kể từ ngày 26/07/2019. Đây là phiên giao dịch thứ sáu liên tiếp ghi nhận sự tăng giá của giá thép cuộn cán nóng.
Giá thép xây dựng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn SHFE chốt phiên giao dịch giảm 0,6% xuống 3.585 NDT/tấn. Bên cạnh đó, do nguồn cung tăng cao, giá thép không gỉ trên sàn SHFE giảm 0,4%; đồng thời, giá nickel (nguyên liệu chính để sản xuất thép không gỉ) cũng đã giảm xuống.
Đà tăng của giá thép cuộn cán nóng chủ yếu do khối lượng dự trữ mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc giảm, đồng thời hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 11/2019 đã tăng lên, giúp cải thiện triển vọng nhu cầu đối với thép cuộn cán nóng. Thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc được sử dụng chủ yếu cho hoạt động sản xuất xe ô tô và chế tạo các thiết bị gia dụng.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Richard Lu từ hãng phân tích thị trường CRU (Trung Quốc) nhận định giá thép (tại Trung Quốc) đang được hỗ trợ bởi dữ liệu tích cực về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 11/2019. Ông Richard Lu cũng dự báo giá thép, đặc biệt là các sản phẩm thép cán, sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Theo dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép SteelHome, tính đến ngày 29/11/2019, lượng dự trữ thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,04 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 18/01/2019.
Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 11/2019 đạt 50,2 điểm - chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2019. Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang được mở rộng. Một số chuyên gia nhận định hoạt động sản xuất tại nước này đang có tốc độ mở rộng mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.
Trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE), giá quặng sắt theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất đã giảm 0,5% trong phiên giao dịch hôm nay, sau hai ngày tăng giá liên tiếp nhờ thông tin tập đoàn Vale SA giảm dự báo sản lượng khai thác trong quý 1/2020. Vale SA hiện là tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 4/12, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay đến Trung Quốc tăng 0,6% lên mức 90 USD/tấn.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích từ hãng phân tích thị trường ING, nguồn cung quặng sắt sẽ trở nên ổn định hơn trong năm 2020. Việc gián đoạn nguồn cung tạm thời, sụt giảm sản lượng khai thác cùng với nhu cầu sử dụng của Trung Quốc ở mức tốt trong năm 2019 đã đẩy giá quặng sắt tăng cao. Trong tháng 7/2019, quặng sắt đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng quặng sắt lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia của hãng ING dự báo nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 sẽ vẫn ở mức tốt và giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2020.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép chính như than luyện cốc và than cốc trên sàn DCE đều đã giảm xuống trong hôm nay với mức giảm lần lượt là 0,1% và 0,2%.
Quang Đặng (Tổng hợp)
Theo Tapchicongthuong.vn
Giá quặng sắt tăng ngày thứ 2 liên tiếp Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đã tăng ngày thứ hai liên tiếp, sau khi dữ liệu cho thấy nhập khẩu quặng sắt từ Brazil của Trung Quốc giảm xuống trong tuần trước. Chốt phiên giao dịch ngày 4/12, giá quặng sắt giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã tăng 1,8% lên mức 662 NDT/tấn,...