Giá cá tra thương phẩm đang ở mức cao
Hiện nay, tại Tiền Giang, giá cá tra thương phẩm đang ở mức cao, khoảng 30.000 đồng/kg, tăng hơn gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, với giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg.
Tuy vậy, ông Sơn cho hay, nguồn cung hiện tại không nhiều bởi trong các năm qua, giá cá tra thấp, người nuôi lỗ nên không ít hộ phải treo ao hoặc chuyển sang mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn. Gia đình ông có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá tra xuất khẩu vẫn cố gắng đeo đuổi nghề. Hiện ông có 2 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 2.000 m2 mặt nước. Trong những ngày tới, sản lượng cá xuất ao của gia đình ông Sơn vào khoảng 200 tấn cá tra thương phẩm.
Giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Sơn đánh giá, nghề nuôi cá da trơn tại Tiền Giang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh khó lường do giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh trong những ngày qua.
Video đang HOT
Chia sẻ ý kiến trên, Chủ tịch xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) Đặng Văn Hận cho biết: “Tình hình nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Trong các năm trước, giá cá tra quá thấp, nông dân lỗ nặng, nhiều hộ phải treo ao hoặc chuyển ngành nghề khác kiếm sống. Hiện nay, tuy giá cá nguyên liệu có tăng nhưng giá thức ăn cũng tăng cao, khoảng từ 10 -20% so với năm trước nên hộ nuôi cá vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn”.
Do vậy, theo ông Hận, để nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển bền vững, các hộ nuôi cá phải liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân có lợi.
Tiền Giang hiện có khoảng 70 ha nuôi cá tra xuất khẩu; trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy, Cái Bè. Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè là địa phương có diện tích mặt nước nuôi cá tra theo quy mô công nghiệp lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Tại xã Hòa Hưng có hàng chục hộ có thâm niên nhiều năm liền nuôi cá tra trên tổng diện tích khoảng 15 ha.
Những năm trước đây, do giá cả bấp bênh, lỗ nhiều nên diện tích nuôi thực tế giảm mạnh. Còn hiện nay, tuy giá cá tra đang được cải thiện nhưng lo ngại đầu ra bấp bênh, nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn tái thả giống cho vụ nuôi mới. Để nghề nuôi cá tra tại Tiền Giang phục hồi một cách bền vững, tạo nguồn nông sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu ổn định cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành với những giải pháp tháo gỡ một cách phù hợp và khả thi.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 1/9/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/7/2020 đối với cá tra, basa của Việt Nam.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo đó, trong 63 doanh nghiệp dự kiến được rà soát ban đầu, DOC đã hủy bỏ rà soát với 28 công ty vì nhiều lý do khác nhau.
Trong số 35 công ty còn lại, DOC lựa chọn Công ty cổ phần Thủy sản Nha Trang (NTSF) và Công ty cổ phần Chế biến hải sản Biển Đông (ESS) để yêu cầu trả lời bản câu hỏi điều tra. Ngoài ra, DOC cũng xác định Công ty cổ phần Trang trại xanh (Green Farms) đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng rẽ.
Cục Phòng vệ thương mại nhận định, kết quả rà soát sơ bộ của DOC cho thấy Công ty NTSF không bán phá giá nên sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá; Công ty ESS chịu mức thuế 3,87 USD/kg do DOC cho rằng công ty không hợp tác đầy đủ với DOC; Công ty Green Farms được hưởng mức thuế 1,94 USD/kg. Các công ty còn lại trong số 35 công ty được rà soát tiếp tục bị áp mức thuế 2,39 USD/kg như các năm trước.
Như vậy, hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ; trong đó, có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Thủy sản Nha Trang....
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 83.159 tấn, tương ứng kim ngạch khoảng 228,79 triệu USD.
Tiếp theo việc ban hành kết luận sơ bộ, DOC thông báo các bên liên quan có thể gửi ý kiến hoặc đề nghị tổ chức phiên điều trần trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng công báo kết luận sơ bộ. Kết luận cuối cùng dự kiến được DOC ban hành trong tháng 1/2022.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, cá tra, basa Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và hàng năm mức thuế áp dụng đều được rà soát lại.
Trong mỗi lần rà soát, Bộ Công Thương đều theo dõi chặt chẽ diễn biến, phối hợp với các bộ, ngành, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngành cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam.
Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Bùi Thị Thơm thăm, kiểm tra các mô hình nông dân làm giàu ở Hà Tĩnh Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, từ hiệu quả mô hình cho thấy nền nông nghiệp tại Hà Tĩnh phát triển có hiệu quả. Chiều 31/3, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có buổi...