Ghét loa phường, đánh ‘bom bẩn’ tổ trưởng dân phố
Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá, nắng mai chưa kịp ló dạng để chào ngày mới, người dân khu phố 5 đã rậm rịch thức dậy nhờ chiếc loa phường…
Bức thư nặc danh đe dọa chủ hai chiếc loa phường
Buổi sáng một ngày đầu tháng 3/2014, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Bé (vợ ông Nguyễn Đăng Tuấn – tổ trưởng tổ dân phố 5, khu vực 1, phường Thuỷ Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đẩy xe bánh mỳ ra quán nhỏ của mình nằm nép bên góc đường. Chợt bà rùng mình, nhảy dựng lên muốn ói vì mùi xú uế nồng nặc cùng cảnh tượng kinh người: Khắp nền quán nhầy nhụa chất thải. Góc quán, lá thư nặc danh nét bút nghệch ngoạc: “Tao cảnh cáo mi, sáng sớm mở loa, nếu còn làm nữa, sẽ có nữa (ý nói sẽ tiếp tục phóng uế – PV) nghe chưa”. Tổ trưởng tổ dân phố “vò đầu bứt tóc” ấm ức kẻ “ đánh bom bẩn” vào nơi gia đình ông kiếm cơm: “Công việc mở loa là để bà con trong khu phố nghe tin tức, đâu phải mình tôi nghe. Tôi làm việc cho địa phương chứ có phải làm việc riêng cho tôi đâu, sao lại đe dọa, rồi đổ phân vào nơi vợ tôi buôn bán?”.
Mang “bom bẩn” tấn công “ông chủ” hai chiếc loa phường
Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá, nắng mai chưa kịp ló dạng để chào ngày mới, người dân khu phố 5 đã rậm rịch thức dậy nhờ chiếc loa phường. Dù phố vẫn tranh tối tranh sáng nhưng nhiều người đã ra đường tập thể dục. Tiếng trò chuyện lao xao. Người ta vừa hít thở không khí trong lành buổi sáng, vừa nghe thông tin phát trên đài rồi bàn tán, bình luận. Thông tin kinh tế, chính trị… địa phương được cập nhật thường xuyên nên bà con thấy rất tiện lợi. Hi hữu, có sáng ông tổ trưởng cắm phích chiếc loa muộn một chút là bà con thấy vắng, hỏi thăm liền. Ấy vậy mà không biết kẻ nào tỏ ra khó chịu với cái loa của phường đến nỗi có hành động “bẩn” đến vậy.
Bà Nguyễn Thị Bé vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảm giác “rùng rợn” lúc đó: “Quán bánh mỳ nhỏ nơi góc đường ấy là “nồi cơm” của gia đình, chứ lương tổ trưởng dân phố của chồng tôi đáng là bao? Vậy nên dù mưa dù nắng, tôi đều đẩy xe bánh ra quán từ sớm, kịp bán cho khách quen trước lúc họ đi làm đi học. Hôm đó đẩy xe bánh mì ra, mới gần đến thôi tôi đã ngửi thấy một mùi hôi tanh tưởi bốc ra từ quán. Nghĩ là do chó mèo ban đêm vào phóng uế, tôi vội vã vào để dọn đi, thì rùng mình nhận ra trên sàn quán nhớp nháp chất thải”.
Trong lúc vẫn còn đứng như “trời trồng”, người dân chạy thể dục ngang qua dù phải bịt mũi vì mùi hôi và cảnh tượng xú uế, nhưng bất bình trước hiện tượng “kỳ quái”, cũng dừng lại trợ giúp người phụ nữ khốn khổ. Lúc này họ mới phát hiện bức thư nặc danh để ở góc khuất trong quán. Hành động bỉ ổi của thủ phạm giấu mặt nào đó bị người dân khu phố lên án. Công an và chính quyền địa địa phương cũng đã có cuộc họp với người dân trong tổ để “răn đe, cảnh cáo”, nếu thủ phạm còn lặp lại hành vi xấu thêm một lần nữa, tất sẽ bị điều tra ra và phải chịu trách nhiệm.
Nhắc lại sự việc “kinh hoàng” từng làm “chấn động” cả khu phố nhỏ, bà Bé cho biết: “Họ khuấy chất thải trong nước, sau đó mới đổ khắp quán. Sàn quán là nền đất nên nước bẩn thấm sâu xuống đất, không cách gì lau quét sạch được”. Sáng hôm đó, bà phải dẹp tiệm bánh mì để lau dọn quán, nhưng không cách gì khử được mùi hôi. “Tôi liên tục dùng nước comfo xả áo quần dội lên sàn, nhưng đến chiều vẫn không hết mùi”, bà Bé cho biết. Cũng vì bị kẻ giấu mặt chơi xấu, công việc buôn bán của gia đình bà Bé bỗng dưng lâm cảnh lao đao. Dù sự việc trôi qua một thời gian, nhưng xe bánh mì của bà vẫn ế ẩm. “Có lẽ người ta vẫn còn ngại nên không dám mua”, bà Bé thở dài khi nghĩ đến xe bánh mì, cần câu cơm của cả gia đình đang bị đe dọa.
Chồng bà Bé làm tổ trưởng tổ dân phố, lương bổng chẳng nhiều nhặn gì, xe bánh mì là kế sinh nhai của gia đình. Tiền lo hai con ăn học cũng từ xe bánh mì mà ra. “Mỗi sáng đẩy xe bánh mì ra quán, tôi lại thấy hồi hộp. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ kẻ xấu tiếp tục “đánh bom” quán mình. Nếu bị “chơi xấu” lần nữa, chắc tui bỏ nghề vì cả nhà không còn ai ăn nổi bánh mì thay cơm”. Bà Bé nói lên nỗi lo lắng trong lòng, không quên cười mà như mếu: “Mấy hôm nay xe bánh mì bán ế. Gia đình tui ăn riết đến độ, người cũng giống ổ bánh mì mất rồi”.
Video đang HOT
Ông Tuấn vò đầu bứt tai, khổ sở không hiểu nổi “ai đó” lại có hành vi như vậy. Ông cho biết, trong thời gian qua, ông làm tổ trưởng tổ dân phố. Quá trình công tác, ông được giao nhiệm vụ mở đài phát thanh để cập nhật thông tin cho bà con trên địa bàn. Cũng vì đảm nhiệm công việc mở đài nên hệ thống loa truyền thanh được đặt ở nhà ông. Ông cũng phân trần, “có lẽ người ta thấy mở đài vào buổi sáng ồn ào không ngủ được mới làm vậy. Nhưng nếu nói là ồn ào, thì nhà tôi là ồn nhất, vì hệ thống loa đặt ở hai bên mái nhà của tôi. Hơn nữa 5h cũng sáng bảnh mắt rồi”.
Nỗi niềm người mở loa phường
Từ ngày nhận được bức thư nặc danh, tuy vụ việc chưa nghiêm trọng nhưng ông Tuấn cũng e dè hơn trong việc mở đài. Thay vì mở đài vào 5h như thường lệ, thì nay 5h30 ông Tuấn mới “dám” mở. “Ở đây, buổi sáng rất nhiều người trở dậy tập thể dục. Hễ sáng nào tôi quên mở đài, họ lại nhắc, “sao hôm nay chú Tuấn không mở đài để mọi người nghe tin tức”. Nói thật, vừa chạy thể dục, vừa nghe tin tức buổi sáng, rất tiện. Bởi ai cũng bận bịu mưu sinh, ít người có thời gian để ngồi xem vô tuyến”, ông Tuấn nói. Ông còn cho biết, hệ thống loa truyền thanh của phường do để ngoài mưa nắng lâu ngày, nên đôi khi cũng “chập cheng”. Để thông tin đưa đến người dân tốt nhất, ông Tuấn phải trèo lên tự sửa chữa lấy.
Hệ thống đài ở phường được phát tự động vào 3 lần. Sáng: 5h00 – 6h00, trưa 11h00 – 12h00, chiều 17h00 – 18h00. Thấy phát tự động, chất lượng âm thanh kém, ông Tuấn lại bỏ tiền túi ra mua một chiếc đài rồi tự mở, tự cắm micro vào để bà con trong khu vực nghe được âm thanh tốt nhất. “Buổi sáng tôi dậy ngồi rà đài. Phải rà tới rà lui, đến đúng tần sóng rõ nhất mới cắm micro vào cho bà con nghe”. Nhận thấy vào buổi trưa và chiều, không khí ồn ào, nhộn nhịp, người dân chủ yếu sum họp gia đình, xem vô tuyến nên cũng ít người chú tâm nghe đài nên ông Tuấn chỉ mở đài vào cữ sáng. “Đài thành phố và đài tỉnh chỉ phát tin tức vào buổi sáng, chứ buổi trưa và buổi chiều phát ca nhạc là chủ yếu nên không cần mở cũng được”, ông Tuấn cho biết.
Một người dân trong phường cho hay, sau khi sự việc nhà ông Tuấn nhận thư nặc danh, mọi người trong khu vực bàn tán xôn xao, ai cũng lên án kẻ “đánh bom bẩn” là thiếu văn hóa. “Người ta lên án dữ dội lắm, nếu nó (chỉ chủ nhân bức thư nặc danh) nghe được chắc cũng điên đầu”, người này còn nói thêm, “Buổi sáng dậy sớm, vừa uống trà, vừa nghe tin tức rất tiện”.
Khi PV đến tìm hiểu sự việc, hỏi thăm từng nhà, mọi người đều cho biết, việc mở đài ở phường hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của họ. “Nếu có ảnh hưởng thì gia đình tôi mới ảnh hưởng nhất. Nói phát loa ồn ào, thì gia đình tôi cũng ồn nhất, vì loa đặt trên mái nhà tôi. Còn nếu ảnh hưởng đến cuộc sống, thì tôi mới ảnh hưởng nhất. Vào những sáng rét mướt, trong lúc mọi người quấn mình trong chăn, nằm thảnh thơi nghe đài, tôi phải lò mò trở dậy, mở đài để mọi người được nghe. Nếu tôi không nghĩ đến bà con, cứ để đài phát tự nhiên cả ba cữ, với âm thanh nhão nhẹt, thì chắc bà con còn mệt gấp trăm lần”, ông Tuấn bức xúc nói.
Theo ông Nguyễn An Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuỷ Xuân: “Hiện nay tôi đã chỉ đạo bên phía công an phường triển khai rà soát tìm kiếm kẻ khả nghi”. Công an phường Thủy Xuân cũng cho biết, song song, triển khai giáo dục trong dân, phía công an cũng đã phối hợp tổ chức họp dân, đưa vấn đề ra trước cuộc họp để giáo dục, răn đe.
Theo Xahoi
Cờ thủ vác dao đi 'hòa giải' sau ván cờ tướng
"Bị cáo nghĩ gì khi rút dao đâm anh Ngọc?", "Khi thấy người nhà anh Ngọc chạy đến can ngăn, bị cáo tưởng nhầm mình sắp bị đánh "hội đồng" nên rút dao ra quơ quơ..."
"Cờ thủ" mất trật tự 3 lần bị đánh đập nên ấm ức "mang dao đi hòa giải" (Ảnh minh họa)
"Quá tam ba bận"
Một ngày giữa tháng 3/2014, tiết trời buổi sáng âm u càng khiến cho phiên tòa xét xử vụ án " giết người" ở trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế thêm phần lạnh lẽo. Gia đình phía bị hại rước di ảnh nạn nhân đến tòa, khăn tang áo trắng toát cả một góc phòng. Dù người thân đã mất hơn nửa năm, nhưng nỗi đau đớn vẫn hiện rõ trên từng khuôn mặt. Phía gia đình bị cáo, bốn đứa trẻ lít nhít, trong đồng phục học sinh ngồi nép vào mẹ ở hàng ghế thân nhân bị cáo. Những gương mặt ngây thơ lọt thỏm ngơ ngác giữa khán phòng ken kín người dự khán.
Bị cáo là Phan Văn Đi (SN 1978, ngụ khu định cư Phú Hiệp, phường Phú Hiệp, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sinh ra trong gia đình đông anh em, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc nhỏ, Đi sống với chị gái; học hết lớp năm đã phải ra đời kiếm sống bằng nghề phụ xe tải. Được 5 năm, Đi chuyển qua nghề tài xế chạy tuyến Huế - Lao Bảo. Năm 2000, Đi lập gia đình và có 4 con gái, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong lúc Phan Văn Đi đang chơi cờ với anh Lê Văn Nguyên (SN 1979, ở cùng khu định cư) và tranh cãi về một nước cờ thì Hồ Văn Ngọc (SN 1982, ngụ Lô A25 cùng khu định cư) đến vô cớ sừng sộ nói: "Bây đừng đánh cờ nữa, ồn ào quá". Vì Đi đưa mắt nhìn nên Ngọc "dọa": "Mi nhìn tau thì tau ném bàn cờ". Khi Đi trả lời: "Mi làm chi dữ rứa", Ngọc liền xông vào đánh Đi nhưng anh này đỡ được. Mọi người can ngăn, Đi bỏ về nhưng nửa chừng thì quay trở lại quán xem phim.
Thấy Đi ngồi xem phim trong quán, Ngọc tiếp tục đến đánh Đi nhưng lại được mọi người can. Lần thứ hai Đi bỏ về. Một lúc, Đi lại quay trở lại quán cùng một con dao giấu trong túi quần. Ngồi trong quán chừng vài phút thì Ngọc đến tiếp tục nắm cổ áo và dùng tay đánh. Quá trình xô xát, Đi dùng con dao để trong túi đâm vào ngực Ngọc một nhát rồi rút dao bỏ chạy về nhà. Thủ phạm điện báo cho công an và mang con dao đến công an phường tự thú. Kết luận giám định pháp y, nạn nhân tử vong vì sốc mất máu do vết thương ngực hở.
Dáng người ốm yếu, đứng ủ rũ nơi vành móng ngựa, bị cáo khai trước tòa rằng, trước nay bị cáo và nạn nhân vốn không hề có xích mích. Bị cáo vẫn thường đến quán cà phê gần nhà chơi cờ và xem phim. Hôm xảy ra án mạng, cả hai lần bị đánh, bị cáo đều nhịn, không đánh trả và bỏ về, đến lần thứ ba, nạn nhân vẫn tiếp tục đến gây sự, bị cáo không kiềm chế được mới xảy ra việc đáng tiếc.
"Vì sao liên tục bị đánh mà vẫn quay lại quán?". "Dạ xưa nay bị cáo chưa hề gây gổ với ai. Giờ xảy ra xô xát bị cáo thấy xấu hổ với bản thân và gia đình. Bị cáo sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn và tình nghĩa xóm giềng nên quay lại để giảng hòa", bị cáo trả lời, giọng run run. "Vì sao đi giảng hòa lại mang theo dao?". "Bị cáo mang theo dao chỉ có ý định tự vệ, nếu tiếp tục bị đánh sẽ mang ra "dọa" để "giải vây", không ngờ lỡ tay giết người". Chủ tọa lắc đầu, bác bỏ lời biện minh của bị cáo: "Không ai lại mang dao đi giảng hòa cả".
"Bị cáo nghĩ gì khi rút dao đâm anh Ngọc?". Bị cáo Đi lại đáp lí nhí: "Khi thấy người nhà anh Ngọc chạy đến can ngăn, bị cáo tưởng nhầm mình sắp bị đánh "hội đồng" nên rút dao ra quơ quơ hòng thoát thân".
Ông Ngô Hùng, anh rể bị hại cho biết, trước khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, ông là người đã chạy đến để can ngăn. "Trong hai lần xô xát trước, tui cũng đã ra can. Lần thứ ba này tui cũng chạy ra, dự định là để can ngăn như lần trước chứ không phải chạy đến để vào hùa đánh hội đồng như anh Đi lầm tưởng".
Trong khi Đi can tội giết người, phải đứng trước vành móng ngựa, thì người ngồi chơi cờ với Đi là Lê Văn Nguyên lại ngồi ghế nhân chứng. Anh Nguyên cho biết:"Nghe nạn nhân nói chơi cờ ồn ào quá, nên tôi bảo ồn ào thì không chơi nữa và bỏ về nhà, sự việc sau đó thế nào, tôi hoàn toàn không biết". Câu trả lời của anh Nguyên khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa ra chiều tán thưởng: "Giá như bị cáo biết nhẫn nhịn hơn chút nữa thì đâu có những thảm cảnh như hôm nay". Người khác lại thở dài: "Giá như bị hại cũng đừng "anh chị" như thế, thì đâu đến nỗi mất mạng, để người thân phải chịu bao mất mát đau khổ".
Ván cờ oan nghiệt
Giờ nghị án, bị cáo Đi được đưa vào phòng cách ly. Tuy nhiên, cảnh sát làm nhiệm vụ đồng ý cho người thân của bị cáo được vào gặp. Họ vội vã len qua đám đông. Trong khi người vợ run run dắt 3 đứa con đến bên chồng thì một người thân hối hả đi tìm đứa còn lại. Vài phút sau, người này đẩy đứa trẻ về phía bố, nói gấp gáp "nhanh nhanh vào gặp bố kẻo hết giờ con ơi". Dù được chuyện trò nhưng cả gia đình gồm 6 người chả thiết nói gì, chỉ ôm nhau khóc. Đứa nhỏ nhất ngồi lọt thỏm trong lòng bố, hai mắt đỏ hoe, tay mân mê đôi bàn tay xương xẩu của bố giờ đã bị chiếc còng lạnh ngắt khóa chặt. Người bố mặt mày hốc hác, nước mắt nhạt nhòa, tranh thủ thời gian ít ỏi để ôm từng đứa con vào lòng. Những lời dặn dò của người cha can tội giết người chìm trong dòng nước mắt. Nhìn cảnh ấy, nhiều người cảm thấy ngậm ngùi.
Chị gái Đi cho biết, em trai mình là lao động chính trong gia đình gồm sáu người. Kinh tế cũng thuộc diện khó khăn. Con đông, lại còn nhỏ nên vợ Đi trước nay chỉ ở nhà chăm con. Từ ngày chồng bị bắt, người phụ nữ tội nghiệp vừa chăm con, vừa ra ngoài bươn chải kiếm sống. "Thằng Đi ở trong trại nhưng biết vợ nó không có tiền, nên nhờ anh em trong gia đình giúp đỡ để bồi thường cho người ta. Vợ chú ấy gom góp tất cả cũng chỉ được 2 triệu đồng, tui cho mượn thêm 13 triệu nữa rồi mang sang bồi thường cho nhà người ta. Mạng người là quan trọng, bao nhiêu tiền cũng không đền bù nổi. Nhưng mình nghèo quá, nên cũng chả có nhiều để đưa nhà bên ấy". Chị gái Đi thở dài, mắt ươn ướt; "Giờ chú ấy đi tù, vợ con ở nhà nheo nhóc, chẳng biết nương tựa vào ai".
Tòa tuyên phạt bị cáo 15 năm tù giam. Được nói lời sau cùng, bị cáo run lật bật, một tay nắm chặt vành móng ngựa, tay còn lại đưa lên quệt nước mắt. Giọng rời rạc bị cáo nói trong nghẹn ngào: "Mong pháp luật khoan dung, xử cho mức án nhẹ, để bị cáo sớm trở về với gia đình. Bị cáo có đàn con nhỏ, giờ đi tù, không biết vợ con phải sống làm răng...".
Phiên tòa kết thúc. Chiếc "xe tù" đã mất bóng sau ngã rẽ đầu tiên, trong dòng người xuôi ngược. Vậy nhưng người thân của hai bên bị cáo và bị hại vẫn còn đứng lại chưa chịu về. Chị gái nạn nhân mặt hằm hằm: "Bao nhiêu năm tù cũng chỉ là ở tù, phải tử hình tui mới cam tâm. Chứ em tui chết oan uổng quá". Đứa con trai nạn nhân mới mười tuổi, mặc áo tang, đầu chít khăn tang, hai tay bưng di ảnh cha đứng nép ở góc tường trong khi người lớn "hội ý" để đưa đơn kháng cáo. Những cơn gió lạnh lẽo quét qua khiến mặt đứa nhỏ thêm tím tái. Phía bên kia sân tòa, vợ bị cáo khóc ngất khi nghe bản án của chồng. Những người thân trong gia đình vây quanh, dìu chị ra khỏi tòa, bốn đứa con ngơ ngác, lếch thếch theo sau.
Quả là bài học xương máu trong ứng xử hằng ngày. Mọi mâu thuẫn, dù lớn hay nhỏ, giải quyết bằng bạo lực đều là không hay.
Theo Xahoi
Say rượu chở vợ làm rơi giữa đường, vợ ngã chết mà không biết Chở vợ trong tình trạng say rượu, Nguyễn Văn Hoàng làm rơi vợ giữa đường khiến chị Nguyễn Thị Bé chết tại chỗ. Vì say rượu nên dù vợ ngã chết Hoàng cũng không biết. (Ảnh minh họa) Chiều 21/3, sau khi nhậu cùng nhóm bạn, Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1967), trú ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh, Bình Phước)...