Ghép thận để thực hiện thiên chức làm mẹ
Khi kể về cô con gái 3 tuổi đáng yêu của mình, chị N.T.H., 26 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc. Với một người bị suy thận giai đoạn cuối và đã ghép thận như chị, những tưởng việc có con là không thể. Nhưng nhờ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, giờ chị đã đón trái ngọt tình yêu đời mình…
Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép thận
Hồi sinh
Chị N.T.H. được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai từ nguồn thận của mẹ ruột cho. Trước đó, chị bị suy thận giai đoạn II và chuyển sang suy thận giai đoạn cuối một năm sau đó. Hơn 3 năm sau khi ghép thận, chị xây dựng gia đình và mong muốn thực hiện thiên chức làm mẹ.
Khi chia sẻ mong muốn này, chị H. được các bác sĩ tư vấn về những nguy cơ chị sẽ gặp phải nếu mang thai, đồng thời chị được đổi phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch. “Có những thuốc ức chế miễn dịch chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai. Nên sau khi tôi được chuyển phác đồ, tình trạng chức năng thận ổn định, lúc đó các bác sĩ mới tư vấn tôi có thể mang thai” – chị H. kể.
Trong suốt thời gian mang thai, chị H. được các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu và Khoa sản của Bệnh viện Bạch Mai theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Các bác sĩ Khoa sản theo dõi về diễn biến sản khoa, còn bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để phát hiện những vấn đề bất thường về thận sau ghép để kịp thời xử trí.
Sau 9 tháng 10 ngày cùng các bác sĩ đồng hành, giúp đỡ, chị N. đã hạ sinh một cô bé xinh đẹp, khỏe mạnh nặng 2,5 kg. Giờ bé đã nói bi bô. Chị N. xúc động nói, cuộc đời chị như được sinh ra lần thứ 2 khi sức khỏe của bản thân ngày càng ổn định, cô con gái xinh đẹp khỏe mạnh lúc nào cũng quấn quýt gần bên làm cho cuộc sống của vợ chồng chị thêm hạnh phúc, ý nghĩa…
Với những người phụ nữ khác, việc lấy chồng rồi thực hiện thiên chức làm mẹ là quá đỗi bình thường. Nhưng với những phụ nữ suy thận và phải ghép thận, việc mang thai và sinh con là cả một hành trình đầy khó khăn và nguy hiểm.
Video đang HOT
Giúp người bệnh thực hiện thiên chức làm mẹ
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển – Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để một bệnh nhân nữ sau ghép thận có thể có con an toàn là cả một quá trình theo dõi, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ Sản khoa và bác sĩ Thận học, Ghép thận và khoa Sơ sinh, đồng thời cũng yêu cầu sản phụ có sự tuân thủ tốt các y lệnh điều trị.
Có thể nói, trong suốt quá trình bệnh nhân ghép thận mang thai, các bác sĩ lúc nào cũng lo lắng khôn nguôi và theo sát họ từng giây, từng phút. Chỉ đến khi các bệnh nhân mẹ tròn con vuông, những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, không bị dị tật, người mẹ ổn định sức khỏe, khi ấy những người thầy thuốc mới tạm thở phào…
Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ một bệnh nhân ngoài 30 tuổi, quê ở Yên Bái được ghép từ nguồn thận của mẹ ruột. Sau ghép, chị này bị thải ghép và điều trị chống thải ghép nhưng không hiệu quả, sau đó chị mắc thêm bệnh viêm phổi.
Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu đã theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của chị. Gần 3 năm sau các chỉ số sinh học sau ghép của bệnh nhân này mới dần ổn định. Rồi chị có nguyện vọng sinh con vì đã lập gia đình gần 5 năm. Do nguyện vọng của chị quá tha thiết, ê kíp các bác sĩ của bệnh viện đã giúp bệnh nhân được toại nguyện mong muốn làm mẹ.
Suốt thời gian chị mang thai, diễn biến thai phụ ổn định và không phát hiện dị tật ở thai. Tuy nhiên, đến tuần 37 thì chức năng thận lên nhanh, phù, huyết áp dao động nhiều, đe dọa sản giật. Do vậy các bác sĩ đã chấm dứt thai kỳ và mổ bắt thai giúp “mẹ tròn con vuông”. Đứa bé ra đời là một bé trai nặng 1,8 kg. Hiện bé đã gần 4 tuổi, khỏe mạnh…
PGS. Tuyển chia sẻ, đa phần bệnh nhân ghép thận sinh con đều nằm trong lứa tuổi sinh đẻ. Có những bệnh nhân trước đó rất mong muốn có con, nhưng vì họ bị suy thận nên cơ hội có con hết sức khó khăn. “Vì họ bị suy thận mạn, bị rối loạn nội tiết nên rất ít khả năng thụ thai. Khi có thai rồi thì việc giữ được thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày trên nền bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ có nhiều biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu… lại càng khó khăn gấp bội. Chính vì vậy, việc những nữ bệnh nhân suy thận mong muốn có thai thì việc lựa chọn ghép thận là phù hợp. Họ ghép thận với 2 mục tiêu: Mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cơ hội có con” – PGS. Tuyển phân tích.
“Trước đây, nhiều người lo ngại cho rằng bệnh nhân sau ghép thận sẽ khó có thể sinh con. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn của các thầy thuốc cộng với kỹ thuật y khoa hiện đại đã mở ra nhiều hy vọng cho những nữ bệnh nhân ghép thận, và họ hoàn toàn tự tin để thực hiện được thiên chức làm mẹ…” – PGS. Tuyển cho nói.
Được biết, hầu hết những bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đều có nguồn cho từ người cùng huyết thống (bố, mẹ, anh, chị, em ruột…). Sau khi ghép, các bệnh nhân đều khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Hiện nay, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 2 ca ghép thận. Chỉ tính từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2018, bệnh viện đã thực hiện 90 ca ghép cho các bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối. Trong số đó có 5 nữ bệnh nhân sau ghép thận đã sinh con khỏe mạnh…
THẠCH HƯƠNG
Theo thegioitiepthi
Gia tăng các bệnh lý về mắt gây mù loà hàng đầu
Các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, giác mạc chóp, bệnh lý lỗ hoàng điểm... đang ngày càng gia tăng. Đây là những bệnh lý gây giảm thị lực, mất thị lực và mù lòa hàng đầu nếu không điều trị kịp thời.
Các bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực và sự độc lập trong cuộc sống, tạo nên gánh nặng cho xã hội. Thông tin trên được Bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND đưa ra tại Hội thảo "Những ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao về nhãn khoa trên thế giới và tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND".
Chia sẻ về bệnh giác mạc chóp, Thạc sỹ-bác sỹ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết: Bệnh chóp giác mạc là bệnh lý nguy hiểm gây mất thị lực không thể phục hồi. Bệnh lý giác mạc chóp có thể gặp ở nhiều độ tuổi, đa phần ở giới trẻ, xuất hiện khi liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường.
Giác mạc chóp tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh, chỉnh kính không đạt thị lực tối đa, hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực trầm trọng, không cải thiện kể cả khi chỉnh kính, nặng hơn dẫn tới đục/sẹo giác mạc. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng phương pháp ghép giác mạc để lấy lại một phần thị lực.
"Là bệnh lý nguy hiểm, nhưng giác mạc chóp rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực. Nguyên nhân vì trước đây, giác mạc chóp được chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán cũ trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ cũ.
Với máy móc hiện đại có thể phát hiện bệnh lý chóp giác mạc khi ở giai đoạn sớm (ảnh V.G)
Theo tiêu chuẩn này, máy chụp vùng trung tâm giác mạc với đường kính khảo sát nhỏ, nên chỉ có thể đánh giá được mặt trước của giác mạc. Vì vậy, giác mạc chóp được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có sự thay đổi rõ ràng về hình dạng giác mạc", bác sỹ Hà cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay theo tiêu chuẩn chẩn đoán trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ mới có thể chụp toàn bộ 360 độ của giác mạc, giúp đánh giá được đầy đủ hình thể, thông số mặt trước, mặt sau của giác mạc, tính toán chính xác các chỉ số về quá trình thay đổi của giác mạc, cho ra cơ sở dữ liệu đầy đủ và chi tiết.
Đồng thời, kết hợp với việc theo dõi các chỉ số về độ vững bền sinh học của giác mạc trên máy sẽ giúp bác sĩ đánh giá toàn diện chất lượng giác mạc, kiểm soát được những biến đổi sớm và bất thường trên bề mặt giác mạc của bệnh nhân khi chưa có biểu hiệu lâm sàng. Từ đó kịp thời điều trị, giữ thị lực tối đa cho bệnh nhân, bác sỹ Hà chia sẻ.
Đối với bệnh đục thủy tinh thể-căn bệnh hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam và trên thế giới. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có loại thuốc nào ngăn chặn hoặc đảo ngược được quá trình đục thuỷ tinh thể. Phương pháp điều trị dứt điểm, giúp cải thiện thị lực tiên tiến nhất hiện nay là phương pháp phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể.
Với phương pháp điều trị tiến dần tới đưa một phần màng ngăn trong vào lỗ hoàng điểm để vá vết rách, cải thiện về mặt giải phẫu và chức năng của mắt. Tỉ lệ thành công của phương pháp này vào khoảng 60%-80%. Phương pháp mới được ứng dụng là điều trị lỗ hoàng điểm bằng cách đảo vạt màng ngăn trong, tỉ lệ thành công lên đến 95%-100%.
Cùng đó, điều trị lỗ hoàng điểm được thực hiện trên máy cắt dịch kính và máy sinh hiển vi phẫu thuật. Hệ thống máy này có tác dụng lớn trong việc điều trị, giúp cắt lớp màng võng mạc, đánh giá độ rộng của vết rách, theo dõi chiều rộng màng ngăn trong khi đảo vạt vào trong vết rách...giúp phẫu thuật điều trị lỗ hoàng điểm trở nên chính xác, hiệu quả và giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng chia sẻ.
T. An
Theo phapluatxahoi
Những ca ghép để đời - Kỳ 1: Ghép tử cung để sinh con Một cuộc 'cách mạng thầm lặng' đang diễn ra trong lĩnh vực ghép bộ phận cơ thể, trong đó có ghép tử cung để sinh con. Sản phụ Meenakshi Valand và các chuyên gia ghép tử cung Ấn Độ tại Bệnh viện Galaxy Care - Ảnh: Hindustan Times Trước đây giới y học chú trọng ghép nội tạng để cứu mạng người. Còn...