Ghen
Sau một hồi gây gổ ầm ĩ, em quăng ra câu quen thuộc: “Nếu anh còn lưu luyến cô ta thì ở với tôi làm gì? Mình ly hôn quách đi!”. Và trước ánh mắt sửng sốt của em, anh trả lời một câu nhẹ nhàng: “Ừ, ly hôn đi!”.
Chắc em ngạc nhiên lắm, chắc em tưởng lần này anh cũng sẽ như mọi khi, sẽ xuống nước, sẽ năn nỉ, sẽ giải thích… để mong làm hòa với em? Nhưng không, lần này sức chịu đựng của anh trước cái trò ghen tuông vớ vẩn của em đã tới hạn…
Lúc tụi mình lấy nhau, ai cũng nói là em có phần thiệt thòi. Đúng thật, anh lấy em khi đã bước vào tuổi băm, lại đã một lần đổ vỡ chuyện gia đình. Còn em là một cô gái vừa tốt nghiệp đại học, thua anh tới 10 tuổi. Biết vậy, nên anh cưng chiều, anh nhường nhịn em, bù đắp phần nào thiệt thòi cho em khi phải gặp “hàng second hand” là anh. Tuy nhiên, dẫu “tốt nhịn” đến đâu, anh cũng chịu không xiết cái kiểu ghen tuông của em.
Thật kỳ lạ, bạn bè, đồng nghiệp nữ của anh, em không bao giờ ghen. Em chỉ ghen với một người duy nhất: vợ cũ của anh. Anh chia tay vợ cũ trước khi đến với em ba năm. Nguyên nhân do vợ cũ của anh cho rằng anh và cô ấy không hợp, khăng khăng đòi đường ai nấy đi. Thật lòng, lúc ấy anh còn yêu vợ cũ nhiều lắm nên tìm mọi cách níu kéo, thậm chí nhiều lần anh không có mặt khi tòa triệu tập, nhằm mục đích kéo dài thủ tục ly hôn. Chẳng biết em nghe ai kể lại chuyện này, nên cứ nghĩ anh còn nặng tình với người cũ, rồi ghen lồng ghen lộn. Em cho rằng anh không yêu em, cho rằng mình chỉ là kẻ thế thân. Từ suy nghĩ sai lệch đó, em hành hạ anh và tự hành hạ cả bản thân mình…
Anh có một ngăn tủ trong phòng, nơi anh đựng tất cả những kỷ vật trong đời mình, từ cái thiệp, từ lá thư thời học trò đến tập album, tấm thiệp cưới… Một ngày nọ, lúc anh đi làm, em lẳng lặng gom hết tất cả đồ trong tủ của anh đem… đốt. Anh phát hiện thì em trả lời gọn: “Cho anh mau quên cô ta”.
Bộ salon trong nhà còn mới tinh, nhưng em khăng khăng đòi đổi bộ mới. Anh không chịu, hai đứa mình cãi nhau mãi vì chuyện đó. Rồi một ngày đẹp trời, em lại lén anh bán salon. Sau này, anh gặng hỏi mãi em mới thú thật: “Salon do cô ta mua nên em ghét”. Rồi cũng vì lý do đó, nhiều món đồ trong nhà do vợ cũ của anh mua – dù còn tốt – cũng lần lượt ra đi. Thậm chí em còn thay đổi cách trang trí, cách sắp xếp đồ vật trong nhà, chỉ vì: “Em muốn không còn hình bóng của cô ta trong nhà”.
Dẫu đã ly hôn, nhưng anh với vợ cũ vẫn là bạn, thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện, hỏi thăm nhau. Từ ngày lấy em, mối liên lạc đó cũng dứt hẳn. Mỗi lần thấy anh liên lạc với vợ cũ là em “làm dữ” một cách khủng khiếp. Anh vẫn nhớ cảnh mắt em long lên sòng sọc, môi mím chặt, miệng hằm hè những lời ghen tuông vô cớ.
Sợ anh liên lạc với vợ cũ, em thường xuyên lén kiểm tra điện thoại của anh. Thậm chí, em còn tìm cách kiểm tra hộp email. Phát hiện, anh phải đổi mật khẩu email, cài mật mã bảo vệ cho điện thoại, em lại làm ầm ĩ, vì cho rằng: “Nếu anh trong sạch, thì sao phải giấu”. Chuyện chẳng có gì, vậy mà hai vợ chồng mất lòng tinvới nhau.
Video đang HOT
Lúc anh đồng ý chuyện ly hôn, em gào lên: “Vậy là anh thừa nhận rồi. Anh ly hôn tôi để quay lại với cô ta , đúng không?”. Sao đến tận giây phút cuối cùng, em vẫn không chịu hiểu, rằng anh ly hôn chỉ vì hình ảnh em trong lòng anh đã sụp đổ, rằng thói ghen tuông vô lý của em đã giết chết cuộc hôn nhân của chúng mình?
Theo VNE
Em gái lớp 9 đua đòi, lười học, phải làm gì?
Mới lớp 9 mà em gái tôi đã tò mò nhiều thứ như: Internet, chát chít và lén lút dùng điện thoại. Gia đình tôi tỏ ra không đồng ý thì em lại càng lén lút sử dụng (vì xuống trường hầu như bạn bè đều như thế).
Em gái tôi đang học lớp 9. Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải thường xuyên đi làm xa, còn tôi đi học xa nhà không có nhiều thời gian chăm nom dạy bảo em.
Thỉnh thoảng có thời gian rảnh tôi vẫn về kèm cặp em gái, nó có vẻ nghe lời. Nhưng hiện tại do quá trình tiếp xúc với bạn bè và xu hướng thời đại, em tôi ngày càng lì lợm và không nghe lời nữa. Mới lớp 9 mà nó đã tò mò nhiều thứ như: Internet, chát chít và lén lút dùng điện thoại. Khi gia đình tôi tỏ ra không đồng ý thì em càng lén lút sử dụng (vì đến trường hầu như bạn bè nó đều như thế).
Tôi rất lo lắng về kết quả học tập và thi cử trước mắt của em. Hơn nữa cả về vấn đề ý thức, đạo đức của em gái, nhưng có vẻ khó dạy bảo nó được. Tôi mong nhận được lời khuyên cũng như tư vấn của chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn! - ( Hường Kym).
Ảnh minh họa: Fox.
Trả lời:
Chào Hường Kym,
Đầu tiên tôi rất đồng cảm với hoàn cảnh của bạn. Tôi nhận thấy rằng, những thắc mắc, trăn trở của bạn về em gái cũng là một trong những trăn trở lớn nhất của các bậc phụ huynh có con cái trong độ tuổi dậy thì hay tuổi thiếu niên. Điều đó cho thấy sự phức tạp ở những biểu hiện hành vi ứng xử của trẻ ở độ tuổi, cũng như làm sao để tìm ra phương pháp hữu hiệu giáo dục các em.
Thường khi vào giai đoạn thiếu niên thì có sự thay đổi rất lớn trong mối quan hệ giữa trẻ với người lớn, nhất là những người trong gia đình. Và đây chính là nguyên nhân gây ra hầu hết các mâu thuẫn trong hành vi ứng xử của trẻ làm cho người lớn cảm thấy mệt mỏi. Theo những gì bạn chia sẻ, tôi cho rằng có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi trong hành vi ứng xử của em gái bạn như sau:
Thứ nhất là sự thay đổi tâm sinh lý
Em gái của bạn đang trong độ tuổi dậy thì. Giai đoạn này bắt đầu từ 11 đến 12 tuổi, đánh dấu bằng việc xuất hiện kinh nguyệt ở nữ giới. Thời kỳ này, con người có nhiều thay đổi tâm sinh lý quan trọng dẫn đến những thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi. Có rất nhiều cách biểu hiện khác nhau, song tựu trung lại có hai yếu tố tâm lý bạn nên để ý, đó là cảm thức trưởng thành và nguyện vọng độc lập muốn tách khỏi sự kiểm soát của người lớn của trẻ.
Khi những thay đổi về tâm sinh lý xuất hiện, đặc biệt là sự phát triển về sinh lý làm cho em gái của bạn nghĩ rằng mình đã là người lớn, có thể làm những điều như người lớn, có thể làm những gì mình muốn, không thích bị áp đặt, chỉ bảo, dạy đời. Em ấy có "cái tôi" riêng hay nói cách khác em gái bạn đã có quan điểm sống riêng và cho rằng mình quyền làm mọi thứ theo ý muốn cá nhân, không cần theo ai, không muốn bị áp đặt. Em ấy muốn mọi người phải tôn trọng nhưng do chưa trải nghiệm sống nên nhiều hành vi không đúng với chuẩn mực, lối sống, và từ đây xuất hiện mâu thuẫn giữa sự chỉ bảo, ắp đặt của người lớn với nhu cầu muốn khẳng định mình của trẻ.
Thứ hai là hoàn cảnh gia đình
Do hoàn cảnh gia đình mà ba mẹ và em phải xa nhà, không ở bên để dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn em gái nên điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của bé. Một mặt vì thiếu tình thương, một mặt không ai ở bên để hướng định hướng, phân tích đúng sai, em gái bạn đang tuổi lớn rất cần tình thương và định hướng từ gia đình mà không có nên sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với bạn đồng trang lứa.
Thứ ba là yếu tố xã hội
Em gái bạn đang sống trong thời đại của công nghệ. Không giống như trước đây, bây giờ một đứa trẻ 2- 3 tuổi đã tiếp xúc với điện thoại, latop, máy tính, tivi... Về điểm này, tôi nghĩ bạn nên có cái nhìn thoáng hơn. Việc em gái tò mò dùng điện thoại, Internet là không thể tránh khỏi, nhất là em gái của bạn đã 15, 16 tuổi. Thực ra nếu xét ở phương diện nào đó, đến tuổi của em gái bạn mà chưa biết gì về điện thoại, Interne có thể bị coi là lạc hậu đó. Vấn đề của bạn ở đây không phải là cấm đoán mà là định hướng, phân tích mặt tốt - mặt xấu, điều nên và không nên với em mình thôi.
Dựa trên những phân tích trên, tôi xin góp ý với bạn một số việc cần làm như sau:
Chấp nhận những thay đổi mang tính tất yếu trong độ tuổi này
Như trên đã phân tích, sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì dẫn đến sự thay đổi rất lớn trong hành vi ứng xử của trẻ với mọi người xung quanh. Vì em gái bạn đã là "trẻ lớn" nên bạn hãy thay đổi cách ứng xử với em mình. Bạn nên nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan xem trong các hành vi ứng xử của em bạn cái nào đúng, cái nào sai, điều gì tốt - không tốt, sau đó hãy phân thích cái sai cái đúng, mặt tốt mặt xấu, cái được cái mất cho em hiểu.
Đồng thời khi em gái có hành vi không tốt bạn nên bình tĩnh, tôn trọng và nhỏ nhẹ tâm sự, chia sẻ với em như hai người bạn. Khi hiểu ra "tấm thịnh tình" của người chị luôn muốn tốt cho mình thì tôi nghĩ em gái sẽ tự nguyện nghe theo lời bạn. Nguyên tắc chung trong giáo dục trẻ vị thành niên là tôn trọng, trao đổi, đối thoại và phân tích, tránh sự áp đặt chủ quan của người lớn.
Hãy yêu thương và gần gũi em nhiều hơn.
Không chỉ riêng bạn mà cả cha mẹ cũng vậy. Em gái bạn có thời gian dài phải xa ba mẹ nên thiếu tình yêu thương, sự chỉ bảo định hướng từ gia đình, đó là thiệt thòi so với bạn bè. Bạn hãy gần gũi, nhẹ nhàng, động viên khích lệ em gái để bù lại sự thiếu thốn đó, thời gian từ từ em gái bạn sẽ nhận ra điều đó và thay đổi. Hãy là bạn của em gái mình. Tế nhị, khéo léo trong góp ý và trong việc em gái sử dụng công nghệ sao cho lành mạnh, hữu ích cho việc học.
Bạn nên chọn phương thức "tám chuyện" với em gái nếu muốn thay đổi cách suy nghĩ của em ấy. Trẻ vị thành niên cần sự phân tích định hướng hơn là áp đặt. Vì thế hãy nói chuyện về những vấn đề mà em gái bạn thích rồi sau đó dùng kinh nghiệm của bạn mà phân tích cho em hiểu.
Thực ra những vấn đề mà bạn đang gặp phải với em gái cũng không quá nghiêm trọng, chỉ là cảm thấy em gái mình thay đổi nhiều so với trước đây. Chỉ cần bạn để ý hơn đến những yếu tố tâm lý trên và thay đổi cách nhìn nhận, ứng xử với em gái của mình thì mọi chuyện sẽ dần được cải thiện và trở nên tốt hơn.
Chúc bạn thành công!
Theo VNE
"Thôi xong, ế rồi!" Em rất khó chịu khi thỉnh thoảng anh chị, họ hàng lại dắt một người đàn ông lạ hoắc đến và bắt em phải làm quen, đi chơi, tìm hiểu nhau. Hỏi: Em chào chị Tâm An, Em là con gái út trong một gia đình có 4 anh em. Các anh chị em đều đã có gia đình đề huề. Riêng em...