Ghé U Minh Hạ, không ăn 2 đặc sản từ ong này thì thật là thiếu sót
Mật ong rừng Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước bởi chất lượng vượt trội. Tuy vậy, ít ai biết rằng, những còn ong non (nhộng ong) từ tàng ong mật còn có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn, độc lạ chỉ có ở xứ đất Mũi.
Khi chọn Cà Mau làm điểm du lịch cùng người thân và bạn bè, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản tươi ngon. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu du khách bỏ qua món gỏi ong và ong non chiên bột.
Theo người dân địa phương, không ai biết món gỏi ong và ong non chiên bột được người dân chế biến từ khi nào, tuy nhiên đây là 2 món ăn khá đặc trưng ở vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Du khách thưởng thức món gỏi ong non và ong non chiên bột. Ảnh: CTV.
Nguyên liệu chính tạo nên 2 món ăn trứ danh trên là nhộng ong mật. Theo đó, ong mật (tên khoa học là Apis cerana Fabricius) là loài côn trùng sống nhiều ở các khu rừng của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng. Ngoài cung cấp mật, nhộng ong còn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, góp phần tạo nên sự phong phú trong ẩm thực địa phương.
Khi lấy mật ong, người dân chọn phần ong non để làm nhiều món ăn hấp dẫn. Ảnh: CL.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cách làm món gỏi ong, ông Phạm Duy Khanh (35 tuổi, chủ một điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết: Để có món gỏi ong ngon và chất lượng, ông thường chọn những tàng ong khoảng 12 ngày trở lại. Bởi giai đoạn này nhộng ong còn non nên có nhiều sữa, khi chế biến thành món ăn sẽ ngon hơn. Sau khi có được những tàng ong “đạt chuẩn”, ông trụng với nước sôi để loại bỏ phần sáp giữ lại nhộng ong non.
Video đang HOT
Phần tàng ong chứa nhộng ong, nguyên liệu chính để làm món gỏi ong non và ong non chiên bột. Ảnh: CTV.
“Khi có đủ các nguyên liệu, tôi xắt bắp chuối thành từng lác mỏng sau đó trộn nhộng ong non rồi nêm các gia vị. Tiếp đó, cho nước cốt chanh vào để tạo vị chua cho món gỏi ong. Món ăn sẽ giảm độ hấp dẫn nếu để lâu do phần nhộng ong và bắp chuối bị xèo. Vậy nên, du khách nên thưởng thức ngay để cảm nhận hết vị đậm đà của món ăn” – ông Khanh chia sẻ.
Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được sự “béo ngậy” của sữa ong non cùng vị chát nhẹ của bắp chuối, kết hợp với vị chua ngọt của nước chanh và gia vị. Gỏi ong là món ăn dân dã nhưng đã làm say lòng nhiều thực khách khó tính.
Món gỏi ong non thành phẩm. Ảnh: CTV.
Ngoài món gỏi ong non, du khách cũng không thể bỏ qua món ong non chiên bột ăn kèm với các loại rau rừng, chấm với nước mắm chua ngọt.
Tuy đều sử dụng nhộng ong mật làm nguyên liệu nhưng món ong non chiên bột khác món gỏi ong là giữ lại phần sáp ong. Tàng ong non được lựa chọn sau đó và cắt thành từng mảng nhỏ vừa ăn. Sau đó, ướp với bột để chiên trong điều kiện lửa nhỏ để bột và nhộng ong chính đều, đảm bảo độ giòn của món ăn.
Khác với mó gỏi ong, món ong non chiên bột được giữ lại cả phần sáp ong. Ảnh: CTV.
Mặc dù là món ăn độc lạ nhưng giá bán mỗi dĩa gỏi ong và ong non chiên bột chỉ dao động từ 60.000 – 90.000 đồng (tùy loại).
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nguyễn Thành Tâm (du khách TP.HCM) chia sẻ: “Đến Cà Mau, tôi nghe bạn bè giới thiệu địa phương có nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ nhộng ong. Có dịp thưởng thức 2 món này, tôi cảm thấy rất ngon và hợp khẩu vị. Ban đầu nhìn vẻ ngoài của món ăn tôi hơi ngại nhưng khi thưởng thức thì thơm ngon bất ngờ. Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè mình 2 món ăn này khi đến Cà Mau”.
Theo Danviet
Cà Mau: Đất phèn mặn trồng bưởi da xanh trái to hơn mặt người
Khi đến thăm vườn bưởi da xanh của ông Út Nam (Nguyễn Văn Nam, 52 tuổi, ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ai cũng mê. Trái bưởi to hơn mặt người, rất đều, mỗi trái gần 2 kg.
Bên cạnh cây lúa, con tôm, nhiều vùng trong tỉnh xuất hiện các mô hình trồng cây ăn trái đem lại thu nhập khá, thậm chí trở thành thu nhập chính cho nông dân. Ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, nơi được xem là cái nôi của vùng chuyên canh sản xuất lúa, nhiều hộ nông dân dành tâm huyết cho vườn cây ăn trái.
Vườn bưởi da xanh hơn 800 trái của ông Út Nam đến khoảng 23 tết sẽ xuất bán.
Gốc gác ở Bến Tre, ở cái tuổi còn chăn trâu là mấy anh em ông Nam theo ba, má về đây khai khẩn, sinh sống đến nay đã gần đời người. Lâu lâu, hay nói đúng hơn là năm nào dư dả ông mới về thăm xứ.
Ông Út tính nhẩm: "Mỗi năm, 1 công ruộng làm lúa trúng mùa, trúng giá mới lời 40 triệu đồng, còn ở xứ Bến Tre nếu tính ra, 1 công cây ăn trái lời gấp 2 lần làm lúa. Trong khi đất đai ở đây cũng là rốn ngọt, mà chỉ trồng cây lúa, rau thì uổng quá".
Nghĩ là làm, 4 năm trước, ông Út về xứ Bến Tre mua 100 gốc bưởi da xanh về trồng trên vườn nhà. Theo kinh nghiệm trồng bưởi da xanh học hỏi từ nhà vườn về áp dụng thực tế, ông Út cho rằng: "Vùng này vốn là khu vực đất trũng, dễ ngập nên phải bồi đất cao hơn mực nước sông mùa mưa 7 tấc. Đào hố sâu để tránh lớp đất phèn mặt, bón lót phân rơm, đặt cây cách cây, hàng cách hàng 3 m2, cũng không nên trồng thưa quá, trái dễ bị nám nắng. Trồng khoảng cách vừa phải thì mình chăm tỉa cành, bón phân, tưới nước vào mùa khô để trái không bị chai".
Từ hồi trồng vườn bưởi đến nay, ông Út "cưng" bưởi hơn cưng vợ, suốt ngày xong việc ngoài ruộng là lo cho vườn bưởi. Bà Út thấy mừng chứ cũng không buồn. Thấy đất dưới gốc còn trống nên bà đem ngò gai về trồng. Ưa mát nên ngò gai xanh mướt, lá to, cho thu hoạch quanh năm.
Mỗi tháng đều đặn, bà Út thu hoạch hơn 800 kg ngò gai, bán cho thương lái 8 ngàn đồng/kg. Hơn 6 triệu đồng/tháng thu được từ ngò gai đủ để bà chi tiêu trong gia đình 3 thế hệ ở vùng quê.
Còn tính riêng trăm gốc bưởi thì ông Út mới để đợt trái hồi tết năm ngoái, được 230 trái, chở xuống thị trấn Sông Đốc bán, chưa được 3 ngày là hết trơn. Một trái trên dưới 2 kg, từ 50-70 ngàn đồng/kg, lời cũng hơn 20 triệu đồng ăn tết.
Ông Út tính sẵn: "Không cộng ba mớ bán lai rai cả tháng nay, chỉ tính đến vụ tết năm nay, trong vườn hiện giờ có khoảng 800 trái, nếu được giá chắc lời hơn 90 triệu đồng. Chưa kể đám ngò gai của bả. Đất lúa vẫn sản xuất, nhưng chọn thêm loại cây trồng mới đem lại hiệu quả cao mà phù hợp với đất đai ở đây thì tại sao mình không thử. Nhất là bây giờ nhu cầu của người dân ở chợ, thành thị thích và cần những sản phẩm sạch, an toàn từ chính vùng quê ở địa phương".
Hơn 5 năm trước, ông Phạm Cường (50 tuổi, ấp Đòn Dong, xã Khánh Lộc) mạnh dạn chuyển hết 1 ha đất làm lúa truyền thống để trồng 200 cây mận xanh đường. Phần lớn tiền dành dụm của gia đình được ông đầu tư lên liếp, đắp bờ để giống cây mới này bén rễ trên mảnh đất quanh năm cày cuốc.
Mận giống được ông mua với giá 65 ngàn đồng/cây. Sau 2 năm, ông bắt đầu để trái cho thu hoạch. Vườn mận trái xum xuê, nhưng vì ông hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đợt đầu tiên bị ruồi vàng đục trái. Vụ sau, rút kinh nghiệm, ông bao trái toàn bộ vườn mận nên không những năng suất mà chất lượng trái cũng tăng lên.
Sau mỗi vụ thu hoạch, nhiều thương lái hỏi, mận hút hàng, lại có giá, sao ông không để trái quanh năm, thì ông chắc nịch quan điểm rằng: "Để cây dưỡng sức chớ bắt nó "đẻ trái" mà không có kế hoạch thì không lâu dài được. Chưa kể trong thời gian nghỉ ngơi, phải bón phân, cắt tỉa cành, tạo tán, theo dõi để hạn chế các loại sâu bệnh".
Mỗi năm vườn mận của ông Cường cho 2 vụ chính là vụ hè và vụ tết trên 10 tấn trái, giá trung bình 15 ngàn đồng/kg. Riêng vụ tết, mận ngọt và đậm đà hơn do nhiều nắng, ít mưa, nhu cầu thị trường cũng cao hơn nên có giá từ 20 ngàn đồng/kg trở lên. 3 năm nay, cứ trừ hết chi phí là mỗi năm ông Cường bỏ túi hơn 300 triệu đồng "khoẻ re".
Những thông tin, câu chuyện về hành trình của nông sản trong suốt thời gian qua không trở thành nỗi ám ảnh mà là động lực để nông dân mạnh dạn thử sức bằng những mô hình mới. Nông dân đã tính là làm. Những tính toán, góc nhìn về những yếu tố tự nhiên đến đầu ra nông sản của nông dân xuất phát từ tâm huyết thích nghi và đổi mới.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Đặng Minh Sơn chia sẻ: "Hàng năm, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát lại các diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả để vận động bà con trồng cây ăn trái, hoa màu. Chỉ tính riêng diện tích trồng cây ăn trái tập trung ở 2 ấp Đòn Dong và Kinh Ngang được hơn 6 ha với nhiều loại cây ăn trái như: ổi, cam, bưởi, mận, đem lại lợi nhuận gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa.
"Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây, nhất là tuyên truyền cho bà con nắm bắt nhu cầu thị trường, chọn những loại cây trồng phù hợp", ông Đặng Minh Sơn.
Theo Mơ Thảo (Báo Cà Mau)
Tới Cà Mau "phượt" ca nô qua rừng đước, ăn toàn của ngon vật lạ Đến với vùng đất Cà Mau hiền hòa và trù phú, du khách sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được trải nghiệm cảm giác lướt ca nô đi qua những cánh rừng đước bạt ngàn, ăn toàn đặc sản. Vùng đất "lý tưởng" để làm du lịch Những năm qua, với tiềm năng và lợi thế của một...