Ghé tiệm cơm tấm được Michelin vinh danh, ăn miếng sườn ‘to nhất Sài Gòn’
Cơm tấm Ba Ghiền ( quận Phú Nhuận, TP.HCM) là tiệm cơm tấm duy nhất ở Việt Nam đạt đề xuất Bib Gourmand (quán ngon giá cả phải chăng) của Michelin năm 2023.
Cơm tấm Ba Ghiền- ăn là nghiền
Quán cơm tấm Ba Ghiền của anh Trương Vĩnh Thụy tọa lạc tại số Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bước vào không gian quán thực khách sẽ thấy ngay bảng “Since 1995″ và cái tên cơm tấm Ba Ghiền được trang trí led khá nổi bật đặt giữa không gian quán. Theo anh Thụy, quán được thành lập từ năm 1995 tính đến nay ngót nghét gần 30 năm.
Quán Ba Ghiền là quán cơm tấm duy nhất lọt vào danh sách được Michelin vinh danh năm 2023.
Nói về cái tên “Ba Ghiền”, anh Trương Vĩnh Thụy cho hay: “Ba Ghiền là tên của ông ngoại tôi. Hồi mới mở bán, quán không có tên, khi khách tới ăn, họ cũng không biết quán tên gì để giới thiệu bạn bè. Lúc này mẹ tôi mới nói để lấy tên ông ngoại làm tên quán. Lúc đó nghe cái tên Ba Ghiền cũng không có gì ấn tượng nhưng càng về sau nó càng ngày càng ấn tượng”.
Trong ngần ấy năm kinh doanh, điều tạo nên sự khác biệt của quán cơm tấm Ba Ghiền có lẽ là miếng sườn to dày “bằng cả bàn tay”, thường được thực khách gọi vui – “miếng sườn to nhất Sài Gòn”. Một phần cơm ở đây có giá từ 75.000 – 145.000 đồng. Mỗi phần đều có hình minh họa được dán trên tường để khách hàng dễ dàng hình dung phần ăn.
Các phần cơm được bán tại quán cơm tấm Ba Ghiền. (Ảnh: Huỳnh Phong)
Ở “cơm tấm Ba Ghiền” phần cơm thập cẩm là “món ruột” với giá 145.000 đồng, mức giá khá cao so với một đĩa cơm tấm bình dân. Tuy nhiên, đồ ăn đi kèm ở phần đặc biệt này khá nhiều khoảng 2 người ăn mới hết, gồm: sườn, bì, chả, ốp la, xíu mại, thịt luộc cắt sợi, lạp xưởng, đồ chua.
Miếng sườn to và dày là thứ đã tạo nên thương hiệu cơm tấm Ba Ghiền. Vì thế mỗi miếng sườn luôn được chủ quán chuẩn bị, lựa chọn rất kỹ càng. Anh Thụy cho biết khâu quan trọng nhất để có miếng sườn ngon là khâu lựa thịt.
Một phần ăn tại quán cơm tấm Ba Ghiền. (Ảnh: Huỳnh Phong)
“Khi lựa sườn cốt lết phải bự. Thường cốt lết bự nướng lên sẽ không bị khô và sẽ ngon hơn. Lựa miếng sườn phải từ 4 đến 5 lạng, dưới 4 lạng tôi sẽ trả lại hết. Cốt lết nó sẽ từ một miếng nhỏ chạy dài lên một khúc lớn. Đó là miếng ngon nhất trong cốt lết con heo”, chủ quán nói.
Ngoài những miếng sườn được chọn lựa kỹ, thì phần tẩm ướp cũng được anh Thụy chú trọng. Anh cho biết, thông thường mỗi miếng sườn sẽ được tẩm ướp ít nhất từ 4 đến 6 tiếng để có đảm bảo độ ngon, đậm đà hương vị.
Lượng khách tăng 30%
Sau khi được Michelin Guide (cẩm nang Michelin) trao giải Bib Gourmand (quán ngon với giá cả phải chăng), lượng khách của cơm tấm Ba Ghiền vốn đã đông từ trước nay lại càng đông. Các lò nướng của quán luôn trong tình trạng chạy hết công suất để đáp ứng kịp khách ngồi tại quán lẫn khách mang đi và đơn đặt online.
Anh Trương Vĩnh Thụy – chủ quán cơm tấm Ba Ghiền. (Ảnh: Huỳnh Phong)
Anh Thụy cho hay, ban đầu anh cũng có chút lo lắng khi biết quán mình đạt giải Michelin nhưng khi tìm hiểu kỹ thì rất vui và phấn khởi.
Video đang HOT
“Sau khi được Michelin vinh danh, lượng khách tăng 30%. Thú thật, ban đầu tôi không biết giải này và cũng không có thông tin gì. Sau đó bạn bè nhắn tin hỏi, chúc mừng thì tôi mới bắt đầu mới tìm hiểu, mới biết Michelin chuyên về ẩm thực. Thật sự thấy vui và hạnh phúc lắm”, anh Thụy cho biết.
Nói về thương hiệu cơm Tấm Ba Ghiền, anh Thụy cho hay, mỗi quán cơm tấm có một vị riêng, nghĩa là quán của anh cũng có vị rất riêng để thực khách có thể nhận biết, phân biệt được. “Cơm tấm Ba Ghiền ngoài miếng sườn to, được tẩm ướp kỳ công, khi ăn chung với cơm, đồ chua, dưa leo, nước mắm trộn lại thì ra một hương vị riêng của quán, thực sự thì nó không giống các quán khác”, anh Thụy nói.
Lượng khách ở quán cơm tấm Ba Ghiền tăng khoảng 30% sau khi được Michelin vinh danh. (Ảnh: Huỳnh Phong)
Từ ngày được Michelin vinh danh “cơm tấm Ba Ghiền” là quán ngon giá cả phải chăng, quán cũng nhận được không ít ý kiến khác nhau của thực khách. Một số người cho rằng với mức giá từ 75.000 – 145.000 đồng, khá cao so với mặt bằng cơm tấm khác. Tuy nhiên một vài ý kiến lại cho rằng với miếng sườn to như vậy thì hoàn toàn xứng đáng với giá tiền.
Tới quán thưởng thức, chị Võ Thị Vân (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) khá bất ngờ với miếng sườn “siêu to” ở đây.
“Lần đầu tiên tôi thấy miếng sườn to như vậy ở một quán cơm tấm, miếng sườn to như vậy thì giá cả như vậy là đúng. Tuy nhiên, với khẩu vị của tôi, phần sườn dày nên hơi cứng, tẩm ướp thì ngon, nhưng phần nước mắm hơi ngọt” , chị Vân nói.
Anh Nhật Hào (ngụ quận Bình Thạnh) đánh giá: “Miếng sườn to, ướp hợp khẩu vị, nhưng đối với sinh viên như tôi chẳng hạn thì giá hơi cao. Tôi cũng nghe Michelin đánh giá nên qua ăn cho biết”.
Còn với những khách quen của quán đánh giá rằng, hương vị của miếng sườn rất đặc trưng, “ăn là ghiền.
Anh Ngọc Vĩnh (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Khẩu vị mỗi người khác nhau, đối với sức ăn của tôi thì một phần cơm sườn ở đây là quá no, rất ngon. Tôi ăn ở đây cũng lâu rồi, mỗi lần đi lấy hàng là ghé ăn”.
Khám phá Geylang Serai - khu phố lễ hội lâu đời tại Singapore
Geylang Serai là một trong những khu vực định cư lâu đời nhất của cộng đồng người Malaysia tại Singapore.
Tới đây, bạn sẽ được đắm chìm trong không gian đầy sắc màu lễ hội.
Giữa những năm 1920 và 1930, giá thuê nhà và chi phí sinh hoạt ở trung tâm Singapore tăng cao. Do đó, người dân chuyển đến định cư ở những khu vực rẻ hơn, bao gồm cả Geylang Serai. Dân số tăng kéo theo các tiện ích công cộng cũng xuất hiện ngày một nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cuối thế kỷ 19, những người theo đạo Hồi tới Geylang Serai làm việc nhiều hơn. Từ đó, họ lập nên những nơi thờ tự riêng. Vào nửa đầu thế kỷ 20, nhiều nhà thờ Hồi giáo đã "mọc" lên ở đây, càng củng cố thêm bản sắc Malaysia ở Geylang Serai. Qua thời gian, Geylang Serai trở thành điểm du lịch khá nổi tiếng với những dịp lễ hội lớn.
Sắc màu lễ hội của người Malaysia
Nếu muốn hiểu thêm về sự rực rỡ của khu phố này vào mùa lễ hội, hãy tới Tanjong Katong Complex. Đây là khu buôn bán những mặt hàng dệt may truyền thống của người Malaysia. Một trong những gian hàng nổi tiếng nhất khu này là First Lady đã tồn tại được 40 năm. First Lady bán những món đồ của người Malaysia như baju kurung, jubah hay hijab. Vào dịp lễ hội, gian hàng còn có đa dạng sản phẩm hơn nữa.
Ngoài ra gian hàng First Lady còn phục vụ nhiều du khách từ khắp nơi ghé thăm để mua đồ về làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè.
Khu mua sắm này nổi tiếng với những mặt hàng truyền thống của người Malaysia. Ảnh: The Straits Times.
Nhắc đến không khí rộn ràng lễ hội của người Malaysia, vẽ hình xăm henna là hoạt động không thể thiếu. Nhiều du khách thích loại hình xăm này vì nét vẽ tinh tế, không lưu mực lâu và sử dụng các nguyên liệu tự nhiên.
Tới Geylang Serai, bạn có thể sở hữu cho mình hình xăm henna tại SyraSkins. "Châm ngôn" của SyraSkins là "Đưa henna lên một đẳng cấp nghệ thuật mới".
Chủ studio kiêm học viện về henna này là 2 nghệ nhân tới từ Pakistan và Trung Quốc. Họ tổ chức những lớp học kéo dài khoảng 3 giờ dành cho những du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật xăm mình độc đáo này.
Rời tiệm xăm henna, du khách tiếp tục khám phá khu chợ đường phố nổi tiếng tên Geylang Serai Bazaar. Tuy nhiên, không phải lúc nào du khách cũng có cơ hội để tới khu chợ này. Khu chợ thường chỉ được tổ chức trong suốt tháng Ramada của người Hồi giáo. Nếu may mắn ghé thăm Geylang Serai Bazaar vào đúng dịp, bạn sẽ thấy khu chợ lung linh và nhộn nhịp thế nào.
Sau khi phải tổ chức trực tuyến vào năm 2020, Geylang Serai Bazaar đã đánh dấu sự trở lại trong suốt một tháng, từ 2/4 đến 2/5/2022 vừa qua.
Geylang Serai Bazaar năm nay có chủ đề là "Vườn hoa cổ tích". Ảnh: Jules Jumari.
Các mặt hàng ở đây chủ yếu là quần áo truyền thống, giày dép và phụ kiện. Như thường lệ, một số gian hàng của nghệ nhân henna cũng xuất hiện tại hội chợ với giá tương đối rẻ, chỉ từ 10 SGD (khoảng 170.000 đồng). Ngoài ra, khu chợ cũng có một "thiên đường ẩm thực" để du khách lót dạ sau khi mua sắm. Đa số gian hàng trong hội chợ đều chấp nhận thanh toán không cần tiền mặt nên có thể xem là điểm cộng với khách nước ngoài.
Ngược thời gian ở Geylang Serai
Geylang Serai không thiếu những điểm đến dành cho du khách yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa địa phương . Nếu muốn tìm về một Geylang Serai nguyên sơ nhất, hãy tới The Intan.
Khu nhà ở thời hậu chiến hiện đã trở thành một bảo tàng. Alvin Yapp, người chủ nhà, có sở thích sưu tầm cổ vật. Ông giống một "quyển sách sống" với những kiến thức phong phú về văn hóa, lịch sử. Những câu chuyện của Alvin Yapp là niềm cảm hứng cho du khách khi tới đây. Ông đang trưng bày tại The Intan một kho tàng đồ cổ của người Peranakan (hậu duệ của người Trung Quốc và Malaysia hoặc Indonesia).
Bên trong The Intan là khu trưng bày cổ vật. Ảnh: TGH Photography.
Tuy nhiên, The Intan chỉ đón khách đã đặt lịch trước. Do đó, hãy đảm bảo mình đã đặt lịch online trước khi tới đây.
Đến một khu đậm chất văn hóa Malaysia như Geylang Serai, sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ qua đền thờ Khadijah. Đây là một trong những đền thờ Hồi giáo lâu đời nhất Singapore khi được xây dựng từ năm 1920. Trước kia, đền thờ từng là nơi tổ chức riêng các lễ hội dành cho người Hồi giáo ở Geylang Serai và một số vùng lân cận.
Đền thờ vẫn thường được tu sửa để giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu. Ảnh: Masagos Zulkifli.
Kiến trúc đền thờ chịu ảnh hưởng từ đền Nagore ở Ấn Độ. Đa số du khách đến đây đều ấn tượng với kiến trúc bên ngoài của đền thờ Khadijah. Vào buổi tối, ánh đèn neon chiếu sáng bên trong khiến đền thờ này trông còn lộng lẫy hơn nữa. Hiện nay, đền thờ này đã được Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) đưa vào danh sách bảo tồn.
Một trong những địa điểm tuyệt vời khác cho người thích hoài cổ ở Geylang Serai là rạp chiếu phim cũ Queen's Theatre. Công trình này vẫn để lại ấn tượng đặc biệt với du khách sau nhiều năm nhờ lối thiết kế theo phong cách Palladian và Phục Hưng.
Mở cửa từ những năm 1930, rạp chiếu phim này chứng kiến thời kỳ hưng thịnh của điện ảnh Singapore (những năm 1930 đến những năm 1980) và là điểm giải trí được nhiều người ưa chuộng. Ngoài những bộ phim Malaysia, rạp còn có cả phim từ Indonesia và Ai Cập. Tuy nhiên, vào năm 1982, nó đã đóng cửa.
Rạp chiếu phim này chứng kiến thời kỳ hưng thịnh của điện ảnh Singapore. Ảnh: Street Directory.
Hiện nay, khu vực rạp phim cũ đã được thay thế bởi trung tâm mua sắm Grandlink Square. Dù vậy, du khách vẫn có thể ngắm mặt tiền của rạp phim này từ số 44 Lorong.
Thiên đường ẩm thực đậm chất lễ hội Malaysia
Ẩm thực luôn là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Tại Geylang Serai, bạn có thể tìm tới 3 địa chỉ nổi tiếng là chợ Geylang Serai, Haig Road Market & Food Centre và nhà hàng Hjh Maimunah. Cả 3 nơi này đều hội tụ đủ những món ngon của Malaysia, được làm bởi những đầu bếp có hàng chục năm kinh nghiệm.
Kể từ năm 1964, chợ Geylang Serai vẫn luôn tấp nập người ra vào. Ở đây chủ yếu bán những món đặc sản của người Malaysia và người Hồi giáo gốc Ấn. Hãy để ý một quầy nasi padang (một kiểu cơm trộn) luôn đông khách đứng chờ, đó là gian hàng Sinar Pagi Nasi Padang - huyền thoại của khu chợ.
Gọi là huyền thoại bởi họ đã hoạt động từ năm 1966. Hàng cơm này hết rất nhanh nên du khách thường phải tới từ sáng để thưởng thức. Mỗi ngày, hơn 40 món được chủ quán bày trên 4 hàng trong tủ kính để thực khách lựa chọn. Giá mỗi suất vào khoảng 1-10 SGD (17.000-170.000 đồng).
Điểm dừng chân tiếp theo là Haig Road Market & Food Centre, một khu ẩm thực lớn và nổi tiếng nhất của Geylang Serai. Khu ẩm thực này đã được mở cửa từ năm 1977. Nếu bạn là fan của series Street Food: Asia trên Netflix, chắc chắn cái tên Haig Road Market & Food Centre sẽ nằm trong danh sách "phải tới" khi du lịch Singapore. Khu này có khá nhiều quầy hàng để du khách thưởng thức đủ các món từ mì mee rebus, satay hay vịt om sấu...
Món mì mee rebus có giá khoảng 3SGD ở quán Afandi Hawa & Family bên trong khu Haig Road Market & Food Centre. Ảnh: Miss Tam Chiak.
Hành trình khám phá ẩm thực của Geylang Serai không thể thiếu Hjh Maimunah - nhà hàng đạt danh hiệu Bib Gourmand của Michelin, chuyên món Malaysia và Indonesia. Danh hiệu này cũng là sự công nhận của Michelin dành cho nhà hàng ra đời vào những năm 1990 này. Bib Gourmand được trao cho những nhà hàng thân thiện, quy mô vừa phải, phục vụ tốt với thức ăn có giá dưới 45 SGD (khoảng dưới 770.000 đồng).
Và nếu có dịp tới đây, hãy thử Beef Rendang - món thịt hầm nước dừa và nhiều loại gia vị khác. Đây được xem là món ngon nhất của nhà hàng. Ngoài ra, nhà hàng này cũng có tới hơn 40 lựa chọn món ăn với đa dạng hương vị để du khách lựa chọn.
Geylang Serai là điểm dừng chân tuyệt vời khi hội tụ đủ những yếu tố như lịch sử, văn hóa, tôn giáo và ẩm thực phong phú. Trải nghiệm ghé thăm khu phố cổ sôi động, đậm sắc màu lễ hội của người Malaysia này sẽ không khiến bạn thất vọng.
Tôi từng ăn cơm tấm Sài Gòn để bớt... đói Cơm tấm ngày xưa với tôi, ăn để cứu đói, còn bây giờ, thỉnh thoảng ăn là để nhớ về một hương vị mà lạ lùng ở chỗ, hương vị đó đi kèm theo cả một quãng trời khó quên của tuổi trẻ, của một thành phố hồi đó, hồi tôi mới nhập cư... Cơm tấm sườn - bì, phần ăn phổ biến...