Ghé thăm làng đá “độc nhất vô nhị” ở Cao Bằng
Làng đá cổ Khuổi Ky ( Trùng Khánh, Cao Bằng) nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá, mang một vẻ đẹp cổ kính “độc nhất vô nhị” của núi rừng Đông Bắc.
Du lịch Cao Bằng và ghé thăm các điểm đến nổi tiếng như Thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao, du khách chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua một điểm đến hấp dẫn nằm trong quần thể này đó chính là làng đá Khuổi Ky, một ngôi làng truyền thống của người Tày.
Ghé thăm làng đá Khuổi Ky, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn đá hết sức độc đáo. Làng đá mang dáng dấp của một thời nhà Mạc oai hùng trong quá khứ nay đã trở thành điểm check-in khó bỏ qua khi đến với Cao Bằng.
Làng đá cổ Khuổi Ky nằm bên dòng suối Khuổi Ky, tọa lạc tại huyện Trùng Khánh.
Làng Khuổi Ky là điểm đến hấp dẫn du khách tại Cao Bằng.
Khuổi Ky là tên của một ngôi làng khá đặc biệt trong quần thể Khu du lịch thác Bản Giốc, nằm bên con đường tỉnh lộ 206, trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao. Làng có 14 căn nhà sàn bằng đá trải rộng khoảng 10.000 m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối Khuổi Ky.
Nhà sàn đối với người Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng – nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ. Đặc biệt, đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tới nay trong tâm thức người Tày “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm.
Nét đặc trưng có lẽ là do vị trí địa lý nằm trong khu vực có rất nhiều núi đá vôi nên đá chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc. Nhà được xây bằng đá, vách đá, móng được làm bằng đá hộc, chân tảng cũng được làm bằng đá và gia công lại. Đá cũng được sử dụng trong các công trình khác như hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò…
Toàn bộ 14 nhà sàn ở đây đều được làm bằng đá.
Video đang HOT
Nhà sàn đá ở Khuổi Ky xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng thờ “thần đá” của dân tộc Tày.
Để xây dựng được một ngôi nhà sàn hoàn chỉnh như ở làng đá Khuổi Ky người dân thời đó đã phải mất từ 2 đến 3 năm. Đá được sử dụng có rất nhiều kích cỡ xếp chồng lên nhau và kết dính bằng một hỗn hợp từ đá vôi trộn với cát. Những bức tường nhà có độ dày đến hơn 30cm cực kỳ chắc chắn và kiên cố. Chiều cao của mỗi ngôi nhà sàn là từ 7m đến 8m.
Riêng mái nhà sẽ được lợp bằng ngói âm dương, tạo được vẻ đẹp cổ kính và hòa hợp về mặt phong thủy cho gia chủ. Ngày nay, toàn bộ các chi tiết, vật liệu xây dựng từng ngôi nhà sàn tại làng đá cổ ở Cao Bằng này đều được phục dựng gần như nguyên vẹn.
Ngày nay, ngôi làng cổ này đã được công nhận thành Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số.
Ngược dòng thời gian lịch sử về những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây thành quách để phòng thủ, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây lên như những “pháo đài”. Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên giới này.
Những góc check in đẹp trong ngôi làng bằng đá.
Du lịch Cao Bằng và ghé thăm làng đá Khuổi Ky Trùng Khánh là hành trình tuyệt vời mang du khách bước vào một thế giới khác, thế giới của đá với những điều linh thiêng thôi thúc du khách khám phá.
Du ngoạn Quây Sơn
Sông Quây Sơn chảy trên miền biên cương Cao Bằng quanh năm trong xanh màu ngọc bích. Chèo thuyền trên sông là cách trải nghiệm tuyệt vời nhất
Tại địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sông Quây Sơn tạo ra thắng cảnh thác Bản Giốc đẹp không còn mỹ từ nào để mô tả. Từ thác Bản Giốc, chúng tôi quyết định lang thang lên xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh) để ngắm nơi dòng sông chảy vào đất Việt.
Dòng Quây Sơn uốn lượn giữa cánh đồng xanh mướt
Ghềnh nước tung bọt trắng xóa
Trừ những ngày có mưa lớn, quanh năm nước Quây Sơn xanh màu ngọc bích
Theo dòng sông biên cương
Sông Quây Sơn khởi thủy từ Trung Quốc, chảy vào nước ta ở bản Nà Giào, xã Ngọc Côn. Một miền sơn cước đẹp bình dị hiện ra trên cung đường men bờ sông từ xã Ngọc Côn về xã Phong Nậm. Thỉnh thoảng đi qua một con đập tràn, mấy bạn trẻ không kìm nổi phấn kích đã vội dừng xe, lội xuống dòng sông té nước, đùa nghịch.
Chúng tôi tìm lên một mỏm núi ở xã Phong Nậm để được ngắm trọn cảnh sông nước, núi non. Từ trên cao, Quây Sơn hiền hòa uốn mình quanh những thửa lúa xanh mướt, những ngôi nhà yên bình. Xa xa, dải núi đá vôi trùng điệp chạy tít tận chân trời.
Trừ những ngày có mưa lớn kéo dài, nước sông Quây Sơn quanh năm xanh màu ngọc bích. Thỉnh thoảng tôi lại thấy vài chiếc bè mảng của ngư dân đi đánh cá lạc lõng, cô liêu trên màu xanh mênh mang.
Đến xã Đàm Thủy, sông tạo ra thác Bản Giốc hùng vĩ
Mải miết đi theo dòng chảy của sông từ bản này sang xóm khác, tôi chợt nhận ra một nét "rất Việt" ở đôi bờ. Những khóm tre, khóm vầu từ ngàn đời đã mọc kín bên hai bờ sông. Tre, vầu giúp giữ đất ruộng, tạo bóng mát cho bà con nghỉ chân và đưa gió mát theo tiếng ru hời của những bà mẹ miền sơn cước.
Theo dòng sông, chẳng mấy chốc chúng tôi đã về tới huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng). Ở huyện Hạ Lang, sông Quây Sơn thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có lúc sông uốn sang đất Trung rồi lại lượn về nước Việt. Đoạn sông dài 49 km trên nước ta được xem là đẹp nhất. Đến cửa khẩu Lý Vạn, sông chính thức kết thúc hành trình mang tên Việt Nam.
Chèo thuyền ngoạn cảnh
Để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cái "sướng tới bến" khi du ngoạn sông Quây Sơn, một số bạn trẻ chèo thuyền kayak hoặc ván sup. Tại khu vực sông Quây Sơn cũng có một số điểm cho thuê kayak, sup. Chèo kayak hoặc sup là cách trải nghiệm du lịch tuyệt vời để ta cảm nhận được trọn vẹn thiên nhiên.
Nhóm du khách khởi động trước khi du ngoạn Quây Sơn bằng thuyền kayak
Để chèo thuyền kayak du ngoạn sông Quây Sơn, du khách phải đi nhóm có người dẫn đoàn, có thiết bị bảo hộ, cứu hộ... Theo bạn Nguyễn Hải (nhóm kayak Quảng Ninh), từng dẫn nhiều nhóm du khách chèo thuyền trên sông Quây Sơn, cho biết: "Mọi người chỉ được chèo đoạn sông khoảng 6-10 km, có thể từ thác Bản Giốc tới Đồn Biên phòng Đàm Thủy hoặc vài cung đường khác như: bản Kéo Nà - bản Dít, Háng Thoang - bản Dít, Thoong Cót - bản Dít.
Ở một con đập tràn, sau những màn khởi động trên bờ để có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, những chiếc kayak cùng chủ nhân bắt đầu hạ thủy. "Cho tay chân làm quen với dòng nước vài phút trước khi chèo sẽ giúp ta đỡ ngộp hơn khi chính thức ngồi xuống thuyền" - Phương Thủy, người đã đam mê chèo kayak 4 năm ở Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng Kayak lang thang, vi vu theo dòng nước
Chiếc Kayak vượt một ghềnh nhỏ trên sông
Ngồi xuống thuyền, dòng Quây Sơn bắt đầu hiện ra đẹp choáng ngợp mà khi dạo bộ trên bờ bạn không thể cảm nhận được. Khi đó, những khóm tre, bờ ruộng, dải núi hiện ra thật gần gũi. Bồng bềnh trên dòng nước xanh thẳm, giữa không gian mênh mông, không vương tí bụi bặm, tâm hồn và mọi giác quan trên cơ thể ta như tan ra, trở về cõi hồng hoang.
Đặc biệt, đoạn sông từ xã Phong Nậm về Đàm Thủy có nhiều ghềnh. Mỗi khi chiếc kayak vượt ghềnh là ta được một lần thử cảm giác mạnh. Người chèo quen thì phấn khích, ai mới nhập môn lại sợ hãi. Từ thượng nguồn vượt qua 6-7 cái ghềnh, nếu như không có đập tràn ngăn lại thì người cùng thuyền sẽ lao thẳng xuống thác Bản Giốc.
Nhiều bạn sau khi chèo kayak, sup trên sông Quây Sơn có cảm nhận chung là trên cả tuyệt vời. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, bạn hãy một lần tự tay mình khua mái chèo vi vu trên dòng sông đẹp nhất vùng Đông Bắc này nhé!
Ngàn view sống ảo tại 5 điểm du lịch ở Cao Bằng Ghim ngay những điểm du lịch Cao Bằng siêu hùng vĩ, siêu mê mẩn này, chờ hết dịch lên lịch ghé thăm thôi! Bạn có biết, Cao Bằng là tỉnh thành duy nhất cho đến thời điểm hiện tại bị Covid-19 bỏ quên? Nhưng chẳng vì thế mà nơi đây lơ là cảnh giác hay chủ quan trong công tác phòng chống dịch....