Ghé phố núi nhớ thưởng thức “pizza Đà Lạt”
Dù chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng bánh tráng nướng lại là món ăn vặt phổ biến ở Đà Lạt mà mọi người thường gọi vui là “pizza Đà Lạt”.
Thật vậy, nếu có dịp dạo qua những khu vực chính ở trung tâm thành phố thì bạn rất dễ bắt gặp những điểm bán bánh tráng nướng. Có khi là trên một chiếc xe máy di động chạy khắp phố phường hay ngồi cố định tại một góc đường.
Điểm chung dễ nhận diện của những người bán bánh tráng nướng là ở chỗ họ sẽ có một bếp than cùng những nguyên liệu như bánh tráng, trứng gà, tép khô, hành lá… Theo đó, cách làm món bánh này cũng đơn giản như chính nguyên liệu của nó.
Video đang HOT
Cụ thể, khi có khách mua bánh, người bán sẽ đặt bánh tráng lên vỉ nướng, đập trứng lên mặt bánh, tráng đều và cho thêm hành lá, tép khô lên trên. Chỉ sau khoảng vài phút là đã có thành phẩm bánh tráng nướng được cuộn tròn lại trông thơm ngon, bắt mắt.
Nếu trước đây, bánh tráng nướng chỉ đơn giản là bánh tráng và mỡ hành thì nay cũng chuyển mình để bắt kịp xu hướng đa dạng ẩm thực của thực khách. Theo đó, ngoài những nguyên liệu phổ biến như trứng gà, tép khô, hành lá thì nhiều nơi còn dùng thêm xúc xích, thịt heo băm hay khô bò.
Qua thông tin báo đài, được biết bánh tráng nướng Đà Lạt còn được đài EBS (Hàn Quốc) ghi hình với những lời khen ngợi “có cánh” về một món ăn đường phố phổ biến tại nơi đây. Dù ở Đà Lạt nhưng muốn thưởng thức bánh tráng nướng thì sau khoảng 3-4 giờ chiều mới có nhiều người dọn hàng bán. Có lẽ khi trời xế chiều hay tối muộn thì không khí se lạnh cũng đưa chúng ta đến cảm giác tròn vị nhất khi thưởng thức món ăn này.
Giữa lòng thành phố, cùng người thân, bạn bè nhâm nhi món quà vặt gần gũi này cùng một ly cà phê hay sữa đậu nành nóng thì thật thi vị biết bao.
Trải nghiệm ẩm thực đường phố Đà lạt cùng bánh mì xíu mại
Cùng với bánh tráng nướng, bánh mì xíu mại cũng là một trong những món ăn tuy không phải chính gốc "phố núi" nhưng du khách nào ghé thăm cũng đều tìm đến thưởng thức.
Khác với món xíu mại dimsum của người Hoa (dạng viên với nhân từ thịt heo hoặc tôm, được cuộn tròn trong lá hoành thánh) đựng trong xửng hấp nóng hay xíu mại Sài Gòn (thường kẹp với bánh mì và chan thêm sốt cà chua), bánh mì xíu mại Đà Lạt lại có cách chế biến và thưởng thức khác nhiều.
Cụ thể, xíu mại Đà Lạt thường làm từ phần nạc heo và mỗi người bán lại có cách đánh, quết thịt riêng, độ dẻo viên xíu mại của mỗi nơi vì thế cũng khác nhau đôi chút. Ngoài ra, nước dùng xíu mại được hầm từ xương heo để lấy vị ngọt thanh.
Khi có thực khách gọi món, người bán sẽ cho xíu mại đã nấu chín vào chén nhỏ, thêm da heo hoặc chả huế, chan nước dùng ngập khoảng 2/3 chén và rắc ít hành lá để trang trí rồi dọn ra kèm bánh mì.
Phiếm chuyện vui cùng một cô chủ quán bán món ăn này thì có đến hai cách thưởng thức để cảm nhận trọn vẹn độ ngon của món ăn. Một là xé nhỏ bánh mì, thả lặn ngụp trong nước dùng và thưởng thức cùng xíu mại hay cho viên xíu mại vào ổ bánh mì và chấm nước dùng thưởng thức. Với những ai có thể ăn cay thì có thể cho thêm ít sa tế vào nước dùng.
Nếu trước đây, bánh mì xíu mại chỉ bán tập trung vào giấc sáng thì hiện nay du khách ghé thăm Đà Lạt có thể thưởng thức món ăn này vào chiều tối. Giữa tiết trời se lạnh, thưởng thức một chén xíu mại và ly đậu nành nóng thì quả thật như ôm trọn cả phố núi vào lòng.
Bản đồ ẩm thực: "Bánh kẹp" Khúc biến tấu lạ từ bánh bột lọc ở Bảo Lộc Nhắc về tỉnh Lâm Đồng, mọi người thường nghĩ ngay đến thành phố hoa Đà Lạt. Thế nhưng, cách thành phố này hơn 100km là một vùng đất nhẹ nhàng, nằm lưng chừng Tây Nguyên đại ngàn mang cái tên trìu mến - Bảo Lộc. Theo đó, nơi này có một món ăn mà có dịp ghé thăm, bạn sẽ được người dân...