GDP quý 1 tăng 5,46%, kinh tế có dấu hiệu chững lại
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 1 năm nay tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước và có dấu hiệu chững lại.
“Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 năm nay tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước và có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm ngoái và 5,9% của năm 2011″.
Đây là thông tin được Tổng cục thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu GDP và lao động, việc làm quý 1 năm 2016 tổ chức chiều nay (25/3), tại Hà Nội. Theo Tổng cục thống kê, kinh tế thế giới hiện vẫn còn những diễn biến phức tạp, vì vậy, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Cùng với đó là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên sạt lở trên diện rộng… tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng đầu năm nay.
GDP tăng thấp cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại (ảnh: KT)
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó, ngành lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 6,24% và 2,12% nhưng cũng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành ra khỏi mức âm bởi tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh – âm 2,69%. Ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, kém xa mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm trước do 2 ngành công nghiệp chủ lực là khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo có mức giảm cao.
Cùng với khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng suất siêu trở lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh (âm 4,8%) so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng chậm, giá trị xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 4,1%, trong đó xuất khẩu dầu thô, nguồn chính của ngân sách nhà nước giảm – âm 52,8%; các mặt hàng gia công chủ yếu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Tình hình kinh tế quý 1 cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn tăng nhưng có dấu hiệu chững lại, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, xuất khẩu hàng hóa tăng chậm, nhập khẩu hàng hóa giảm, thu chi ngân sách gặp khó khăn là những chỉ báo quan trọng cho thấy mục tiêu kinh tế xã hội năm 2016 hết sức khó khăn. Nhìn chung, tình hình kinh tế của các tháng còn lại của năm 2016 sẽ có những khó khăn nhiều hơn thuận lợi”.
Theo Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP 5,46% cũng là dấu hiệu tích cực.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng: nếu Chính phủ và các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn thì vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra: “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6,7%, chúng tôi dự kiến ngành nông lâm nghiệp và thủy sản phải đạt 2,5%.
Thứ hai, 9 tháng còn lại mà ta có các chỉ đạo quyết liệt về các chính sách về nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tốt mà sản xuất của khu vực chế biến chế tạo tăng được 12-13% cả năm thì nó cũng có những đóng góp cho tăng trưởng vào cuối năm. Khu vực dịch vụ giữ được đà tăng trưởng khá từ nay đến hết năm. Kết hợp các yếu tố đấy mà đạt được thì kỳ vọng mức tăng trưởng của cả năm 2016 sẽ đạt được”./.
Cẩm Tú
Theo_VOV
Quỹ phòng hộ châu Á: "Hãy mua chứng khoán của Việt Nam"
Giám đốc Quỹ FengHe Asia Fund nhận định tiêu dùng nội địa và đầu tư nước ngoài gia tăng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư rót tiền vào Việt Nam.
Một quỹ phòng hộ ở châu Á đã tận dụng sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2015 và đã thắng đậm nhờ bán khống. Năm nay, quỹ này vẫn tỏ ra bi quan về nền kinh tế lớn nhất châu Á và tin rằng những cơ hội đầu tư tốt nhất sẽ đến từ Việt Nam và Philippines.
Deng Jiewen - Giám đốc quỹ FengHe Asia Fund cho biết, các nền kinh tế Đông Nam Á đang hiệu quả hơn Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài. Quỹ này có trị giá 65 triệu USD và đã tăng 20% trong năm ngoái bất chấp chứng khoán châu Á lao dốc.
FengHe, có nghĩa là "rủi ro và lợi nhuận" trong tiếng Quan Thoại, là một trong số ít các quỹ phòng hộ đang tranh thủ đầu tư vào các thị trường nhỏ hơn ở châu Á khi triển vọng kinh tế của Trung Quốc trở nên ảm đạm.
"Chúng tôi rất lạc quan về kinh tế Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở đây", Deng nói. "Philippines thì có cấu trúc kinh tế và nhân khẩu học vững vàng. Nước này đang trở nên thân thiện hơn với vốn đầu tư nước ngoài."
Nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 mà chính phủ đã đề ra, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ vào lực cầu nội địa và đầu tư nước ngoài gia tăng.
FengHe Asia Fund đã tận dụng sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2015 và đã thắng đậm nhờ bán khống. (Ảnh minh họa: KT)
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua thêm 100 triệu USD cổ phiếu của các công ty Việt Nam trong năm 2015, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp có dòng vốn ngoại đổ vào trong khi các thị trường khác ở châu Á lại đang chứng kiến dòng vốn tháo chạy. Ở Philippines, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 16,4% lên 464 triệu USD trong tháng 11 năm ngoái, nâng tổng vốn đầu tư trong 11 tháng đầu năm lên 5,5 tỷ USD.
Theo công ty cung cấp dữ liệu Eurekahedge, trong một năm qua, FengHe được xếp vào nhóm 2% dẫn đầu trong 188 quỹ đầu tư ở châu Á (không tính Nhật Bản). Quỹ này cũng không miễn nhiễm với tình trạng mất tiền vào đầu năm nay do chứng khoán toàn cầu lao dốc vì giá dầu sụt giảm, biến động tiền tệ và làn sóng hạ xếp hạng tín dụng. Quỹ đã mất 3,8% giá trị trong tháng 1 khi chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 8%, xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Quỹ FengHe được điều hành bởi công ty quản lý tài sản F&H Fund Management do John Wu, cựu giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Alibaba sáng lập. Quỹ này thường đầu tư vào các lĩnh vực có nền tảng cơ bản vững mạnh trong dài hạn như du lịch, năng lượng sạch, y tế và tiêu dùng ở thị trường châu Á.
Chỉ số VN Index hiện đang được giao dịch ở mức gấp 1,7 lần tài sản ròng, gần thấp nhất 3 năm sau khi giảm 1,5% vào đầu năm nay. VN Index đã tăng trong 4 năm liên tiếp tính đến năm 2016. Theo dữ liệu của Bloomberg, lợi nhuận của sàn chứng khoán Philippines dự kiến tăng 22% trong 12 tháng tới.
Chứng khoán Trung Quốc đã kéo dài chuỗi mất điểm trong năm nay, khi chỉ số Shanghai Composite tụt xuống mức thấp nhất 14 năm vào 28/1 do các dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế nước này đang trở nên trầm trọng hơn.
Morgan Stanley cho biết cổ phiếu của các công ty thuộc chỉ số trên có thể đạt lợi nhuận trung bình 3% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5%. "Hầu hết nhà đầu tư nhận định rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đang được định giá rẻ hơn trước. Nhưng tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ giảm ở đa số các lĩnh vực", Deng nói.
Chính phủ Trung Quốc đã nâng số tiền ký quỹ bắt buộc đối với các giao dịch chứng khoán kỳ hạn, buộc các nhà môi giới phải hạn chế cho vay. Cảnh sát cũng đã tăng cường các cuộc điều tra chống bán khống chứng khoán.
Deng đã giảm số cổ phiếu nắm giữ của các công ty Trung Quốc trước tháng 6 năm ngoái khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc. Quỹ cũng đã bán khống cổ phiếu Trung Quốc ở Hong Kong trong năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng China Enterprises đều đã giảm hơn 40% kể từ mức đỉnh trong năm ngoái./.
Theo Thế giới Doanh nhân
Theo_VOV
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/3 Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/3 của các công ty chứng khoán. PAC: Khuyến nghị trung lập CTCK Bảo Việt (BVSC) CTCP Pin Ắc quy miền Nam (mã PAC) cho biết, năm 2015, tổng doanh thu đạt 2.260 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước; lợi nhuận ròng đạt...