GĐ CA tỉnh Nghệ An đến hiện trường chỉ đạo điều tra vụ thảm sát
Sáng ngày 16/7, đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An dẫn đầu đã tiếp cận hiện trường vụ thảm sát khiến 4 người trong gia đình tử vong tại huyện Tương Dương (Nghệ An).
Tin mới nhận cho hay, ngay từ sáng sớm ngày 16/7, đoàn công tác hơn 50 người gồm các lực lượng Cục C45 Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An, Viện KSND tỉnh Nghệ An, Đồn Biên phòng Tam Hợp… do Đại tá Nguyễn Hữu Cầu dẫn đầu đã vào tận bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An). Đây là nơi xảy ra vụ án mạng khiến 4 người trong gia đình anh Lo Văn T. (SN 1987) tử vong.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác
Được biết, khi còn đang là thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, đối với các vụ trọng án, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã nhiều lần trực tiếp đến hiện trường, tham gia chỉ đạo, lên kế hoạch tác nghiệp, đốc thúc anh em trong quá trình điều tra. Theo đó, nhiều vụ trọng án có sự tham gia của đại tá Cầu nhanh chóng được phá thành công.
Đối với vụ thảm sát tại bản Phồng, nhận định đây là vụ án khó, phức tạp nên Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cùng đoàn công tác cũng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo, tạo động lực cho anh em đồng nghiệp tham gia phá án.
Vượt qua nhiều con đồi…
Video đang HOT
…Lội qua nhiều con suối, đoàn công tác mới vào được hiện trường.
Do nơi xảy ra vụ thảm sát cách xa trung tâm bản Phồng khoảng 5km đường rừng, lại là nơi không có sóng điện thoại nên việc tiếp cận hiện trường gặp rất nhiều khó khăn. Từ rất sớm, đoàn công tác đã phải băng rừng, lội suối, mất gần 2h đồng hồ để tiếp cận được hiện trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác phá án đến nay chưa có kết quả.
Hiện trường vụ thảm sát ở Nghệ An xảy ra trong rừng sâu, cách xa khu dân cư, gây khó khăn cho công tác điều tra
Có mặt tại bản phồng, đoàn công tác đã kiểm tra kỹ lại hiện trường xảy ra án mạng và khu vực xung quanh. Bên cạnh công tác điều tra phá án, đại tá Cầu cùng đoàn đã tới thăm hỏi, kiểm tra tình hình ăn ở, lao động sản xuất, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của bà con dân bản. Sự quan tâm, gần gũi, đầy quyết tâm, nhiệt huyết của đoàn nói chung và Đại tá Cầu nói riêng đã tạo cho người dân một sự yên tâm và niềm tin mãnh liệt. Bởi thế mà sáng nay (17/7), theo ghi nhận của phóng viên báo Người đưa tin, thay vì hoang mang, sợ hãi như mấy ngày qua, giờ đây người dân đã yên tâm sinh hoạt, đi lại và lên nương rẫy, khe suối để lao động sản xuất. Và hơn ai hết, họ tin rằng, CQĐT sẽ sớm tìm ra được hung thủ.
Sự vào cuộc ráo riết của CQĐT đã tạo niềm tin cho người dân địa phương
Tin nhanh từ Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Hiện, CQĐT vẫn chưa tìm ra được manh mối và thông tin gì mới. Song, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, sẽ quyết tâm, tập trung phá án, bắt nhanh hung thủ về quy án.
Trước đó, Cục C45 Bộ Công an đã cử một tổ công tác, gồm các điều tra viên cao cấp về Nghệ An để hỗ trợ CQĐT địa phương phá án. Ngoài lực lượng công an, còn có các đơn vị nghiệp vụ bộ đội biên phòng cũng đã được điều động.
Trước đó, như tin tức đã đưa, chiều tối ngày 2/7, hai cha con ông Vi Văn Hoài và Vi Văn Tuyên, trú tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) đi đánh cá tại khu vực khe Kèn Tà thì hoảng hốt phát hiện thi thể 4 người đã tử vong. Danh tính các nạn nhân sau đó đã được xác định là 4 người trong một gia đình gồm: anh Lo Văn T. ( 28 tuổi), bà Viêng Thị D. ( 60 tuổi, mẹ anh T.), chị Lê Thị Y. ( 25 tuổi, vợ anh T.) và con trai 8 tháng tuổi. Tất cả đều trú tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An). Thi thể tất cả nạn nhân có nhiều vết chém, trong đó đều có nhát chí mạng ở cổ.
Xuân Hồng – Ngọc Tuấn
Theo_Người Đưa Tin
Thảm sát 4 người ở Nghệ An: Cắt rừng truy tìm hung thủ
"Mấy ngày nay ống nước sinh hoạt dẫn từ trên núi xuống chỉ chảy nhỏ giọt nên phải để dành nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều phải ra suối cả. Suối ở bản có rất nhiều trâu bò xuống tắm nên chúng tôi phải tắm chung với chúng...", thượng tá Cao Ánh Hồng kể quá trình đi tìm dấu vết hung thủ thảm sát 4 người ở Nghệ An.
Băng rừng, lội suối truy tìm hung thủ thảm sát 4 người ở Nghệ An - Ảnh: Khánh Hoan - Phạm Đức
Căn nhà sàn của một hộ dân ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) từ khi vụ thảm sát được phát hiện, đã trở thành nơi đóng quân của Ban chuyên án. Quãng đường từ quốc lộ 7 vào bản Phồng khoảng 23 km, toàn là đường đất, nhiều "ổ voi", lởm chởm đá và nhiều đèo dốc.
Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Nghệ An, cho biết tối hôm nhận được tin về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng này, xe của cảnh sát phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới "bò" vào được bản vì đường quá xấu, nguy hiểm và lái xe chưa quen đường. Từ bản Phồng vào nơi xảy ra vụ thảm sát mất gần 2 giờ đi bộ. Đường đi là một lối mòn nhiều đoạn chỉ đủ lọt một người, len lỏi trong rừng với nhiều con dốc, qua nhiều con suối.
Theo thượng tá Hồng, nhiều mũi trinh sát đã được tung ra để lần tìm manh mối vụ án. Các điều tra viên khoác ba lô, mang theo mì gói để cắt rừng, tìm dấu vết của kẻ thủ ác. Đến giờ ăn, các trinh sát phải chặt ống nứa làm bát, vào lán của dân dựng trong rừng xin nước sôi chế mì gói. Nước uống thì múc dưới suối. Tối đến, nhiều trinh sát phải ngủ lại trong rừng.
"Mấy ngày nay ống nước sinh hoạt dẫn từ trên núi xuống chỉ chảy nhỏ giọt nên phải để dành nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều phải ra suối cả. Suối ở rừng còn sạch, chứ ở bản thì rất nhiều trâu bò cũng xuống tắm nên chúng tôi phải tắm chung với chúng", thượng tá Hồng nói.
Nơi bà Viêng Thị Chương bị sát hại sát bên bờ suối - Ảnh: Khánh Hoan - Phạm Đức
Trung tá Trần Phúc Tú, Phó trưởng Công an huyện Tương Dương, cho biết khu vực xảy ra vụ thảm sát thuộc vùng rất khó khăn của địa phương, đường sá đi lại quá vất vả, địa bàn giáp biên giới, xung quanh chỉ toàn là núi với rừng. Ở trung tâm xã có sóng điện thoại, nhưng ở bản Phồng thì sóng rất yếu, muốn liên lạc phải lên trên núi cao dò sóng.
"Anh em chúng tôi phải treo điện thoại trước cửa nhà để hứng sóng. May mắn lắm thì mới thực hiện được cuộc gọi thành công", ông Tú kể.
Khẩn trương phá án
Công an tỉnh Nghệ An xác định đây là vụ án đặc biệt nghiệm trọng nên ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát, đơn vị này đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp điều tra. Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu công an tỉnh và các ngành liên quan tập trung lực lượng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an để khẩn trương điều tra làm rõ vụ án này.
Công an tỉnh đã thành lập hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định các dấu vết liên quan và tiến hành các hoạt động điều tra. Các điều tra viên, trinh sát viên, giám định viên có kinh nghiệm, năng lực đã được huy động để làm rõ vụ án.
Đường vào hiện trường vụ thảm sát chỉ vừa một người đi - Ảnh: Khánh Hoan - Phạm Đức
Do nơi xảy ra vụ án là giáp ranh với Lào, ít người qua lại, xa vùng dân cư sinh sống, có nhiều dân tộc như Tày Pọong, Thái, Mông, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên trong quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết hiện công an tỉnh này đang tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ vụ án. Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng đã cử một tổ trinh sát vào để phối hợp điều tra.
Khánh Hoan - Phạm Đức
Theo Thanhnien
Vụ 4 người chết bí ẩn ở Nghệ An: Cha già gục ngã khi cùng lúc mất cả gia đình Biết chuyện cả gia đình bị giết hại một cách dã man, ông Bình đau đớn như đứt từng khúc ruột. Tiếng khóc oán than của người đàn ông khắc khổ như xé nát những mảng trời chiều nơi bản làng nghèo vùng miền Tây xứ Nghệ. Bản nghèo bàng hoàng sau vụ thảm sát dã man Những người dân miền núi xã...