Gây khó luật sư chính là gây khó việc bảo vệ công lý của Toà
Giới luật sư vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ án hình sự, khó khăn nhất vẫn là thủ tục “xin” cấp Giấy chứng nhận người bào chữa.
Ngày 26/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nghị quyết yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử.
Trên thực tế cho đến nay, giới luật sư vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ án hình sự. Khó khăn nhất vẫn là thủ tục “xin” cấp Giấy chứng nhận người bào chữa.
Mặc dù Điều 27 Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thủ tục cấp giấy, thời hạn cấp giấy chứng nhận.
Luật, thông tư đã quy định rõ không chỉ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà cả người thân hoặc người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền yêu cầu luật sư; thế nhưng phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đúng thời hạn và từ chối hoặc gây khó trong việc cấp không có căn cứ pháp luật.
Mới đây nhất là tin tức vụ việc TAND quận I (TP. HCM) đã từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho các luật sư với lý do bị cáo đã trên 18 tuổi mẹ của bị cáo mời luật sư bào chữa là không đúng theo Điều 57 BLHS. Theo đó,Tòa này chỉ chấp nhận cấp giấy cho luật sư khi bị cáo bị tam giam có yêu cầu?!
Gây khó luật sư chính là gây khó việc xét xử,bảo vệ công lý của Toà án.
Ngày 29/6, TAND Quận 1 đã lập biên bản giải thích, hướng dẫn các luật sư đến gặp trực tiếp bị cáo tại trại tạm giam để bổ túc đơn yêu cầu luật sư theo quy định pháp luật. Tuy nhiên khi Luật sư đến trại tạm giam xin vào gặp bị cáo thì lại bị trại giam từ chối. Mặc dù việc này được TAND Quận 1 “hướng dẫn” nhưng lại chối bỏ trách nhiệm xử lý vì “việc này không thuộc thẩm quyền xử lý”!?
Video đang HOT
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư tp Hồ Chí Minh) cho rằng: “Việc làm của TAND Quận 1 đặt ra khó khăn,cản trở hoạt động hành nghề của luật sư cũng như quyền lợi của bị cáo.Trong khi nghĩa vụ đó thuộc về Tòa án. Điều này không chỉ gây phiền phức cho những vụ án khác mà còn cản trở quá trình cải cách tư pháp”.
Thực tiễn thi hành BLTTHS 2003 cho thấy thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa là rào cản lớn đối với hoạt động tham gia tố tụng hình sự của luật sư, ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của bị can, bị cáo. Càng gây khó đối với luật sư bao nhiêu thì Toà án càng khó khăn bấy nhiêu trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý,bảo vệ quyền con người.
Từ thực tiễn có thể thấy, quy định thủ tục “cấp giấy Chứng nhận bào chữa” như luật hiện hành hoặc thủ tục “cấp giấy đăng ký bào chữa” như dự thảo BLTTHS (sửa đổi, bổ sung) vẫn còn tư duy trì trệ, chưa thể hiện quyết tâm cải cách tư pháp.
Nếu thay việc cấp giấy chứng nhận bào chữa bằng việc đăng ký bào chữa thì phải quy định khi luật sư xuất trình đủ các giấy tờ đăng ký, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành việc đăng ký cho luật sư (Ghi nhận ngay vào sổ đăng ký bào chữa) mà không cần phải quy định thêm thủ tục cấp.
Vì vậy, đề nghị Liên đoàn LSVN tiếp tục kiến nghị tiếp thu,đề xuất chỉnh sửa Chương 7 – BLTTHS, kiến nghị Ban soạn thảo BLTTHS (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đặc biệt lưu ý đến việc loại bỏ những”rào cản” luật sư hành nghề đã tồn tại bấy lâu.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Theo_Người Đưa Tin
Không cấp giấy chứng nhận bào chữa, tòa "đánh đố" luật sư
Toà án từ chối cấp giây chứng nhận bào chữa cho Luật sư do bị cáo đã trên 18 tuổi nên người đại diện hợp pháp là mẹ của bị cáo mời luật sư bào chữa là không đúng theo Điều 57 Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong (SN 1995, ngụ quận 1, TP.HCM) bị TAND Quận 1 mở phiên tòa xét xử lưu động tại Công viên 23/9, quận 1, TP.HCM về tội Cố ý gây thương tích vào ngày 16/6.
Tuy nhiên phiên toà đã phải hoãn vì bà Vũ Thị Loan - mẹ của bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong một mực yêu cầu phải có luật sư bào chữa do cho rằng con mình bị oan.
Bà Vũ Thị Loan cho rằng: Nguyễn Vũ Thanh Phong mới 19 tuổi; việc Phong lấy dao và ghế nhựa tấn công làm Nguyễn Duy Trọng (SN 1992) bị thương nặng phải đi cấp cứu vì Trọng cùng đồng bọn đến nhà Phong đánh lộn trước. Phong vì phòng vệ chính đáng nên mới gây thương tích cho Nguyễn Duy Trọng.
Bà Loan cũng yêu cầu tòa mời luật sư bào chữa.
Tại phiên xét xử lưu động, Luật sư Cao Thế Luận tới để làm hồ sơ bào chữa nhưng Thẩm phán không chấp nhận cấp giấy bào chữa vì bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong đã trên 18 tuổi nên người đại diện hợp pháp là bà Vũ Thị Loan mời luật sư bào chữa là không đúng theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa chỉ chấp nhận cấp giấy cho luật sư khi bị cáo Phong có yêu cầu.
Sau khi TAND Quận 1 gây khó dễ một cách khó hiểu, phiên toà xét xử lưu động sau đó phải tạm hoãn.
Tiếp tục cùng đồng nghiệp vào cuộc đòi lại công lý cho bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong nhưng Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội vẫn bị TAND Quận 1 gây khó dễ.
Luật sư Cao Thế Luận và Nguyễn Văn Quynh đều bị TAND Quận 1 không chấp nhận cấp giấy bào chữa cho bị cáo Phong.
Ngoài lý do từ chối giống Luật sư Cao Thế Luận, trong biên bản làm việc giữa Thẩm phán Phạm Thị Thu Phương và Luật sư Nguyễn Văn Quynh ngày 29/6, TAND Quận 1 còn hướng dẫn Luật sư Quynh đến gặp trực tiếp bị cáo tại trại tạm giam (theo Khoản 1 Điều 57 BLTTHS) để bổ túc đơn yêu cầu luật sư theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên khi Luật sư Nguyễn Văn Quynh đến trại tạm giam xin vào gặp bị cáo thì lại bị trại giam từ chối. Mặc dù việc này được TAND Quận 1 "hướng dẫn" nhưng lại chối bỏ trách nhiệm xử lý vì "việc này không thuộc thẩm quyền xử lý"!?
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Luật sư Phạm Công Út nêu rõ quan điểm: "Luật sư không có giấy chứng nhận bào chữa mà Tòa lại bắt vào gặp bị cáo tại trại giam, tức là đánh đố luật sư".
Luật sư Phạm Công Út viện dẫn quy định tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2 tháng 10 năm 2004 để khẳng định TAND Quận 1 đã chối bỏ trách nhiệm của mình.
Luật sư Phạm Công Út.
Theo đó, nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc không có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì Tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo.
Tòa án cũng có thể thông báo cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì Tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa.
"Việc làm của TAND Quận 1 đặt ra khó khăn, cản trở hoạt động bào chữa của luật sư cũng như quyền lợi của bị cáo. Trong khi nghĩa vụ đó thuộc về Tòa án. Điều này không chỉ gây phiền phức cho những vụ án khác mà còn cản trở quá trình cải cách tư pháp", Luật sư Út nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra, khi người nghèo đã vào tình thế "thân cô thế cô", chính luật sư là người bảo vệ họ còn bị tòa án gây khó dễ như vậy thì quyền lợi của bị cáo sẽ được đảm bảo đến đâu?
Tin tức về vụ việc sẽ được báo Người đưa tin tiếp tục cập nhật đến độc giả.
Việt Hương
Theo_Người Đưa Tin
Thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Hướng dẫn các giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Chuẩn bị hồ sơ (Quy định tại Điều 20 Nghị định số 43/2010/NĐCP) Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm: 1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp 2. Dự thảo Điều lệ công ty 3....