Gary Speed, tấm gương sáng ngời
Đấy không bao giờ là một ngôi sao rực sáng.
Gary Speed thuộc về một dạng khác. Anh là hình mẫu chuẩn mực để các cầu thủ chuyên nghiệp học hỏi. Speed thành danh trong bóng đá đỉnh cao bằng ý thức và nỗ lực của chính mình, hơn là bằng tài năng thiên phú nào.
Lần đầu tiên HLV Howard Wilkinson phát hiện tài năng của Gary Speed là khi anh chơi cho đội trẻ của Leeds, trong vai một hậu vệ. Ông liền gọi Speed lên đội 1. Khi ấy Leeds vẫn còn chơi ở giải hạng Nhì. Có tài liệu ghi rằng: kể từ đó, Speed đã chơi ở tất cả các vị trí trong đội hình Leeds, trừ thủ môn! Cụ thể ra sao thì thật khó tin, cũng khó kiểm chứng.
Nhưng chắc chắn, Speed là một cầu thủ đa năng. Điều này giải thích vì sao tuy được biết đến chủ yếu ở vị trí tiền vệ trái, Speed vẫn là nhân vật không thể thiếu của đội tuyển Xứ Wales, nơi đã có siêu sao Ryan Giggs khét tiếng ở vị trí này. Hồi Xứ Wales gây tiếng vang bằng trận thắng Ý 2-1 (năm 2002), Giggs trấn giữ cánh trái của hàng tiền vệ trong khi Speed đá hậu vệ trái, mang băng đội trưởng, và được chấm điểm cao nhất trong đội.
Vừa thăng hạng, Speed cùng Leeds đã vươn lên vị trí số 4 ở giải VĐQG ngay mùa đầu tiên, và đến mùa bóng kế tiếp (1991/92) thì họ đoạt chức vô địch Anh. Speed đá 41 trong 42 trận ở mùa bóng ấy. Hàng tiền vệ gồm David Batty, Gary McAllister, Gordon Strachan, Speed của Leeds khi ấy được cựu HLV Eddie Gray cho là hàng tiện vệ hay nhất thế giới trong kỷ nguyên hiện đại. HLV Wilkinson thì nêu tên Speed khi ông chọn cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng (đấy là lúc Eric Cantona đang chơi cho đội này).
Ngay sau chức vô địch 1991/92 của Leeds thì giải Premier League ra đời. Và dù M.U vô địch mùa bóng đầu tiên để mở ra cả một thời kỳ thống trị Premier League, Speed vẫn lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu này trong mùa đầu tiên. Tiền vệ trung tâm trong đội hình ấy là Roy Keane (anh còn đang ở Nottingham Forest) và Paul Ince của M.U. Tiền đạo là Alan Shearer của Blackburn và Ian Wright của Arsenal. Không có gì để tranh cãi. Thế còn hai vị trí tiền vệ biên? Đấy chính là Speed và Giggs. Bạn muốn xếp cầu thủ nào ở bên nào cũng được (việc Giggs ổn định chỗ đứng và vang danh ở cánh trái chỉ là chuyện sau này).
Gary Speed ăn mừng trong màu áo Leeds United, đội bóng anh gắn bó lâu nhất sự nghiệp cầu thủ
Tính chuyên nghiệp cao độ của Speed là đặc điểm hiếm thấy. Trong cái thời kỳ mà bóng đá Anh gồm toàn những “bợm nhậu” cự phách, người ta phải lấy làm lạ về khẩu phần hợp khoa học mà Speed luôn tuân thủ. Anh luôn có ý thức giữ gìn thể lực. Khi ra sân thì Speed thường chọn giải pháp khôn ngoan trong những pha tranh chấp ác liệt. Anh rất hiếm khi chấn thương và thi đấu đến tuổi 40 mới giải nghệ. Trong giai đoạn khoác áo Bolton, Speed trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử đá 500 trận ở Premier League. Sau này, các CLB mà Speed trải qua – Leeds, Everton, Newcastle, Bolton – đều ghi nhận anh là một trong những huyền thoại của đội. Anh chia tay Bolton ở tuổi 38 và đá thêm 2 mùa ở giải hạng Nhì trong màu áo Sheffield United.
Người ta thường kết nối Gary Speed với Leeds United, chủ yếu vì đấy là CLB đầu đời, nơi anh có danh hiệu VĐQG, cũng là đội gắn bó lâu nhất. Kỳ thực, sự thể hiện của Speed ở cả 4 đội thuộc Premier League là rất đồng đều. Ngay cả Everton, đội bóng mà Speed chia tay trong tình trạng “có tí căng thẳng”, thì anh cũng từng được công nhận là cầu thủ hay nhất mùa bóng. Ở Newcastle, anh được HLV Bobby Robson sánh ngang Alan Shearer, gọi là cầu thủ “blue chip”, và là tấm gương để những cầu thủ chuyên nghiệp khác học hỏi.
Đấy cũng là đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp Speed. Anh không có tài năng thiên phú, kiểu Lionel Messi. Anh giống Cristiano Ronaldo nhiều hơn: những gì đạt được là thành quả từ nỗ lực tập luyện, từ ý thức chuyên nghiệp, và sự bền bỉ. Speed từng là cầu thủ duy nhất ghi bàn trong mọi mùa bóng ở Premier League, tính đến thắng 8/2007 (khi đang khoác áo Bolton). Sau đó, Ryan Giggs cũng bắt kịp thành tích này. Giggs ghi bàn muộn hơn trong mùa bóng 2007/08, rồi vượt qua Speed khi lại ghi bàn ở mùa bóng 2008/09 – khi Speed đã chia tay Premier League.
Video đang HOT
Cái chết của Gary Speed
Tháng 11/2011, Xứ Wales thắng Na Uy 4-1. Đấy là trận đấu cuối cùng của Gary Speed trong cương vị HLV trưởng đội tuyển Xứ Wales. Đến tháng 12/2011 thì FIFA công nhận Xứ Wales là đội bóng tiến bộ nhất thế giới trong năm. Đội này nhảy vọt từ vị trí số 116 lên 48 trong bảng xếp hạng FIFA. Tiếc thay, Speed đã mãi mãi ra đi vào ngày 27/11/2011. Anh treo cổ tự vẫn tại nhà riêng. FIFA treo cờ rủ. Thủ tướng Anh David Cameron và gần như mọi nhân vật bóng đá ở Anh khi đó đều bày tỏ sự thương tiếc.
Các cầu thủ Leeds United mặc áo tri ân Gary Speed
Tỏa sáng ở nơi đã có Ryan Giggs
Nói đến cánh trái của hàng tiền vệ trên sân cỏ Anh là phải nói đến huyền thoại Ryan Giggs của M.U. Giggs là người Xứ Wales. Vậy mà Gary Speed, cũng là người Xứ Wales, chơi tiền vệ trái và thi đấu cùng thời với Giggs, lại từng là cầu thủ phía trên khoác áo đội tuyển Xứ Wales nhiều nhất (85 trận, Giggs chỉ có 64 trận). Chris Gunter đã vượt qua kỷ lục này của Speed vào năm 2018. Nhưng bấy nhiêu cũng cho thấy Speed đáng nể như thế nào.
535. Speed từng giữ kỷ lục thi đấu nhiều nhất ở Premier League (535 trận). Kỷ lục này bị David James xô ngã. Ngoài James, chỉ có 3 cầu thủ khác thi đấu ở Premier League nhiều hơn Speed. Đó là Giggs, Lampard và Barry.
9 lần 'sấy tóc' nổi tiếng của Sir Alex Ferguson
Nhân việc cựu hậu vệ Patrice Evra kể chuyện HLV Alex Ferguson nổi điên và bắt các cầu thủ xuống xe bus để ký tặng cho những CĐV từng bị họ phớt lờ, trang Daily Mail tổng hợp lại những vụ "sấy tóc" nổi tiếng nhất của Sir Alex thời còn dẫn dắt Man United.
1. "ERIC... KHÔNG THỂ CỨ LOANH QUANH RỒI LÀM BẬY THẾ ĐƯỢC"
Hôm ấy diễn ra một trong những sự kiện tai tiếng nhất trong lịch sử bóng đá. Eric Cantona tung cú song phi vào một cổ động viên của Crystal Palace. Cầu thủ người Pháp rồi sẽ bị treo giò 8 tháng vì hành động này. Nhưng đêm đó, trong phòng thay đồ, Sir Alex dường như chỉ quan tâm tới việc Man United đánh rơi 2 điểm. Theo lời kể, ông hằm hằm đi vào và quăng đủ thứ "rau củ quả" vào các cầu thủ Pallister, Paul Ince, Lee Sharpe. Xong hết rồi ông mới nhẹ nhàng quay sang Cantona, hạ giọng: "Eric... không thể cứ loanh quanh rồi làm bậy thế được đâu, con trai".
2. RONALDO MÍT ƯỚT
Sir Alex chưa bao giờ giấu giếm tình yêu với Ronaldo, xem anh là học trò xuất sắc nhất mà ông từng được dẫn dắt trong cả sự nghiệp. Nhưng yêu với chiều là hai phạm trù khác nhau. Theo tác giả Guillem Balague viết trong cuốn tự truyện Cristiano Ronaldo: The Biography, ngôi sao người Bồ từng bật khóc ngon lành trong phòng thay đồ khi bị Sir Alex mắng vì lỗi chơi bóng quá cá nhân. "Cậu nghĩ cậu là ai? Hả? Thích chơi một mình à? Chơi kiểu đó cậu sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì đâu".
3. CHIẾC "BABYLISS TURBO POWER 2200" CỦA ROONEY
"Máy sấy tóc" thì ai cũng dùng, chỉ có Wayne Rooney là so sánh một cách cụ thể. "Không có gì tệ hơn là dính đòn 'sấy tóc' từ Sir Alex", anh viết trong tự truyện My Decade xuất bản hồi năm 2012. "Mỗi khi điên lên, ông sẽ đứng giữa phòng, ngay trước mặt tôi và gào lên. Cảm giác như vừa nhét đầu vào trước một chiếc Babyliss Turbo Power 2200 (một nhãn hiệu máy sấy tóc). Thật kinh khủng". Rooney cũng kể màn sấy tóc đáng sợ nhất mà anh từng chứng kiến là khi Sir Alex "quạt" Louis Saha sau thất bại trước Celtic ở Champions League vào năm 2006.
4. BECKHAM VÀ CHIẾC GIÀY BAY
Đây chắc chắn là màn sấy tóc nổi (tai) tiếng nhất. Sau khi bị Arsenal loại khỏi FA Cup hồi 2003, Sir Alex đã nổi điên và nhắm tới David Beckham, người mà theo ông là đã chơi tệ đi sau khi có tin được Real Madrid liên hệ. "Anh ta ngồi cách tôi hơn 3 mét", Sir Alex kể lại vụ việc trong tự truyện. "Giữa chúng tôi là một đống giày. David chửi thề. Tôi liền tiến về phía anh ta, tiện chân đá luôn một chiếc giày. Nó trúng vào phía trên mắt cậu ta. Tất nhiên là cậu ta bật dậy định ăn thua đủ với tôi, nhưng các cầu thủ đã ngăn lại. Tôi nói 'Ngồi xuống. Cậu đã khiến cả đội thất vọng". Chính trong thời điểm đó, tôi đã nói với BLĐ là David phải ra đi.
5. CON THỎ ĐÓI CỦA PIQUE
Với Pique, Sir Alex không chỉ là HLV, mà còn là chủ nhà. Khi mới tới từ Barcelona, trung vệ trẻ này đã thuê một căn hộ của Fergie để ở. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu anh không mua một con thỏ làm bạn, và chú thỏ ấy không cắn nát hết bàn ghế trong phòng. Pique kể lại sau khi anh trở lại Barca rồi Sir Alex còn gọi điện chỉ để mắng cho anh một trận, còn gọi anh là "tên khốn Catalonia".
6. MÀN ĐỔI ÁO CỦA VAN NISTELROOY
Man United vừa thua 1-3 trên sân của Man City. Đó rõ ràng không phải là thời điểm thích hợp để đổi áo. Ấy vậy mà Ruud van Nistelrooy cả gan làm thế, và kết quả là Sir Alex nổi điên. "Đừng bao giờ đổi áo với ai cả", ông nói, theo lời kể của Gary Neville. "Đây không phải là áo của các anh. Đây là áo của tôi. Là áo của CLB. Không phải của các anh. Các anh chỉ tạm thời mặc nó thôi". Từ đó về sau, ông cấm các cầu thủ Man United đổi áo ở các trận đấu trong nước.
7. BÀI HỌC CỦA RIO
Như Rooney, Rio Ferdinand nghĩ rằng cách nhanh nhất để khiến Sir Alex ngừng gào lên là lên tiếng bảo vệ mình. Nhưng anh nhầm. Sau thất bại 2-1 trên sân của Benfica hồi 2005 mà vì nó Man United đứng bét bảng ở Champions League, Sir Alex như thường lệ lại bật chế độ sấy tóc. Rio cũng bị sấy, tất nhiên. Nhưng anh nghĩ thế là không công bằng. Và cãi lại. "Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi càng gào to thì ông càng điên tiết, càng hét to hơn và tiến sát tôi hơn".
8. "CẬU KHÔNG PHẢI LÀ PELE HAY MARADONA ĐÂU"
Trong 6 năm khoác áo Man United, Paul Ince không ít lần tranh cãi với Sir Alex, người luôn tìm mọi cách để chứng tỏ ở Old Trafford chỉ có một 'ông chủ'. Một trong đó diễn ra sau thắng lợi 3-1 trước Norwich hồi năm 1993. Phút 92, Ince cố gắng đi bóng qua 3 cầu thủ của Norwich, tới người thứ ba thì bị cướp bóng và Norwich suýt ghi bàn. Dù sao thì Man United vẫn thắng nên Ince nghĩ không vấn đề gì. Nhưng Sir Alex đã sạc anh một trận ra trò. "Cậu nghĩ cậu là ai? Maradona hay Pele", Sir hỏi. Ince nói anh có muốn cãi cũng không được vì nước bọt cứ bay vào miệng anh mỗi lần anh mở mồm.
9. LẦN ĐẦU TIÊN?
Không phải tới khi thành công rồi Sir Alex mới sử dụng "máy sấy tóc". Ngay sau trận đấu thứ tư với Man United, ông đã cho các học trò mới thấy để ông điên lên thì sẽ khủng khiếp đến thế nào. "Sir Alex như muốn xé xác bọn cầu thủ chúng tôi. Tôi chưa thấy điều gì tương tự như thế trước đó," Bryan Robson nhớ lại màn sấy tóc của Sir Alex sau thất bại trước Wimbledon hồi 1986. "Thực tế là tôi chưa và sau này cũng không thấy HLV nào khác nổi điên lên theo cách của ông ấy."
Ronaldo 'béo' và dàn hảo thủ không thể vô địch Champions League Ronaldo de Lima khoác áo 4 CLB lớn tại châu Âu, nhưng không thể tận hưởng cảm giác vô địch Champions League. Buffon là trường hợp đáng tiếc nhất khi 2 lần gục ngã tại chung kết. Ronaldo de Lima: Huyền thoại người Brazil từng khoác áo 4 CLB lớn gồm Barcelona, Inter Milan, Real Madrid và AC Milan, nhưng kém duyên với...