Gặp thuyền trưởng cứu 10 ngư dân bị tàu TQ đâm chìm
Nhờ 20 năm kinh nghiệm làm thuyền trưởng đạp sóng vươn khơi, ông Sinh đã mưu trí điều khiển tàu ĐNa 90508 tránh được sự truy đuổi, đâm va của tàu Trung Quốc, cứu vớt được 10 ngư dân bị nạn trên tàu ĐNa 90152.
Sáng 10/6, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Sinh, 43 tuổi, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90508, tàu thứ 2 của gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Ông Sinh đã kể cho chúng tôi nghe tội ác của những người trên tàu Trung Quốc khi truy đuổi và hung tợn đâm chìm tàu cá ĐNa 90152, do anh Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng.
Ngày 11/5 vừa qua, ông Sinh làm thuyền trưởng tàu ĐNa 90508, cùng đội tàu của ngư dân Đà Nẵng vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, nơi khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta.
Ông Sinh chỉ vào cuốn sổ nhật trình ghi rõ ràng ngày tháng, vị trí tàu TQ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152.
Cú đâm chí mạng
Căn nhà của gia đình ông Sinh nằm hút sâu trong con hẻm nhỏ ở tổ 87, Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Gặp chúng tôi, ông Sinh bày tỏ sự bức xúc khi kể lại tường tận sự việc tàu vỏ sắt của Trung Quốc ngang ngược truy đuổi các tàu ngư dân Đà Nẵng và cố tình đâm chìm tàu ĐNa 90152 trên vùng biển chủ quyền của nước ta.
Ông Sinh kể lại, vào chiều ngày 26/5, tàu ĐNa 90508 do ông cầm lái cùng tàu ĐNa 90152 đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa (cách vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý) thì bị 3 tàu vỏ sắt mũi nhọn của Trung Quốc truy đuổi. Ông Sinh điều khiển tàu ĐNa 90508, còn anh Nhân điều khiển tàu 9015 cùng mở hết tốc lực chạy để tránh sự va chạm với tàu Trung Quốc.
Đến khoảng 15h30 cùng ngày, 3 tàu của Trung Quốc đã đuổi kịp và 2 tàu kẹp chặt tàu ông Sinh vào giữa.
“Khi tàu Trung Quốc đã đuổi kịp và kẹp chặt tàu chúng tôi vào giữa, họ dùng hai chai thủy tinh ném qua tàu chúng tôi. Lúc đó, anh em thuyền viên trên tàu rất lo lắng. Tôi liền động viên anh em phải thật bình tĩnh, và chuẩn bị tư thế để xử lý tình huống xấu xảy ra”, ông Sinh nói.
Nhờ kinh nghiệm đi biển gần 30 năm, trong đó có trên 20 năm làm thuyền trưởng đạp sóng vươn khơi đánh bắt, ông Sinh đã điều khiển tàu ĐNa 90508 ngay lập tức lùi về phía sau.
Video đang HOT
Sự mưu trí của ông Sinh đã giúp cho chiếc tàu ĐNa 90508 thoát được sự ép sát, kẹp chặt của tàu Trung Quốc, đồng thời giữ an toàn cho các anh em thuyền viên.
Khi không thể làm gì được tàu của ông Sinh, tàu vỏ sắt Trung Quốc mang số hiệu 11202 đã mở hết tốc lực đâm vào tàu ĐNa 90152. Sau cú đâm cực mạnh từ tàu Trung Quốc, tàu ĐNa 90152 đã bị lật úp và chìm ngay xuống biển.
Ông Sinh giọng bức xúc: “Họ thật vô nhân tính khi thực hiện hành động cố ý giết người này. Đâm chìm tàu ĐNa 90152 xong, họ còn cho tàu thả trôi, đứng trên tàu vô cảm nhìn các ngư dân Việt Nam vùng vẫy trên biển giữa ranh giới sự sống và cái chết”.
Biết tàu Trung Quốc vẫn còn đó, nhưng bất chấp sự nguy hiểm, ông Sinh liền mở hết tốc lực, lái tàu mình tiến về vị trí tàu ĐNa 90152 đang chìm để cứu 10 ngư dân bị nạn.
Ông Sinh được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tặng bằng khen vì đã cứu 10 ngư dân gặp nạn trên biển.
Ngay sau khi cứu được 10 ngư dân, ông Sinh liền chỉ đạo thuyền viên chèo thúng mang theo dây thừng cột vào chiếc tàu đang chìm, đồng thời gọi 8 tàu trong đội tàu ngư dân Đà Nẵng đến hỗ trợ để giữ không để tàu ĐNa 90152 chìm xuống biển.
“Lúc đó, tôi nghĩ nhất định phải làm mọi cách để không cho tàu ĐNa 90152 chìm hẳn. Đồng thời, tôi điện đàm báo cho cơ quan cấp trên biết”, ông Sinh kể và cho biết ông cũng không quên ghi lại cẩn thận những số liệu ở thời khắc Trung Quốc gây ra tội ác vào cuốn sổ nhật trình của mình.
Cuốn sổ có ghi rõ ràng từng chữ, từng số như sau:
“16h05p, ngày 26-5-14.
Vĩ độ: 1517012-11102530
Số tàu TQ 11202″
Ông Sinh chia sẻ: “Tôi ghi lại những dòng này và có dặn dò Nhân (thuyền trưởng Đặng Văn Nhân, em vợ của anh Sinh) là em phải nhớ rõ ràng những số liệu này để về trình báo cơ quan chức năng tố cáo tội ác của Trung Quốc”.
Vào ngày 27/5, ngay sau khi chuyển 10 ngư dân qua tàu VT57, đồng thời hỗ trợ lai dắt tàu ĐNa 90152 đến vị trí an toàn, ông Sinh đã động viên các anh em thuyền viên lấy lại tinh thần và cho tàu quay lại “điểm nóng” Hoàng Sa tiếp tục đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Dù có phần lo lắng, nhưng chị Sương luôn tin vào tài cầm lái của chồng.
Bằng chứng tố cáo tội ác của tàu Trung Quốc
Ngày 5/6, ông Sinh cùng đội tàu ngư dân Hoàng Sa đã trở về đất liền. Ông cho biết, chuyến đi này, do tàu Trung Quốc hung hăng, truy đuổi quá nhiều nên tàu ngư dân không thể yên ổn đánh bắt. Vì thế, tàu do anh cầm lái đã phải chịu lỗ mất gần 150 triệu đồng.
Người thuyền trưởng chia sẻ với chúng tôi, điều ông cảm thấy vui nhất trong chuyến đi này là đã cùng đội tàu ngư dân Đà Nẵng cứu vớt thành công 10 ngư dân bị nạn và hỗ trợ lực lượng chức năng lai dắt con tàu ĐNa 90152 vào bờ làm bằng chứng tố cáo tội ác của tàu Trung Quốc.
Ông Sinh cho biết thêm, dù biết Trung Quốc ngày càng ngang ngược và manh động hơn, nhưng anh em bạn thuyền không hề e sợ. Sắp tới, ông tiếp tục cùng đội thuyền ra khơi bám vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt.
“Nghề đánh bắt trên biển là nghề cha ông để lại cho chúng tôi bao đời nay. Ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân chúng tôi. Vùng biển đó là vùng biển chủ quyền của đất nước, tại sao chúng tôi phải sợ Trung Quốc? Chúng tôi sẽ tiếp tục cho tàu vươn khơi, vừa đánh bắt, vừa hỗ trợ lực lượng chấp pháp thực thi nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Tổ quốc”, ông Sinh khẳng định.
Còn chị Đặng Thị Sương (43 tuổi), vợ anh Sinh, chia sẻ: “Hôm nghe tin ngoài đó, tôi cũng rất lo lắng. Suốt đêm tôi không chợp mắt được, liên lạc ra ngoài đó cho anh cũng không được. Nhưng sau anh có điện về, nói vẫn khỏe và sẽ tiếp tục ở lại đánh bắt và tham gia bảo vệ chủ quyền. Anh bảo, ngoài đó, ngoài các tàu đi theo tổ đội để hỗ trợ và bảo vệ cho nhau, còn có lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư nữa nên tôi cũng yên tâm…”.
Theo Khampha
Phó Thủ tướng: Chính phủ luôn lo lắng cho ngư dân bám biển
"Ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung từ bao đời nay. Ngư dân đang bị đe dọa bởi giàn khoan trái phép và đường lưỡi bò của Trung Quốc. Chúng ta rất lo lắng cho sự an toàn cũng như cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngày 3/6, tại TP Hội An (Quảng Nam), Bộ KH - ĐT, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững khu vực Duyên hải miền Trung. Tham gia diễn đàn có các chuyên gia của ngân hàng thế giới, bộ ban ngành và lãnh đạo của 9 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khu vực duyên hải miền Trung có vị trí rất quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế, là cầu nối cho 2 đầu đất nước, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, là vùng chịu nhiều mất mát trong chiến tranh và thiên tai bão lũ. Duyên hải miền Trung là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, không nơi nào có nhiều nguồn tài nguyên quý giá, nhân lực lao động dồi dào... như ở đây.
Chính phủ Việt Nam đã có một số cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư và quy hoạch tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ thành vùng kinh tế năng động. Việc phát triển kinh tế Duyên hải miền Trung luôn gắn liền với phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Đến nay, Duyên hải miền Trung có 13 khu kinh tế đang được đầu tư xây dựng, nhiều dự án lớn được triển khai...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng các chuyên gia quốc tế bên lề diễn đàn
Phó Thủ tướng cũng nhận định, dù nhiều tiềm năng nhưng vùng Duyên hải miền Trung vẫn kém phát triển, kinh tế hạ tầng chưa đồng bộ, bình quân hộ nghèo cao (17%), cao hơn bình quân của cả nước (7,8%), vùng có 25/62 huyện nghèo nhất cả nước, mức độ đầu tư vào vùng vẫn ở mức trung bình thấp so với các vùng khác....
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Những ngày qua, chúng ta chứng kiến Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tàu cá của ngư dân đánh bắt ở ngư trường bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa. Chúng ta rất lo lắng cho sự an toàn cũng như cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân. Điều đó, đặt kinh tế biển càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững Vùng Duyên hải miền Trung , thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và giảm nghèo bền vững."
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Nhân diễn đàn này, tôi muốn nói với quốc tế biết rằng, ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, là ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung từ bao đời nay. Ngư dân miền Trung đang bị đe dọa bởi giàn khoan trái phép và đường lưỡi bò của Trung Quốc".
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn hiện nay, thách thức đối với phát triển bền vững ở Duyên hải miền Trung là rất lớn. Trước hết chính quyền và người dân các địa phương trong vùng phải nỗ lực hết sức mình, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan Trung ương thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng.
"Để cùng chung tay góp sức với Chính phủ và các địa phương, tôi mong muốn kêu gọi các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi Chính phủ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các địa phương trong vùng qua các hình thức như hỗ trợ kĩ thuật, hỗ trợ tài chính và tăng cường nhân lực thể chế, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực... Tôi mong muốn, Tuyên bố Hội An được xây dựng tại diễn đàn sẽ thể hiện được ý nguyện, quyết tâm và cam kết của tất cả các bên trong nỗ lực hỗ trợ vùng Duyên hải miền Trung phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nói.
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Trung Quốc mưu chiếm "tài nguyên vị thế" ở Biển Đông Ngoài mục tiêu bành trướng lãnh thổ, khống chế Biển Đông, giải quyết vấn đề tài nguyên, Trung Quốc còn muốn chiếm "tài nguyên vị thế" để phát triển hàng hải, thu thuế,... Tuần lễ biển, đảo năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 8/6 tại TP biển Hải Phòng. Nhân sự kiện này, ông Vũ Sĩ Tuấn - Phó Tổng Cục...