Gấp rút giải cứu đường vào cảng
Căng thẳng và ngột ngạt liên tục gia tăng trên các cung đường ra vào cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu, buộc các giải pháp hạ tầng phải sớm được đẩy nhanh
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, UBND TP vừa cấp vốn để thực hiện dự án kết nối các hướng lưu thông ra vào cảng Cát Lái (quận 2). Song song đó, hàng loạt giải pháp khác cũng đang chuẩn bị thực hiện nhằm “giải kẹt” cho khu vực này và cụm cảng Phú Hữu (quận 9) ở kế bên.
Quá tải
Cảng Cát Lái (quận 2) hiện không chỉ đứng đầu TP HCM mà còn cả nước về sản lượng hàng hóa. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, lượng hàng tập trung về khu cảng này đang liên tục tăng và đã vượt quy hoạch. Năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái theo quy hoạch đến năm 2020 vào khoảng 37 triệu tấn/năm, tuy nhiên chỉ tính đến năm 2018 đã vượt mức này, đạt 63,6 triệu tấn, tăng 60% so với quy hoạch. Năm 2019, lượng hàng vẫn đang tăng mạnh, trong 6 tháng đầu năm đạt tới 58,8 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, hạ tầng giao thông xung quanh lại chưa được đầu tư đồng bộ.
Đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu tới cảng Phú Hữu, ngoài tình trạng kẹt xe thường xuyên còn là nỗi ám ảnh về tai nạn
Ghi nhận thực tế trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái, sự quá tải đang ngày càng trầm trọng. Nút giao Mỹ Thủy – điểm kết nối các hướng lưu thông ra vào khu cảng – dù đã đưa vào khai thác hầm chui và cầu vượt nhưng áp lực giao thông chưa giảm bao nhiêu. Xung quanh, một số dự án như cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công, cầu qua đảo Kim Cương, cũng đã đưa vào sử dụng nhưng sự căng thẳng không giảm bớt. Đường Nguyễn Thị Định đoạn từ nút giao Mỹ Thủy tới cảng Cát Lái, trên 2 làn ôtô mỗi chiều luôn ken đặc xe tải nặng, container… Chưa kể, tuyến đường này hiện cũng độc đạo nối tới phà Cát Lái, dẫn đến những dịp lễ, Tết, dòng xe khi qua đây hầu như chỉ có thể xếp hàng nhúc nhích. Xung quanh, hàng loạt tuyến đường có kết nối như Đồng Văn Cống, Võ Chí Công…, cảnh kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các tuyến đường ra vào cảng Phú Hữu (quận 9). Trong đó, ám ảnh nhất là đường Nguyễn Duy Trinh, nối giữa quận 2 và 9 – tuyến độc đạo ra vào cảng Phú Hữu. Ngoài cảnh kẹt xe thường xuyên, trong số hàng loạt điểm đen tai nạn giao thông tại TP HCM, con đường này luôn đứng đầu danh sách và kéo dài liên tục nhiều năm.
Có mặt trên tuyến đường này ngày 25-9, chúng tôi ghi nhận dòng xe container, tải nặng…, dồn dập ra vào cảng Phú Hữu. Nhiều thời điểm, các loại xe ken kín mặt đường, loạn xạ di chuyển, bụi mù mịt. Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu vào cảng Phú Hữu bề rộng chỉ khoảng 7-9 m, chỉ cần 2 xe container chạy song song là gần như chiếm trọn mặt đường. Trong khi đó, tuyến đường này tổ chức lưu thông hỗn hợp 2 chiều, không có dải phân cách giữa nhưng không ít xe container vẫn lấn tuyến chạy bạt mạng. Càng rùng mình bởi đoạn đường trên có một trường tiểu học, khi tan lớp, học sinh ùa ra ngoài nhưng các loại xe vẫn phóng như bay. “Buổi tối còn kinh hoàng hơn khi các đoàn xe ben, xe container… chạy như đua, gầm rú cày nát mặt đường” – chị Phương (30 tuổi, nhà trên đường Nguyễn Duy Trinh) ngán ngẩm.
Video đang HOT
Sơ sẩy là mất mạng
Tại khu vực Cát Lái, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT HCM, cho biết hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng hiện chủ yếu qua đường bộ, không có tuyến chuyên dùng. Trong khi tất cả hướng lưu thông lại dồn đến vòng xoay Mỹ Thủy qua đường Nguyễn Thị Định – tuyến độc đạo ra vào cảng Cát Lái, dẫn đến sự quá tải ngày càng nặng nề. Thống kê lưu lượng xe trên đường Nguyễn Thị Định, lãnh đạo Sở GTVT cho biết hiện trung bình có khoảng 16.100 lượt phương tiện/ngày đêm, cao điểm lên tới 18.000 xe. Lưu lượng xe như trên hiện đã vượt gấp đôi năng lực thiết kế của đường Nguyễn Thị Định, kéo theo hàng loạt trục đường có kết nối cũng ngày càng căng thẳng.
Qua đánh giá, Sở GTVT cho biết từ đầu năm 2019 tới nay, giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái tuy khá ổn định nhưng chủ yếu nhờ sự phối hợp chặt của các lực lượng trong tổ liên ngành phản ứng nhanh. Còn thực tế, các nguy cơ chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề này có thể thấy như chỉ một sự cố chiếc xe tải cẩu chết máy ở chân cầu Phú Mỹ hôm 9-7, đã gây kẹt xe trầm trọng cho cả khu vực trên, hàng loạt tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ…, dòng xe hỗn loạn, nối đuôi nhau kéo dài hàng chục cây số, nhúc nhích di chuyển.
Trong khi đó, ngoài tình trạng kẹt xe, người dân sống ở khu vực trên còn ám ảnh bởi ô nhiễm bụi cùng hàng loạt vụ tai nạn. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt (53 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Định), cho biết đã chứng kiến không ít vụ va chạm từ lớn đến nhỏ trên cung đường này. Bụi mù mịt, dòng xe rầm rập di chuyển, bóp còi loạn xạ kèn cựa nhau…, là những cảnh tượng diễn ra liên tục. “Làn xe 2 bánh trên tuyến đường có dải phân cách tách riêng ôtô, tuy nhiên ở các nhánh rẽ và đặc biệt là qua nút giao Mỹ Thủy, người chạy xe máy chỉ cần sơ sẩy là mất mạng trước đầu xe tải nặng di chuyển liên tục” – ông Kiệt nói.
Mở thêm nhiều hướng… thoát
Trong động thái mới nhất, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, UBND TP vừa cấp vốn cho dự án đầu tư xây dựng nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn 2). Theo thiết kế, dự án này sẽ xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2), dài 124 m cho 6 làn xe, xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 m cho 2 làn lưu thông và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75 m cho 4 làn lưu thông. Dự án dự kiến triển khai cuối tháng 12-2019, trong đó cầu Mỹ Thủy 3 sẽ xây dựng trước, các hạng mục còn lại sẽ thi công tùy theo tiến độ giải phóng mặt bằng ở quận 2. Tổng mức đầu tư xây dựng 1.435 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 1.087 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, trước mắt để giảm áp lực giao thông tại khu vực trên, một trong những giải pháp sắp tới là mở rộng các tuyến đường cửa ngõ cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu, gồm các tuyến Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trinh. Tại phía quận 9, Sở GTVT cũng cho biết sẽ thực hiện một số giải pháp như mở nhánh rẽ từ đường dẫn cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây xuống tuyến Đỗ Xuân Hợp nhằm giảm lưu lượng xe dồn về. Đồng thời, mở thêm 1 làn đường dành cho xe rẽ trái từ tuyến Mai Chí Thọ về đường dẫn cao tốc nêu trên để tăng khả năng thoát xe qua nút giao. “Ngoài ra, một tuyến giao thông mới kết nối giữa cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công cũng đang được nghiên cứu xây dựng và đẩy nhanh tiến độ kết nối tuyến Vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội” – đại diện Sở GTVT khẳng định.
Sớm mở rộng "cung đường tử thần"
Trong 19 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT), đứng đầu danh sách về TNGT kéo dài liên tục trong nhiều năm qua là đường Nguyễn Duy Trinh nối từ quận 2 sang quận 9, nhất là đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường 990 dài hơn 1.500m. Trong 3 năm qua, tại đây đã có khoảng 20 người chết vì TNGT.
Dân thấp thỏm mỗi ngày
Đường Nguyễn Duy Trinh có mặt đường hẹp, chỉ khoảng 7-9m, vừa cho 2 làn xe lưu thông hỗn hợp. Thế nhưng, trên thực tế xe tải, xe container chạy nườm nượp, nhiều lái xe còn lấn làn, vượt ẩu, bất chấp sự an toàn của các phương tiện giao thông khác.
Ghi nhận vào một ngày giữa tháng 9, tại vòng xoay Phú Hữu (nút vào ra cao tốc TPHCM - Long Thành) trong vòng 15 phút, chúng tôi đếm được 114 lượt xe tải, xe container lưu thông với tốc độ khá nhanh trên đường này. Thậm chí trong giờ cấm xe, một số lái xe vẫn bất chấp, đưa xe tải lưu thông vào các đường nhánh, gây nguy hiểm cho người dân.
Vào những giờ cao điểm, nhiều xe container xếp hàng dài trên vòng xoay Phú Hữu để vào cảng Cát Lái. Do đường quá nhỏ hẹp nên mỗi khi có xe container đậu là giao thông nơi đây ùn ứ nghiêm trọng.
Đường Nguyễn Duy Trinh luôn trong tình trạng quá tải
Anh Trần Quang Thắng - người dân cư ngụ trên đường Nguyễn Duy Trinh - lắc đầu ngao ngán: "Ban ngày còn đỡ chứ khoảng 22 giờ về sáng xe chạy kinh lắm. Tốc độ thì khỏi bàn, nhanh kinh khủng, rồi còn bấm còi inh ỏi khiến người đi xe máy phải tấp vội vào lề đường. Thế nhưng, không chỉ người đi đường sợ mà người dân sống xung quanh cũng nơm nớp bởi không biết tay thắng của họ ra sao, lỡ lạc tay lái... Chính vì vậy, tôi hạn chế đi xe máy ra đường này vào ban đêm và cũng không cho người trong gia đình chạy xe ra đường vào thời gian trên".
Nhiều người dân sống tại khu vực này đã báo cáo tình trạng trên lên chính quyền các cấp và đề nghị nhanh chóng mở rộng đường, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra lập lại trật tự giao thông...
Chờ đến bao giờ?
Cho đến nay, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TPHCM (Ban quản lý dự án) đã trình HĐND TP đề án thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. Theo Ban quản lý dự án, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Võ Chí Công đến KCN Phú Hữu dài khoảng 1,7km là tuyến đường chính vào KCN và vào cụm cảng Phú Hữu.
Tuy nhiên, do mặt bằng đường hẹp nên khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc và TNGT. Sở GTVT TPHCM đã xác định đây là một trong 19 điểm đen về TNGT và ùn tắc giao thông. Do đó, sở đã đưa ra một số giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông như sử dụng vốn duy tu để mở rộng lề đường; bổ sung thêm biển cấm các xe tải vào đoạn đường này vào các giờ cao điểm sáng, chiều.
Năm 2015, do tính cấp bách, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) thực hiện theo hình thức BT. Tuy nhiên, do hiện nay thành phố đang chờ nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT nên dự án chưa thể thực hiện.
Hiện TP cũng đã giao Ban quản lý dự án nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đường Nguyễn Duy Trinh theo quy hoạch 30m bằng vốn ngân sách. Theo đó, mặt đường sẽ được mở rộng để đáp ứng lưu lượng xe lưu thông, đảm bảo khả năng thông hành ra vào cụm cảng Phú Hữu.
Dự án sẽ tiến hành tách riêng làn xe cơ giới và làn xe hai bánh bằng dải phân cách cứng, hạn chế tối đa các điểm giao cắt, xây dựng vỉa hè để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân khu vực. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án hơn 832 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 230 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỷ đồng.
Sau khi dự án được phê duyệt, thành phố sẽ giao cho UBND quận 2 và quận 9 thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2022. Nếu việc giải phóng mặt bằng được tiến hành thuận lợi thì dự án sẽ hoàn thiện sau 18 tháng thi công.
Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, để dự án này sớm được khởi công theo kế hoạch đề ra, rất cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các sở, ban, ngành cũng như chỉ đạo mạnh mẽ của UBND TPHCM.
QUỐC HÙNG
Theo SGGP
TP.HCM quyết xóa 11 điểm đen tai nạn giao thông Hàng loạt biện pháp cấp thiết được Sở GTVT TP.HCM đưa ra nhằm xóa triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn. Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 7-2019, TP đã xóa được 10 điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố, còn lại 11 điểm và không phát sinh điểm mới. Hiện...