Gặp ‘nữ hoàng’ chanh không hạt miền Tây
Khởi nghiệp với 2ha đất phèn và trải qua nhiều lần tưởng chừng phá sản, nhờ trồng chanh không hạt, bà Ba ở Long An hiện sở hữu nông trại 30 ha, mỗi ngày xuất 40 tấn đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông.
Mười năm trước, bà Bùi Thị Ba, 56 tuổi, quê Bến Lức có 2 ha đất phèn nên chỉ trồng được mía, do giá cả bấp bênh nên thường xuyên thua lỗ, gia cảnh chỉ đủ ăn.
Năm 2000, bà Ba chặt mía chuyển sang trồng cây sơ ri, nhưng do tốn nhiều chi phí thuê người chăm sóc nên tiếp tục thua lỗ. Bà lại chuyển sang nuôi gà công nghiệp, nhưng trong dịch cúm vào năm 2003, đàn gà bị tiêu hủy, bà Ba lâm cảnh nợ nần khi thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.
Không chịu thua, sau đó không lâu bà lại gượng dậy đi nhiều nơi để tìm mô hình làm ăn hiệu quả. Trong một lần thăm vườn của bạn ở Bình Dương, bà Ba chú ý đến cây chanh không hạt thời điểm đó có giá cao gấp 10 lần chanh bình thường. Bà về bàn với chồng gom góp tiền đến một số tỉnh miền Tây và Viện nghiên cứu cây quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm trồng chanh không hạt.
Sơ chế, đóng gói chanh không hạt xuất khẩu tại cơ sở của bà Bùi Thị Ba.
Video đang HOT
Sau thời gian học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2006, bà Ba quyết định đốn toàn bộ vườn sơ ri đang cho trái chuyển sang trồng chanh không hạt. Thời điểm này ở Long An và miền Tây gần như chưa có loại cây này.
“Khi chanh cho trái mùa đầu tiên thì lũ về, khoảng 70% vườn cây bị ngập nước thối rễ chết. Tôi hoảng quá xuống Đại học Cần Thơ nhờ các chuyên gia giúp đỡ cứu được phần còn lại, nhưng đến khi thu hoạch xong thì tiếp tục dở khóc dở cười”, bà Ba nhớ lại. Bởi khi chở chanh ra các chợ, thương lái đều lắc đầu vì so với chanh thường, khích cỡ chanh không hạt trông quá… khủng. Sau đó, người con trai của bà phải bỏ ra 2 tháng “ăn bờ ngủ bụi”, chở chanh đến các nhà hàng, chợ đầu mối ở TP HCM để… cho không, và không quên lưu lại địa chỉ.
Lạ là với cách tiếp thị độc đáo này, chỉ một thời gian ngắn, với giá cả phải chăng, chanh không hạt của bà Ba thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm đến đặt hàng, khiến gia đình bà thời điểm đó phải thuê thêm đất mới đủ chỗ trồng.
Đến năm 2008, không chấp nhận qua trung gian, bà Ba tự đứng ra xuất khẩu chanh của gia đình, sau đó kiêm luôn đầu nậu mua chanh cho các hộ dân trong vùng. Bà còn mạnh dạn bỏ ra 800 triệu đồng thuê người chế tạo máy làm sạch và phân loại chanh.
Từ 2ha đất ban đầu, chỉ trong vòng mười năm, bà Ba mua thêm 10ha đất và thuê tiếp 20ha của nông dân trong vùng để mở rộng canh tác. Vậy mà sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP HCM. Hiện nay, mỗi ngày nông trại này còn xuất khoảng 40 tấn chanh đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông, thu lãi gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài cơ sở chính ở Long An, bà Ba còn có một cơ sở thu mua khác ở TP Cần Thơ để gom hàng từ các tỉnh miền Tây.
Ngoài chuyện kinh doanh, bà Ba còn giúp nhiều công nhân ở nông trại làm giàu. Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga ở Bến Lức không có đất đai, sống qua ngày bằng nghề làm thuê. Bà Ba thấy hai vợ chồng thật thà, chịu khó nên nhận vào làm công nhân. Được vài năm, khi đã tin tưởng bà đứng ra thuê 0,5ha đất, hỗ trợ cả cây chanh giống cho chị Nga trồng. Buổi sáng, chị Nga làm tại cơ sở của bà Ba, chiều về chăm sóc chanh nhà mình. 6 năm sau, chị Nga đã tích lũy được 1ha đất trị giá hàng tỷ đồng. Khi thấy chị Nga đã có vốn, bà Ba vận động chị nghỉ việc ở nông trại để ra làm ăn riêng. Nhiều công nhân có con nhỏ còn được bà Ba cất nhà cho ở để yên tâm làm việc.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến nay, địa phương đã tăng diện tích chanh không hạt lên gần 500 ha và đang là cây trồng cải thiện đáng kể đời sống người dân, trong đó, công lao tiên phong là của bà Ba.
Theo Hoàng Nam (VnExpress)
Kỹ thuật tăng năng suất cho chanh không hạt
"Việc sử dụng phân hữu cơ không những làm tăng năng suất cây trồng mà còn có tác dụng cải tạo đất, tạo ra sản phẩm sạch" - ông Võ Văn Út ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú An (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), người có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng phân hữu cơ trong trồng chanh không hạt cho biết.
Năng suất tăng 20%
Hiện gia đình ông Út có khoảng 5.000m2 đất trồng cây chanh không hạt, cho thu hoạch quanh năm, với sản lượng hàng chục tấn/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Út cho hay: "Từ khi biết sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất, những cây chanh của gia đình tôi phát triển tốt hơn rất nhiều. Nhờ đó năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn trước."
Ông Út đang kiểm tra những trái chanh. Ảnh: Chúc Ly
Theo ông Út, các chất hữu cơ có trong các loại phân hữu cơ vi sinh tồn tại xen kẽ với các thành phần của đất, tạo ra sự thông thoáng giúp rễ phát triển mạnh nên dễ dàng hấp thu các nguồn dinh dưỡng. Ngoài ra, chất hữu cơ sẽ lưu giữ các khoáng chất từ các loại phân bón hóa học và cung cấp dần cho cây, hạn chế được hiện tượng thất thoát phân bón trong quá trình sử dụng, giảm chi phí đáng kể trong sản xuất, giúp đất giữ ẩm làm cây chống chịu khô hạn tốt hơn. Ông Út cũng cho biết, đối với cây chanh không hạt, nếu cây từ 3-5 năm tuổi thì mỗi cây cần khoảng 1-1,5kg phân hữu cơ/năm. Cây từ 5 năm tuổi trở lên thì cần khoảng 4kg phân hữu cơ/năm. Khi sử dụng phân hữu cơ sẽ giảm được khoảng 50% phân bón hóa học.
"Nhờ sử dụng phân hữu cơ đầy đủ mà cây chanh không hạt luôn phát triển tốt, rất ít bệnh. Trái chanh bóng và có màu đẹp, năng suất cũng tăng lên khoảng 20%, đồng thời chi phí chỉ khoảng 10%. Như đợt gần đây nhất tôi mới thu được khoảng 2 tấn chanh, với giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, gia đình tôi lãi hơn 20 triệu đồng" - ông Út thông tin.
Tăng tuổi thọ cây trồng
Theo nhiều nhà nông có kinh nghiệm trong việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất, khi sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp cho đất ít bị cằn cỗi, đồng thời cây trồng có tuổi thọ cao hơn.
Nói về vấn đề này, ông Út chia sẻ: Đối với cây chanh không hạt thì thường xuyên bị bệnh rỉ sắt, nhưng nếu bón đủ lượng phân hữu cơ cho cây sẽ giúp giảm bệnh rất nhiều. Đồng thời, cây chanh không có hiện tượng bị bạc đầu (chỉ trong thân cây bị vàng dẫn đến cây dễ chết), tuổi thọ cây chanh tăng lên. Đồng thời, còn giúp tăng độ màu mỡ của đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được khi sử dụng phân hữu cơ trong trồng cây chanh không hạt, ông Út cũng lưu ý, khi sử dụng phân hữu cơ giúp cây phát triển nhanh, tuy nhiên cũng kéo theo số chồi non mọc ngang thân, hút nhiều phân mà không có tác dụng gì, cho nên nông dân cần lưu ý thường xuyên theo dõi để loại bỏ nhanh những chồi non dạng này.
Theo Danviet
Nông dân Hậu Giang "gặt hái" lớn từ chanh không hạt Với mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả cao thích ứng với hạn, mặn, nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nguồn thu nhập. Thời gian gần đây, khi hạn mặn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL khiến việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương trong vùng mới tính chuyện chuyển đổi cơ câu cây trồng để...