Gặp người chiến sỹ Điện Biên gần 90 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng
Người chiến sỹ Điện Biên năm ấy vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ra sức phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.
Ông là Vi Chi, thương binh hạng 4/4 , tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).
Sinh năm 1928, ông Vi Chi, người con của vùng quê Thanh Ba-Phú Thọ giờ đã gần 90 tuổi. Ở cái tuổi đã gần đất xa trời, nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt chưa bao giờ phai mờ trong trí óc của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Những chiến sĩ Điện Biên đã làm nên chiến thắng đi vào huyền thoại (Ảnh: TL)
Nhập ngũ năm 1946 khi mới tròn 18 tuổi, sau những khóa huấn luyện cơ bản, ông Vi Chi được cấp trên điều động sang nước bạn Trung Quốc đào tạo chuyên ngành pháo binh. Sau đó ông trở về Trung đoàn 367 Pháo binh, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953. Ông Chi cho biết: Chiến dịch lúc đầu được xác định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng do địch đã tăng cường binh lực và củng cố hệ thống phòng ngự vững chắc, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Chiều 13/3/1954, đơn vị của ông Chi được lệnh cùng các đơn vị của bộ đội ta tấn công mở màn cho đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía bắc và Đông Bắc. Chiến dịch mở đầu bằng trận Him Lam, tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo, đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Khí thế của bộ đội ta trong đó có ông lúc đó vô cùng lên cao.
Ông Vi Chi nhớ lại: “Bắt đầu đợt 1 riêng của pháo cao xạ, ngày 13/3 vào buổi chiều bắt đầu phát hỏa. Trận đầu tiên phát hỏa, đơn vị tôi đã bắn rơi 13 máy bay. Máy bay rơi, địch nhảy dù ra, tôi và một đồng chí giỏi tiếng Pháp bắt đầu đi gọi hàng binh, bắt tù binh về lấy khẩu cung. Bộ đội lúc ấy hăng hái, khí thế lắm, không sợ chết gì đâu”.
Trải qua ba đợt chiến đấu trong 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã loại khỏi vòng chiến hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Ca-xtri chỉ huy; bắn rơi và phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, thu toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng của địch.
Theo ông Vi Chi: Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội với vai trò chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng sáng suốt, tài tình khi vận dụng cách đánh hiểm, linh hoạt, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi: “Sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Hồ Chủ tịch rất sáng suốt. Gần kết thúc chiến dịch, Bác tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ một Huy hiệu Điện Biên Phủ. Và có một bài nói của Bác Hồ tôi rất nhớ, đó là Bác ví ta như con hổ, địch như con voi. Tức là lực lượng của ta rất nhỏ bé, vũ khí thiếu thốn, nhưng ta có quyết tâm cao và có mưu kế. Cứ hôm nay gây thương tích một ít, mai một ít, dần dần voi sẽ yếu đi và chết, hổ sẽ thắng lợi. Tôi rất thấm thía và từ đấy thấy mình trưởng thành”.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955 ông Vi Chi về trường Thông tin quân đội, rồi trường đào tạo cán bộ Quân đội ở Cao Bằng. Năm 1964 đến 1976, ông được cử đi học trường Quân y Tây Bắc, về phụ trách mảng y tế tại 36 xã của huyện Thuận Châu, sau đó đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La, đến năm 1985 mới nghỉ chế độ.
Con sức, còn phục vụ quê hương, về nghỉ, ông tiếp tục tham gia 5 khóa cấp ủy ở tổ dân phố. Tự hào là chiến sỹ Điện Biên, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao bản chất của người lính, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giáo dục con cháu sống có ích cho xã hội. 5 người con của ông hiện đã trưởng thành, cả nhà gồm bố mẹ, con cháu đã có 13 người là đảng viên.
Video đang HOT
Theo bà Lê Thị Ngỏi, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh tổ 1, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, nơi gia đình ông Vi Chi sinh sống: Ông Vi Chi thực sự là tấm gương sáng về tình đồng chí, đồng đội: “Bác Vi Chi rất hăng hái, nhiệt tình, gương mẫu, bảo ban con cháu chấp hành quy ước, hương ước của tổ, sống tình làng nghĩa xóm. Bác là tấm gương sáng cho con cháu học tập”.
Gần 90 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, ông Vi Chi được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu Chiến sỹ vẻ vang, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Sơn La, cùng nhiều bằng, giấy khen.
Nhưng với ông, phần thưởng lớn lao và vô cùng tự hào là được trở thành chiến sỹ Điện Biên./.
Bích Thủy
Theo_VOV
Những bức điện lịch sử trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
Cách đây đúng 40 năm, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
...Trong suốt quá trình chiến đấu, khắp các mặt trận đều thường xuyên, liên tục nhận được những bức điện chỉ đạo rất nhanh nhạy, sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm giành được thắng lợi cuối cùng.
10h45' ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập cùng bộ đội tiến vào bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam).
...Tây Nguyên, rồi Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng thất thủ đã làm cho những tấm lá chắn của quân ngụy ở phía Bắc đã bị phá toang. Con đường chiến thắng của quân ta dẫn tới sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn đang mở rộng.
Ngay trước khi giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, chiều 29 tháng 3 năm 1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam: "...Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt... Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây".[1]
Sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Không khí phấn khởi tràn ngập "Nhà con rồng" - (tức phòng họp của Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng trên nền Điện Kính thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long - BT), những nét mặt rạng rỡ, những ánh mắt sáng ngời, những cái bắt tay hứa hẹn...
Sau khi phân tích kỹ tình hình chiến trường, Hội nghị nhất trí nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Phương thức tác chiến chiến lược của ta là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và thành thị), từ ngoài đánh vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ từ trong đánh ra, lấy chủ lực từ ngoài đánh vào là quyết định, tập trung lực lượng tiến công địch, nhanh chóng lợi dụng thời cơ, dồn dập phát triển thắng lợi...
Sau hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn điện ngay vào chiến trường: "...Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc".[2]
Từ cuộc họp ngày 31 tháng 3 năm 1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt. Quyết tâm của Bộ Chính trị cổ vũ mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Ngày 7 tháng 4 năm 1975, căn cứ tin tức từ các mặt trận báo về, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".[3]
Đến ngày 14 tháng 4 năm 1975, thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch tấn công vào Sài Gòn - Gia Định và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37-TK, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".[4]
Vậy là kể từ ngày 14 tháng 4 năm 1975, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm được vinh dự mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt quá trình phát động cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện truyền thống nhân nghĩa "lấy trí nhân thay cường bạo", "đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại" của dân tộc ta, nên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương luôn nhắc nhở các cánh quân phải thực hiện đúng chế độ nhân đạo đối với tù binh và hàng binh của địch. Trong bức điện của Ban Bí thư, ngày 18 tháng 4 năm 1975 đã nhấn mạnh: "...Các loại binh lính sĩ quan của địch đã bỏ ngũ về nhà, về hưu, giải ngũ, trình diện, thì coi như dân thường... Những tên là lính và hạ sĩ quan nếu đã cải tạo tốt có quê ở vùng giải phóng thì cho về với gia đình".[5] Cũng chính nhờ có chính sách nhân đạo và khoan dung này đã góp phần làm lung lạc, giảm sút tinh thần chiến đấu của quân ngụy.
Để chuẩn bị cho những trận đánh cuối cùng, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 115.000 quân và 90.000 tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu). Riêng trong những ngày "chuẩn bị nước rút" từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 4, vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu... Nhiều trạm sửa chữa ô tô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động của chiến dịch. Trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, nổi lên tác dụng to lớn của hậu cần tại chỗ. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Bầu được gấp rút thi công. Các đoàn quân hậu cần ở các hướng củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch với tổng chiều dài hơn 3.000 ki-lô-mét. Đặc biệt, trong những ngày hạ tuần tháng 4, hậu cần Miền đã đưa 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, huy động gần 4.000 xe vận tải, hơn 600 thuyền máy, ca nô, hàng nghìn xe đạp thồ và hơn 60.000 dân công hỏa tuyến, lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10.000 giường, phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định.[6]
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trên cơ sở phương án cũ đã được Trung ương Cục thông qua.
Thế trận tại chỗ đã bày xong. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, lần cuối cùng, kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định được Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị họp, giữa lúc công việc chuẩn bị mọi mặt từ Bộ thống soái tối cao đến Bộ tư lệnh và các đơn vị ở chiến trường trọng điểm cơ bản đã hoàn thành. Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.
Sau khi kiểm tra lại lần cuối việc chuẩn bị cho trận đánh quyết định, cuộc họp kết thúc trong không khí náo nức, phấn khởi, quyết tâm, sẵn sàng đón tin chiến thắng.
Giờ phút quyết định đã điểm. Chiến trường Nam Bộ bùng lên như một cơn lốc.
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30 tháng 4 năm 1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng 390 đã húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh Độc Lập, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cùng lúc này, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh và toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn có mặt đầy đủ trong dinh Độc Lập đã bị quân giải phóng bắt sống. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân đội cách mạng (tức quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Chiến tranh kết thúc.
Từ thủ đô Hà Nội, nhận được tin chiến thắng, thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gửi ngay bức điện khen ngợi: "Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định thân mến. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc".[7]
Vậy là sau 5 ngày chiến đấu liên tục (từ 26 đến 30/4/1975), chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối.
Nếu tính từ ngày 4 tháng 3 năm 1975, khi quân ta bắt đầu nổ súng ở Playcu trong hoạt động nghi binh chiến lược giải phóng Tây Nguyên cho đến ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, thì toàn bộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam đã diễn ra trong 55 ngày đêm, thật là một sự trùng hợp kỳ lạ với 55 năm ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đó 21 năm. Vậy là hai chiến dịch có hai cách đánh khác nhau. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm là "đánh chắc, tiến chắc", thì trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương châm là "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Dù là hai cách đánh khác nhau nhưng đều đi đến thắng lợi cuối cùng đánh đổ hai thực dân đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ. Đó là minh chứng hùng hồn cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng; truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; quyết không cam chịu làm nô lệ; quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc.
Sự kiện chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã một lần nữa chứng minh chân lý bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!".
-------------
Chú thích:
[1], [2], [4], [7]: Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập (tập 36: năm 1975), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2004;
[5]: Theo "Lịch sử tư tưởng Quân sự Việt Nam (tập 4: từ 1945 đến 1975)", Nxb Chính trị quốc gia, năm 2014.
[3], [6]: Theo Hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội nhân dân, năm 2006;
Theo Ban Tư liệu - Văn kiện
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Zoom cây xà cừ 150 tuổi khổng lồ nhất Việt Nam Cây xà cừ khổng lồ nhất Việt Nam này cao hơn 50m, đường kính thân gần 4m, tuổi đời 150 năm... Trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên TP HCM có một cây cổ thụ đặc biệt, được xếp vào hàng độc nhất vô nhị của Việt Nam. Đó là một cây xà cừ (cây sọ khỉ, tên khoa học là Khaya senegalensis)có...