Gặp nạn từ súng đồ chơi
Vừa mua được khẩu súng đồ chơi, đang nghịch với chú thì bất ngờ khẩu súng cướp cò, viên đạn nhựa găm thẳng vào mắt trái của cậu bé Xuân, 12 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Thị lực mắt của em giảm nghiêm trọng, hiện chỉ nhìn thấy ánh sáng lờ mờ.
Sự việc xảy ra vào chiều 30 Tết. Chị Lan, mẹ Xuân kể lại, chiều hôm đấy về nhà, thấy con ngồi trên ghế một tay che mắt, hỏi ra mới biết cháu bị đạn nhựa bắn vào. Thấy trong mắt có một cục máu đỏ, gần tròng đen, chị liền đưa con lên bệnh viện huyện khám, bác sĩ cho thuốc.
Nhưng hai ngày sau, cục máu trong mắt vẫn không tan, con lại hơi ho, chị mới vội vàng đưa con đi khám lại và chuyển thẳng lên Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội).
Sau một thời gian điều trị, mắt trái của Xuân vẫn tiếp tục chảy máu trong. Ảnh: N.P.
Video đang HOT
Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, viên đạn bắn vào ngoài mí mắt, nhưng áp lực lớn khiến mắt trái của bệnh nhân bị chảu máu trong, máu chảy nhiều dẫn đến tăng nhãn áp. Sau một thời gian điều trị, áp lực trong mắt điều chỉnh về mức tương đối ổn định nhưng mắt vẫn tiếp tục chảy máu trong.
Trong dịp Tết, Bệnh viện đã tiếp nhận 13 trường hợp bị chấn thương mắt do nghịch súng đạn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ từ 10 đến 13 tuổi. Trong đó, Xuân là trường hợp nặng.
“Thi lực mắt trái của Xuân còn rất kém, chỉ nhìn được ánh sáng, không đếm được ngón tay. Hiện, bé đang điều trị để làm tiêu máu trong mắt, nếu không tiêu được theo cách tự nhiên thì phải rửa mắt. Ngoài ra vì máu vẫn tiếp tục chảy, nên chúng tôi chưa đánh giá hết được mức độ tổn thương của mắt”, bác sĩ Quốc Anh nói.
Tuần sau, bệnh nhân có thể xuất viện. Tuy nhiên thị lực mắt trái không biết có giữ được không.
Xuân cho biết, khẩu súng đồ chơi cậu mua từ một cửa hàng tạp hóa ở gần nhà với giá 50.000 đồng. Khẩu súng có hình thức giống một khẩu AK, dài 50 cm, đạn nhựa nhỏ li ti, màu xanh.
Trong những trường hợp mắt bị tai nạn do súng đạn thì người bệnh không nên di động nhiều, tránh tình trạng máu đang chảy lại càng chảy nhiều hơn, nằm nghỉ. Đồng thời, nếu máu tụ ở bên trong thì uống nhiều nước cho máu tiêu. Nếu máu chảy ở bên ngoài thì lấy bông thấm nhẹ. Sau đó, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa về mắt cấp cứu.
Theo VNExpress
Cậu bé 10 tuổi hỏng mắt vì nổ bật lửa gas
Đang cúi xuống để nhấc nồi cơm sang bếp bên cạnh thì chiếc bật lửa gas từ trong túi áo của Danh (ở Tân Kỳ, Nghệ An) rơi xuống bếp. Một tiếng nổ vang lên, những mảnh vỡ của bật lửa bắn thẳng vào mắt cậu.
"Tai nạn xảy ra khi cháu đang nấu cơm trưa. Thấy nồi cơm cạn, nó mới nhấc sang bếp khác để nấu canh, không ngờ chiếc bật lửa rơi vào bếp lửa đang cháy bị nổ, không kịp tránh. Toàn bộ vùng mắt của con hứng trọn các mảnh vỡ bật lửa bắn vào", chị Nguyễn Thị Minh, mẹ em kể lại.
Lúc đấy, hai vợ chồng chị đang làm việc ở ngoài đồng. Nghe tin con bị nạn, cả hai vội chạy về và đưa con ra Bệnh viện Mắt Trung ương cấp cứu.
Thị lực mắt trái của Danh gần như bằng 0. Ảnh: N.T.
Sau 3 ngày nằm điều trị tại Khoa chấn Thương, Danh vẫn thấy rất đau. Mắt trái bị băng kín, không thể tự mở, cố lắm cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ ngón tay bác sĩ đưa lên khi thử thị lực.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mắt trái bị tổn thương nặng nhất do các mảnh vỏ bật lửa làm rách võng mạc, thị lực mắt này gần như bằng 0. Các bác sĩ đã tiến hành khâu võng mạc, tuy nhiên, đến nay, mắt này vẫn đỏ và tiếp tục chảy máu.
Dự kiến, Danh sẽ phải điều trị trong 2 tuần nữa và có thể phải tiếp tục mổ hút máu trong mắt ra thì mới đỡ đau, xung huyết.
Bác sĩ Cương cũng khuyến cáo, việc dùng bật lửa gas phải rất cẩn thận. Khi nấu, không nên để bật lửa gần bếp tránh sức nóng từ bếp gây nổ. Bệnh viện từng tiếp nhận nhiều nạn nhân bị nổ bật lửa gas gây chấn thương mắt.
Theo vnexpress