Gặp mẹ sau 33 năm bị bắt cóc, người đàn ông sửng sốt trước chuyện gia đình
Trở về nhà sau 33 năm bị bắt cóc, Lý Cảnh Vỹ xót xa trước bi kịch của gia đình. Anh đã thề sẽ đòi lại công bằng cho cả nhà.
Năm 2022 là một năm đặc biệt đối với Lý Cảnh Vỹ người Hà Nam, Trung Quốc.
Đầu năm, anh được gặp lại người thân sau 33 năm bị bắt cóc. Cuối năm, anh đã hoàn thành tâm nguyện của mình: Đưa những kẻ buôn người ra ánh sáng.
Vẽ bản đồ quê hương bằng trí nhớ
Lý Cảnh Vỹ nhớ rằng vào khoảng năm 1989, khi mới 4 tuổi, anh bị một “ông chú hói” dụ đến con đường phía sau núi. Sau đó, anh được mấy thanh niên chở đến thị trấn bằng xe đạp. Mấy ngày sau có một đôi nam nữ đón rồi gửi anh đến nhà của một nông dân họ Lý ở Lan Khẩu, Hà Nam. Lúc đó nhà họ Lý có ba cô con gái.
Biết mình bị bắt cóc nhưng vì sợ bị đánh đập, Lý Cảnh Vỹ chỉ biết giữ bí mật này ở trong lòng.
Hàng ngày, anh cố ghi nhớ ngoại hình của bố mẹ và những hình ảnh của quê hương rồi vẽ lại trên mặt đất với hy vọng, một lúc nào đó có thể tìm lại gia đình.
Quê hương của Lý Cảnh Vỹ ở Vân Nam. Ảnh chụp từ trên cao.
Thấm thoắt thời gian trôi qua 33 năm, Lý Cảnh Vỹ đã kết hôn và sinh con ở Hà Nam. Trong khoảng thời gian này, anh nhiều lần đi tìm cha mẹ ruột nhưng không thành công.
Tháng 12/2021, Cảnh Vỹ quyết định vẽ lại bản đồ quê hương theo trí nhớ và công khai tìm kiếm gia đình thông qua nền tảng video ngắn.
Video đang HOT
Trong bản đồ vẽ tay của Cảnh Vỹ, sân nhà anh rất rộng. Trước sân có một cái ao. Cả nhà anh sống trong một gian nhà gỗ lớn. Ở đó có một ông lão thường ngồi đan sọt tre.
Trong vòng 13 ngày, Lý Cảnh Vỹ đã tìm thấy mẹ ruột của mình một cách thần kỳ. Lúc này anh cũng biết được tên ban đầu của mình là Lý Phương Phục, quê ở Diêm Tân, Vân Nam.
Sáng ngày 1/1/2022, tại Lan Khẩu, Hà Nam, Lý Cảnh Vỹ đã được gặp mặt mẹ ruột của mình. Khoảnh khắc đó, anh quỳ xuống trước mặt mẹ và liên tục khấu đầu.
Người mẹ 58 tuổi, Dương Chính Thông khóc rất to và gần như ngất đi vì quá xúc động.
“Bao nhiêu năm qua, dù khó khăn đến đâu, mẹ cũng không bao giờ từ bỏ con”, bà Thông ôm lấy đứa con trai.
Lý Cảnh Vỹ nghe mẹ nói mà lòng đau nhói. Anh hôn nhẹ lên trán mẹ rồi huýt sáo một hồi dài như muốn trút bỏ hết những oan ức, hối hận sau lưng…
Khoảnh khắc đoàn tụ xúc động của Lý Cảnh Vỹ.
Bi kịch gia đình
Tâm nguyện ấp ủ bấy lâu nay đã thành hiện thực, Lý Cảnh Vỹ rất vui khi gặp lại mẹ. Nhưng đêm hôm đó, nhiều lần thức giấc anh thấy mẹ đang nhìn mình, khóc không kiểm soát. Dần dần, anh biết được những bi kịch đã xảy ra trong gia đình hơn 30 năm qua.
Chỉ 3 tháng sau khi Cảnh Vỹ bị bắt cóc, cô ruột mới 13 tuổi và em họ của anh cũng bị bắt cóc. Cha của Lý Cảnh Vỹ còn bị những kẻ buôn người đánh đập dã man, “một vết rạch dài 6 – 7 cm đã hằn lên đầu ông”.
Năm 2001, ông qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông vẫn tiếc nuối nói với người con trai bên cạnh: “Con đừng quên, con còn có một người anh trai bị bắt cóc, nhất định phải tìm được anh ấy trở về”.
Tiếp đó, cuộc đời dường như đặc biệt bất công với gia đình này.
Ngày 23/12/2009, nước biển trên đập phụ sông Tiền Đường dâng cao bất ngờ khiến 10 người bị nhấn chìm. Hai người sau đó được cứu sống, còn 8 người mất tích. Trong số người mất tích có chị gái, em trai thứ ba và em dâu đang mang thai của Lý Cảnh Vỹ.
Những bi kịch liên tục xảy ra khiến Lý Cảnh Vỹ cuối cùng cũng hiểu tại sao trên mặt mẹ không có nụ cười và bên giường của mẹ luôn có thuốc ngủ.
Lý Cảnh Vỹ cùng những người ủng hộ chụp ảnh trước phiên tòa.
Quyết đòi công lý
Xót xa trước những bi kịch của gia đình, Lý Cảnh Vỹ bắt đầu lên tiếng trên mạng, tìm cách đưa những kẻ buôn người ra pháp luật.
Việc làm của anh đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Sau đó không lâu, công an đã tìm ra những kẻ đã bắt cóc Lý Cảnh Vỹ và người thân của anh.
“Việc bắt cóc có sự tham gia của hai băng nhóm. Cô và em họ của tôi bị một người họ hàng thông đồng với người ngoài bắt cóc và bán đến An Huy. Còn tôi bị bọn buôn người ở Tứ Xuyên bắt cóc”, Cảnh Vỹ cho biết.
Ngày 14/12 “Vụ án bắt cóc Lý Cảnh Vỹ” đã được xét xử tại Tòa án Nhân dân huyện Diêm Tân, tỉnh Vân Nam. Hai nghi phạm họ Vương tham gia xét xử qua video.
“Ban đầu, họ không nhận tội, nhưng sau đó, các cán bộ tư pháp đã sử dụng bằng chứng xác thực để khiến họ phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình”, Lý cảnh Vỹ chia sẻ với PV.
Chiều ngày 14, Lý Cảnh Vỹ đưa vợ và các con đến trước mộ của cha mình để dâng hương và khấu đầu.
“Ba, con đã trở về, con không làm ba thất vọng. Kẻ bắt cóc con và người thân của chúng ta đã bị bắt. Hôm nay tòa án đã mở, con tin rằng sẽ có kết quả sớm thôi. Trên thiên đường ba có thể mỉm cười được rồi”, Lý Cảnh Vỹ nói, nước mắt tuôn trào.
Bất cẩn làm mất nhẫn cưới kim cương, người đàn ông phải bới 20 tấn rác tìm lại nhẫn cho vợ
Câu chuyện của một người đàn ông phải huy động cả đội nhân viên trong trạm thu gom rác cùng mình lục lọi cả "biển rác" để tìm lại chiếc nhẫn cưới cho vợ đã thu hút nhiều sự chú ý của netizen.
Nhẫn cưới vốn vẫn được xem là đồ vật rất quan trọng với nhiều cặp vợ chồng và thường được giữ gìn cẩn trọng hết mức có thể. Thế nên không bất ngờ khi người đàn ông dưới đây vô tình làm mất nhẫn cưới của vợ thì đã lập tức làm mọi cách để tìm lại, thậm chí là bới tung...20 tấn rác để tìm kiếm chiếc nhẫn kim cương lẫn trong đó.
Ảnh minh họa
Theo đó, câu chuyện này xảy ra tại Mỹ khi người đàn ông tên K.B đã vô tình "vứt" nhẫn cưới của mình và vợ đi. Anh cho biết vợ mình đã tháo chiếc nhẫn cưới ra để vệ sinh và trong lúc để chúng trong một chiếc khăn ăn để hong khô thì đã khiến anh nhầm lẫn là rác và vứt thẳng vào thùng rác.
Đến khi phát hiện mình đã vô tình vứt chiếc nhẫn cưới quý giá, anh K.B vội đến bãi tập kết rác thải ở Windham, New Hampshire để hy vọng có thể tìm lại chiếc nhẫn. Tại đây, có đến 20 tấn rác đã được thu gom khiến hy vọng tìm lại nhẫn kim cương vô cùng mong manh.
Song khi biết trường hợp của anh K.B, quản lý của trạm thu gom rác đã giúp anh trích xuất camera để xác định túi rác nhà anh được bỏ ở đâu nhằm thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Khi nhìn thấy túi rác nhà mình chưa bị đưa đến lò đốt, anh K.B cùng các nhân viên tại đây đã tích cực tìm trong từng túi rác và cuối cùng cũng tìm thấy chiếc nhẫn cưới của anh và vợ.
Ảnh: Washington Post
Câu chuyện dở khóc dở cười và cũng vô cùng hiếm thấy này vì thế đã thu hút nhiều sự chú ý của netizen. Anh K.B cũng cho biết sau đó anh đã bày tỏ mong muốn gửi tiền cảm ơn các nhân viên giúp anh tìm kiếm nhẫn ở trạm rác thải nhưng họ đều từ chối.
Nghị lực phi thường của người đàn ông đi bằng 2 đầu gối Cuộc sống này còn rất nhiều những số phận kém may mắn, thế nhưng nghị lực sống của họ chính là thứ khiến nhiều người phải cảm phục. Chẳng hạn như người đàn ông khiếm khuyết, chẳng thể dùng chân đi lại như người bình thường nhưng vẫn cố gắng nỗ lực vươn lên dưới đây. Anh Tuấn - người đàn ông mang...