Gặp lại nữ y tá “cướp” cháu bé sắp bị chôn sống theo mẹ
Vì dám vượt qua hủ tục lệ làng, nữ y tá sau đó phải đối mặt với những lời buộc tội của dân làng. Nay chị đã có một gia đình hạnh phúc với đứa con chị đã cứu được và một đứa con ruột. Đó là nữ y tá người Xê Đăng – chị Hồ Thị Hiếu.
Nhắn đến chị Hồ Thị Hiếu, không ai quên câu chuyện cách đây 6 năm. Đầu tháng 9/2011, sản phụ Hồ Thị Yên ở làng Tắc Giang (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chuyển dạ và sinh tại nhà riêng một bé trai nặng 2,5 kg. Sau khi sinh, do bị mất máu quá nhiều nên chị Yên tử vong tại nhà. Vì tập tục, gia đình và dân làng quyết định chôn sống cháu bé với mẹ của cháu.
Chị Hiếu và cháu Quốc Khánh
Một cuộc họp làng diễn ra và thống nhất, đám tang chị Yên phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ mới ra đời cũng phải chôn sống cùng mẹ. Dân làng Xê Đăng quan niệm nếu sinh xong mẹ qua đời thì phải chôn sống đứa trẻ theo mẹ.
Hay tin, cô y tá người Xê Đăng Hồ Thị Hiếu đang làm việc ở huyện quyết định băng rừng để cứu đứa nhỏ. Vừa băng rừng, chị vừa gọi điện cho em gái mình là Hồ Thị Hoàng đang ở làng đến để can ngăn, không để đứa bé vô tội bị chôn sống cùng mẹ. Tuy nhiên, nỗ lực của chị Hoàng đã thất bại khi bố của cháu bé quyết không đồng ý.
Không nản lòng, chị Hiếu nói em gái nhất quyết phải cứu được cháu bé. Theo hướng dẫn của Hiếu, trong lúc dân làng đang chuẩn bị chôn cất 2 mẹ con thì Hoàng bồng cháu bé bỏ chạy trong sự ngỡ ngàng của dân làng.
Chị Hiếu nhận lời động viên của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3/2016 tại UBND huyện Nam Trà My, khi Phó Thủ tướng về tiếp xúc cử tri tại đây
Sau gần hai tiếng băng rừng, Hoàng, Hiếu gặp nhau và đưa cháu bé về Trung tâm y tế huyện nhờ các y, bác sỹ cứu giúp. Lúc này, cơ thể cháu bé tím tái, rốn vẫn chưa được cắt… Sau khi được chăm sóc y tế đầy đủ, cháu bé tươi tỉnh trở lại và chị Hiếu nhận bé làm con, đặt tên là Hồ Quốc Khánh. Dù lúc đó chỉ mới 25 tuổi và chưa có chồng nhưng chị Hiếu vẫn quyết nhận cháu bé làm con nuôi, chị bảo cái tên chị đặt là để nhớ về ngày 2/9, ngày đứa trẻ suýt bị chôn sống theo tục lệ của làng.
Cảm kích tấm lòng của nữ y tá Hiếu, anh Zơ Râm Phượng – chàng trai người dân tộc Cơtu ở huyện Nam Giang vượt đường xa qua thăm, rồi hai người nảy sinh tình cảm và nên nghĩa vợ chồng. Hằng ngày, chị vừa lo toan công việc ở trạm y tế xã Trà Cang vừa chạy vạy kiếm tiền mua sữa nuôi Khánh lớn khôn đến ngày hôm nay. Chị Hiếu lại vừa được giao giữ chức Trưởng trạm y tế xã Trà Cang và chị cũng vừa hạ sinh được một cháu bé.
Video đang HOT
Chị Hiếu chia sẻ câu chuyện cảm động của mình
Chị kể, khi “cướp” đứa bé, chị bị dân làng xem như “tội đồ” vì dám chống lại tập tục của dân làng. “Nhưng giờ đây dân làng đã hiểu, họ không còn gét bỏ mình nữa. Hủ tục trẻ sơ sinh phải chôn sống theo mẹ cũng đã được loại bỏ”, chị Hiếu chia sẻ.
Theo chị Hiếu, người Xê Đăng ở Nam Trà My quan niệm nếu sinh con xong mẹ qua đời thì phải chôn sống đứa trẻ theo bởi nếu để lại không có ai chăm sóc, em bé còn quá yếu ớt nên cũng khó vượt qua. Theo tục lệ, nếu đứa trẻ đã cứng cáp, khoảng 10 ngày tuổi mà mẹ mất thì người bố có thể quyết định số phận của con. Trường hợp của bố Quốc Khánh, anh phải nghe theo dân làng dù có muốn hay không.
Chị Hiếu tâm sự, cuộc sống sau đó của hai mẹ con chị tưởng sẽ yên ổn nhưng phải đối mặt với nhiều áp lực sau đó. Chị nói lúc đó phải ở nhờ nhà người quen tại trung tâm huyện chứ không dám về làng; đứa em gái cũng ở đây một thời gian rồi mới dám về vì làng sợ “con ma xấu” đeo bám. Hơn nữa, một thiếu nữ chưa chồng như chị Hiếu lại có con, mà đó là đứa con của người khác, đứa con “cướp” được… đó là điều cấm kỵ với dân làng đồng bào Xê Đăng.
Để cho mọi sự nguôi ngoai theo thời gian, chị Hiếu đưa Quốc Khánh đến gặp già làng, gặp những người vẫn còn tin vào cái hủ tục đó để giải thích không có “con ma” nào cả và với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân cũng hiểu.
“Giờ đây dân làng đã hiểu, họ không những tha thứ cho việc làm của mình ngày đó mà còn hứa xóa bỏ hủ tục nữa”, chị Hiếu nói. Và đến nay, hủ tục này đã không còn tồn tại ở huyện miền núi Nam Trà My nữa.
Công Bính
Theo Dantri
Người Rục và nỗi ám ảnh hôn nhân cận huyết
"Ở đây con anh em trai, con chị em gái, hay chú cháu, cậu cháu, chỉ chừng 14 - 15 tuổi lấy nhau là rất phổ biến. Con của họ sinh ra không chết yểu thì cũng èo uột còi cọc. Thậm chí có cặp vợ chồng 7 lần sinh nhưng chỉ nuôi được 1 mà cũng không lớn lên nổi" - ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón nói về vấn nạn hôn nhân cận huyết và tảo hôn trong cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Sau 50 năm rời hang đá, nhưng cuộc sống người Rục vẫn gần như nguyên thủy.
Cha con, anh em ruột thành thông gia
Tộc người Rục được bộ đội Biên Phòng phát hiện sống biệt lập, hoang dã trong hang đá giữa núi rừng Phong Nha- Kẻ Bàng năm 1959, và được đưa về định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O, Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Sau gần 60 năm hòa nhập cộng đồng, cho đến lúc này tạm yên tâm cộng đồng đã chung tay giúp người Rục thoát khỏi nguy cơ diệt vong. Nhưng hiện nay họ vẫn đang phải đối mặt với hiểm họa suy thoái giống nòi từ những cuộc hôn phối cận huyết và nạn tảo hôn.
Nơi định cư của người Rục nằm gọn trong thung lũng Rục Làn, bao quanh bởi những khối núi đá vôi cao chót vót. Với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, các bản người Rục được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, từ điện, đường, trường đến nhà cửa... Tuy nhiên, do tập quán "săn bắt, hái lượm" vẫn ăn sâu trong cộng đồng người Rục nên sự tự phát triển rất hạn chế khiến đời sống của họ vẫn còn rất khó khăn.
Phương thức sản xuất chiếm đoạt những gì sẵn có làm cho người Rục gần như vẫn biệt lập với bên ngoài, sống khép kín trong cộng đồng của mình. Việc không giao lưu kinh tế, không giao thoa văn hóa với cộng đồng của người Rục dẫn đến những cuộc hôn phối cận huyết mà chồng, vợ là những người họ hàng thân thích.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Cao Xuân Ch. và chị Cao Thị V. nằm ở bìa rừng thuộc bản Ón, không có gì đáng giá ngoài 4 vách tường vôi và chiếc giường ọp ẹp. Thấy khách lạ vào họ tìm cách lẩn tránh không muốn tiếp xúc. Chỉ đến khi ông Cao Xuân Tư, trưởng bản Ón lên tiếng họ mới rón rén bước ra, hỏi gì nói nấy, ánh mắt vô hồn, mông lung nhìn khoảng rừng trước mặt.
Mái ấm của một cặp vợ chồng cận huyết
Theo ông Tư, xét về phả hệ thì anh Ch. là cậu ruột của chị V. nhưng nay họ lại thành vợ chồng. Ngày họ lấy nhau, bố anh Ch. đại diện họ nhà trai sang nhà con gái rước đứa cháu ngoại về làm dâu. Cả làng, cả bản ai cũng biết anh Ch. là cậu ruột của chị V. nhưng chẳng ai quan tâm hay ngăn cấm, bởi với người Rục chuyện "bà con" lấy nhau là chuyện hết sức bình thường. Vậy là bố đẻ và con gái thành thông gia, chị V. gọi ông ngoại bằng bố, còn anh Ch. gọi chị gái bằng mẹ.
Khi được hỏi, vì sao không lấy ai khác mà lại lấy cháu ruột về làm vợ, anh Ch. trả lời: "Ôi chao! Không lấy hắn thì lấy ai. Tiền mô mà sang bản khác lấy vợ".
Cách nhà anh Ch. chỉ vài bước chân, Cao Xuân T. cũng vừa tổ chức đám cưới với Cao Thị Tr. Trường hợp của T. và Tr. là anh em con bác, con chú, tức bố T. là anh trai ruột của bố Tr. Vì là anh em con chú bác lại chơi với nhau từ nhỏ, nên khi vừa mới bước qua tuổi 14, trong những lần đi rừng, đi rẫy với nhau T. và Tr. thấy thích, rồi quấn lấy nhau. Chuyện gì đến sẽ phải đến, dân bản thấy Tr. đã mang cái bụng lùm lùm, hỏi của ai, nói của anh T., thế là bố mẹ 2 bên, cũng là hai anh em trai quyết định tổ chức đám cưới để cho đôi trẻ nên vợ, nên chồng.
Bố của T., ông Cao B. buồn rầu tâm sự: "Bọn trẻ ở Rục lớn lên hoang dã như con hươu con nai giữa rừng. Không được học hành nên có đi ra ngoài mô mà biết cái hay, cái xấu. Suốt ngày chúng rúc ráy trong rừng, mần chuyện chi ai mà biết. Đến khi bụng bầu to lên rồi thì phải cưới thôi. May mà có đứa còn biết chủ nhân của cái bụng bầu, chứ ở đây nhiều đứa có biết cha đứa con mình đẻ ra là ai mô" - ông B. nói.
Ông Trần Xuân Tư nhẩm tính, ở 3 bản người Rục có ít nhất 15 cặp vợ chồng lấy nhau khi huyết thống chỉ cách nhau 2 đời, nghĩa là con của anh, chị, em ruột lấy nhau. Còn lấy nhau cách 3 đời thì gần như phổ biến. "Không phải là anh em con chú bác thì cũng con cô cậu, bạn dì..." - ông Tư nói.
Suy thoái giống nòi
Theo ông Tư, cộng đồng người Rục khi rời hang đá có 34 người, ngày nay đã phát triển hơn 100 hộ. Theo phả hệ thì phần lớn các cặp vợ chồng đều có quan hệ họ hàng gần gũi. Xét cho cùng thì những đứa trẻ người Rục được sinh ra đều xuất phát từ những cuộc hôn nhân cận huyết. Chính vì thế mà người Rục bao giờ cũng ốm yếu và nhỏ hơn các tộc người khác. Ở các bản người Rục, để tìm được một người trưởng thành nặng hơn 50kg khó hơn mò kim đáy biển. Ngày xưa, trong tư liệu người Pháp để lại gọi tộc người này là Chim Chích.
Đa số trẻ con của người Rục được sinh ra từ những cuộc hôn nhân cận huyết
Có thể nói đồn Biên phòng Cà Xèng đóng trên địa bàn có công rất lớn trong việc giúp người Rục hòa nhập cộng đồng, biết làm nương rẫy, biết trồng lúa nước, xóa mù chữ và chăm sóc sức khỏe người dân. Nhưng việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết lại nằm ngoài khả năng của họ. "Chuyện gì chúng tôi cũng có thể can thiệp được, ngoại trừ cái chuyện bọn trẻ vào rừng rồi ngủ với nhau. Họ sống trong rừng từ lâu, kết hôn theo kiểu cách nguyên thủy, đến giờ vẫn không thay đổi được. Chúng tôi biết có nhiều cuộc hôn nhân cận huyết đó nhưng tuyên truyền, vận động, giáo dục rất kiên trì vẫn không sao ngăn cản được!" - lãnh đạo đồn biên phòng có nhiều năm cắm ở bản Rục chia sẻ.
Mới chưa đầy 40 tuổi nhưng vợ chồng anh Cao Xuân T. và chị Cao Thị K. trông già và ốm yếu chẳng khác gì đang tuổi 60. Họ là hai anh em con cô con cậu, thành vợ chồng khi mới bước qua tuổi 14. Hai vợ chồng anh chị có đến 7 lần sinh, nhưng có sinh mà không có dưỡng nên giờ chỉ còn một đứa lay lắt. Những đứa con của anh chị khi sinh ra đều yếu ớt, chỉ nuôi được chưa đầy năm là qua đời.
Tương tự, trường hợp của vợ chồng anh Ch. và chị V. (cậu lấy cháu đề cập ở trên). Hai vợ chồng anh chị sinh được 3 đứa con nhưng đứa con trai đầu chết khi mới vào lớp 1, còn lại 2 đứa thì đau ốm liên miên. Đứa con gái út sinh năm 2012, năm nay đã 4 tuổi nhưng nặng chỉ chừng hơn 10kg, 2 tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. Chị V. bảo: "Không biết mô, hắn cứ khóc suốt thôi, nuôi mãi mà hắn không to lên được, tóc cũng không chịu mọc nữa".
Theo ông Trần Xuân Tư, ở các bản người Rục, việc đau ốm của dân bản diễn ra như cơm bữa. Sức đề kháng của bà con rất yếu nên họ rất dễ bị các bệnh lạ, hiểm nghèo. "Ở bản này chả thiếu những đứa trẻ từ lúc sinh đến lúc lớn không chịu ngủ, mắt cứ trợn lên, chân lại ngoặc lên đầu. Người Rục cứ tưởng con ma rừng về ám con họ, mời thầy mo về cúng mãi mà không khỏi. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi ám ảnh cố giải thích mãi nhưng bà con cũng chẳng hiểu cho " - ông Tư buồn rầu nói.
Đổi mới, sáng tạo trong vận động Cũng là tộc người rời hang đá giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng cùng lúc với người Rục, nhưng tộc người A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch đã bỏ được nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho rằng tất cả đều nằm ở khâu tuyên truyền. Theo ông Sỹ, cách đây 10 năm, trước khi ông lên nhận chức ở đây, người A Rem cũng không khác gì người Rục hiện nay. Tuy nhiên, ông đã đi từng nhà giải thích về hậu quả của hôn nhân cận huyết và tảo hôn. Mưa dầm thấm lâu, người dân dần dần hiểu ra và thực hiện. "Trong khâu tuyên truyền phải linh hoạt, có những hình thức sinh động để đồng bào đồng thuận. Ví dụ như, cặp vợ chồng nào lấy nhau đúng tuổi, không cùng huyết thống theo quy định thì được xã cấp giấy chứng nhận hôn nhân, mở tiệc mừng ngay tại trụ sở xã, tặng thêm vật chất cho đôi vợ chồng trẻ trước khi về sinh sống với nhau, thế là đồng bào vui lắm" - ông Sỹ nói.
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Người dân đã có thể khai sinh, khai tử trực tuyến Bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể đăng ký thông tin trực tuyến với các thủ tục cấp giấy khai sinh, khai tử. Từ 10/8, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại 144 phường thuộc 10 quận của Thủ đô. Bước đầu, người dân có thể đăng ký thông tin...