Gặp lại nữ sát thủ trên xe Lexus
Không có những giọt nước mắt đổ xuống như ngày mới bị bắt, cũng không còn nhiều e dè, Kim Anh lặng lẽ trò chuyện với tôi như hai người bạn lâu ngày gặp lại.
Kim Anh (trái) đọc thư của gia đình.
Kim Anh – nữ thủ phạm vụ án giết người trên xe Lexus ngày lễ tình nhân 4 năm trước – tâm sự: “Chuyện đã qua lâu rồi, em không muốn nhắc nhiều đến quá khứ buồn của một thời nông nổi nữa. Giờ em chỉ mong được dần quên đi nỗi buồn ấy để cải tạo thật tốt, sớm được ra trại để làm lại tất cả, để được đền chút ơn hiếu nghĩa cho bố mẹ và những người yêu thương em dù là muộn màng…”…
Chúng tôi đến Trại giam Phú Sơn 4 vào một ngày khi xuân đã sang. Trời hửng nắng lại sau nhiều ngày lạnh lẽo khiến không khí sau Tết trong trại càng thêm rộn rã. Trong hội trường, đội văn nghệ của trại đang chuẩn bị những tiết mục biểu diễn cho hội diễn đầu xuân. Tôi nhận ra khuôn mặt một nữ phạm nhân đang say mê với những điệu múa chính là người mình đã gặp và hỏi chuyện tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội (số 7 phố Thiền Quang) mấy năm về trước…
Ngày xảy ra vụ án giết người trên xe Lexus đúng vào ngày lễ tình nhân 14/2/2009 khiến dư luận rúng động và vài ngày sau dư luận càng xôn xao hơn khi biết được hung thủ là cô gái xinh đẹp, đang là sinh viên năm thứ tư một trường đại học danh tiếng. Nếu không xảy ra vụ án đó, có lẽ giờ này cô đã là một cô giáo đứng trên bục giảng. Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận và khiến báo chí tốn biết bao giấy mực một thời gian dài. Biết bao ý kiến trái chiều về nữ hung thủ cho đến tận sau ngày cô bị kết án.
Thời gian dần trôi, dư âm vụ án dần lắng xuống. Bây giờ ngồi nói chuyện với tôi trong khuôn viên Phân trại 1, Trại giam Phú Sơn 4 là một Kim Anh vẫn đẹp như ngày nào nhưng già dặn hơn. Không có những giọt nước mắt đổ xuống như ngày mới bị bắt, cũng không còn nhiều e dè, Kim Anh lặng lẽ trò chuyện với tôi như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Cán bộ trại dẫn đường cho tôi là Đại úy Lưu Sỹ Khang cũng rất tâm lý, lui ra xa để chúng tôi thoải mái trong câu chuyện của mình.
Video đang HOT
Ngày mới vào trại, Kim Anh buồn lắm và khóc suốt. Được sự động viên của cán bộ trại và các nữ phạm nhân cùng buồng giam, cô dần lấy lại được thăng bằng, tìm được niềm vui trong lao động và những buổi tập, diễn văn nghệ. Trong trại, cô được đọc nhiều bài báo viết về mình.
Kim Anh tâm sự: “Có một số bài viết không hoàn toàn đúng sự thật và suy diễn quá về em cũng như gia đình em. Em buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao”.
Mỗi tháng, bố mẹ và chị gái lại được tới thăm Kim Anh một lần, đó là những giờ phút vui nhất của cô. Cô thương bố mẹ có tuổi rồi mà vẫn phải lặn lội mấy trăm cây số từ Cao Bằng xuống thăm con. Kim Anh tâm sự: “ Ngày ấy em trẻ người non dạ quá, chẳng chuyên tâm hết học hành mà sa vào một số mối quan hệ chẳng đâu vào đâu và rồi trong một phút nông nổi đã làm chuyện tày đình khiến bản thân và bao người, nhất là những người thân phải khổ. Chuyện đã qua lâu rồi, em không muốn nhắc nhiều đến quá khứ buồn của một thời nông nổi nữa. Giờ em chỉ mong được dần quên đi nỗi buồn ấy để cải tạo thật tốt, sớm được ra trại để làm lại tất cả, để được đền chút ơn hiếu nghĩa cho bố mẹ và những người yêu thương em dù là muộn màng…”.
Ban đầu Kim Anh được phân công lao động tại xưởng gia công của phạm nhân nữ rồi sau đó được tham gia đội văn nghệ của trại. Sở trường của cô được phát huy và cô đã đóng góp rất nhiều vào thành tích của đội văn nghệ. Điệu múa, lời ca, tiếng hát của cô như lời tự sự của chính nỗi lòng mình trên con đường hướng thiện.
Thiếu tá, Phó Giám thị Lê Đình Thanh cho biết, vì tò mò bởi vụ án xôn xao ngày ấy mà nhiều đoàn khách khi đến làm việc tại trại giam muốn gặp “người phụ nữ nổi danh” nhưng để đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để phạm nhân yên tâm cải tạo, Ban giám thị trại đều phải xem xét kỹ từng yêu cầu gặp và khéo léo từ chối những yêu cầu không cần thiết. Anh bảo, mỗi người mỗi số phận, nếu ai phạm tội thì khi bị kết án là họ đã phải trả giá cho những sai lầm của mình, điều cần làm là hãy tạo điều kiện tốt nhất có thể để họ đứng lên làm lại cuộc đời từ những vấp ngã ấy.
Kim Anh chợt hỏi tôi về con đường Trần Quốc Hoàn phía sau trường của cô đã giải tỏa xong nút chắt cổ chai chưa, về con phố nhỏ Nghĩa Tân nhiều quán ăn vặt mà cô và các bạn vẫn thi thoảng la cà khi còn là sinh viên… Ánh mắt và gương mặt cô vụt sáng tươi, nụ cười nở trên môi em khiến cô đẹp hơn trong nắng chiều. Rồi cô khẽ nói như tự nói với lòng mình: “Giờ này ngày trước là lúc bọn em xuống lại trường sau kỳ nghỉ Tết, sau giờ học bạn bè lại rủ nhau lượn phố đi mua sắm đầu xuân…”.
Trước lúc tạm biệt, Kim Anh hồn nhiên khoe: “ Mẹ em mệt nên tháng này không đến thăm em được, nhưng mẹ gửi thư cho em đây này. Em mới nhận được sáng nay”. Nhìn cô cùng đọc thư, chia sẻ với một nữ phạm nhân khác, tôi biết rằng dù cô đã sai lầm nhưng vẫn còn bao người yêu thương và chia sẻ với cô. Đó là niềm tin, là nguồn động viên để cô vững tin đứng lên làm lại tất cả, chỉ cần cô luôn có ý chí và tôi tin cô sẽ làm được.
Kim Anh liên quan đến vụ án giết người tình trên xe Lexus khiến dư luận xôn xao đầu năm 2009. Trong phiên xử ngày 30/12/2009, xét Kim Anh thành khẩn, ăn năn hối cải, TAND Hà Nội tuyên án 14 năm tù. Kim Anh được thụ án tại Trại giam Phú Sơn 4 Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo xahoi
Tết của những đứa trẻ theo mẹ ở trại giam
Quần áo mới xúng xính - những đứa trẻ là con phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4 lăng xăng chạy ra chạy vào hết ngắm mâm ngũ quả, lại xem đôi rắn trưng trước cổng trại, chúng cười như nắc nẻ khi đội kéo co bị đối phương lôi qua vạch, vỗ tay tán dương mừng các cô, các chú trong đội văn nghệ hát mừng Đảng, mừng xuân.
Tết đối với chúng là được các cô, các bác trong Đội chuyền tay nựng nịu, là được ở bên mẹ cả ngày. Chúng không cần biết bên ngoài bốn bức tường kia là gì, cũng không biết mình thiệt thòi, bởi ở đây, chúng cũng có một gia đình...
Đón Tết cùng với các phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4 là 12 đứa trẻ, lớn nhất mới hơn 24 tháng tuổi, nhỏ nhất hơn 4 tháng. Chúng được sinh ra trong trại giam hoặc theo mẹ đi thi hành án. Mẹ được nghỉ Tết, các con không phải đi trẻ nên chúng vui lắm. Mấy cháu lớn lăng xăng chạy khắp sân, thấy chỗ nào đông vui là ghé vào xem khiến các mẹ cũng vất vả. Những bé đang phải bế trên tay cũng vui mừng không kém, chúng chỉ tay đòi mẹ đi chỗ nọ, chỗ kia. Đêm Giao thừa, cùng với việc chúc Tết các phạm nhân, Ban Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã mừng tuổi các bé, mong sang năm mới, các cháu hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn để các mẹ có điều kiện phấn đấu lao động, cải tạo tốt hơn, sớm được trở về với cộng đồng.
Cầm tay đưa con gái hơn 1 tuổi đang cười để lộ mấy chiếc răng sữa, phạm nhân Phạm Thị Hiền (trú ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) hồ hởi: "Đây là Tết thứ 2 mẹ con tôi ở Trại giam đấy cán bộ ạ. Năm ngoái còn trong thời gian điều tra nên ở Trại tạm giam Công an Lạng Sơn, con còn bé quá nên không dám đưa ra ngoài. Ở đây, mẹ con tôi cũng như các phạm nhân có con nhỏ khác được các cán bộ ưu tiên, con được tặng quà, được suất ăn gấp 5 lần ngày thường, thức ăn phong phú nên con cũng khỏe ra nhiều".
Được biết, Phạm Thị Hiền là bà mẹ trẻ nhất chưa tròn 18 tuổi trong số các phạm nhân có con nhỏ ở đây. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố bỏ về quê ở tận miền Nam để lại mẹ Hiền nuôi 4 đứa lít nhít. Chính vì không được chăm sóc chu đáo nên Hiền chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ ở nhà bán rau với mẹ. Lớn hơn 1 chút, Hiền theo đám bạn chơi bời quen Phạm Văn Mạnh - một thợ xây quê ở huyện Lạng Giang. Cô gái 16 tuổi lần đầu biết yêu đã theo Mạnh lên tận quê anh ta, sang Lạng Sơn để chơi mà không biết Mạnh tham gia một đường dây lừa đảo đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán. Trong một lần "đưa hàng" sang bên kia biên giới, Hiền và Mạnh bị bắt và không biết mình mang thai. Lúc mới bị bắt, Hiền nôn ọe nhiều, lại chán không muốn ăn uống nên các cán bộ đã đưa cô đi siêu âm, phát hiện cái thai đã gần 12 tuần tuổi.
Các cháu ở Trại giam Phú Sơn 4 cùng mẹ theo dõi các trò chơi dân gian do Trại tổ chức nhân dịp Tết Quý Tỵ.
Không có người bảo lãnh để được tại ngoại, Hiền đành ở lại trại. Đêm trở dạ, cô cũng không biết phải làm gì, được các cán bộ đưa đến bệnh viện, tận tình chăm sóc như người nhà, hướng dẫn cách chăm con nên Hiền dần quen. Vì không có sữa nên cô phải nuôi con hoàn toàn bằng sữa ngoài nên cũng khá vất vả, rất may, các cán bộ tạo điều kiện, chế độ nên em bé khá cứng cáp. Hiền ân hận: "Còn 1 năm nữa em hết án, ra tù em về bán rau với mẹ, nghèo đói đến mấy cũng cố nuôi con ăn học, để nó không sa ngã như em nữa"...
Len lỏi giữa đám người đang hò reo cổ vũ cho trận bóng chuyền, phạm nhân Nông Thị Huyền cố kiễng chân để cậu con trai Nông Quốc Dũng xem được các bác chơi bóng. Chỉ vào con trai gầy nhỏ, Huyền phân trần: "Nhà tôi ở tận Na Rì, Bắc Kạn, bệnh viện xa, tôi lại đẻ non nên cháu rất khó nuôi, hay ốm. Được Ban Giám thị và quản giáo ưu tiên cho đi làm muộn, con ốm được nghỉ chăm sóc, được bác sĩ khám, điều trị nên cháu mới được thế này, nếu ở nhà, không biết có qua nổi không". Huyền cho biết, ngoài chế độ ăn bình thường, ngày Tết con cô được Ban Giám thị và cán bộ quản giáo mừng tuổi, tặng quà, được suất ăn gấp 5 lần ngày thường nên rất đầy đủ.
Được biết, 12 đứa trẻ ở Trại giam Phú Sơn 4 đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, có cháu cả bố lẫn mẹ đang thi hành án ở trại, có cháu sau khi mẹ phạm tội không còn người thân thích nào, mẹ cũng chả có chỗ bấu víu nên làm đơn tự nguyện thi hành án. Để tạo điều kiện cho các phạm nhân cải tạo tốt hơn và chăm sóc các cháu chu đáo, Ban Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã lập một nhà trẻ, giao cho 1 cán bộ và 2 phạm nhân có chuyên môn sư phạm chăm sóc.
Theo đó, hàng ngày, các mẹ cho con bú được đi làm muộn hơn, về sớm hơn 30 phút để đón con. Các bé ở nhà trẻ được ăn uống như chế độ của mẹ nên thức ăn khá đầy đủ. Các cháu bé chưa ăn được cơm, cháo thì được chuyển sang sữa. Chị Lê Tường Vân, phụ trách nhà trẻ cho biết, các cháu gồm nhiều lứa tuổi nên việc chăm sóc không giống nhau. Có bé ăn sữa, bé ăn cháo, ăn cơm nên tôi vào 2 phạm nhân cũng khá vất vả. Dù thiệt thòi, nhưng các bé rất ngoan, ít quấy khóc. Hàng tháng, theo định kỳ, chúng tôi đều tổ chức tiêm chủng cho các cháu, đảm bảo theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: "Trại rất quan tâm, tạo điều kiện để các cháu vui chơi, chăm sóc, tạo điều kiện để các bé có điều kiện phát triển bình thường. Ngày thường thì ngoài khẩu phần ăn dinh dưỡng, chúng tôi còn mua thêm sữa cho các cháu uống, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập để các cháu phát triển trí tuệ, không bị thiệt thòi so với các bạn khác ở ngoài. Ngày Tết, các cháu được ở gần mẹ để nhận được sự chăm sóc, yêu thương, lãnh đạo đơn vị đến tận buồng giam tặng quà mừng tuổi, phát quần áo mới".
Theo 24h
Ngô Thanh Vân lên kế hoạch ăn Tết cùng 365 "Đả nữ" của làng điện ảnh cho biết, dù công việc bận rộn đến thế nào, mùng hai Tết cô đều triệu tập tất cả học trò của mình về công ty để chúc Tết và nhận lì xì. Năm qua, nữ diễn viên Dòng máu anh hùng gây được dấu ấn ở nhiều hoạt động nghệ thuật và từ thiện. Đầu năm,...