“Gặp Lại Chị Bầu”: Câu chuyện thiếu cảm xúc khiến người xem hụt hẫng
Cách giải quyết mâu thuẫn dễ dàng và diễn xuất thiếu thuyết phục của Anh Tú khiến “ Gặp Lại Chị Bầu” mất đi sức nặng vốn có.
Nhất Trung là đạo diễn nổi tiếng với 49 Ngày (2015), Cua Lại Vợ Bầu (2019) hay 1990 (2022) – tức những bộ phim có ý tưởng nghe hay hay nhưng đến khi triển khai thì lại có lắm vấn đề. Gặp Lại Chị Bầu cũng không ngoại lệ khi những cảm xúc lẽ ra phải thật bùng nổ lại không được làm đến nơi đến chốn, còn sạn thì lại nhiều vô số.
Nhân vật chính của Gặp Lại Chị Bầu là Phúc (Anh Tú) – một thanh niên mồ côi cha mẹ, ăn chơi lêu lổng. Trong một lần bị chủ nợ đuổi, anh chàng vô tình rơi xuống sông và bị sét đánh nên đã xuyên không về năm 1997. Thấy Phúc lang thang không nơi nương tựa, bà Lê (Lê Giang) đã nhận anh chàng làm con nuôi, cho sống cùng Ngọc (Ngọc Phước), Huyền ( Diệu Nhi) và Tuấn (Quốc Khánh). Bộ ba giúp Phúc có công việc diễn viên quần chúng trong đoàn phim mà họ đang tham gia. Trong lúc cả nhóm ngày càng thân thiết, xem nhau như anh em trong nhà thì biến cố một lần nữa ập đến khi Phúc phát hiện ra sự thật đằng sau cha mẹ ruột của mình.
Bối cảnh năm 1997 còn sai lệch
Trong các bộ phim xuyên không, bối cảnh là vô cùng quan trọng để khiến khán giả tin vào câu chuyện. Gặp Lại Chị Bầu làm khá tốt yếu tố này ở những phút đầu khi Phúc mới lần đầu bước chân về năm 1997. Tiệm băng đĩa chứa đầy những bộ kiếm hiệp Hong Kong, tần số radio của Làn Sóng Xanh, cuốn lịch năm cũ, tờ tiền giấy xanh đỏ mang nhiều yếu tố hoài niệm. Hay hình ảnh cái Tết xưa, cả nhà quây quần ăn bánh mứt để lại nhiều cảm xúc.
Tuy nhiên, càng về sau thì phim càng phát sinh nhiều sạn. Dàn diễn viên sử dụng những câu thoại rất hiện đại, thậm chí còn đậm chất gen Z. Dù nhiều chỗ chỉ để gây cười nhưng lại vô cùng lạc quẻ. Bên cạnh đó, MV Đi Về Nơi Xa của Đan Trường, vốn ra mắt năm 1999, lại xuất hiện trong bối cảnh phim năm 1997 khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi. Đạo diễn Nhất Trung từng giải thích việc MV Đi Về Nơi Xa của Đan Trường xuất hiện là bởi được ghi hình sớm 1-2 năm trước khi ra mắt năm 1999. Song, Gặp Lại Chị Bầu lại không thể hiện rõ ràng mốc thời gian là Phúc đã ở lại quá khứ bao lâu. Hình ảnh đĩa DVD xuất hiện khắp nơi dù vô cùng đắt đỏ và chưa hề phổ biến cho đến giữa thập niên 2000 cũng khá khó hiểu.
Không những thế, Phúc chỉ cố gắng trở về tương lai trong vài cảnh phim ngắn ngủi rồi sau đó dường như “quên” luôn việc nay. Anh chàng ở lại quá khứ quá lâu và gây ra nhiều tác động lớn như giúp Huyền trở thành diễn viên nổi tiếng hay Tuấn lại là đạo diễn MV Đi Về Nơi Xa để lại rất nhiều vấn đề về mặt logic.
Phiên bản lỗi của Xin Chào, Lý Hoán Anh
Câu chuyện con cái đi về quá khứ gặp cha mẹ thời trẻ không hề mới nhưng cách khai thác của đạo diễn sẽ quyết định phim có thành công hay không. Như Đạp Gió Rẽ Sóng (2017) có Bành Vu Yến và Đặng Siêu đóng vai chính từng rất thành công nhưng rồi lại bị Xin Chào, Lý Hoán Anh (2021) vượt mặt sau đó. Đáng buồn là Gặp Lại Chị Bầu lại đi theo hướng đáng quên.
Ban đầu, phim không hề khắc họa rõ việc Phúc thù ghét cha mẹ mình nhiều ra sao vì đã bỏ rơi anh chàng lúc bé. Mọi việc chỉ vỡ lẽ khi anh chàng tình cờ biết được thân phận thật của người mẹ. Những đoạn hồi tưởng về việc Phúc đã trưởng thành trong buồn tủi, bị xã hội bắt nạt, đày đọa quá vội vã, nặng tính sắp đặt nên không đủ sức thuyết phục.
Video đang HOT
Sau đó, mọi mâu thuẫn của cả hai lại được giải quyết một cách quá dễ dàng chỉ bởi một câu nói. Để rồi khi người mẹ này buộc phải đưa ra quyết định đau lòng thì cả hai lại một lần nữa xung đột. Đạo diễn Nhất Trung dường như không xác định được đâu mới là tình tiết then chốt khiến Phúc hiểu những nỗi khổ mà mẹ mình phải gánh chịu để từ đó tha thứ cho bà và thay đổi bản thân.
Việc nhồi nhét, ôm đồm quá nhiều giai đoạn trong mối quan hệ giữa Phúc và mẹ khiến phim trở nên dài dòng, lê thê. Người xem cũng khó mà cảm nhận hay đồng cảm với hành trình chuyển biến tâm lý của Phúc. Không những thế, những tình tiết quan trọng như cha của Phúc là ai, hay Tuấn và Ngọc ở đâu trong tương lai chỉ được đặt ra mà không còn thời lượng giải quyết. Chúng như khẩu súng đã lên đạn nhưng không chịu bắn gây khó chịu cho khán giả.
Diệu Nhi gánh Anh Tú “còng lưng” diễn xuất
Bộ tứ Diệu Nhi, Ngọc Phước, Quốc Khánh và Lê Giang là bất ngờ lớn nhất của Gặp Lại Chị Bầu. Họ thường được biết đến với những vai hài có phần lầy lội, nói nhiều và ồn ào. Song, tất cả đều có sự tiết chế rõ rệt và cho thấy một bộ mặt khác hoàn toàn trong phim.
Bà Lê của Lê Giang là một phụ nữ nhiều tâm tư. Bà không thể có con, bị chồng bỏ rơi nên xem những thanh niên lang thang như gia đình. Bà Lê luôn là người đứng ra khuyên can, tâm sự và chia sẻ nỗi buồn với những “đứa con” của mình. Ngọc thì có tính mê trai đẹp nhưng không lố lăng mà được thể hiện một cách nhẹ nhàng, dễ thương qua các câu thoại, tình huống hài hước. Cô lúc nào cũng lạc quan nhưng không ngại nói ra sự thật phũ phàng. Tuấn thì như người anh cả, luôn thận trọng và chăm lo cho hai cô em gái. Diệu Nhi là người yếu mềm, dịu dàng nhất nhóm. Nhưng khi đụng đến đam mê diễn xuất hay tình cảm gia đình thì cô lại vô cùng mạnh mẽ.
Nhìn Huyền thì khó mà tin được Diệu Nhi là một diễn viên hài khi diễn bi cũng rất đạt. Tương tác của bộ ba rất mượt, làm người xem cảm nhận được họ là một gia đình rất yêu thương nhau dù không cùng máu mủ. Vai khách mời của Kiều Minh Tuấn hơi lố nhưng lại hợp để khuấy động không khí.
Điểm yếu lớn về khâu diễn xuất chính là Anh Tú. Biểu cảm của anh khá đơ cứng và không có nhiều thay đổi dù trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố. Phúc là nhân vật trung tâm của phim, có sự chuyển biến tâm lý và những mâu thuẫn, bi kịch đắt giá. Song, nam diễn viên sinh năm 1993 lại gây hụt hẫng khi không thể truyền tải được cảm xúc gì cho người xem. Phim cũng vì thế mà mất đi sức nặng.
Chấm điểm: 3/5
Với những ý tưởng cũ, nếu đạo diễn biết xây dựng những tình tiết, cách tiếp cận mới thì vẫn hoàn toàn mang đến một câu chuyện cảm xúc, chạm đến trái tim của khán giả. Tiếc thay, điều này không xảy ra với Gặp Lại Chị Bầu. Sau nhiều năm, có lẽ kịch bản vẫn là điểm yếu chí mạng mà đạo diễn Nhất Trung phải tiếp tục cải thiện.
'Gặp lại chị bầu': Nhất Trung mang chủ đề xuyên không vào cuộc đua phim tết
Câu chuyện tình thân ấm lòng trong 'Gặp lại chị bầu' đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nhất Trung sau 3 năm. Nhiều người nhận xét với dự án lần này anh đã quay lại với đúng sở trường của mình là phim tình cảm hài, vốn thành công với 'Cua lại vợ bầu' và '49 ngày'.
(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Yếu tố xuyên không tạo nên sức hút ban đầu cho Gặp lại chị bầu. ĐPCC
Gặp lại chị bầu đánh dấu việc đạo diễn Nhất Trung trở lại với dòng phim hài - lãng mạn, vốn là thế mạnh của anh. Phim còn được quan tâm vì có vợ chồng diễn viên Anh Tú - Diệu Nhi đóng chính, hay Đan Trường, Kiều Minh Tuấn bất ngờ đóng vai cameo.
Phúc (Anh Tú) là thanh niên mồ côi, sống bơ vơ ở Sài thành. Anh thường oách trách mẹ đã bỏ rơi mình khi mới lọt lòng, để phải chịu cảnh đầu đường xó chợ. Lần nọ, sau một tai nạn, Phúc bị kéo về quá khứ năm 1997. Tại đây, anh vô tình trở thành "người hùng" cứu Huyền (Diệu Nhi) khỏi chết đuối trong một cảnh quay. Sau đó, anh được "má" Lê (Lê Giang) cưu mang; trùng hợp làm sao khi bà cũng là "mẹ nuôi" của bộ ba Huyền, Ngọc (Ngọc Phước) và Tuấn (Quốc Khánh). Từ một gã trai cộc cằn, Phúc dần cảm nhận được hơi ấm gia đình mà bản thân hằng khao khát, rồi dần trở nên dịu dàng hơn. Nhưng khi chàng trai trẻ bắt đầu biết cách yêu thương, thì một biến cố mới lại xảy đến.
Nỗ lực của Nhất Trung sau Cua lại vợ bầu thu gần 200 tỉ
Nếu quan sát sự phát triển của điện ảnh Việt vài năm trở lại đây, người xem nhận ra các nhà làm phim Việt đã khéo léo hơn trong việc bảo mật nội dung và dành những bất ngờ, cú twist cho khán giả ra rạp. Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung cũng không ngoại lệ.
Nếu chỉ quan sát trailer và poster phim, người xem dễ hiểu nhầm cốt truyện sẽ xoay quanh tình yêu "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" của Phúc và người chị hơn tuổi Huyền. Chưa kể, tựa phim cũng na ná Cua lại vợ bầu - phim tình cảm có doanh thu gần 200 tỉ đồng của Nhất Trung năm 2019. Trong Gặp lại chị bầu, yếu tố tình cảm chỉ xuất hiện thoáng qua. Kịch bản chủ yếu xoay quanh mối quan hệ của Phúc với từng thành viên trong gia đình "má" Lê, qua từng quá khứ đau đớn mà nhân vật có dịp bộc bạch, để rồi anh tìm thấy sự chữa lành.
Phim cài cắm thông điệp về tình bạn, tình mẫu tử, đồng thời đặt ra câu hỏi: "Giá như có thể trở về quá khứ, thì người ta sẽ cố thay đổi gì?" ĐPCC
Thực chất, đường dây câu chuyện của phim không mới, gần như là phần không thể thiếu trong những phim hài - lãng mạn lấy chủ đề xuyên không. Tuyến nhân vật chính thường có một "bóng đen" tâm lý từ quá khứ, vốn dĩ không có cách nào giải quyết nếu không có yếu tố siêu nhiên. "Về quá khứ để sửa chữa sai lầm" có lẽ là ước mơ của đa số, nên cũng dễ hiểu vì sao thể loại này được làm nhiều lần nhưng không tạo cảm giác nhàm chán.
Ở Phúc, đó là nỗi uất ức, vừa thương vừa hận người mẹ đã bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Anh phẫn nộ đến "kịch kim", sẵn sàng lao vào đấm đá túi bụi những kẻ làm con nhưng buông lời nặng nhẹ với mẹ mình. Để đến khi đã quen với việc nhân vật chính là gã trai hư cục súc, khán giả không có sự "phòng bị", để rồi vỡ òa cảm xúc khi Phúc thủ thỉ với "má" Lê: "Phải mà má là má ruột của con thì hay biết mấy!".
Kịch bản còn "an toàn"
15 phút đầu của Gặp lại chị bầu chưa đột phá, vẫn tạo cảm giác một "web drama" lên màn ảnh rộng. Trường đoạn Phúc bị hai thanh niên đòi nợ (Quách Ngọc Tuyên và Tuấn Dũng) rượt đuổi thiếu nghiêm túc vì những mảng miếng hài tạp kỹ, khiến người xem mơ hồ về thể loại của phim.
Chỉ đến khi nhân vật trôi về quá khứ, yếu tố hài được tiết chế. Lúc này, khung hình của Nhất Trung hướng sang từng thành viên còn lại trong gia đình "má" Lê, bóc tách quá khứ của họ qua các đoạn hồi tưởng và thoại, từ đó giúp nhịp phim chậm lại và có điểm chạm hơn.
Gặp lại chị bầu có nhiều khoảng lặng cảm xúc so với các phim trước của Nhất Trung. ĐPCC
"Má" Lê là người phụ nữ vô sinh, nên dành hết tình cảm cho các "con nuôi" của mình. Huyền yêu nghề diễn xuất, sẵn sàng tự đóng cảnh chết đuối, bị lửa thiêu. Ngọc và Tuấn ấp ủ mộng làm phim nhưng chưa gặp thời. Đâu đó, có lẽ Nhất Trung muốn gửi gắm thông điệp về nỗi vất vả của người làm phim thông qua từng nhân vật.
Cách kể này ban đầu tỏ ra hiệu quả, khơi gợi được sự tò mò của người xem. Tuy nhiên ở hồi cuối tác phẩm, Nhất Trung chọn chuyển trọng tâm vào mối quan hệ đặc biệt giữa Phúc và một thành viên trong nhóm, dẫn đến việc các tuyến vai còn lại nhạt nhòa đi, hành trình của họ trở nên không trọn vẹn.
Diệu Nhi và Anh Tú lần đầu kết hợp trên màn ảnh rộng khiến khán giả tò mò. Anh Tú thể hiện được tâm trạng phức tạp lúc thì ôn nhu, khi thì phẫn nộ, song chưa có cảnh đột phá về cảm xúc như mong đợi của khán giả. Diệu Nhi diễn tốt ở những phân đoạn nghiêm túc, nội tâm, nhưng khán giả vẫn mong cô có nhiều phân đoạn cảm xúc hơn. Hay như Ngọc Phước, Quốc Khánh cũng chỉ ở mức tròn vai, chưa có điểm nhấn rõ rệt ở nửa sau phim.
So với nhân vật bà Nữ trong Nhà bà Nữ ra rạp Tết 2023, Mỹ Lê của Lê Giang ngọt ngào hơn, hiền dịu hơn. Nữ diễn viên là điểm sáng trong phim, khi đóng vai trò "hòa âm phối khí" để cảm xúc của các tuyến vai còn lại được đẩy lên đồng đều. Tuy nhiên, cũng vì đây là vai ôn hòa, Lê Giang không có dịp phát huy sở trường "mỏ hỗn", vốn là phong cách đặc trưng của nữ nghệ sĩ.
Phim còn gặp hạn chế về bối cảnh. Vì mốc thời gian chính là Sài Gòn xưa, phim của Nhất Trung phục dựng nhiều giả cảnh trong phim trường. Nhiều phân đoạn, các chi tiết đường phố, ngõ hẻm, hay nội thất trong nhà quá "mới", thiếu chân thực.
Bối cảnh Sài Gòn 1997 thiếu chân thực. ĐPCC
Nhà làm phim cóp nhặt các yếu tố như quần áo retro, băng từ, đĩa than... chỉ tô vẽ được bề nổi, chứ không khắc họa được nhịp sống ngày ấy. Do phim ít đại cảnh, nên nét Sài Gòn của năm 1997 chỉ dừng ở mức làm nền, chưa mang lại cảm xúc rõ rệt cho khán giả.
Điểm sáng mang lại cảm xúc trở về thanh xuân cho khán giả chính là sự xuất hiện của ca sĩ Đan Trường. Giọng ca Kiếp ve sầu là thanh xuân của nhiều thế hệ khán giả những năm 1990, cũng là bối cảnh chính trong Gặp lại chị bầu. Dù chỉ là phân đoạn ngắn ngủi nhưng anh Bo đã khiến khán giả như sống lại tuổi thơ với mái tóc không lẫn đi đâu được.
Nhìn chung, ở phần ý tưởng, đạo diễn Nhất Trung làm cho người xem tò mò, đánh tan được định kiến rằng anh sẽ tiếp tục làm "hài nhảm". Câu chuyện nhiều khoảnh khắc cảm động, dù đôi lúc còn "sến", cũng mang lại cảm xúc tích cực cho người xem, đồng thời phù hợp với không khí sum vầy của dịp Tết Nguyên đán. Tác phẩm tham gia đường đua 4 phim điện ảnh Việt chiếu Tết năm nay, cùng Mai của Trấn Thành, Sáng đèn của Hoàng Tuấn Cường và Trà của Lê Hoàng.
Dàn cameo đúng chuẩn "tinh hoa hội tụ" trong phim Tết "Gặp lại chị bầu" của vợ chồng Diệu Nhi - Anh Tú Đan Trường kín lịch diễn nhưng vẫn nhận lời làm cameo phim Tết 'Gặp lại chị bầu' Đan Trường kín lịch diễn nhưng vẫn nhận lời làm cameo phim Tết Dự án Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung được xem là tác phẩm đáng mong chờ bậc nhất của điện ảnh Việt trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Bên...