Gặp họa khi chị dâu em chồng là đồng nghiệp
Vốn dĩ chuyện chị dâu em chồng đã là mối quan hệ nhạy cảm nên khi có cơ hội hoặc lỡ phải làm việc cùng nhau, họ càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
“Ra tay” xin việc cho em chồng song cô lại gặp không ít rắc rối (Ảnh minh họa).
Làm việc cùng nhau đã lâu nhưng Hạnh vẫn không thể ưa nổi Thu bởi tính cách “thảo mai”, hai mặt, lúc nào cũng tìm cách “hóng” chuyện của người này, người kia để đi “buôn dưa lê, bán dưa chuột” khắp mọi nơi. Ghét nhau là thế, nên thực sự có nằm mơ, Hạnh cũng không thể ngờ, một ngày kia anh chàng Hạnh quen trong bữa tiệc sinh nhật bạn, rồi sau đó trở thành người yêu lại chính là… anh trai của Thu, và chẳng bao lâu sau, cô đã chính thức là “người một nhà” với cô nàng đồng nghiệp khó ưa.
Video đang HOT
Biết Thu cũng chẳng ưa gì mình, trước đám cưới còn tìm đủ mọi cách đơm đặt đủ điều để ngăn cản anh trai đến với mình, nhưng Hạnh tự nhủ, đã là chị em dâu rồi, hơn nữa còn là đồng nghiệp, giáp mặt nhau gần như 24/24, nên cô cũng tìm mọi cách để gần gũi, thân thiện và cải thiện mối quan hệ với Thu. Thế nhưng càng cố gắng bao nhiêu, thì sự giả tạo, quá quắt của Thu lại càng tăng lên, khiến cho nhiều lúc Hạnh cảm thấy muốn “bốc hỏa” vì cô em chồngnày.
Ở nhà, lúc có mặt bố mẹ chồng và chồng ở đấy, thì Thu chị chị em em ngọt ngọt ngào ngào, rồi tỏ ra quan tâm hết mực, nhiều lúc còn tranh rửa bát, nấu cơm giúp đỡ chị dâu. Nhưng không ít lần, Hạnh đứng trước cửa phòng Thu và nghe được Thu đang thủ thỉ với mẹ chồng đủ điều không ra gì về mình, nào là xấu tính, ghê gớm, rồi “Ở công ty ai cũng ghét”, thậm chí còn gọi cô là “con đấy”, “con này”. Bực mình hơn là trước sự cố gắng của Hạnh, Thu lại xuyên tạc với chồng cô: “Về nhà thì chị ấy chỉ giả bộ thế thôi, chứ ở công ty thì thái độ, khó chịu với em lắm”.
Không chỉ có vậy, Thu còn đi rêu rao với đồng nghiệp về rất nhiều tính xấu của Hạnh ở nhà chồng: Lười biếng, bừa bộn, láo với bố mẹ chồng, thậm chí là… “bỏ bùa mê thuốc lú”, bám riết anh trai mình để lấy được chồng Hà Nội, khiến không ít bạn bè tin lời Thu mà dành cho Hạnh cái nhìn không mấy thiện cảm. “Nhiều lúc mình chỉ muốn xông đến trước mặt cô ta, ba mặt một lời hỏi cho ra lẽ, nhưng nghĩ lại, cô ta không nói trước mặt mình, nói ra đời nào cô ta nhận, hơn nữa còn phải sống hàng ngày với cô ta, với chồng, bố mẹ chồng, nên đành im lặng, coi như không biết gì cả”, Hạnh bức xúc.
“Công việc này, công ty này mình đã gắn bó gần 5 năm rồi, bây giờ mà xin nghỉ thì thực sự là rất tiếc, mà thời buổi công ăn việc làm khó khăn, chắc gì đã tìm được chỗ tốt như thế. Vợ chồng mình mới cưới nhau, điều kiện cũng chưa có để ra ở riêng, mà có xin ra bố mẹ chồng chắc cũng không đồng ý, bởi ông bà đã giao hẹn từ trước khi cưới là phải ở chung rồi. Nhưng cứ phải sống cùng, làm việc cùng với cô em chồng tráo trở, điêu ngoa, chẳng mấy mà mình cũng phát điên lên mất”, Hạnh mệt mỏi chia sẻ thêm.
Giống như trường hợp của Hạnh, Phương cũng từng gặp “ác mộng” khi có em chồng là đồng nghiệp. Và đến tận bây giờ nghĩ lại, cô vẫn thấy hối hận vì chính mình là người “trót dại” giới thiệu em chồng vào làm chung.
Em chồng Phương hơn 30 tuổi nhưng vẫn độc thân, tính tình thì sáng nắng chiều mưa, cả thèm chóng chán, thích chơi hơn thích làm, nên dù đã thay đổi đến hàng chục công việc khác nhau, nhưng cứ hễ được một thời gian ngắn là lại chán, xin nghỉ hoặc… bị cho nghỉ.
Mấy tháng trước, khi em chồng lại bị mất việc và ở nhà ăn không ngồi rồi một thời gian dài, mẹ chồng Phương sốt ruột nên gọi cô ra bảo: “Con xem có chỗ nào thì tìm giúp em với”. Phần vì cùng muốn “ghi điểm” với nhà chồng, mẹ chồng, phần vì phòng mình đang thiếu người, Phương đã hết lòng giúp đỡ để em chồng lần lượt qua được vòng phỏng vấn, thi tuyển, thử việc và trở thành đồng nghiệp của cô.
Nhưng chứng nào tật nấy, làm được một thời gian ngắn, em chồng Phương lại ỏng eo chê công việc chán. Là nhân viên kinh doanh, mà vô cùng lười biếng, bảo gọi điện mời khách hàng thì kêu ngại, bảo đi gặp khách hàng thì kêu “không quen, chẳng biết, không thích gặp”. Hai tháng liên tiếp không đạt được chỉ tiêu do phòng đề ra, khả năng thất nghiệp thêm một lần nữa của em chồng Phương là rất lớn. Lúc này, hết bố chồng, mẹ chồng, rồi chồng Phương lại cuống quýt: “Thôi thì con có nhiều kinh nghiệm, có gì con làm giúp em với”, “Chắc còn chưa quen, hay tạm thời em cứ làm hộ nó, đừng để nó bị mất việc”.
Lại vì cả nể, cả tháng sau, Phương vừa phải tối mặt tối mũi lo làm cho mình, vừa phải lo “gánh” phần cho em chồng. Từ tìm kiếm khách hộ, đàm phán với khách hàng, đến kí hợp đồng, hay chăm sóc khách hàng về sau, Phương cũng phải hộ nốt vì nói đến cái gì em chồng cũng: “Thôi chị giúp em luôn đi, em thấy khó quá, không làm nổi”. Cuối tháng, tất nhiên là doanh thu, chỉ tiêu của em chồng thì đạt, nhưng tất nhiên của Phương cũng… giảm gần một nửa.
Những tưởng chỉ phải giúp thời gian đầu, còn sau đó em chồng sẽ biết điều và cố gắng học hỏi để làm cho được việc, ai dè thấy có Phương đỡ, em chồng ngày càng ỉ lại, lười biếng hơn, hôm nào cũng chỉ đến công ty để ngồi chat, facebook, hoặc đọc báo, hễ thấy Phương khó chịu, nhắc nhở về công việc là mặt mũi lại nặng nề, bảo Phương “mới được có tí đã kể công”, rồi về “mách” mẹ, đến tối thì y như rằng Phương lại thấy mẹ chồng lên phòng thủ thỉ: “Chị em thì phải giúp nhau chứ”.
Nhưng Phương cũng không thể cố gắng thêm được nữa, bởi chỉ một thời gian sau, từ chỗ là nhân viên xuất sắc của phòng, doanh số của Phương liên tục sụt giảm trầm trọng. Nhiều hợp đồng trước đây là của cô, bây giờ lại chuyển sang thành của em chồng, nên trưởng phòng cũng không khó để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chị chồng cô ngay lập tức bị cho thôi việc, còn Phương phải xin lỗi hết lời, trưởng phòng mới nể tình 4 năm cô gắn bó với công ty, hoàn thành tốt công việc mà cho Phương một cơ hội.
“Sau lần ấy, dù bố mẹ chồng, em chồng có nhờ vả nhiều lần, mình cũng quen biết nhiều chỗ, nhưng cũng chả dám giới thiệu công việc nào nữa. Một lần làm đồng nghiệp mình đã quá hiểu em ấy như thế nào rồi, dù cả nhà chồng có tỏ thái độ này kia, mình cũng đành chịu”, Phương chia sẻ.
Theo Afamily