Gặp gỡ người đồng tính: Tâm sự xót xa
Lần đầu tiên người đồng tính, những người mẹ có con đồng tính… đối thoại trực tiếp với các nhà làm luật, đại biểu QH để bày tỏ mong muốn được công nhận, được yêu, kết hôn với người trong giới.
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức Hội thảo: Người đồng tính, song giới và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng.
Các đại biểu đến tham dự hội thảo sáng 10/5 tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy những người đồng tính, chuyển giới, mẹ của những người đồng tính có mặt từ sớm.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH, ông Hoàng Văn Tú, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội… cho biết, đây là lần đầu tiên, họ được lắng nghe trực tiếp tâm tư của những người đồng tính, chuyển giới, song tính…
Sợ nhất sự kỳ thị
Một đại diện đến từ cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới – anh Trần Khắc Tùng chia sẻ, khó khăn nhất của những người đồng tính là sự kỳ thị của xã hội. Dù đã có chuyển biến trong quan điểm về người đồng tính, nhưng còn nhiều bi kịch trong các gia đình một khi người thân công khai giới tính thật.
Bạn Nguyễn Hải Yến – bạn đời là Hương có con riêng 4 tuổi, hiện đang sống cùng nhau ở một căn chung cư tại TP Hồ Chí Minh. Nỗi đau lớn nhất của Hương và Yến là khi thấy đứa con mình bị kỳ thị bởi sống trong một gia đình đồng tính.
Hương nói từng lời trong xúc động: “Tôi đang sống rất hạnh phúc với người bạn đời cùng là nữ và chúng tôi đang chăm sóc con gái của một trong hai người. Chúng tôi mong muốn con của chúng tôi không gặp phải sự kỳ thị nào từ cộng đồng”.
Yến và Hương mong muốn được công nhận hôn nhân
Bà Thủy (Hà Nội) chia sẻ những khó khăn của cô con gái 28 tuổi đồng tình. Cô học xong ngành sư phạm ngoại ngữ và ra trường 4 năm nay. Nhưng chỉ vì mặc cảm, cô không dám đi dạy học vì sợ rằng, nếu học sinh và phụ huynh biết, mình sẽ không sống nổi.
Cả hội trường lặng đi nghe câu chuyện của bà Thủy, nhưng câu chuyện dừng lại liên tục do bà quá xúc động. Phía trên bàn chủ tọa, ông Hoàng Văn Tú, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng lấy tay xoa lên mắt đang nhạt nhòa của mình.
Bà Thủy nói: “Có người khuyên gia đình tôi công khai giới tính của cháu, nhưng chính bản thân bố mẹ còn xấu hổ, không dám nói, thì làm sao dám công khai. Chúng tôi vẫn giấu họ hàng, bạn bè, ai hỏi cháu có gia đình chưa? Toàn phải nói dối cháu chưa yêu ai”.
Video đang HOT
Bà Lê Quốc Phong cũng làm hội trường lặng đi khi kể lại quá trình buộc phải công nhận cậu con trai đồng tính.
“Chúng tôi không chăm lo, không nhìn mặt con, ba nó nói, nó là sâu bọ. Tôi đưa con đi thử máu, đi bệnh viện tâm thần, đi thầy trừ ma… Có lần thầy trừ ma trói tay chân, tra tấn, trong cơn đau, nó kêu gào, thốt lên con là gay, con yêu con trai. Chúng tôi đành phải đem con về kẻo nó chết mất”.
Anh Trần Khắc Tùng – đại diện cộng đồng người đồng tính cho biết tại hội thảo, với câu hỏi bạn mong muốn gì trong 10 năm tới, hầu hết những người đồng tính đều trả lời mong không còn bị kỳ thị, được sinh sống, kết hôn, xây dựng gia đình với người mình muốn.
“Ước muốn đó có gì cao sang, xa vời hay đều là những nhu cầu rất cơ bản?”, anh Tùng nói.
Bà Phong khó khăn khi công nhận con trai đồng tính
Bao giờ mới được công nhận?
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết: Pháp luật Việt Nam không cho phép chuyển đổi giới tính, cấm hôn nhân đồng tính. Luật Hôn nhân & Gia đình quy định chỉ công nhận hôn nhân giữa một người là nam và một người là nữ.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, dù pháp luật không thừa nhận nhưng trên thực tế họ vẫn sống với sau, từ đó phát sinh các các quan hệ nhân thân, tài sản, con cái… Tuy nhiên lại chưa có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả từ việc chung sống của những người cùng giới tính.
Nguyên đại biểu QH Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết tán thành với nhận định, nhóm người đồng tính là một hiện thực trong xã hội, vì chiếm tỷ lệ nhỏ nên trước đây chưa được nhận ra, chú ý. Ông Thuyết đặt giả thiết, dù pháp luật có thừa nhận sự tồn tại của người đồng tính và cuộc sống của họ hay không thì họ vẫn đến với nhau. Vậy pháp luật có công nhận vấn đề này mới giải quyết được các hệ quả phát sinh như: tranh chấp tài sản, quyền nuôi con, trách nhiệm với bố mẹ 2 bên… Có công khai hóa mới chống được một số hiện tượng phát sinh như: trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bố mẹ vô tình bạo hành con…
Tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Tú, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng mong muốn người đồng tính sớm được công nhận. Theo ông Tú, chưa nhất thiết phải sửa luật, chỉ cần sớm có nghị định công nhận cho người đồng tính.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Sở Tư Pháp Hòa Bình cho rằng, không ai hết, chính những người đồng tính phải dũng cảm bảo vệ mình và yêu cầu luật pháp bảo vệ mình.
“Các bạn càng làm những việc khẳng định tôi là ai, làm những điều gì có ích cho xã hội. Rồi mưa dầm thấm lâu, sẽ đến lúc cộng đồng nhìn người đồng tính không quá xa lạ. Hy vọng sửa luật bắt đầu từ bớt những điều cấm, rồi sau mới là thừa nhận”.
Trước ý kiến trên, một đại diện của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho rằng, không có giọt “mưa dầm” nào cả, chỉ có giọt nước mắt của những người đồng tính hàng ngày phải đau khổ vì bị kỳ thị”.
Theo 24h
Bức thư "chàng gay" làm ĐBQH xúc động
"Con không phải do tiếp xúc với ai mà bị, gay không phải là bệnh, chỉ là con sinh ra từ bé đã vậy rồi. Mẹ đừng hiểu nhầm gay với những người lưỡng tính hoặc pê-đê thích làm gái. Con là con trai, nhưng con khác một thằng con trai là con lại thích con trai".
Bức thư của cậu con trai đồng tính gửi mẹ - cô Nguyễn Thị L. (TP Hồ Chí Minh) được đọc tại Hội thảo: Người đồng tính, song giới và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức.
Nhiều năm qua, vợ chồng bà vẫn giữ kín chuyện con trai đồng tính, vì xấu hổ nên không dám nói với ai. Bà L. là nhà khoa học, làm việc tại cơ quan nhà nước có trụ sở TP Hồ Chí Minh.
Cô Nguyễn Thị L. kể: Tôi phát hiện con trai đồng tính khi cậu là học trò lớp 11. Giờ cháu đã học xong đại học, vài ngày nữa, tốt nghiệp cao học.
Kể từ đó, là cả quá trình tôi đấu tranh với con. Cháu cao hơn 1m7, năng gần 70kg, nhất định là người bình thường, và cháu bị như vậy cũng nhất định là tâm lý lệch lạc. Tôi nghĩ con mình bị lôi kéo, ăn chơi buông thả...
Tôi dùng quyền làm mẹ bắt con phải làm thế này, thế khác. Tôi bắt cháu đến đủ các trung tâm tư vấn. Rồi có lần gặp TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn tư vấn, ông nói con tôi có thể là người đồng tính, nhưng năm 21 tuổi mới định hình chính xác. Vậy là tôi lại hy vọng hai năm nữa. Nhưng rồi năm 21 tuổi vẫn thế.
Sau cùng, tôi viết thư cho con, tôi nói trong thư, ba mẹ chỉ có một mình con là con trai, lại là cháu đích tôn của dòng họ,... sau đó tôi chỉ nhận được sự im lặng. Rồi cháu cũng viết thư cho tôi, đọc xong, tôi khóc suốt đêm...
Bức thư của con trai bà L. cũng là lời muốn nói của các cặp đôi đồng tính khác gửi cha mẹ mình
Hàng trăm người trong hội trường lặng người nghe bức thư của một chàng trai đồng tính đồng tính gửi mẹ, trước giọng đọc xúc động của vị Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội. Bà L. ngồi nghe liên tục lấy tay quệt nước mắt.
Mở đầu bức thư, chàng viết: "Mẹ của con! Hôm nay là lần đầu con viết thư cho mẹ. Con cũng không nghĩ là nó lại khó khăn như vậy. Khó để nói lên những tâm sự con giấu bấy lâu, khó để làm mẹ hiểu được những gì con đã trải qua...".
Khi con vừa cất tiếng khóc chào đời, mẹ là người đầu tiên ôm con vào lòng, người đầu tiên cho con tình thương là mẹ. Mẹ đã cho con cuộc sống. Rồi đến khi con tập nói, tập bò, tập đi... mẹ luôn bên cạnh, nâng đỡ khi con ngã. Ở bên mẹ, con thật hạnh phúc biết bao.
Rồi con đi học, cấp 1, cấp 2, rồi cấp 3, vào đại học... mẹ luôn đặt vào con niềm hy vọng nhỏ nhoi, đó là mong con thành tài, có sự nghiệp, có gia đình hạnh phúc. Con biết chứ, cha mẹ nào chả mong con cái như vậy. Con yêu mẹ nhiều lắm. Nhưng...
Cuộc sống thật khắc nghiệt. Con sinh ra không giống thằng con trai khác, con sinh ra trong một sự trớ trêu của tạo hóa. Mẹ ơi, con là gay... con không thích con gái, con chỉ thích nhìn con trai.
Mẹ ơi, con xin lỗi. Ngay từ lớp 1 con đã thấy có gì đó không ổn. Đến năm lớp 7 con đã biết yêu. Mẹ có nhớ Huy Vũ không? Đó là người làm con phải bao lần say đắm. Mẹ có nhớ, đã nhiều lần con nói với mẹ về nó không? Lúc đó con cũng chẳng biết mình là ai nữa. Rồi đến năm lớp 10, con từng mến Trọng, nhưng sau đó, con đã nhận ra mình là ai và biết được rằng, thế giới này không dành cho con.
Cái ngày mẹ biết con như vậy, mẹ đã khóc, khóc nhiều lắm. Con tim con như nhói đau, con chỉ muốn con chết đi để không làm mẹ phải đau khổ. Con đã hứa là phải như vậy, nhưng chả khác gì làm sắt biến thành vàng. Mọi điều con giữ trong lòng. Mẹ có biết, hằng đêm con khóc nhiều lắm. Con khóc vì sự tủi thân, vì sự cô đơn trong chính trái tim, con chỉ muốn mình không còn trên đời này nữa.
Cuộc sống đầy rẫy bế tắc. Nếu con bị bại liệt, mẹ vẫn thương con, nếu con bị câm điếc mẹ vẫn thương con... Nhưng con là gay, đó là sự sỉ nhục cho cả dòng họ, một tên tội đồ. Ước gì, con chết ngay từ khi lọt lòng để mẹ không phải khổ như vậy. Ước gì con là một người bình thường.
Nhưng trớ trêu, tại sao con lọt vào 3% dân số, tại sao con lại yêu con trai. Mẹ đừng tự dằn vặt mẹ, mẹ không có lỗi khi sinh ra con, chính tạo hóa đã làm con như thế. Nếu con ở Iran, đã bị treo cổ vì người đồng tính. Nhưng có lẽ chết đi là cách tốt nhất để không phải đau khổ. Con đã gặp nhiều người giống con, ai ai cũng tâm sự như vậy.
Gia đình là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời chính họ. Bế tắc trong cuộc sống, sự cô đơn trong trái tim và sự căm ghét, không chấp nhận của gia đình đã đẩy họ vào bước đường cùng. Tự tử là cách đơn giản nhất để không còn đau khổ cũng như không còn làm cho gia đình cảm thấy bị sỉ nhục. Con mất đi mấy đứa bạn chỉ vì thế.
Mẹ đừng đưa con đi bác sỹ tâm lý nữa vì người ta chứng minh đây không phải là bệnh tâm lý mà. Đây cũng không phải bị sinh lý, nhưng não con đã mất trung tâm nhận biết giới tính. Mẹ hãy cho con biết, con nên làm gì. Con chỉ xin mẹ, nếu coi con là con thì hãy chấp nhận con người này của con. Hoặc không thể, mẹ hãy cho con thêm một năm, con tốt nghiệp ra trường. Sau lúc ấy, con sẽ đi khỏi đây mãi mãi để không phải là nỗi ô nhục của mẹ.
Mẹ của con, đây không phải là điều trái tự nhiên. Tại sao người ta rẽ phải được mà con rẽ trái không được. Con không làm gì nên tội lỗi, con không làm trái đạo đức con người mà. Mẹ ơi, đức Phật không bao giờ ghét con, Người luôn dạy con dù thế nào cũng phải làm người tốt.
Con không phải do tiếp xúc với ai mà bị, gay không phải là bệnh, chỉ là con sinh ra từ bé đã vậy rồi. Mẹ đừng hiểu nhầm gay với những người lưỡng tính hoặc pê-đê thích làm gái. Con là con trai, nhưng con khác một thằng con trai là con lại thích con trai.
Con có thể có gia đình hạnh phúc, con có thể có con nuôi hoặc sinh hộ... đó vẫn là gia đình mà thôi. Xin mẹ đừng ép con làm những điều không thể. Mẹ sinh con ra, mẹ muốn con hạnh phúc, con hạnh phúc khi ở bên cạnh người con yêu. Con không thể cố gắng nhắm mắt để yêu một người con gái được. Mẹ có muốn nhìn thấy con mẹ mãi mãi không có hạnh phúc.
Tại sao mẹ phải xấu hổ? Con có giết người, trộm cắp đâu. Con là người có chí hướng, suy nghĩ. Con chẳng mong mẹ tự hào về con vì con nghĩ mẹ chẳng bao giờ có đủ can đảm để làm vậy. Mẹ sẽ không che chở cho con như mẹ thường làm.
Rồi cũng sẽ mình con phải đương đầu với sóng gió phía trước, dù đau lắm nhưng con phải cố gắng thôi. Con luôn mơ ước được sống chung với bố mẹ cùng với người con yêu trong cùng một căn nhà, nhưng đó chỉ là ước mơ. Nên có lẽ con sẽ ra đi mẹ à, ít ra để mẹ không cảm thấy đau khổ khi nhìn thấy con.
Theo 24h
Đề xuất tiếp tục cấm kết hôn đồng tính Đề xuất lên Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình nên tiếp tục cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính... Theo giải thích của UBND Thành phố, hiện nay, hiểu biết của xã hội về đồng tính còn rất hạn chế. Đa số đang hiểu sai ít hoặc...