Gặp đại gia “ngông” nhất xứ Mường Lát
Một thời vợ chồng, con cái phải dắt díu nhau di cư từ huyện Bắc Hà (Lào Cai) về bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) làm ăn sinh sống, đến này Giàng A Páo đã trở thành đại gia xứ Mường.
Bắt đất hoang “nở hoa”
Bản Pom Khuông nằm không xa thị trấn là mấy, song nơi đây lại rất hoang vu, hẻo lánh. Để vào được “lãnh địa” của đại gia xứ Mường chúng tôi phải qua những con dốc dựng đứng, ngoằn nghèo. Căn nhà của Giàng A Páo khá khang trang, nằm ngay cạnh đường chính của bản.
Mới gặp, chúng tôi không nghĩ ông năm nay đã ngót nghét tuổi lục tuần. Chúng tôi hỏi ông chuyện làm giàu, ông khiêm tốn: “Ta thấy đất bỏ hoang, không ai làm ta làm thôi mà. Ai cũng cứ gọi ta đại gia, chứ thực ra có đại gia đâu”.
Ông Giàng A Páo
Giàng A Páo sinh ra, lớn lên ở huyện Bắc Hà (Lào Cai). Năm 1992, gia đình lúc ấy nghèo đến nỗi hạt thóc, củ khoai cũng không có để ăn nên ông quyết định cùng vợ con dắt díu nhau đi dọc triền núi cao để tìm đất sinh sống.
Đến bản Pom Khuông, gia đình ông quyết định dừng chân. Nghĩ lại ngày tháng đặt chân lên mảnh đất này ông vẫn còn ngao ngán.
Thời điểm ấy Mường Lát hoang sơ lắm, cọp, beo lúc đó còn nhiều hơn cả con người sinh sống. Nó không chỉ phá ruộng, đồi của mình, nó còn bắt hết cả lợn, gà… thậm chí người làm trên nương, rẫy không cẩn thận cũng bị hổ vồ khi nào không biết.
Video đang HOT
Đồng bào dân tộc nơi đây cái bụng ăn cũng chưa đủ no, con chữ lại ít, chỉ biết vào rừng săn bắt, đào củ ấu, củ măng, hái lá rừng về ăn.
“Củ trong rừng đào mãi cũng hết, con hươu, con hoẵng cũng ngày một tuyệt chủng. Để duy trì được cuộc sống, gia đình thì phải tự nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng như vậy mới có thể tồn tại được”, ông kể lại.
Từ suy nghĩ trên, ông bàn với vợ. Hai vợ chồng ngày đêm khai hoang diện tích đất rừng để trồng rau, đào ao thả cá, nuôi gà, lợn…
“Ngày đó khai hoang đến đâu ta trồng cây đến đó. Ban đầu, vợ chồng ta trồng hơn 1ha lúa nương. Thấy lúa không năng suất, ta lại bàn với vợ khai hoang thêm 1ha nữa để trồng lúa nước.
Để chủ động được nước tưới, ta lại đào mương dẫn nước về ruộng, xuống huyện mua giống lúa mới và học cách gieo trồng. Giải quyết được cái đói, cả nhà lại tiếp tục lên những ngọn núi cao hơn để khai hoang…”, ông Páo cho biết.
Ở bản Pom Khuông lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn gần chục nóc nhà, nhà này cách nhà kia cũng cả ngày đường. Ông bảo, ngày đó có tiền cũng chẳng biết làm gì. Chợ búa không có, muốn mua được ít đồ ăn tươi phải đi bộ cả ngày mới ra được thị trấn.
Từ chỗ có tiền, ông mua con trâu về cày bừa, mua vài con dê về chăn thả, ngăn suối, đào ao thả cá… Hiện nhà ông đã có 3 ao thả cá. Ban đầu, ông chỉ nuôi cá để phục vụ bữa ăn trong nhà, nhưng thấy cá lớn nhanh, lại dễ nuôi, nên sau đó năm nào nhà ông cũng có hàng tạ cá bán cho bà con trong bản.
Không chỉ thả cá, đến nay nhà ông còn có hơn 2ha rừng luồng, xoan, lát. Ông nuôi gần trăm con trâu, bò, dê làm luôn trang trại trong rừng nhà mình, mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình ông bỏ túi 120- 150 triệu đồng. Mới đây, ông còn bỏ ra hàng trăm triệu mua ô tô tải cho con trai cả chạy xe. Tính sơ, tài sản nhà ông có bạc tỷ.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình. Từ mô hình vườn, ao, chuồng nhà mình ông đã hướng dẫn cho bà con thôn bản cùng làm giàu. Nhiều gia đình trong bản Pom Khuông không có vốn, ông cho mượn bò mẹ về nuôi, bò đẻ ông cho họ con bê, như nhà anh Lý, anh Chơ, Phừ, anh Tụa….
Tính đến nay, ở bản Pom Khuông đã có gần chục nhà làm được trang trại nhỏ, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng.
Hiến 500m2 đất xây nhà văn hoá
Giàng A Páo, người ta biết đến cái tên này không phải vì ông là đại gia, mà ông còn được biết đến là một người chơi “ngông”. Ngông ở đây không phải theo kiểu giang hồ. Cái ngông của ông thể hiện bằng việc hiến 500m2 đất cho bản xây nhà văn hoá.
Ông Páo đang khoe về nhà văn hóa mới xây
Ông Páo cho biết, bản Pom Khuông nằm biệt lập so với xã Tam Chung, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp kém nên kéo theo đời sống người dân còn khổ, thu nhập dựa vào nông nghiệp và nương rẫy là chính nên để xây được một nhà văn hoá khang trang là rất khó khăn.
Hơn nữa, xuất phát từ chỗ do không có nhà họp thôn nên việc hội họp, bà con lại phải mượn nhà dân, vừa chật chội, vừa bất tiện cho gia đình. Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn đưa đến thôn đều bị chuyển sang các thôn khác vì không mượn được nhà.
Mong ước có một ngôi nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng để hội họp phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… đã trở thành trăn trở của người dân trong bản.
Trước thực tế đó, xã Tam Chung có chủ trương chọn một địa điểm trung tâm để xây dựng nhà văn hoá ở các bản, nhưng nỗi băn khoăn lớn nhất của bản Pom Khuông là chưa có mặt bằng xây dựng.
Nhận thấy ý nghĩa của việc có nhà văn hoá, năm 2011 ông Páo đã bàn bạc với gia đình tặng 500m2 đất tại khu đất vườn nhà mình để giúp thôn có mặt bằng xây dựng nhà văn hoá đúng quy cách, có sân chơi và công trình phụ trợ.
Ông Páo tâm sự: “Mới đầu ta cũng tiếc lắm chứ, nhìn cái cây trồng đang lên tươi tốt mà phải chặt đi, cái bụng mình nó khó nói lắm, nhưng phải vì cái chung, vì tương lai của con, của cháu, của bà con dân bản mình nên ta làm”.
Rồi ông lại giải thích: “Cái cây ta chỉ cần trồng, chăm sóc nó là nó lại lên tốt, chứ cái nhà văn hoá này thì khó lắm, mình bản ta không làm được đâu. Ta hiểu, trong niềm vui chung của bà con dân bản khi được sinh hoạt, hội họp trong nhà văn hoá, ta đã tìm thấy niềm vui của riêng mình, niềm vui của một già làng đã làm được nhiều việc tốt, việc thiện”.
Theo 24h
Chinh phục cung đường dữ dội
Mường Lát, Thanh Hóa mùa này có "đặc sản" là sương với mưa phùn, dầu vậy những cung đường khúc khuỷu lô nhô đá, trơn trượt bùn lầy với đầy rẫy hiểm nguy lại trở nên có sức hấp dẫn lạ lùng với những tay lái luôn tìm kiếm những thách thức "ngoài tầm tưởng tượng".
"Heo hút cồn mây" trên con đường lên Sài Khao
Từ Hà Nội lên Mường Lát, Thanh Hóa nếu đi theo đường Hồ Chí Minh, tính đến thị trấn trung tâm huyện chừng 420km. 300km đầu không kể, bắt đầu từ Quan Hóa, đường quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn đang thi công dở, lại thêm hậu quả của trận mưa từ hôm trước nên ngập bùn lầy, trơn trượt. Chúng tôi khởi hành từ 7h sáng, trừ thời gian nghỉ ăn trưa, quá 5h chiều mới đến xã Pù Nhi. Trời đã sập tối, cái mệt của chặng đường dài cũng chưa cho phép các "tâm hồn nghệ sỹ" nảy nở. Cơm nước xong, ai cũng ngủ ngay.
Nghỉ một đêm, sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Qua thị trấn Mường Lát, đường đẹp như tranh vẽ, một bên là núi, dưới chân là sông Mã cuồn cuộn chảy. Mùa nước cạn, hai bên bờ sông lộ ra bãi sỏi đá chạy dài. Những khóm hoa cộng sản trắng tím nở đầy bên đường càng tôn thêm vẻ đẹp hoang dã của núi rừng. Đi chừng 5km, đường rải nhựa kết thúc, mới thực sự đến cung đường thử gan những tay lái vững vàng. Đường xoáy như trôn ốc, gió núi xộc vào lộng óc. Lòng trào lên những xúc cảm lẫn lộn đan xen. "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" là đây.
Chỉ người cầm lái là vất vả, ngồi đằng sau xe, tôi bắt được những khung hình tuyệt đẹp. Cách một quãng, lại gặp những ngôi nhà sàn xinh xắn của người Thái nằm ngay ven đường. Nhìn về triền núi bên kia sông Mã, nhà sàn của người Mông vắt vẻo trên sườn cao xanh ngắt. Một dòng suối trong rõ đáy vắt ngang đường, tầng cây che kín trên đầu, cảm giác như bỗng dưng lạc vào thung lũng thần tiên.
"Phố chợ" ở trung tâm xã Mường Lý, huyện Mường Lát
Rẽ vào một con đường mòn chỉ vừa một chiếc xe đi, chúng tôi đến một "phố chợ" nhỏ xinh ấm áp. Mấy gian nhà gỗ nằm kề sát bên nhau, bán đủ mọi thứ nhu yếu phẩm. Bọn trẻ con chạy chơi trên đường líu ríu gọi nhau, có vẻ ít rụt rè hơn vì hay va chạm, tiếp xúc với người ngoài. Mấy người phụ nữ dân tộc Mông xúng xính váy áo ghé vào mua khăn, thấy có máy ảnh giơ lên lập tức ngại ngùng nói mấy câu tiếng bản địa, ý chừng bảo chờ một lát, rồi buộc lại chiếc khăn trên đầu cho gọn.
Chỉ chừng 4h chiều, trời đã bắt đầu nặng hơn rồi sẩm tối. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn đơn sơ nằm nghiêng nghiêng bên suối xin ngủ qua đêm. Ông chủ nhà người dân tộc Thái hiếu khách niềm nở mời vào ngay bất chấp người lạ. Sàn nhà ghép từ bương bập bềnh, ánh lửa bập bềnh, bát rượu sắn làm sóng mắt bập bềnh. Con cá lăng mua được dọc đường lập tức trở thành tâm điểm của bữa tối. Cá lăng bơi ngược dòng nên thịt cực kỳ săn chắc, thái miếng kẹp bằng bương rồi đem nướng trên than củi, cá vừa thơm vừa ngọt, ăn tới đâu biết tới đó. Phần đầu với đuôi được đem nấu với măng chua. Cái đói, cái mệt sau một hành trình "dữ dội" được đền bù xứng đáng.
Sáng dậy sớm, ra đứng ngay đầu núi, ở độ cao 700m so với mực nước biển, thấy sương rơi lác đác như mưa bụi dưới xuôi, nhìn về đỉnh non xa xa sương giăng thấp thoáng, nghe ông chủ nhà bảo "trên ấy là bản Sài Khao", thấy lòng xốn xang, lại í ới gọi nhau đi tiếp. Chủ nhà nhất quyết không nhận tiền "ngủ trọ", còn gói cho đùm xôi nếp nương nóng hổi. Mấy "con ngựa sắt" lại lên đường, chinh phục những "cồn mây" cao vút.
Theo ANTD
Giấc mơ con chữ trong giá "rét rụng tay chân" ở Mường Lát Lẽ ra, chuyến xe đến với Mường Lát không vội vã đến thế, nhưng nó đã phải lăn bánh trước dự định. Cũng là dự định sẽ đến với Mường Lát, miền Tây của Thanh Hóa vào dịp đông giá rét hại này, nhưng đáng lẽ nó không vội vã đến thế. Nhưng, cái lạnh ùa về góc phố Hà Nội khiến người...