Gặp cậu bé 12 tuổi cứu người đàn ông mắc kẹt trên đường ray: “Dù rất sợ hãi nhưng cháu nghĩ nếu cứ đứng nhìn, chắc chắn bác ấy sẽ gặp nạn”
Những ngày gần đây, câu chuyện của một cậu học sinh lớp 7 dũng cảm kịp thời cứu người thoát chết khi tàu đi qua khiến mọi người cảm phục.
“Người hùng nhí” đang đón nhận nhiều sự quan tâm này là em Hoàng Mạnh Chiến, học sinh lớp 7A2, trường THCS Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả).
Theo đó, vào khoảng 19h ngày 26/11, ông Nguyễn Thanh Vót (SN 1953, ở tổ 4, khu 7B, phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả) chạy xe máy đến đoạn cắt ngang với đường sắt thì bị ngã trên đường ray. Đúng lúc này, em Hoàng Mạnh Chiến đang đạp xe ngang qua, nhìn thấy ông Vót đang gặp nguy hiểm. Em Chiến vội lao đến kéo ông Vót ra khỏi đường ray, cứu sống ông trong gang tấc.
Người hùng nhí Hoàng Mạnh Chiến
Từ cậu bé nhút nhát trong mắt cha mẹ bỗng trở thành “người hùng nhí”
Chúng tôi tìm đến khu 7B (phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả), hỏi về hành động dũng cảm cứu người người mắc kẹt trên đường ray tàu hỏa của một học sinh mới chỉ 12 tuổi, người dân nơi đây từ những đứa trẻ cho đến cụ già, ai cũng biết rõ về câu chuyện này.
Ngay từ đầu đường, những đứa trẻ đã ríu rít khi được hỏi chuyện: “Anh Chiến là idol (thần tượng) của chúng cháu, nhà anh ấy ở ngay kia… Để cháu dẫn đi…” Chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của cậu anh hùng nhí.
Đến nhà của Chiến, thời điểm này cậu bé vẫn đang trên trường học. Chúng tôi gõ cửa, ông Hoàng Quang Trung (59 tuổi) – bố của Chiến niềm nở ra đón tiếp. Ông Trung không khỏi giấu được niềm vui mừng khi trong ngày hôm nay, cậu con trai của ông vừa nhận được 2 bằng khen từ Thành phố và Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh trao tặng.
Vừa loay hoay treo chiếc bằng khen của con trai vào nơi trang trọng nhất trong nhà, ông Trung vừa cười, nói: “Đây là 2 chiếc bằng khen ngày hôm nay tôi đi nhận cùng con, cháu nó dặn tôi phải về treo ngay và nó còn đùa: “Số lượng bằng khen của con sắp bằng của bố rồi.”"
Ông Trung là cán bộ quân đội đã về hưu, bên cạnh những chiếc bằng khen của ông giờ đã có thêm hình ảnh về sự dũng cảm của con trai xuất hiện cùng.
Ông Hoàng Quang Trung treo hai chiếc bằng khen của con trai vào nơi trang trọng nhất trong nhà
Nhớ lại sự việc đã xảy ra, ông Trung kể: “Vào khoảng 19 giờ 20 phút ngày 26/11, tôi đang ngồi xem trận bóng đá, bỗng nhiên giật mình thấy Chiến hốt hoảng chạy vào nhà và hô toáng lên: “Bố ơi! bố, có tai nạn đường sắt, nguy hiểm quá. Con không biết đã kéo được bác ra hẳn ngoài chưa. Bố chạy ra ngay đi. Nghe xong tôi cũng chưa hiểu chuyện gì, chỉ biết chạy theo con; đến nơi mới thấy có người bị tàu đâm.”
Ngay sau khi nghe tiếng hô thất thanh của Chiến, ông Trung cùng bà con hàng xóm ngay lập tức chạy ra nơi xảy ra tai nạn, lúc này trời đã nhá nhem không nhìn rõ mặt người. Dưới ánh đèn pin nhập nhòe, mọi người mới nhận ra là ông Vót sinh sống cùng phường.
“Ông Vót đau đớn, thều thào: Tôi mệt quá; sau đó ngất đi. Chúng tôi gọi xe đưa ông đi cấp cứu và liên hệ ngay với người nhà” – ông Trung nhớ lại.
Ông Trung kể lại sự việc xảy ra tối ngày 26/11
Nơi xảy ra sự việc
Sau khi vụ việc xảy ra, Chiến khá hoảng loạn, lo lắng khi chưa biết tình hình sức khỏe ông Vót ra sao. Bình thường chàng trai 12 tuổi có thói quen ngủ một mình, nhưng đêm hôm đó phải xin ngủ cùng bố. Trằn trọc mãi không ngủ được, cháu thủ thỉ với bố: “Không biết bác có sao không bố nhỉ, có nguy hiểm đến tính mạng không…”
“Sáng hôm sau, nhận tin sức khỏe của ông Vót đã ổn định, cháu Chiến mới yên tâm thở phào.” – ông Trung nói.
Bố của người hùng nhí vui vẻ, chia sẻ thêm: “Đến giờ nghĩ lại, chính bản thân tôi cũng không tin con trai mình dũng cảm như vậy. Bởi, Chiến là cậu bé trầm tính, có phần nhút nhát. Cháu làm được việc tốt, gia đình rất vui mừng, phấn khởi.”
Bằng khen về sự dũng cảm của Chiến
“Cháu rất thích những bộ phim về siêu anh hùng. Chưa bao giờ cháu nghĩ mình lại ở trong hoàn cảnh như phim vậy”
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng lạch cạch của chiếc xe đạp. Chiến đi học về. Trước mắt chúng tôi là người hùng chỉ mới 12 tuổi. Vài ngày trước, chính cậu bé này đã kịp thời cứu một người đàn ông thoát chết trong gang tấc khi tàu đi qua.
Nhìn thấy người lạ trong nhà, Chiến rụt rè, lễ phép chào nhỏ… Chỉ khi được bố giới thiệu, cháu mới mạnh dạn đến ngồi cùng chúng tôi.
Khi được hỏi về sự việc xảy ra, người hùng nhí cho biết: “Khoảng 19 giờ tối ngày thứ 7, cháu được nghỉ nên có đạp xe sang nhà bạn chơi, tuy nhiên do quên đồ nên đã quay về lấy. Trên đường về, cháu thấy một bác chạy xe máy bị ngã ngay trên đường ray. Đồng thời khi ấy, tàu hú còi đang gần đến nơi; cháu không nghĩ gì, chạy đến cố đẩy chiếc xe máy và tự kéo người ra khỏi đường ray.”
“Khoảng cách từ đầu tàu đến vị trí bác bị ngã chỉ khoảng gần chục mét. Bác có thân hình to lớn, kèm chiếc xe máy đang đè lên khiến cháu phải cố sức nhiều lần mới kéo ra được. Ngay sau đó, đoàn tàu vụt qua trước mặt cháu.”- Chiến kể thêm.
Giải thích lý do không sợ nguy hiểm, một mình cứu người, Chiến nói: “Lúc đó cháu chỉ muốn kéo bác ấy ra khỏi đường ray bởi tàu đến mỗi lúc một gần mà không có bất cứ ai cứu bác. Dù trong lòng rất sợ hãi nhưng cháu nghĩ nếu cứ đứng nhìn, chắc chắn bác ấy sẽ gặp nạn.”
Ông Vót thoát chết trong gang tấc, chỉ bị thanh gạt của đầu tàu va vào làm ông bị thương nhẹ ở tai trái và tay trái. Chiếc xe máy của ông Vót bị đoàn tàu đẩy trượt đi 3m rồi văng ra ngoài.
Chiến nhớ lại khoảnh khắc kéo người đàn ông gặp tai nạn ra khỏi đường tàu
Chiến bật mí: “Cháu rất thích những câu chuyện, bộ phim về siêu anh hùng. Chưa bao giờ cháu nghĩ mình lại ở trong hoàn cảnh giống trong phim như vậy. Hiện giờ mọi người gọi cháu là “anh hùng”, “idol”,… và rất nhiều bạn xin chữ kí, cháu rất vui.”
“Cháu mong mọi người khi đi trên các con đường gần đường ray tàu thì cần phải chú ý quan sát và không nên uống rượu bia, say xỉn khi đi qua các đoạn đường tàu.” - Người hùng nhí nhắn nhủ.
17h30 chiều, bà Huyền (51 tuổi) mẹ của Chiến đi làm về. Cậu bé đang ngồi nói chuyện với chúng tôi vội xin phép, nhanh chóng chạy ra phía cổng, mang đồ ăn bữa tối vào giúp mẹ sơ chế.
Mẹ của Chiến làm công nhân cơ khí nên công việc rất vất vả, phải đi sớm về hôm. Thương mẹ, những công việc nhỏ như nhặt rau, rửa bát,… hay nấu một số món đơn giản, Chiến đều không để mẹ phải làm.
Dù còn nhỏ tuổi nhưng Chiến rất tự lập, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ công việc nhà
Khi được hỏi về hành động dũng cảm của Chiến, bà Huyền cho biết đến giờ vẫn còn “thót tim” khi nghĩ đến : “Khi xảy ra sự việc, Chiến chạy về thất thanh gọi bố mẹ, khi đó tôi chỉ nghĩ con mình nhìn thấy tai nạn rồi về thông báo. Nhưng, sau khi được nghe con kể lại “Tàu chỉ cách vài mét, con cố đẩy chiếc xe máy, lôi bác ra khỏi đường tàu…”; người tôi cứ run lẩy bẩy, lạnh toát vì lo cho con. Đến giờ tôi vẫn còn “thót tim” khi nhớ lại ngày hôm đó. Không nghĩ có một ngày cậu bé nhút nhát của tôi lại dũng cảm đến như vậy.”
Chàng anh hùng vừa dũng cảm vừa đảm đang chuyện bếp núc
Ngoài ra, thành tích học tập của người hùng khá tốt
Khoảng 18 giờ tối, nhà Chiến có khách. Đó là con gái và con rể của ông Vót đến cảm ơn gia đình. Chị T. con gái của người tai nạn cho biết, ông Vót đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, hiện giờ ông đã tỉnh táo và không có gì nguy hại đến sức khỏe.
Ngồi tại bàn uống nước, chị T. liên tục cảm ơn Chiến cùng gia đình. Chị T. nghẹn ngào: “cảm ơn Chiến, vì sự dũng cảm này… nếu không có em giờ này không biết bố chị sẽ như thế nào. Chị không biết nói gì ngoài… Cảm ơn em! Cảm ơn em!…”
Chỉ 1 tiếng sau khi 2 người con của ông Vót ra về, tổ dân phố cùng hội phụ nữ phường Cẩm Thịnh đã đến tuyên dương, trao tặng quà cho Chiến vì hành động dũng cảm, nhanh trí, quyết đoán.
Những phần quà biểu dương sự dũng cảm của Chiến
Cô Đào Phượng – Giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2 (Trường Trung học Cơ sở Cẩm Thịnh) cho biết: “ở trường em Chiến rất ngoan, hiền, có học lực khá và ít nói. Các giáo viên nhà trường rất tự hào và khá bất ngờ về hành động dũng cảm của em. Trường đã phối hợp cùng Thành đoàn và UBND Phường Cẩm Thịnh tổ chức tuyên dương, khen thưởng về hành động dũng cảm của em Hoàng Mạnh Chiến.”
Ngày 29/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen, biểu dương em Hoàng Mạnh Chiến đã dũng cảm cứu người gặp nạn ra khỏi đường ray khi đoàn tàu đang đến gần, tránh được tai nạn thương tâm.
Trong thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời khen ngợi nam sinh Hoàng Mạnh Chiến, vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 26/11, trên đường về nhà tại TP.Cẩm Phả đã kịp thời kéo một người đàn ông gặp nạn ra khỏi đường ray khi đoàn tàu đang tiến đến gần, tránh được tai nạn thương tâm.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, hành động dũng cảm, nhanh trí, quyết đoán cứu người của em Hoàng Mạnh Chiến xuất phát từ lòng tốt, tình yêu thương, nhân ái giữa con người với con người, xứng đáng được tuyên dương; nhà trường, gia đình và các bạn sẽ tự hào về việc làm của em.
00:03:58
Gặp anh hùng nhí không màng nguy hiểm cứu mạng người mắc kẹt trên đường ray tàu hỏa tại Quảng Ninh
Chàng trai nhảy sông cứu cô gái rồi ăn tiếp bữa tối: Bố dạy thấy người gặp nạn phải cứu
Câu chuyện chàng trai quê Thanh Hóa bỏ dở bữa cơm, lao mình xuống sông cứu người tại TP.Huế đang nhận được rất nhiều lời khen từ cư dân mạng.
Câu chuyện được lan tỏa mạnh nhưng bố của "nhân vật chính" vẫn chưa biết sự tình vì... bận mưu sinh.
Liên quan đến câu chuyện Tô Vũ Đồng (28 tuổi, quê xã Quảng Thái, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) dũng cảm lao mình xuống sông cứu sống một cô gái tại sông An Cựu (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), hôm nay 17.11 PV Thanh Niên đã liên lạc với người nhà của chàng trai này để chia sẻ thêm niềm vui.
Chàng trai Tô Vũ Đồng sau khi nhảy xuống sông cứu người. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
Ngày 17.11, PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Tô Vũ Nụ (59 tuổi, bố của anh Đồng) khi ông cùng vợ vừa về đến nhà sau một ngày đi làm vất vả.
Đầu dây bên kia, ông Nụ thiệt tình: "Tôi chưa biết chuyện gì. Đồng nó chưa kể gì cho tôi cả, vì tôi không biết dùng máy cảm ứng, chỉ dùng máy "cục gạch" thôi, cũng vừa đi bán hàng rong về".
Chúng tôi kể lại chuyện của anh Đồng, ông Nụ nghe xong liền bày tỏ niềm vui xen lẫn một chút tự hào khi biết con trai đã làm được việc tốt. "Ngày xưa tôi đi lính ở Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh đặc công nước đóng ở Hải Phòng nên khi ra quân tôi đã dạy cho các con biết bơi biết lặn. Riêng với Đồng, 4 tuổi nó đã biết bơi".
Cô gái được anh Đồng cứu sống, đưa lên bờ trong sự vỡ òa của hàng chục người chứng kiến. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
"Từ bé, tôi luôn dạy con rằng ra đường thấy người gặp nạn phải lao vào cứu, không sợ, không ngại gì hết. Cứu người khác cũng như cứu bản thân mình, sau này ra xã hội mình, hay những người thân của mình sẽ có người khác cứu", ông Nụ nói.
Chia sẻ thêm về đời sống gia đình, ông Nụ cho biết ông và các con sống ở một vùng quê của tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống kinh tế khó khăn nên nhiều năm nay ông và vợ đã vào TP.HCM bán hàng rong trên các con phố.
Riêng anh Đồng đã có vợ và con nhỏ (2 tuổi), đang sống quê Thanh Hóa. Sau khi lập gia đình, để có thu nhập ổn định lo cho vợ con, thời gian gần đây anh Đồng vào TP.Huế làm việc, hiện đang là nhân viên cho 1 khách sạn.
Vợ anh Đồng hiện có một con gái nhỏ 2 tuổi. Ảnh NVCC
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Trịnh Thị Hiền (24 tuổi, vợ anh Đồng, đang ở quê) bày tỏ niềm vui qua điện thoại nhưng cũng không giấu được sự lo lắng.
"Đêm qua, nghe anh nói vừa cứu người xong em cũng lo lắm, vì lỡ không may mà đêm tối, nước sâu mà không cứu được người ta mình cũng có chuyện gì. Nhưng sau rồi, em thấy thương chồng, tự hào vì việc làm của anh ấy. Sau này con lớn em sẽ kể cho con biết về kỷ niệm này của bố", chị Hiền tâm sự.
Những hình ảnh bình dị của anh Đồng bên con ở quê. Ảnh NVCC
Còn với anh Đồng, việc cứu người chỉ là việc nên làm, anh không muốn người cứu phải trả ơn, chỉ mong họ trân trọng hơn mạng sống. "Thấy người gặp nạn thì mình giúp thôi, không cần thiết phải trả ơn. Mình giúp người ta đến lúc gặp nạn người khác sẽ giúp mình, chỉ mong bạn được cứu phải tôn trọng mạng sống mình hơn", anh Đồng nói.
Anh Đồng bày tỏ niềm vui trong lúc đi làm sau kỷ niệm đáng nhớ. Ảnh NVCC
Như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 19 giờ 40 tối 16.11, nhiều người dân sống gần khu vực cầu An Cựu (TP.Huế) bất ngờ phát hiện một cô gái dừng xe ngang cầu, gieo mình xuống sông để tự vẫn.
Chứng kiến sự việc khi đang ăn bữa tối tại một quán vỉa hè gần đó, anh Tô Vũ Đồng nhanh chóng lao xuống sông, bơi lại cứu rồi đưa cô gái lên bờ an toàn trong sự vỡ òa và cảm phục của hàng chục người dân chứng kiến.
Chàng trai xứ Thanh đi công tác: Bỏ dở bữa cơm nhảy liền xuống sông cứu sống cô gái Thấy người nhảy cầu, anh Đồng vội bỏ phần cơm vừa gọi, rồi nhanh chóng lao xuống sông để cứu người. Nhờ sự dũng cảm đó, cô gái được cứu sống an toàn... hành động trên đã khiến nhiều người dân chứng kiến bày tỏ sự cảm phục. Tối 16.11, nhiều người dân sống gần khu vực cầu An Cựu (P.An Cựu, TP.Huế,...