Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ?
Không khó nhận thấy trên thị trường có nhiều loại gạo được đóng bao bì mang tên hữu cơ nhưng chỉ đạt chứng nhận VietGAP. Điều này ngỡ vô lý nhưng mọi việc tồn tại hẳn có cái lý riêng.
Gạo hữu cơ Trung An – chứng nhận IFOAM, được giới thiệu ra thị trường gần đây. Ảnh: ĐT
Đầu tiên, việc bất nhất giữa chuẩn đạt được và ghi nhãn như trên có phù hợp với pháp luật?
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TPHCM, việc ghi nhãn trên các bao bì thực phẩm được quy định rõ tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT (Thông tư 34).
Cụ thể, điểm a, khoản 2, Điều 18 Nghị định 38/2012/NĐ-CP nêu rõ: “Thông tin trên nhãn phải đúng bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng”. Tương tự như vậy, các Điều 3, 5, 6, 7 ở Thông tư 34 đều hướng dẩn phải ghi đúng, đủ, không được ghi mập mờ, gây hiểu lầm về công dụng, về tính chất, đặc tính sản phẩm.
Trở lại trường hợp các sản phẩm gạo dán nhãn gạo hữu cơ nhưng không ghi rõ cơ quan nào công nhận hoặc không có giấy chứng nhận sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, luật sư Đức cho rằng ghi như vậy là chưa phù hợp với các văn bản pháp luật đã viện dẫn trên. Tuy nhiên, ông Đức cũng chia sẻ, hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và việc dán nhãn chứng nhận đối với sản phẩm hữu cơ còn nhiều thiếu sót.
Vậy các doanh nghiệp bán gạo hữu cơ tự chứng nhận nghĩ gì về cách ghi nhãn của chính họ?
Trao đổi cùng người viết, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gạo hữu cơ tự chứng nhận chia sẻ, họ cũng muốn có chứng nhận gạo hữu cơ nhưng Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nên có muốn cũng chẳng được.
- Vậy sao anh không lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế?
- Chi phí lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế cao, như vậy sẽ đội giá thành sản phẩm lên và rất khó bán.
Video đang HOT
- Nhưng anh không có chứng nhận, sao lại dán nhãn hữu cơ như vậy?
- Tôi làm gạo hữu cơ, sao lại tôi lại không được ghi nhãn hữu cơ?
- Nhưng làm sao khách hàng tin anh?
- Chúng tôi sẽ thuyết phục khách hàng.
Rõ ràng, qua câu chuyện trên, ta thấy nhà sản xuất có cái lý của riêng họ. Và, giả sử nhà sản xuất trên thật sự làm gạo hữu cơ, khi họ đưa sản phẩm ra thị trường bằng câu chuyện niềm tin, chuyện được khách hàng đón nhận hay không đôi khi rất hên xui.
Người viết có hai người bạn kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Một người từ chối những nhà cung cấp như trên. Bởi như anh nói, đã bán hàng hữu cơ thì phải có chứng nhận, chứ không thể đặt cược uy tín của cửa hàng vào câu chuyện niềm tin được; Một người chấp nhận. Lý do, như anh chia sẻ, anh tin vào nhà cung cấp.
Người tiêu dùng băn khoăn trước thị trường có quá nhiều loại gạo (ảnh minh họa)
Nhờ niềm tin từ những người như anh bạn thứ hai nêu trên, các sản phẩm hữu cơ tự chứng nhận vẫn có đất sống trên thị trường. Và chuyện ghi nhãn tưởng như vô lý vẫn có cái lý để tồn tại. Hệ quả, rất có thể sẽ có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở từ niềm tin, không sản xuất hữu cơ nhưng vẫn tự dán nhãn hữu cơ. Thị trường thật giả lẫn lộn. Cái khó bị đẩy về phía người tiêu dùng.
Bây giờ, xin đặt một câu hỏi khác, việc ghi nhãn trước hữu cơ, sau VietGAP trên bao bì, có thật sự rõ ràng với người tiêu dùng? Trả lời câu hỏi này không khó nếu bạn từng rơi vào tình huống mua một túi gạo hữu cơ vì chỉ nhìn qua mặt trước của sản phẩm. Sau đó về nhà, nhìn mặt sau, mới vỡ lẽ… Tình huống càng khó xử hơn nếu bạn mua làm quà tặng đinh ninh như đó là một sản phẩm hữu cơ chính hiệu.
Dĩ nhiên, trong tình huống đó, nhà sản xuất có thể biện minh rằng đã ghi rõ thông tin, tại khách hàng không chịu nhìn kỹ. Vậy câu hỏi tiếp theo, ghi thông tin kiểu rõ ràng theo cách giải thích như trên có sòng phẳng với người tiêu dùng?
Trong cuộc sống, có những thứ không thể rạch ròi. Và đôi khi để nhìn rõ một sự việc, cần đặt nó trong mối tương quan với sự việc khác.
Ở đây, xin kể câu chuyện về một bạn trẻ ở Đồng Tháp làm lúa sạch. Bạn trồng lúa không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu hóa học. Sản phẩm của bạn, như ông Nguyễn Lâm Viên, công ty Vinamit, đơn vị vừa được cấp chứng nhận hữu cơ chuẩn USDA, nhận xét có thể xem như lúa hữu cơ.
Thế nhưng bạn trẻ nêu trên chưa bao giờ tuyên bố gạo của bạn ấy là gạo hữu cơ. Bạn ấy làm sao thì nói vậy. Gạo không dùng hóa chất thì nói không dùng hóa chất; không dùng phân bón hóa học thì nói không dùng phân bón hóa học. Bạn thậm chí còn chẳng có chứng nhận VietGAP, thế nhưng sản phẩm của bạn được thị trường đón nhận, thậm chí đặt hàng trước khi lúa được gặt.
Có được thành quả đó vì bạn được thị trường tin tưởng. Và niềm tin đến từ sự rõ ràng, sòng phẳng, có sao nói vậy và luôn nhất quán chứ không lập lờ.
Quay lại câu chuyện ghi nhãn nêu trên, ông Võ Minh Khải, người xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa, cho rằng đó là một phần không tránh khỏi trong câu chuyện thị trường Việt Nam hiện nay. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm hữu cơ trong khi đơn vị sản xuất có chứng nhận không nhiều, cầu lớn hơn cung, cộng với những quy định trong ngành chưa đầy đủ, hiện tượng “tiền hậu bất nhất” như trên vẫn sẽ tiếp diễn.
“Nhưng theo thời gian, khi người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin và khắt khe hơn, những đơn vị sản xuất hữu cơ có chứng nhận nhiều hơn, cơ chế thị trường sẽ tự đào thải những điều vô lý. Lúc đó, sẽ không phải là câu chuyện có chứng nhận hay không chứng nhận mà là chứng nhận theo chuẩn nào và do tổ chức nào cấp”, ông Khải nhận định.
Theo Đức Tâm (Theo TBKTSG)
Gạo hữu cơ Quế Lâm - Niềm tin từ "3 không"
Thông tin về các loại gạo giả hay gạo thừa dư lượng hóa chất khiến người tiêu dùng lo lắng cho chất lượng bữa ăn hằng ngày. Hiểu được điều đó, Tập đoàn Quế Lâm chú trọng đầu tư vào sản xuất gạo hữu cơ Quế Lâm phục vụ riêng cho người tiêu dùng trong nước.
Gạo sạch "6 không"
Canh tác lúa gạo là một việc làm quen thuộc với người nông dân, tuy nhiên, để hạt gạo làm ra có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng, người nông dân và cả môi trường lại là vấn đề không dễ. Nhận thức được điều đó, từ năm 2013, Tập đoàn Quế Lâm đã chú trọng đầu tư vào sản xuất nông sản hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng, trong đó, chú trọng vào sản xuất gạo hữu cơ.
Giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm. Ảnh: T.L
Với việc áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất, gạo hữu cơ Quế Lâm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất, phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt. Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm được sử dụng để tăng tốc độ phát triển của cây lúa, đồng thời, đảm bảo an toàn cho hạt gạo.
Đất ruộng trồng lúa cũng được xử lý kỹ bằng phân vi sinh hữu cơ trong 3 vụ liên tiếp để đảm bảo không tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên tắc "3 không": Không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu được đảm bảo trong quá trình trồng trọt và chịu sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm.
Theo ông Khắc Ngọc Bá - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho hay, sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất không chỉ tạo ra nguồn nông sản an toàn, chất lượng mà còn hạn chế chi phí đầu tư. "Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm có thể tồn tại lâu dài trong đất, không gây bạc màu, có tác dụng làm tơi xốp đất, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng"-ông Bá nói thêm.
Lúa hữu cơ sau khi thu hoạch cũng không phải được đưa ngay vào sản xuất, toàn bộ lúa được các chuyên gia kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu an toàn về chỉ tiêu chất độc, chỉ tiêu côn trùng và nấm mốc. Trong quá trình thu hoạch và phơi khô, nông dân cũng phải đảm bảo quy trình chặt chẽ do Tập đoàn đưa ra. Có như vậy, số lúa trên mới được thu mua và đưa vào quá trình sấy, xay xát và bảo quản. Vì vậy, sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm đảm bảo không sử dụng hóa chất bảo quản, không tẩy trắng, không sử dụng hương liệu.
Với giống tốt và quy trình chăm bón khoa học, gạo hữu cơ Quế Lâm rất có lợi với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Sản phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời không chứa các loại hóocmon sinh trưởng và các hóa chất độc hại, được Trung tâm Phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường kiểm tra, xác nhận đảm bảo an toàn chất lượng.
Ông Trần Thế Anh- Trưởng đại diện văn phòng gạo hữu cơ Quế Lâm ở miền Bắc cho biết: "Hiện tại, tính riêng miền Bắc đã có trên 100 đối tác đăng ký đơn hàng sạch các sản phẩm của Quế Lâm. Trong đó, có gần 60 tấn gạo hữu cơ được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Hiện tập đoàn đã liên kết với nhà sản xuất ở Quảng Trị để sản xuất dầu lạc nguyên chất, tại Thái Nguyên là chè hữu cơ".
Ông Anh cũng chia sẻ bí quyết nhận biết gạo hữu cơ sau khi xay xát và đóng bao bì là vẫn còn thấy bên ngoài gạo là lớp cám, sờ gạo lớp cám sẽ dính tay. Gạo hữu cơ có mùi thơm tự nhiên, khi nhai sống có vị ngòn ngọt. Nấu chín cơm có mùi thơm dịu, ăn đến cuối bữa vẫn còn thơm không có mùi lạ. Gạo hữu cơ khi đã đóng bao bì chỉ cần cho ra ngoài nửa tháng là sẽ có hiện tượng mối mọt.
Mở rộng diện tích, mang lợi nhuận đến cho nông dân
Nhiều năm nay, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai trồng lúa theo phương pháp hữu cơ tại nhiều địa phương, tạo thành chuỗi đồng ruộng hữu cơ với diện tích hơn 300ha, cung cấp số lượng lớn gạo hữu cơ ra thị trường. Diện tích trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn trải dài khắp các tỉnh miền Trung: Tại Hà Tĩnh có hơn 50ha thử nghiệm trồng lúa hữu cơ tại 6 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh; Thừa Thiên- Huế có 10ha thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương 1 (huyện Phú Vang)...
Quế Lâm tạo mọi điều kiện để nông dân có thể thuận lợi canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ mới. Tập đoàn cung ứng giống và phân bón cho người dân, đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí từ xã để người dân chuyển đổi phương pháp. Tập đoàn cũng cam kết mua trọn gói sản lượng lúa thu hoạch được với mức giá cao hơn nhiều lần so với mức giá trung bình.
Trong quá trình trồng trọt, đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm thức khuya dậy sớm, trực tiếp ra đồng cùng người nông dân để đảm bảo quy trình trồng trọt được thực hiện chặt chẽ. "Quế Lâm sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho người nông dân và người nông dân cũng cam kết tuân theo đúng quy trình của Tập đoàn. Quế Lâm lấy sự an toàn của người tiêu dùng làm thước đo chuẩn mực cho sản phẩm gạo hữu cơ cũng như các loại sản phẩm khác" - ông Bá khẳng định.
Theo Danviet