Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chính thức vào cuộc
Liên quan tới vụ việc gạo ST25 bị doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thương hiệu, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã làm việc với Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Theo quy định, ngày 4/5 là thời điểm Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) công bố thông tin về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ST25 của I&T Enterprise, Inc.,. Các bên có thể nêu ý kiến phản đối trước và trong 30 ngày sau ngày 4/5. Nếu không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không thuyết phục, USPTO sẽ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại Mỹ. Khi biết thông tin này, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã làm việc với Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sau khi được trao đổi, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ đang tích cực hỗ trợ thủ tục phản đối nhãn hiệu ST25 của Công ty I&T.
Thương vụ đã trao đổi với đại diện USPTO và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế. Giống lúa này đã đạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines và giải nhì năm 2020 tại Mỹ. Ngay sau đó, phía USPTO đã có hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ, kể cả trước khi cơ quan này công bố thông tin về hồ sơ của I&T Enterprise, Inc vào ngày 4/5.
Trước đó, các cơ quan gồm đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, việc bảo hộ của nhà nước theo bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Tuy nhiên, không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
Ông Hồ Quang Cua (giữa) tại quầy trưng bày sản phẩm gạo ST24, ST25. Ảnh: Vietnambiz
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng, cần phân biệt giữa giống cây trồng và sản phẩm gạo từ giống lúa đó. Giống lúa có tên ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Chủ bằng bảo hộ là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và tên đó phải không trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa tương ứng được lấy tên là ST25.
Theo quy định tại Điều 186, Luật Sở hữu trí tuệ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền: Sản xuất hoặc nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất khẩu…
Theo Khoản 4, Điều 163, Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng đúng tên giống cây trồng khi đưa sản phẩm (trường hợp cụ thể này là giống lúa ST25) là một nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ bằng bảo hộ, người được chủ bằng bảo hộ cho phép thực hiện các quyền của chủ bằng cũng như kể cả sau khi giống lúa này đã hết thời hạn bảo hộ.
Tuy nhiên, gạo lại là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25″. Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa là: ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.
Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó nên Điểm b, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
Vậy trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trưởng sản phẩm gạo ST25 thì đâu là dấu hiệu phân biệt để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua? Câu trả lời là các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình. Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu “Bảo Minh” hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau.
“Đúng là đã có vài doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ, các đơn đăng ký đó đang trong quá trình xử lý nhưng theo pháp luật của Mỹ, tên gọi chung của sản phẩm, dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa) và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu. Đã có ví dụ về việc từ chối đối với nhãn hiệu “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 901511727 vì có chữ ST25 ở đó”, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm.
Tóm lại, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Mỹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ có xuất hiện dấu hiệu ST25 cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể thì dấu hiệu ST25 sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Mỹ để phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25″ là tên chung của giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.
Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ: Bài học lớn cho doanh nghiệp Việt
Việc gạo ST25 bị doanh nghiêp nước ngoài đăng ký thương hiệu sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột một lần nữa trở thành bài học lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Gạo ST25 "phất lên" trên thị trường thế giới được chừng hai năm nay sau khi dấu ấn đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải nhì cuộc thi tương tự năm 2020.
Tuy nhiên mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
Như vậy, sau khi bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, khi Việt Nam xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST25 ở Mỹ. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ.
Trao đổi với KTSG Online về thông tin này, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng là chuyên gia trong ngành xuất khẩu gạo (xin không nêu tên) cho rằng: Không có gì bất ngờ với thông tin này cả, vì không có luật nào cấm một doanh nghiệp (của bất cứ quốc gia nào) đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nào đó tại Mỹ nếu sản phẩm đó chưa được bảo hộ tại thị trường này.
"Điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài! Việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ chứ không riêng gì ST24, ST25", vị chuyên gia nhận định.
Có thể kể đến vấn đề tương tự đã từng xảy ra với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột...
Cũng trên KTSG Online, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), chia sẻ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của mình khi khảo sát để xuất khẩu gạo của công ty vào thị trường Mỹ.
Theo đó, ông Thiện bắt gặp nhiều sản phẩm gạo "Made in Thailand" nhưng lại ghi tên "rất Việt Nam" như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền... lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Người Thái cũng rất khéo léo khi giải thích rằng họ phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt. Cho đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo "đau đầu".
Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng, tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên, được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu.
"Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp", vị giám đốc này phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài. Trong khi Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới.
Còn theo ông Vũ Bá Phú, điều đau lòng là khi sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng hoàn toàn không thể hỗ trợ gì được cho doanh nghiệp trong việc đòi lại thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới. Do đó, cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có chiến lược trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường trọng điểm, tùy theo khả năng tài chính và chiến lược phát triển thị trường của mình.
Nhà nước và doanh nghiệp cần chung tay xây dựng thương hiệu nông sản Thông tin gạo ST25 bị một số doanh nghiệp tại Mỹ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ đang tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Nhiều bất cập trong xây dựng thương hiệu nông sản Bình luận về thông tin gạo ST25 bị một số doanh...