Gánh nặng về bệnh tật và kinh tế từ hút thuốc
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các chất độc có trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi.
Biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo TTXVN/Vietnamplus
Gian nan trong công tác cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam
Việt Nam nằm trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, mặc dù đã được cảnh báo về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe, nhưng công tác cai nghiện thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn.
Người nghiện thuốc lá được thử nồng độ CO trước khi điều trị cai nghiện tại Bệnh viện Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Việt Nam nằm trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, mặc dù đã được cảnh báo về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe, nhưng hiện nay, công tác cai nghiện thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được cho là do sự thờ ơ của người dân cũng như những bất cập trong công tác tổ chức điều trị, cai nghiện thuốc lá.
Khó như... cai nghiện thuốc lá
Video đang HOT
61 tuổi nhưng có "thâm niên" đến 45 năm hút thuốc lá nên với ông Nguyễn Văn Đảng, ngụ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc lá là thứ không thể thiếu bên cạnh mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày ông Đảng hút từ 1-2 gói thuốc lá, thậm chí có thời điểm nhiều hơn.
"Hồi đó biết đến thuốc lá rồi hút như một thói quen, sau này thành nghiện không bỏ được, cũng không nghĩ là ảnh hưởng gì nên cứ thế hút thuốc lá mãi," ông Đảng tâm sự.
Tuy nhiên, cách đây 5 năm, ông Đảng phát hiện mình mắc bệnh hen phế quản, bác sỹ nhiều lần khuyên bỏ thuốc lá nhưng sau nhiều lần cai thuốc, ông lại tái nghiện.
Ông Đảng chia sẻ: "Giống như là khói thuốc nó ăn vào máu nên mình không dứt ra được, bỏ được nửa tháng lại thèm, thấy người khác hút cũng thèm, ăn không ngon, ngủ không được, trong người rất khó chịu."
Mới đây, đi khám bệnh, ông phát hiện mình mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bác sỹ cương quyết yêu cầu ông phải bỏ thuốc lá. "Chắc lần này phải quyết tâm bỏ thuốc lá thôi bởi vì sức khỏe đã yếu lắm rồi," ông Đảng cho hay.
Cũng cùng chung cảnh ngộ nghiện thuốc lá từ khi còn trẻ, trung bình mỗi ngày bà Võ Thị Cầm, 58 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, "đốt" hết một gói thuốc lá.
Dù nhiều lần con cái, người thân phản đối cũng như mua nhiều loại thuốc, kẹo bán trên thị trường để bà cai thuốc lá nhưng bà Cầm vẫn không thể đoạn tuyệt với khói thuốc.
"Tôi hút và nghiện thuốc lá 35 năm và không thể đếm được mình hút bao nhiêu điếu thuốc, giờ nếu không có thuốc thì tôi không tỉnh táo, đờ đẫn và không muốn làm việc gì," bà Cầm kể.
Thuốc lá dễ nghiện nhưng khó bỏ là nhận định chung của nhiều người nghiện thuốc lá. Theo nghiên cứu, chính chất nicotine trong thuốc lá khiến người hút bị nghiện, rồi dần dần bị lệ thuộc.
Trung bình sau khi hút thuốc lá 7 giây, nicotine sẽ có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, lúc này não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người hút phải hút tiếp để cung cấp nicotine trở lại.
Chính vì tác dụng gây hưng phấn tức thời khiến người hút nghiện thuốc lá từ trung bình đến nặng và một khi nghiện thì rất khó bỏ. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nghiện nicotine khó từ bỏ không thua kém nghiện heroin.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, nghiện thuốc lá đã được Bộ Y tế xác định là bệnh với mã ICD 10 và F17 (nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do dùng chất hướng thần).
Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
"Cần khẳng định rằng nghiện thuốc lá không còn là một thói quen nữa, nó là bệnh và bệnh thì cần phải được điều trị tích cực và cụ thể," bác sỹ Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo bác sỹ Hoàng, cai nghiện thuốc lá có thể nói dễ mà cũng có thể nói khó, phụ thuộc vào quyết tâm của người nghiện bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của bác sỹ và các loại thuốc cai nghiện.
Tại Việt Nam hiện nay, số lượng người nghiện thuốc lá rất cao và con số này sẽ khó lòng giảm xuống bởi việc mua bán thuốc lá diễn ra dễ dàng, phổ biến. Cùng với số lượng người hút thuốc lá nhiều, thói quen mời nhau cùng hút thuốc khiến người nghiện khó bỏ thuốc lá.
Cơ sở cai nghiện... đìu hiu
Nhận thức được tác hại của thuốc lá, từ năm 2014, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã mở các phòng khám, tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 10 đơn vị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đặt tại các bệnh viện gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Quận 1 và Bệnh viện Triều An.
Là đơn vị đầu tiên tổ chức tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá trực tiếp cho người dân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định còn mở tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, số lượng người dân tìm đến cai nghiện thuốc lá vẫn không nhiều.
Theo báo cáo, năm 2017 chỉ có 126 lượt bệnh nhân đến để được tư vấn cai nghiện thuốc lá, năm 2018 tăng lên khoảng hơn 200 lượt. Nếu so sánh với số lượng người hút thuốc lá trong cộng đồng con số trên vẫn còn rất khiêm tốn.
Tương tự, bắt đầu từ năm 2018, Bệnh viện Quận 11 triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá cho người dân trên địa bàn.
Bác sỹ tư vấn cho người nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Bác sỹ Võ Thị Rĩ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết, sau hơn một năm thực hiện, số lượng bệnh nhân hút thuốc lá chủ động đến bệnh viện thực hiện tư vấn, cai nghiện thuốc lá chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trước tình hình này, bệnh viện buộc phải lồng ghép hoạt động tư vấn, cai nghiện thuốc lá vào hoạt động của Phòng khám các bệnh lý hô hấp, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, đo chức năng hô hấp.
Theo đó, những bệnh nhân khi đến bệnh viện khám các bệnh về hô hấp sẽ được hỏi về tình trạng hút thuốc lá và có những tư vấn ngắn, tư vấn chuyên sâu dành riêng cho người bệnh hút thuốc lá.
Nhìn nhận về nguyên nhân các đơn vị tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá chưa thu hút được người dân, bác sỹ Võ Thị Rĩ cho hay: Một phần là do người dân không biết các bệnh viện có hoạt động này, mặt khác chi phí điều trị cai nghiện thuốc lá cũng như thuốc cai nghiện vẫn chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán là rào cản khiến nhiều người nghiện thuốc lá không tiếp cận được với chương trình.
"Thực tế, nhiều người dân vẫn chưa sẵn sàng bỏ tiền để cai nghiện thuốc lá cho chính bản thân mình," bác sỹ Rĩ chia sẻ.
Ngoài ra, do không nằm trong danh mục thuốc Bảo hiểm y tế chi trả nên dù đã triển khai hoạt động điều trị cai nghiện thuốc lá nhưng nhà thuốc của Bệnh viện Quận 11 vẫn chưa có thuốc cai nghiện thuốc lá, buộc người dân phải đi tìm mua ở nơi khác, gây ra không ít phiền hà cho người bệnh, giảm hiệu quả cai nghiện.
Cùng chung ý kiến, bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, nguồn thuốc cai nghiện thuốc lá hiện nay khá khó tìm trên thị trường, đã làm giảm hiệu quả của công tác cai nghiện thuốc lá.
Đề xuất giải pháp, bác sỹ Võ Thị Rĩ cho rằng, nếu đã coi nghiện thuốc lá là bệnh, cai nghiện thuốc lá cũng cần được Bảo hiểm y tế chi trả, tăng cao cơ hội tiếp cận của người nghiện thuốc lá với các phương pháp điều trị cai nghiện nhằm giúp họ từ bỏ thuốc lá.
Đinh Hằng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Hậu họa khôn lường do hút thuốc thụ động Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165. 000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói...