Gánh nặng trọng trách Shangri-La
Trung Quốc và Mỹ có “những trách nhiệm lớn nhất” để tiến hành các bước đi thực tiễn vì hoà bình khu vực, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore. “Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ – một cường quốc Thái Bình Dương”, ông nhấn mạnh.
Cách đây hơn bốn thập niên, ông Chuck Hagel từng ở Đông Nam Á phụng sự quân đội trong vai trò trung sĩ. Mùa hè năm nay ông trở lại trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông mang theo trọng trách trấn an các đồng minh và bạn bè trong khu vực rằng, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại đây trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quả quyết hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Như các nhà lãnh đạo quốc phòng khác tập trung trong một diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, ông Hagel sẽ vừa phải cân bằng mối lo lắng của các đồng minh về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, lại vừa phải nhấn mạnh sự hợp tác với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Triều Tiên và những vấn đề quốc tế khác. Giữa lúc đó, tranh chấp về nguồn cá, dầu khí ở vùng biển cách xa bờ biển Trung Quốc đang có nguy cơ làm gián đoạn thương mại giữa các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á, đang dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trách nhiệm nước lớn
Trung Quốc và Mỹ có “những trách nhiệm lớn nhất” để tiến hành các bước đi thực tiễn vì hoà bình khu vực, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore. “Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ – một cường quốc Thái Bình Dương”, ông nhấn mạnh.
Với báo giới trên đường tới Singapore tham dự Đối thoại, ông Hagel, 66 tuổi khẳng định, Mỹ “đang đi đúng hướng” với các kế hoạch tăng cường các mối quan hệ an ninh với châu Á. “Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến song phương mới với các đối tác hơn những gì chúng tôi từng có”.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama, người sẽ gặp ông Tập Cận Bình tại California ngày 7/6 tuyên bố, việc cắt giảm ngân sách của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới chiến lược tái tập trung châu Á trong khi giảm dần sự hiện diện ở Iraq và Afghanistan. Chiến lược trục xoay bao gồm cả khoản đầu tư tiền của vào hệ thống vũ khí triển khai ở Nhật Bản, Hàn Quốc; điều động luân phiên lực lượng lính thuỷ đánh bộ ở Australia và giúp Philippines cải thiện các khả năng hàng hải…
“Quan ngại chính của các nước trong khu vực này là liệu Mỹ có thể duy trì chiến lược tái cân bằng” hướng tới châu Á, Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. “Chừng nào Mỹ còn góp phần vào việc duy trì các quy định của luật pháp” thì chừng đó sự tập trung lớn hơn về khu vực của Washington sẽ được đón nhận.
Video đang HOT
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh các động thái hợp tác với Trung Quốc cho dù nhiều bất đồng xung quanh phản ứng với chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên; chương trình hạt nhân Iran và cuộc nội chiến tại Syria. Trong khi đó, Washington cũng thẳng thừng nhắc lại cáo buộc chiến dịch tấn công ảo của Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật về công nghệ quân sự và thương mại.
Thăm Bắc Kinh ngày 27/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Adviser Tom Donilon nói với ông Tập Cận Bình rằng: “Tổng thống Obama cam kết chắc chắn về việc xây dựng một mối quan hệ được xác định bằng mức độ hợp tác thực tế cấp cao hơn, mức độ lòng tin lớn hơn trong khi quản lý bất cứ điều gì khác biệt hay bất đồng có thể xảy ra giữa chúng ta”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Về phần mình, trước thềm Shangri-La, ông Hagel nói sẽ thảo luận tại Singapore những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh mạng tốt hơn và có kế hoạch gặp gỡ không chính thức với các quan chức Trung Quốc cấp thấp hơn. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, nước ông muốn trao đổi quan điểm với Mỹ bên lề cuộc đối thoại. “Chúng tôi tin là cả hai bên cần ngồi lại, thảo luận một cách bình tĩnh về an ninh mạng. Mỹ và Trung Quốc cần cùng có những nỗ lực chung để duy trì một không gian mạng cởi mở, an ninh và minh bạch”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông đã mời người đồng cấp Trung Quốc tới Washington trong một chuyến thăm vào tháng 8. Phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La dẫn đầu không phải là bộ trưởng quốc phòng mà là phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Thích Kiến Quốc.
Theo giới quan sát, căng thẳng hàng hải, tranh chấp các vùng biển ở châu Á và sự bất an trước thái độ quả quyết, thậm chí gây hấn, của Trung Quốc tiếp tục là các phần thảo luận tại hội nghị an ninh thường niên khu vực. Bất chấp chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu khắp vùng biển kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác và cách bờ biển Trung Quốc hàng nghìn hải lý. Và, có không ít học giả Trung Quốc cũng “hùa theo” lớn tiếng vu cáo các nước khác. Ông Lôi Hùng, giáo sư quan hệ quân sự và ngoại giao quốc tế Đại học Thượng Hải cho rằng, các nước láng giềng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là “phi lý” chỉ vì họ muốn tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí. “Nếu Trung Quốc không lấy lại lãnh thổ của mình, thì áp lực công chúng sẽ rất mạnh mẽ”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại đã bày tỏ sự lo lắng về những hiểu lầm xung quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ có thể khiến dòng chảy thương mại trên biển sụp đổ. “Sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”, ông nói.
Duyên nợ với châu Á
Tại cuộc đối thoại, ông Hagel muốn và đã thể hiện rõ ràng chiến lược trục xoay của Lầu Năm Góc về phía châu Á. Một phần của chiến lược ấy là sắp xếp lại để khoảng 60% hạm đội hải quân Mỹ sẽ đóng ở Thái Bình Dương vào năm 2020, thay vì 50% hiện tại.
Phát biểu phác thảo về tương lai an ninh khu vực tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bảo đảm với các đồng minh và đối tác tham dự Đối thoại rằng, Mỹ có đủ khả năng để tiếp tục theo đuổi chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương bất chấp việc nước này đang phải thắt chặt ngân sách quốc phòng. Theo đó, ngoài Hải quân, Không quân Mỹ sẽ đưa 60% máy bay và quân nhân của họ tới khu vực trong khi Lục quân và Thủy quân Lục chiến sẽ nối lại vai trò ở châu Á – Thái Bình Dương sau khi rút khỏi hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ “ưu tiên triển khai” một vài trong những hệ thống vũ khí tối tân nhất của họ đến Thái Bình Dương.
Tháng tới, lần đầu tiên, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung với Indonesia. Mỹ cũng sẽ hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho các hoạt động diễn tập với Malaysia.
“Duyên nợ” của ông Hagel với châu Á khá sâu sắc. Cha ông từng phụng sự ở Thái Bình Dương thời Thế chiến II. Là cựu binh bộ binh đầu tiên trở thành ông chủ Lầu Năm Góc, dù từng được tặng huy chương khi tham chiến ở Việt Nam cuối những năm 1960, thì khi trở về, ông Hagel vẫn hoài nghi về chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ ở nước ngoài. Ông từng phải thừa nhận, nếu ra khỏi Việt Nam và nếu có vị thế để tác động vào chính sách thì “tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh vô ích và vô nghĩa”. Mới đây, ngày 25/5, tại Viện quân sự Mỹ ở West Point, New York, ông nói: “Điều duy nhất chúng ta có thể dự đoán là các cuộc chiến không thể đoán biết được, và chúng là một nỗ lực cơ bản của con người”.
Ba năm kinh nghiệm của ông Hagel tại ban quản trị tập đoàn Chevron trước khi tham gia Lầu Năm Góc có thể hữu ích trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh các tàu cá, ngư dân, thì những công ty dầu khí cũng luôn hiện diện trong các cuộc tranh chấp biển.
Thông điệp
Kể từ năm 2010, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là ông Robert Gates cảnh báo chống lại việc quấy nhiễu các công ty hoạt động trên biển, Trung Quốc đã nhiều lần cắt cáp tàu thăm dò làm việc với Việt Nam, xua đuổi tàu thăm dò ở gần Philippines và điều động giàn khoan khủng nước sâu đầu tiên ra khu vực. Năm ngoái, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc thậm chí còn mời thầu ở các lô thăm dò ngay tại vùng biển có tranh chấp hoặc thuộc về chủ quyền của nước khác.
Tàu hải quân Trung Quốc hồi tháng 3 đã đổ bộ xuống bãi ngầm James ngay ngoài khơi Malaysia, cũng là khu vực gần nơi Royal Dutch Shell Plc (RDSA) và Petroliam Nasional Bhd. Có các hoạt động dầu khí. Tháng trước, Trung Quốc còn tiến hành mở tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuần trước, Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sau khi một tàu hải quân Trung Quốc hộ tống tàu cá hiện diện ở bãi ngầm do Philippines quản lý.
Tổng thống Benigno Aquino đã cam kết đầu tư nhiều hơn nữa vào nỗ lực hiện đại hoá quân sự và cho biết, con tàu thứ hai của lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ sẽ tới Philippines trong tháng 8. “Thông điệp của chúng ta gửi tới thế giới là rất rõ ràng: Những gì của chúng ta là của chúng ta, và chúng ta có thể đấu tranh đáp trả để bảo vệ chính mình khỏi những mối đe doạ”, ông Aquino nói trong phát biểu với lực lượng hải quân Philippine.
Giữa Singapore, tại diễn đàn an ninh thường niên duy nhất của khu vực – Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chuyển tải đi bức thông điệp rõ ràng tới cộng đồng quốc tế: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua – mà tất cả cùng thua…Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau… Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Theo NTD
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với Bộ trưởng Mỹ về chiến tranh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc trao đổi thú vị với ông chủ Lầu Năm Góc Chuck Hagel về quãng thời gian cả hai tham gia chiến sự ở Việt Nam năm 1968, khi mỗi người ở một bên chiến tuyến.
Theo WSJ, cuộc gặp gỡ không chính thức diễn ra tối 31/5 bên lề diễn đàn an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore. Nội dung ban đầu của cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng và ông Hagel là trao đổi về các mối quan hệ quân sự giữa hai nước, vốn đang phát triển trong những năm gần đây.
Sau đó cuộc chuyện trò chuyển sang chủ đề khác, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam (mà người Mỹ thường gọi là chiến tranh Việt Nam). Cả Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều chiến đấu tại châu thổ sông Mekong trong năm 1968, nhưng ở hai phía khác nhau của chiến trường. Cả hai cùng bị thương trong những cuộc giao tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP
Theo các quan chức Mỹ kể lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể với Hagel rằng ông đã tham gia cách mạng khi mới 12 tuổi. Đáp lại, ông chủ Lầu Năm Góc chia sẻ những kỷ niệm thời chiến và cho hay đã tự nguyện nhập ngũ cùng em trai.
Những phụ tá thân cận của Hagel cho biết Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đó đều biết người đối thoại với mình từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng không biết những chi tiết cụ thể hơn.
Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền nam Việt Nam tham chiến. Ông Chuck Hagel được điều sang Việt Nam năm 1967 khi là lính lục quân Mỹ, từng bị thương ở đồng bằng sông Cửu Long. Những trải nghiệm của Hagel ở Việt Nam, cùng việc chính phủ Mỹ công bố các tài liệu về sự gian dối của họ thời chiến, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm của ông sau này về việc sử dụng vũ lực.
Theo NTD
Singapore đề xuất giải pháp xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông Thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-la lần tứ 12 tiếp tục thôi thúc các bên coi xây dựng lòng tin là giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Singaporore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 12. Trong phát biểu tại diễn đàn...