“Gánh nặng” nào cho HPG khi triển khai dự án mở rộng Dung Quất?
Ban Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đang xin ý kiến cổ đông để nâng công suất của Khu Liên hợp Dung Quất lên gấp đôi.
Giá cổ phiếu HPG quanh mốc 23.000 đồng/cổ trong suốt 1 năm qua
Dự án mở rộng Dung Quất dự kiến sẽ bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm, tăng 100% so với công suất hiện tại của Khu liên hợp Dung Quất. Khi dự án mở rộng Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, HPG có thể sản xuất 13,9 triệu tấn thép mỗi năm, tăng 184,9% so với công suất cuối năm 2019.
Dự án mở rộng Dung Quất sẽ được xây dựng trên diện tích đất 166 ha, tăng 38% so với diện tích hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng dự án Dung Quất vẫn là câu chuyện dài hạn. Theo như chia sẻ của Ban Lãnh đạo HPG, lịch trình dự kiến của kế hoạch mở rộng như sau: HĐQT HPG thông qua chủ trương mở rộng dự án Dung Quất vào ngày 10/2/2020. Sau khi được cổ đông thông qua bằng văn bản dự kiến trong tháng 3/2020, HPG sẽ nộp kế hoạch cũng như Nghị quyết ĐHCĐ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi. Và Sở KH&ĐT Quảng Ngãi sẽ trình dự thảo dự án xin chấp thuận của các cơ quan Trung ương.
Tiến trình được các cơ quan chấp thuận đầu tư có thể mất khoảng 2-3 năm (dựa vào lịch sử từ Dung Quất giai đoạn 1-2). Theo đó, dự án Dung Quất mở rộng có thể sẽ khởi công trong năm 2023. Giai đoạn 1 của dự án mở rộng dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ khi được chấp thuận xây dựng và giai đoạn 2 sẽ mất thêm 36 tháng nữa để chính thức đi vào hoạt động.
Sản phẩm thép mới của Khu Liên hợp Dung Quất mở rộng sẽ góp phần bổ sung thêm công suất 0,5 triệu tấn thép xây dựng (tăng 10% so với hiện tại), 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC- tăng 120% so với hiện tại) và 1,5 triệu tấn sẩn phẩm thép mới (thép hình, thép tròn cơ khí chế tạo). Với danh mục sản phẩm trong giai đoạn mở rộng này, có thể thấy HPG tập trung chủ yếu vào HRC.
Video đang HOT
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng mức đầu tư của giai đoạn mở rộng rất lớn nhưng sẽ không tạo áp lực lớn lên HPG. HPG dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có (vốn chủ sở hữu) và 40% từ nguồn vay. Theo tính toán của VNDirect, HPG có thể tích lũy được 22.756 tỷ đồng dòng tiền tự do (trước khi chi trả cổ tức) đến cuối năm 2023, tương đương với 73% tổng nhu cầu vốn tự có. Nếu nguồn vốn vay được giải ngân theo tiến độ 6 năm của dự án mở rộng, quy mô nợ/vốn chủ sở hữu của HPG giai đoạn 2023-2025 sẽ chỉ ở mức 9-16%, nằm trong ngưỡng an toàn.
Tại giá đóng cửa ngày 17/2/2020, cổ phiếu HPG đang được giao dịch với chỉ số P/E 2019 là 8,9 lần, mức định giá này có vẻ khá hấp dẫn so với quy mô sản lượng, thương hiệu và vị thế của HPG trong ngành thép. Tuy nhiên trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu HPG vẫn dậm chân tại vùng đáy 23.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trên thị trường nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng… Những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.
Do vậy, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không hẳn đầu tư vào các cổ phiếu thép sẽ chịu rủi ro, mà cơ hội vẫn nằm ở những cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn có chiến lược đầu tư bài bản…
Dương Thuỳ
Theo Enternews.vn
Hãm đà nóng trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 là giải pháp mang tính cấp bách để quản lý, giám sát thị trường TPDN, trong bối cảnh thị trường tăng trưởng nóng.
Tiềm ẩn rủi ro
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến nay, thị trường TPDN đã có bước phát triển mạnh, giúp các DN huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Quy mô thị trường TPDN năm 2017 đạt 6,29% GDP, đến cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP và tháng 11-2019 đạt 10,93% GDP. Trong đó, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt 10,37% GDP, tăng 6 lần so với năm 2011.
Kể từ khi Nghị định 163 có hiệu lực thi hành đến cuối tháng 11-2019, đã có hơn 650 đợt phát hành TPDN, với khối lượng thực tế hơn 196.000 tỷ đồng. Dư nợ TPDN riêng lẻ phát hành đến cuối tháng 11-2019 tương đương 10,37% GDP, tăng 34% so với năm 2018 (8,57% GDP), cho thấy thị trường TPDN đã có sự tăng trưởng nóng. Hiện tại, tổ chức tín dụng là nhà phát hành lớn nhất với 35,7% khối lượng TP. Tiếp theo là DN bất động sản 22,5%, DN chứng khoán 2,8%, DN xây dựng, dịch vụ, sản xuất và các DN khác 39%.
Tuy nhiên, Nghị định 163 đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có quy định về phát hành, giao dịch TP riêng lẻ. Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, phát hành riêng lẻ là phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư (NĐT), không kể NĐT chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet; đồng thời chưa quy định về phạm vi giao dịch chứng khoán riêng lẻ.
Trong khi đó Nghị định 163 với độ mở cao hơn để đáp ứng sự tăng trưởng, phát triển nhanh của thị trường TPDN, xu hướng NĐT cá nhân tham gia mua TPDN ngày càng tăng. Đã vậy, NĐT cá nhân nhỏ, lẻ, năng lực tài chính hạn chế và không có kinh nghiệm. Sự gia tăng của NĐT cá nhân, nhỏ lẻ trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ... đã tiềm ẩn những rủi ro khi DN phát hành gặp khó khăn, không thực hiện được cam kết mua lại TP theo thỏa thuận, gây bất ổn cho thị trường tài chính, lòng tin của NĐT.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra những cảnh báo rủi ro của việc phát hành riêng lẻ TPDN. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), đó là các rủi ro như DN phát hành và NĐT khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành, thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro. Trong khi đó, DN - chủ thể phát hành và tham gia thị trường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều chuyển dòng tiền, tránh các giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc phục vụ mục tiêu có lợi của DN.
Để bảo vệ NĐT cá nhân, nhỏ, lẻ mua TPDN, Bộ Tài chính kiến nghị trước mắt sửa đổi theo hướng việc phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ thực hiện trong phạm vi 100 NĐT, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của TP (thay cho quy định hiện hành tại Nghị định 163 là trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành). Quy định này nhằm tách bạch giữa phát hành ra công chúng là phát hành và giao dịch không hạn chế số lượng NĐT, và phát hành riêng lẻ chỉ phát hành, giao dịch trong phạm vi dưới 100 NĐT.
Bên cạnh đó, để hạn chế DN chia nhỏ phát hành TP thành nhiều đợt với nhiều mã cho NĐT cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 NĐT, cũng như hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo nghị định sửa đổi đã bổ sung điều kiện đợt phát hành TP sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng; quy định TP phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Phát hành tối đa gấp 3 lần vốn chủ sở hữu
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 11 tháng năm 2019, có 28/177 DN có khối lượng phát hành TP vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành), trong đó có 11 DN có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 DN có khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Trong số các DN phát hành TP với khối lượng lớn, một số DN không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi TP.
Nhằm hạn chế DN có quy mô vốn nhỏ phát hành TP với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả DN phát hành và NĐT, dự thảo đã bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành TP theo hướng DN phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất. Trường hợp vượt quá, lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Đối với lãi suất phát hành, Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 468) quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Pháp luật về thuế cũng có quy định về mức chi phí lãi vay hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN... Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành TP không vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự; quy định lãi suất phát hành TP là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập DN theo quy định pháp luật về thuế.
Hiện trên thị trường chưa có công ty đủ uy tín cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để cung cấp sản phẩm chuẩn nhằm làm cơ sở định giá TPDN. Vì thế, việc muốn minh bạch TPDN cũng rất khó do cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng, cũng như thiếu quy định đảm bảo sự ổn định thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng giám đốc VNDIRECT
Hà Linh
Theo saigondautu.com.vn
VNDIRECT: "Ngành dược, sữa và chăn nuôi sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh khi EVFTA có hiệu lực" Sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất. Ngày 12/2 vừa qua, Nghị Viện...