Gánh nặng dinh dưỡng kép của trẻ em Việt
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về tình trạng dinh dưỡng của trẻ, đó là tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng nhanh và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chậm.
Béo phì tăng nhanh, thấp còi giảm chậm
Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý là biện pháp để giúp trẻ em Việt phát triển khỏe mạnh.
Theo nghiên cứu mới được công bố gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia sau 1 năm nghiên cứu tình trạng suy dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, THCS và THPT tại 75 trường thuộc 25 xã, phường của Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.
Cụ thể, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9%, trong khi tỉ lệ này ở nông thôn là 17,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi, gầy còm của trẻ em nông thôn lại cao hơn nhiều so với trẻ em thành thị. Học sinh THCS nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, gầy còm lên tới 15,6% còn học sinh thành thị là 3,8% và 3,4%.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, khẩu phần ăn của học sinh THCS và THPT chưa đạt ngưỡng khuyến nghị về khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, song lượng chất béo động vật trong bữa ăn, trong đồ ăn nhanh lại tăng quá cao. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt như thường xuyên ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, sử dụng nhiều đồ uống có đường trên đường phố (như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa…) làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Video đang HOT
Theo nghiên cứu, tần suất sử dụng đồ uống có đường trên đường phố là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân béo phì của học sinh trung học phổ thông lên 1,4 lần. Đó là chưa kể, trẻ ăn quá nhiều protit kể cả protit từ sữa bò đã khiến hoạt động của thận trẻ trở nên quá tải.
Các chuyên gia dinh dưỡng, suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì đan xen là cửa ngõ của nhiều bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi, ngừng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, khi trẻ mắc thừa cân, béo phí có thể thời điểm hiện tại chưa biểu hiện nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ…
Đặc biệt, ảnh hưởng tâm lý của trẻ thừa cân, béo phì cũng rất lớn, gây nhiều hệ lụy. Qua phản ánh của nhiều bậc phụ huynh có con mắc thừa cân, béo phì cho thấy, khi đến trường trẻ hay bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Điều này kéo dài sẽ khiến trẻ thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, nặng hơn có thể là trầm cảm.
Với suy dinh dưỡng, hậu quả cũng nghiêm trọng không kém. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, suy dinh dưỡng ở trẻ em ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của các quốc gia này, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế. Cụ thể, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi gây giảm năng suất lao động khi đến tuổi trưởng thành. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại, có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng còn có thể dẫn đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm, khuyết tật và thậm chí tử vong, làm giảm lực lượng lao động tiềm năng. Ước tính suy dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% tỷ lệ tăng trưởng GDP của một quốc gia mỗi năm.
Để xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tại vùng nông thôn vẫn cao, theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nguyên nhân cơ bản là do trẻ thiếu đa vi chất dinh dưỡng ở người mẹ ngay từ thời kỳ trước khi mang thai, trong khi mang thai, thời kỳ cho con bú và ở trẻ em dưới 2 tuổi. Một khảo sát mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khẳng định, tình trạng thấp còi đang xảy ra sau 3 năm đầu đời ở trẻ em nông thôn và ảnh hưởng từ tuổi thứ 10 trở đi.
Chiến lược dinh dưỡng, vận động hợp lý
Hiện nay, học sinh chiếm 1/4 dân số của cả nước. Vì vậy, để cải thiện tầm vóc của người Việt cần có chiến lược, định hướng để tăng cường vận động, theo dõi chăm sóc thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh hợp lý. Bà Trần Thúy Nga, chuyên gia nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, với trẻ thừa cân, béo phì, gia đình, nhà trường, cộng đồng cần thường xuyên theo dõi chế độ dinh dưỡng, tình trạng khẩu phần ăn của học sinh để kiểm soát chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của trẻ. Đặc biệt, một trong những biện pháp tốt nhất để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là sử dụng thực phẩm hợp lý, nhiều chất xơ, ít chất béo, bổ sung các loại vi chất cần thiết, tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày), giảm thời gian tĩnh của trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.
Cũng theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, để khắc phục tình trạng tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ em Việt, đặc biệt tại các vùng nông thôn, các can thiệp phòng chống duy dinh dưỡng thấp còi cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội”. Đó là 1.000 ngày vàng từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi- đây được coi là giai đoạn lập trình cho sự tăng trưởng và phát triển sau này của trẻ.
Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, việc bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng là biện pháp hiệu quả giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng. Với trẻ thấp còi, theo các chuyên gia, cần lưu ý hai vấn đề là phát triển chiều cao tối ưu để bắt kịp đà tăng trưởng và tăng cường miễn dịch. Cụ thể, trẻ thấp còi cần được dự phòng bằng các chăm sóc dinh dưỡng bắt đầu từ giai đoạn bà mẹ trước và trong khi mang thai đến khi trẻ sinh ra.
Theo đó, trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thấp canxi (nếu bà mẹ không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ…), bổ sung protein và năng lượng cân bằng, dùng muối i ốt trong chế biến thức ăn. Trẻ cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ; bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6- 59 tháng tuổi’ bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12- 59 tháng tuổi.
Năm 2025, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi dưới 20%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây xuống dưới 50%… Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần phải tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân.
T.Hiếu
Theo baohaiquan
Trẻ em thừa cân có nguy cơ bị huyết áp cao
Nghiên cứu được công bố trên chuyên san European Journal of Preventive Cardiology cho thấy những trẻ thừa cân có nguy cơ bị huyết áp cao tăng gấp đôi, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ trong tương lai.
Shutterstock
Khảo sát gần 1.800 trẻ trong 2 năm, các chuyên gia thấy rằng những trẻ 4 tuổi mắc bệnh béo phì có nguy cơ bị huyết áp cao tăng gấp đôi khi lên 6 tuổi.
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ nhỏ hoạt động thể chất nhiều hơn và có chế độ ăn uống lành mạnh. Mặt khác, ngay từ khi mang thai, người mẹ nên tránh tăng cân quá mức và bỏ hút thuốc, vì đây là những yếu tố nguy cơ gây béo phì ở trẻ em. Đối với những phụ nữ thừa cân, các nhà nghiên cứu khuyên nên giảm cân trước khi mang thai.
"Thừa cân và béo phì dẫn đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau, song kết quả cho thấy những trẻ trở lại cân nặng bình thường cũng lấy lại được huyết áp khỏe mạnh", trưởng nhóm nghiên cứu Inaki Galan thuộc Viện Y tế Carlos III ở Tây Ban Nha cho biết.
Theo ông, cách tốt nhất để duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm số cân dư thừa là tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh.
Theo Thanh niên
Hà Nội tổ chức cho trẻ uống bổ sung vitamin A từ ngày 31-5 Ngày 25-5, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong hai ngày 31-5 và 1-6, Hà Nội sẽ triển khai Ngày Vi chất dinh dưỡng đợt I năm 2019 với hai nội dung: Cho trẻ uống vitamin A và cân, đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa Ước tính sẽ có gần 470.000 đối tượng được uống...