Gần trăm người đổ xô đến Bình Thuận tìm trầm
Xuất phát từ tin đồn có người trúng trầm được 20 tỷ đồng, nhiều nhóm người từ các tỉnh miền Trung đổ xô vào khu rừng ở Bình Thuận với hy vọng đổi đời.
Hơn chục ngày qua, nhiều nhóm người từ Khánh Hòa, Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung đột nhập trái phép vào khu rừng ở núi Đá Ông, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận để tìm trầm, gây mất an ninh trật tự.
Nhóm người đột nhập vào rừng tìm trầm trái phép bị ngăn chặn. Ảnh: Tư Huynh
Cụ thể, ngày 27/4, 8 người đàn ông mang theo rựa và dụng cụ đào đất đi xe vào rừng đào trầm nhưng bị kiểm lâm phát hiện. Tối hai ngày sau, 3 ôtô chở 41 người từ Khánh Hòa đến địa phương, định đột nhập vào rừng cũng bị cảnh sát ngăn chặn.
Được mời về trụ sở làm việc, những người này khai do nghe tin đồn có người trúng khúc trầm 20 tỷ ở rừng này, nên đánh liều vào đây tìm trầm với ước mong đổi đời.
Lực lượng kiểm lâm giải thích đây là khu vực rừng khộp, không có trầm, vả lại, vào rừng trái phép là vi phạm phát luật. Nhóm tìm trầm được chở ra quốc lộ 1A, đón xe khách về quê trong đêm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những ngày sau đó lại có thêm nhiều nhóm khác tiếp tục kéo đến rừng núi Đá Ông. Lực lượng tuần tra đã lập biên bản, yêu cầu họ quay trở về.
Theo ông Võ Đình Cấp, Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Phong, tính đến nay lực lượng đã truy đuổi 71 người ra khỏi rừng. “Hiện nay tình hình đã tạm ổn. Chúng tôi đang duy trì 2 chốt chặn đóng tại cửa rừng, nếu có người đến tìm trầm sẽ kịp thời truy đuổi”, ông Cấp cho biết.
Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết đã gửi hai văn bản ra địa phương có người tìm trầm để tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết thông tin có người trúng trầm 20 tỷ là tin đồn sai sự thật.
Tư Huynh
Theo VNE
Chấm dứt tìm kiếm 'kho vàng 4.000 tấn' ở núi Tàu
Tỉnh Bình Thuận khẳng định thông tin kho báu 4.000 tấn vàng dưới 3 giếng cổ sát biển, cách núi Tàu một km là ảo tưởng nên không cho phép thăm dò, khảo sát.
Ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận kiểm tra 3 giếng cổ mà ông Hoàng Văn Đợi bảo có kho báu. Ảnh: Tư Huynh
Ngày 12/4, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn yêu cầu chấm dứt và không giải quyết những vấn đề liên quan đến việc khảo sát, thăm dò kho báu tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong theo thông tin do ông Hoàng Văn Đợi (ở TP HCM) cung cấp.
Đầu tháng 3, trình báo với chính quyền xã Phước Thể, ông Đợi cho rằng có phát hiện mới về kho báu núi Tàu. Ông cho biết kho báu quân đội Nhật để lại trong Thế chiến thứ hai không nằm trên núi như ông Trần Văn Tiệp - người đã tìm kiếm từ năm 1993 - nhận định, mà là nằm dưới 3 giếng cổ sát biển, cách núi Tàu một km.
Qua làm việc với ông Đợi cũng như kiểm tra thực tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận khẳng định, thông tin do ông Đợi cung cấp xuất phát từ suy luận theo hướng cảm tính cá nhân, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, không có cơ sở khoa học.
Trước ông Đợi, ông Tiệp (101 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng từng cho rằng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, lúc giải giáp do thua trận quân Đồng minh, quân đội Nhật đã gấp rút chôn giấu 4.000 tấn vàng tại khu vực núi Tàu.
Được phép của chính quyền địa phương, năm 1993, ông Tiệp thuê máy móc tiến hành đào bới, thăm dò kho báu. Lúc này, cùng hợp tác với ông Tiệp có ông Tám Hiền, nguyên Bí thư tỉnh Thuận Hải cũ (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).
Hơn 20 năm ông Tiệp đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để truy tìm kho báu với nhiều biện pháp thủ công cũng như hiện đại, kể cả việc dùng nhà ngoại cảm, nhưng đều vô vọng.
Ngoài ra, trong quá trình ông Tiệp thăm dò, địa phương cũng mất nhiều công sức và thời gian cho công tác quản lý nhà nước. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công an, quân đội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo tàng tỉnh được phân công giám sát hoạt động khai thác thăm dò của nhóm ông Tiệp.
Núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Ảnh: Tư Huynh
Sau nhiều lần gia hạn, ngày 10/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản không cho triển khai tiếp việc tìm kiếm kho báu ở núi Tàu; yêu cầu ông Tiệp hoàn thổ, trả lại hiện trạng núi Tàu như cam kết. Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã 6 lần cho phép cho ông Tiệp thăm dò ở núi Tàu để tìm 4.000 tấn vàng.
Trực tiếp theo dõi công tác thăm dò kho báu trong nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định, những chứng cứ và thông tin của ông Tiệp và ông Đợi đưa ra về kho báu ở núi Tàu là không có khoa học, không có chứng cứ pháp lý.
"Tôi nghĩ cần khép lại vấn đề thông tin về kho báu núi Tàu. Không nên tạo thêm dư luận nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương", ông Hạnh nói.
Tư Huynh
Theo VNE
Bình Thuận: Toàn cảnh vụ bắt cóc, tống tiền, sát hại con tin gây chấn động dư luận Vụ án bé trai 11 tuổi bị bắt cóc và sát hại chấn động dư luận tại Bình Thuận đến nay vẫn được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Kẻ thủ ác đã cúi đầu khai nhận hành vi tàn độc của mình. Tuy nhiên, những tình tiết giai đoạn đầu vụ án vẫn còn nhiều bí ẩn. Bao tổng hợp...