Gần ngày cưới, tôi sợ mình vô sinh
Năm lên 12 tuổi, tôi bị bệnh quai bị, biến chứng làm teo một bên tinh hoàn, bác sĩ nói nhiều khả năng sau này tôi sẽ không thể có con.
Điều đó khiến tôi rất lo lắng.Năm nay tôi đã 27 tuổi. Tôi có người yêu và dự định sẽ đám cưới vào cuối năm nay. Đã nhiều lần tôi muốn kể với người yêu về chuyện này nhưng rồi lại sợ cô ấy lo lắng; thậm chí sợ cô ấy sẽ vì lý do đó mà không yêu tôi nữa. Tôi không biết mình đúng hay sai khi làm như vậy? Nếu tôi không nói, sau này cô ấy biết được sợ rằng tình cảm sẽ bị sứt mẻ. Càng gần đến ngày cưới, tôi càng lo lắng không yên…
letuongtan…@ yahoo.com
Bạn thân mến,Điều lo lắng của bạn là có cơ sở. Tuy nhiên, bệnh tật là điều không ai muốn. Nếu thật lòng yêu nhau thì niềm vui của người này cũng là hạnh phúc của người kia và ngược lại. Do vậy, có lẽ bạn không nên giấu giếm sự thật. Dù biết rằng bạn có ý tốt khi không nói ra nhưng điều đó sau này có thể khiến vợ bạn nghĩ rằng bạn không thật lòng yêu thương, tin tưởng cô ấy nên mới che giấu như vậy. Khi đó việc sứt mẻ tình cảm, giận hờn là khó tránh.
Khoa học ngày nay đã tiến bộ nhiều. Việc chữa trị hiếm muộn có tỉ lệ thành công rất cao. Bạn hãy lạc quan tin tưởng, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. (ảnh minh họa)
Vợ chồng là nghĩa trăm năm, có sướng cùng hưởng, gặp nạn cùng chia. Tin rằng khi bạn nói ra sự thật, người yêu bạn bây giờ sẽ hiểu, thông cảm và càng yêu thương, tin tưởng bạn hơn. Về vấn đề có con hay không, bạn không nên mất hết hi vọng. Nếu chỉ bị teo một bên tinh hoàn thì bên còn lại vẫn có thể sản xuất tinh trùng và bạn vẫn có thể có con cái bình thường. Còn như thấy chưa yên tâm, bạn có thể nhờ đến bác sĩ chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm và tư vấn. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng không nên tuyệt vọng. Khoa học ngày nay đã tiến bộ nhiều. Việc chữa trị hiếm muộn có tỉ lệ thành công rất cao. Bạn hãy lạc quan tin tưởng, chắc chắn sẽ có kết quả tốt.
Theo VNE
Chọn chồng...
Với nhiều đàn ông, sở dĩ kho tàng cổ tích Việt Nam quyến rũ là vì có vô số "phi vụ" kén chồng phi thường thần thoại.
Xa xưa, và lác đác cũng có thể còn đến bây giờ, thao tác kén chồng thường là độc quyền của đám thiếu nữ đoan trang đức hạnh mà Kinh Thi của người Tầu gọi bằng chữ rất hay là thục nữ.
"Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu". Sau thục nữ thì đến những nàng "cập kê" vừa có nhan sắc vừa có bố làm to. Rồi bét nhất mới là bọn dư dật hồi môn của nả. Do tiến triển của văn minh vật chất, tới ngày nay, thứ tự kể trên đã hình như thay đổi. Những nàng có của đương nhiên đang chễm chệ ngôi đầu. Tất nhiên, nếu nàng nào đó hội đủ cả ba trong một thì khỏi phải bàn. Đã xinh, đã sang giầu lại còn ngoan ngoãn ôn nhu, kỳ vật hoang đường này chắc chỉ lãng đãng tồn nghi trong cổ tích.
Với nhiều đàn ông, sở dĩ kho tàng cổ tích Việt Nam quyến rũ là vì có vô số "phi vụ" kén chồng phi thường thần thoại. Nào là tiểu thư con quan sở hữu hơn ngàn lượng SJC không nhái, bỗng lấy chàng trắng tay đánh dậm. Nào là ái nữ con nhà phú hộ hồi môn có tám sổ đỏ, chỉ khăng khăng đòi ở với anh chàng nghèo kiết thuyền chài. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là "ca" của chàng trai họ Chử. Chàng bần bạch đến mức suốt ngày cởi truồng. Vậy mà nhờ nhân duyên nhân hậu, đột nhiên vào một ngày đẹp giời chợt được công chúa chọn. Đám đàn ông hôm nay đủ mọi loại tuổi say mê háo hức đọc, dãi nhỏ tong tong. Có thể nói, nỗi khát khao lấy được vợ "có nhà mặt phố, có bố làm to" luôn cháy bỏng trong một bộ phận không nhỏ của đàn ông đương đại.
Tất nhiên, các thiếu nữ đã có bố như thế có nhà như thế thì khi kén chồng đều không ngu. Mà nhỡ có ngu thì "nó lú có chú nó khôn", cả một bộ tổng tham mưu từ ông bà cha mẹ đến cô dì chú bác xúm vào nồng nhiệt định hướng. Thời phong kiến, định hướng kén chồng thường nhằm vào đám sĩ tử. "Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ". Bởi bây giờ là anh đồ kiết, nhưng biết đâu đấy, qua vòng thi Hương thi Hội (thôi miễn tính thi Đình), nhỡ anh ta "trúng quả" đỗ đạt thành ông này ông nọ lẫm liệt oai phong. Ngày xưa, cứ đỗ cử nhân là được bổ làm quan, mà "đàn ông quan tắt thì chày. Đàn bà quan tắt nửa ngày lên quan". Muốn thực hiện dự án thành quan bà thì bắt buộc đành phải đầu tư chiều sâu. Vì thế trong làng trong xã, có anh học trò nào chưa vợ sắp ứng thí, lập tức các loại nhà gái đổ xô đến kén. Bọn họ giúp gạo rồi giúp tiền, đại loại như một thứ xí chỗ. Có điều đã là chạy dự án thì thời nào cũng giống thời nào thôi, rủi ro cao lắm. "Thân em như hạt mưa sa". Nhiều nhà vô phúc vớ phải thằng rể dốt, thi trượt lên trượt xuống, công của đầu tư tan vào mây khói.
Nói cho cùng, loại đi vài hủ tục không đáng có, thì chuyện kén chồng luôn là chuyện nghiêm túc của muôn đời. (ảnh minh họa)
Để chắc ăn, những nhà cậy tiền hoặc cậy quyền chơi đòn hớt ngọn. Bọn họ kiên trì rình rập những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu triều đình mở khoa thi Hương, bèn dẫn con gái "thập diện mai phục" quanh các cổng trường, ngong ngóng chờ hôm xướng danh tìm cách tống tình mấy ông tân khoa. Hồi ấy, sĩ tử thi đỗ thường được hưởng hai cái sướng cùng một lúc, tục gọi là "nhị hỷ lâm môn". Vừa bằng cấp sáng chói, vừa có vợ sáng choang, thảo nào đàn ông thời phong kiến đều nổi tiếng hiếu học. Lịch sử khoa cử của Tầu có chép chuyện Trần Thế Mỹ. Thằng này tài thật, thi đỗ Trạng nguyên, may mắn "chuột sa chĩnh gạo" rơi vào tầm ngắm của một nàng công chúa đang lâm cảnh "chổng mông mà gào". Giống như một bộ phận không nhỏ của trí thức ưu tú, thằng Thế Mỹ bèn bỏ phắt người vợ tần tảo ở quê. Chuyện đến tai Bao Chửng, lúc đó Khai Phong phủ chưa có văn hóa "khai phong bì", nên thằng khốn nạn ấy bị Bao Thanh Thiên đại lão gia chém quay lơ trước công đường.
Thục nữ kén chồng tạo ra nhiều cảnh cảm động, nhất là khi kén trượt. Nhà văn nho sĩ Ngô Tất Tố có chi tiết mô tả. "Khi thấy đoàn võng lọng của hai vợ chồng ông Nghè vừa qua một quãng... Bỗng một người con gái trạc hai mươi tuổi nằm sõng sượt trên bãi cỏ con đường ngang, đầu tóc rũ rượi, hai mắt nhắm nghiền, bọt mép đùn ra trắng xóa". (Lều chõng - NXB Văn Học, trang 22). Thiếu nữ bị thuốc lắc vật chăng. Thưa không. Đấy là một cô hoa hậu làng tên Ngọc, xinh ngang với Tăng Thanh Hà cùng Hoàng My cộng lại, đang ở cao trào của tình trạng chọn trượt chồng. Đối tác mà cô "tăm tia" từ lâu, vào cái hôm đỗ Nghè, chợt quay sang cưới người khác. Tiếc công mót chồng (mót là động từ thuần Việt, bi thảm hơn kén hay chọn. Ví dụ, mót thóc, mót than) nên cô bị "xì trét". Truyền thống "giẫy đành đạch" khi bị đại gia bỏ rơi, hình như đến bây giờ vẫn được vài chân dài nâng niu gìn giữ. Không phải ngẫu nhiên mà đại thi hào Nguyễn Du hơn một lần xót xa chia sẻ "đau đớn thay phận đàn bà".
Tuy nhiên, chỉ con gái nhà sang mới thích chọn chồng có chữ, "phi cao đẳng bất thành phu phụ", chứ nhà bình bình thì tiêu chí đầu tiên phải là khỏe. Chuyện "anh cả Lắc" là điển hình minh họa. Chuyện này trớ trêu lắm nhưng quá "xếch xi", nên đành chỉ để đường dẫn (Kho tàng tiếu lâm Việt Nam - NXB Văn Học 1991, trang 18).
Nói cho cùng, loại đi vài hủ tục không đáng có, thì chuyện kén chồng luôn là chuyện nghiêm túc của muôn đời. Với nhiều thục nữ đức hạnh, nó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, cho dù phong trào "single mom" đang thành thời thượng. Tinh hoa kinh nghiệm về chọn chồng luôn tràn ngập trong ca dao. Đơn cử, "Đi chợ chớ mua thịt mông. Lấy chồng chớ lấy dở ông dở thằng". Ngày nay xã hội dư dật tươi đẹp, đàn ông thích ăn nhiều đạm nên đa phần đều nửa nạc nửa mỡ, giông giống như thịt mông làm các bà các cô đâm lưỡng lự. Thế nhưng không hiểu sao, phụ nữ khi ngập ngừng đều vô cùng quyến rũ. Một thiên tài thi sĩ đã nghẹn ngào làm thơ tặng riêng cho họ. "Bởi em lưỡng lự chọn chồng. Nên em đã có bờ mông thật buồn".
Chao ôi, có cái gì ở trên đời này lại vừa đẹp vừa lãng mạn như một nỗi buồn cong vút.
Theo Eva
Người yêu 5 năm, bị bạn thân cướp mất Đau khổ hơn, khi sự việc bại lộ, Hằng không giải thích lời nào, chỉ xin lỗi và mong Chung tha thứ. 5 năm chung thủy một mối tình 5 năm, Chung yêu Hằng bằng tình yêu trong sáng. Mọi thứ anh đều dành cho cô. Từ những cử chỉ quan tâm ân cần, nhỏ nhặt nhất, đến những việc trọng đại, việc...