Gắn hộp đèn cho taxi công nghệ, có đảm bảo công bằng trong kinh doanh?
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm việc gắn hộp đèn cho taxi công nghệ.
Taxi công nghệ tại Singapore ( xe Mercedes màu trắng), tại Thái Lan (xe màu xám), đều có gắn hộp đèn trên nóc xe. Ảnh: Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch VATA
Đây là lần thứ 9 Bộ GTVT gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên, và lần này Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm, khẳng định việc gắn hộp đèn cho taxi công nghệ là cần thiết, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Trong công văn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ, việc bổ sung quy định gắn cố định hộp đèn trên xe Grab, taxi công nghệ nói chung nhằm đảm bảo quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, việc gắn hộp đèn nhằm tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh, dẫn đến khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị…
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho biết, VATA đồng thuận với dự thảo của Bộ GTVT, đặc biệt đảm bảo tính công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Ông Quyền cho rằng, xét từ góc độ đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong kinh doanh vận tải, thì vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện, cần có phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh, cần tổ chức quản lý về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
“Hiện nay, ở một số đô thị lớn có tổ chức giao thông theo hướng cấm hoặc hạn chế các phương tiện kinh doanh hoạt động theo thời gian trong ngày; đồng thời có một số khu vực ưu tiên cho xe taxi đi vào hoặc dừng, đỗ chờ khách… Nếu không có hộp đèn thì không có cơ sở để tổ chức và kiểm soát giao thông”, ông Quyền dẫn chứng: Ở các nước, họ phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải bằng màu sơn biển số đăng ký xe. Trong khi ở Việt Nam, do chưa phân biệt được theo màu sơn của biển số đăng ký, thì phải có hình thức nhận diện phù hợp.
Về chi phí, việc lắp thêm hộp đèn có phát sinh thêm chi phí, tuy nhiên việc này cũng tạo thêm một kênh để giúp người vận tải kết nối với hành khách, và là nhận diện để xe kinh doanh vận tải được vào những khu vực được ưu tiên… Tham khảo kinh nghiệm quản lý của một số nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… thì các nước cũng có quy định này.
Ông Văn Công Điểm – đại diện hãng taxi Vato bày tỏ: “Quy định này của Bộ GTVT đảm bảo tính công bằng, đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải quan tâm, chờ đợi… và quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng dễ giám sát”.
Theo một số bạn đọc, việc quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ là điều rất cần thiết, vì nó đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Video đang HOT
Bạn đọc Minh Thu ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đồng tình quy định gắn hộp đèn điện tử hay gắn logo cho taxi công nghệ. Khi taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống đều chở khách từ điểm A đến điểm B, thì đều phải gắn “mào” như nhau, như vậy mới công bằng. Tôi không nghĩ tài xế sợ gắn “mào” thì chi phí tăng, vì đã kinh doanh thì phải đầu tư”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hương Giang ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực ra taxi công nghệ cũng là loại hình vận tải theo nhu cầu trong đô thị, các xe hoạt động theo nguyên lý trên về bản chất là taxi nhưng áp dụng công nghệ vào việc kinh doanh, nên cần phải quản lý và quy định tương tự taxi truyền thống.
“Khi quy định gắn “mào” cho taxi công nghệ được thông qua, thị trường sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng đầy tính công bằng. Quy định này cũng giúp cơ quan quản lý vận tải thuận lợi trong công tác quản lý…”, bạn đọc Hương Giang ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh nói.
Nghiêm Lan
Theo Thanhtra
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về 'điểm nghẽn' hạ tầng giao thông ĐBSCL
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" cho sự phát triển bền vững của TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP
Báo cáo, đề xuất với Chính phủ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt.
"Giao thông vận tải phải đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông vận tải phát triển đến đâu, kéo các ngành kinh tế phát triển theo"- ông Thể nhận xét.
Theo Bộ trưởng Thể, với mục đích phát triển vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của TW, Bộ đã tiến hành tái cơ cấu lại ngành giao thông vận tải và quan tâm nhiều hơn đến vận tải thủy, đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ.
"Trong 2 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi đã hoàn thành các dự án và đưa vào sử dụng. Điển hình như khánh thành cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh"- ông Thể thông tin.
Bên cạnh đó, ông Thể cho biết đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội và bố trí được 10.600 tỷ đồng để thực hiện một số dự án mới như quốc lộ 30, quốc lộ 57, quốc lộ 53, cầu Mỹ Thuận 24...
Tuy nhiên, ông Thể cho rằng kết quả 2 năm qua vẫn chưa hài lòng vì giao thông vận tải khu vực này vẫn đang làm 'điểm nghẽn' rất lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM và ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" cho sự phát triển bền vững của TP.HCM và ĐBSCL
Kỳ vọng 'cất cánh' ở ĐBSCL
Người đứng đầu ngành giao thông cả nước cho biết, giai đoạn sắp tới sẽ tham mưu với Chính phủ một số lĩnh vực ưu tiên và ông kỳ vọng 'cất cánh' khu vực ĐBSCL.
Đối với đường bộ, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ kết nối tốt ĐBSCL với TP.HCM thông qua 5 dự án lớn gồm: dự án cao tốc TP.HCM- Cần Thơ đang triển khai và Bộ sẽ đẩy mạnh, giám sát, đôn đốc để kết thúc sớm dự án này.
Dự án thứ 2 là tập trung nâng cấp quốc lộ 60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía đông kết nối ĐBSCL với TP.HCM.
Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên đang quá tải. Và hai dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 tại TP.HCM giúp kết nối Đông - Tây TP.HCM. Không chỉ vậy, hai tuyến này còn hỗ trợ kết nối cho các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ để tránh vận tải đi qua trung tâm TP góp phần kéo giảm ùn tắc.
Yếu tố thứ 2, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ tập trung phát triển các đường ngang để kết nối các tỉnh ĐBSCL với Campuchia và sẽ phát huy các trục dọc.
Hạ tầng phát triển chậm khiến đường cửa ngõ miền Tây lên TP.HCM thường xuyên ùn tắc vào các dịp nghỉ lễ
Hiện nay, Bộ đã triển khai đường N1, N2 và đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, cao tốc...Do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ quan tâm đến quốc lộ 62 nối Long An qua cửa khẩu Bình Điền sang Campuchia, đường quốc lộ 30 nối An Hữu với Cao Lãnh để kết nối với tuyến Cao Lãnh- Rạch Sỏi với tuyến cao tốc TP.HCM - TP. Cần Thơ. Hai tuyến này có vai trò rất quan trong trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.
Phát triển nâng cấp quốc lộ 91 để hình thành trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Và cuối cùng là đường hành lang ven biển kết nối TP Rạch Giá với cửa khẩu Xà Pía sang Campuchia.
Ngoài ra, ông Thể cũng cho rằng đường thủy lợi thế rất lớn nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ tham mưu chính phủ để nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo kết nối khu vực đồng bằng với TP.HCM để giảm tải cho đường bộ.
Về đường biển, ông cho biết sẽ đề xuất hình thành cảng biển lớn ở ĐBSCL và ưu tiên cảng biển nước sâu theo hình thức xã hội hóa. Biến Cần Thơ thành trung tâm Logistics của đồng bằng.
Về hàng không, ông Thể cho biết đang tìm giải pháp tăng cường phát triển cho sân bay Cần Thơ. Hiện nay, sân bay này chỉ mới khai thác khoảng 30%. Nâng cao sân bay Phú Quốc lên 5 triệu vì hiện nay đã quá tải với lưu lượng đạt trên 2 triệu lượt. Do đó, Bộ sẽ đề xuất xây thêm 1 đường băng nữa.
Đặc biệt, ông Thể cho biết hiện đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ đã làm việc với các địa phương và tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất báo cáo với Chính phủ. Tuyến đường sắt này sẽ góp phần chia lửa cho đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng với TP.HCM.
Theo Vietnamnet
Hàng không 'khát' nhân lực: Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không và trình Thủ tướng trong tháng 6/2019. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của...