Gần 800.000 người nhiễm nCoV toàn cầu
Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, nâng số ca nhiễm lên gần 800.000, trong đó gần 38.000 người đã chết.
Thế giới ghi nhận 782.034 ca nhiễm nCoV và 37.609 người chết tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu chiếm khoảng 2/3 số ca tử vong với 26.674 người chết được ghi nhận. Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất với 11.591 người.
Mỹ ghi nhận thêm 18.089 ca nhiễm và 412 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.580 và 2.995, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 66.497 ca nhiễm, trong đó 1.218 người đã tử vong.
Tàu bệnh viện USNS Comfort với sức chứa 1.000 giường bệnh đã tới thành phố New York. Con tàu không có khả năng điều trị Covid-19, nhưng có thể tiếp nhận những bệnh nhân thông thường để các bệnh viện tập trung chống dịch.
Trump cũng thông báo kéo dài chính sách “cách biệt cộng đồng” tới ngày 30/4 để làm chậm tốc độ lây lan của nCoV và dự đoán đỉnh dịch tại Mỹ sẽ đến trong hai tuần tới, vào Lễ Phục sinh 12/4. Trump thừa nhận số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể vượt quá 100.000, khẳng định chính quyền làm rất tốt nếu ngăn điều này xảy ra.
Italy phát hiện thêm 4.050 ca nhiễm mới và 812 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết đến nay lần lượt là 101.739 và 11.591. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là gần 11,4%, mức cao nhất thế giới và gấp hơn hai lần tỷ lệ tử vong toàn cầu. Nước này là quốc gia thứ hai báo cáo hơn 100.000 người nhiễm nCoV, chỉ sau Mỹ.
Viện Y tế Quốc gia Italy cho hay độ tuổi trung bình của người tử vong là 78,5, với nạn nhân trẻ nhất 31 tuổi và già nhất 103 tuổi. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Italy đặc biệt cao.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện Erasme ở Brussels, Bỉ hôm 27/3. Ảnh: AFP.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 7.846 ca nhiễm và 913 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt 87.956 và 7.716, vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới. Thủ đô Madrid và vùng Catalonia là hai địa phương có số người chết vì nCoV cao nhất Tây Ban Nha, lần lượt là 3.392 và 1.410.
Giới chức y tế nhận định tốc độ tăng các ca nhiễm và tử vong mới tại Tây Ban Nha giảm trong những ngày gần đây cho thấy Covid-19 có thể sớm đạt đỉnh tại nước này. Tỷ lệ tăng số ca tử vong tại Tây Ban Nha hôm qua là 12,4%, giảm hơn một nửa so với tỷ lệ 27% hôm 25/3.
Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 và Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 28/3 công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa, buộc những người lao động ở các lĩnh vực không thiết yếu phải ở nhà trong 14 ngày tới.
Video đang HOT
Đức ghi nhận thêm 4.450 ca nhiễm và 104 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 66.885 và 645. Là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, song tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ 0,9%.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, 65 tuổi, hôm qua cho kết quả âm tính nCoV lần ba. Bà Merkel tự cách ly tại căn hộ ở Berlin một tuần qua sau khi tiếp xúc với bác sĩ nhiễm nCoV.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 41.495 ca nhiễm và 2.757 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.186 ca nhiễm và 117 trường hợp tử vong. Chính phủ Iran cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài thêm vài tháng và giết chết hơn 10.000 người. Tổng thống Hassan Rouhani bị các đối thủ chính trị công kích vì đã không hành động kịp thời để ngăn dịch bệnh.
Iran đã đóng cửa các trường học, hủy các buổi lễ cầu nguyện, đóng cửa quốc hội cũng như các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite. Iran cũng áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt sau khi hàng trăm nghìn người dân vẫn đổ xuống đường đón dịp Tết Ba Tư. Bộ Y tế Iran liên tục kêu gọi người dân khai báo thông tin cũng như các triệu chứng nghi nhiễm nCoV.
Trung Quốc ghi nhận 48 ca nhiễm mới, tăng 17 ca so với hôm qua và là mức tăng sau 4 ngày giảm. Toàn bộ 48 trường hợp đều là ca ngoại nhập, nâng số ca ngoại nhập tại Trung Quốc lên 771.
Trung Quốc cũng báo cáo thêm 5 trường hợp tử vong, nâng số người chết do dịch bệnh lên 3.305. Giới chức Trung Quốc lo ngại sự gia tăng các ca ngoại nhập nên đã đẩy mạnh quy trình kiểm tra sức khỏe, cách ly, thậm chí giảm số chuyến bay quốc tế và cấm nhập cảnh đối với hầu hết người nước ngoài.
Hàn Quốc báo cáo thêm 125 ca nhiễm nCoV, tăng 47 ca so với hôm qua, nâng số ca nhiễm lên 9.786. Nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 162, chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền.
Trong số ca nhiễm mới, 15 trường hợp là ca ngoại nhập, nâng số ca ngoại nhập tại Hàn Quốc lên 518. Hàn Quốc sẽ cách ly bắt buộc trong hai tuần đối với tất cả công dân nước ngoài, bắt đầu từ 1/4.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.626 ca nhiễm và 37 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 122 người chết trong 1.414 người nhiễm, tỷ lệ tử vong là 8,6%.
Philippines và Thái Lan đều ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm, song ca tử vong tại hai nước này khá chênh lệch, lần lượt là 78 và 9. Covid-19 đã xuất hiện tại toàn bộ 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á.
'Cú sốc virus thứ hai' khiến các nhà máy Trung Quốc lao đao
Đã mở cửa trở lại nhưng các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc điêu đứng vì hàng loạt công ty tại Mỹ và châu Âu hủy đặt hàng, hoãn thanh toán.
Theo Bloomberg , từ tuần trước, các đối tác nước ngoài liên tục gửi email cho ông Grace Gao, CEO hãng xuất khẩu Pangu Industrial ở Sơn Đông, thông báo hoãn hoặc hủy đặt hàng. Số hàng sẵn sàng được chuyển đi từ Pangu giờ nằm lì trong kho.
Các đối tác nước ngoài cũng đề nghị hoãn thanh toán cho Pangu trong ít nhất 2 tháng nữa. Pangu là nhà sản xuất các dụng cụ như rìu và búa. Khoảng 60% tổng số hàng của hãng được xuất khẩu sang châu Âu.
Dịch virus corona chủng mới đang hoành hành tại nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Anh và Đức. Do đó, các khách hàng châu Âu đồng loạt hủy hoặc hoãn đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc mới hoạt động trở lại.
CEO Gao ước tính doanh số tiêu thụ tháng 4 và 5 sẽ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tình hình đảo chiều quá nhanh. Tháng trước, khách hàng nước ngoài còn liên tục giục chúng tôi đẩy tiến độ giao hàng. Giờ chúng tôi phải 'truy đuổi' họ để biết có thể giao hàng hay không", ông than thở.
Trong một nhà máy lắp ráp điều hòa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Getty Images.
Đe dọa sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc
Theo Bloomberg, đây là vấn đề ảnh hưởng đến hàng loạt công ty khắp Trung Quốc, đe dọa nỗ lực khôi phục nền kinh tế của nước này sau gần 2 tháng tê liệt vì dịch bệnh. Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố biện pháp hỗ trợ kinh tế và gửi đi thông điệp lạc quan, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.
"Đây chắc chắn là cú sốc thứ hai đối với nền kinh tế Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Xing Zhaopeng thuộc Australia & New Zealand Banking Group nhận định. "Virus lây lan toàn cầu sẽ tàn phá sản xuất của Trung Quốc thông qua hai kênh là làm gián đoạn chuỗi cung ứng và kéo tụt nhu cầu của thị trường quốc tế".
Ngày 31/1, chính quyền Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý thu mua sản xuất của tháng 3. Khi đó, bức tranh về ngành sản xuất Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tình trạng sụt giảm của 2 tháng đầu năm sẽ tiếp diễn.
Rất nhiều doanh nghiệp than thở tình trạng khách hàng nước ngoài hủy đơn đặt hàng và chậm thanh toán là vấn đề rất nghiêm trọng. "Nhiều trường hợp khách hàng nước ngoài không thể nhận hàng vì hải quan các nước siết chặt kiểm soát", ông Dong Liu, Phó chủ tịch Công ty Công nghệ dệt Phúc Kiến, cho biết.
Công ty của ông Dong hiện sản xuất với công suất gần 100% sau khi các công nhân trở về từ tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn ban đầu của dịch Covid-19. "Việc các đơn đặt hàng xuất khẩu bị hủy là rất nghiêm trọng", ông nhấn mạnh.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất găng tay ở tỉnh An Huy. Ảnh: Getty Images.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, trong trường hợp xấu nhất, ước tính nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 2.700 tỷ USD sản lượng vì dịch bệnh tàn phá khu vực kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hàng loạt sự kiện thể thao lớn bị hoãn lại hoặc hủy bỏ như giải bóng rổ NBA của Mỹ và Olympics Tokyo 2020 cũng đều tác động nghiêm trọng đến các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.
"Bắt đầu từ trung tuần tháng 2, chúng tôi chứng kiến các đơn hàng bị hủy. Đầu tiên, nguyên nhân là một số giải marathon ở Nhật Bản bị hủy. Sau đó, các đơn hàng ở châu Âu rồi đến Mỹ biến mất", bà Alice Zeng thuộc AQ Pins an Gifts than thở.
Doanh nghiệp nhỏ đối mặt tương lai u ám
AQ Pins an Gifts xuất khẩu 100% sản phẩm đầu ra và từng hy vọng giành một hợp đồng cung cấp hàng cho Euro 2020. Giải đấu bóng đá châu Âu cũng bị hoãn 1 năm vì dịch bệnh. Các nhà máy của công ty ở Đông Hoản vẫn đang hoạt động, nhưng rất khát đơn hàng.
"Xuất khẩu Trung Quốc lao dốc trong những tháng tới là điều không thể tránh khỏi", nhà kinh tế trưởng Lu Ting thuộc Nomura International viết trong báo cáo gửi khách hàng hôm 24/3.
Những ngày qua, chính quyền Trung Quốc liên tục kêu gọi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất sau khi tạm thời khống chế dịch Covid-19. Khảo sát của Bloomberg cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc quả thực đã nhích lên từ mức đáy hồi tháng 2.
Nhưng giờ các nhà sản xuất Trung Quốc lao đao với việc thị trường quốc tế bị thu hẹp. Tại Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi nổi tiếng với mặt hàng dệt may, chủ các nhà máy đứng ngồi không yên vì số đơn hàng bị hủy tăng lên mức kỷ lục.
Vừa mở cửa trở lại trong tháng này, 78% doanh nghiệp phản ánh tình trạng đơn hàng sụt giảm và 65% thông báo đơn hàng bị hủy. Các doanh nghiệp nhỏ và thiếu nguồn lực tài chính càng khốn đốn vì hàng hóa tồn động, khách hàng trì hoãn trả tiền.
Hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn. Ảnh: Reuters.
"Hàng hóa bị tồn đọng quá nhiều. Khách hàng không thể chuyển tiền cho chúng tôi vì các ngân hàng đóng cửa, nhân viên phải làm việc từ nhà", ông Janny Zhou thuộc một công ty sản xuất phụ tùng với 200 nhân viên ở Thái Châu buồn bã nói.
Hiện, chính quyền Trung Quốc đang tập trung hỗ trợ người lao động giữ công ăn việc làm dù thu nhập sụt giảm. Chính quyền các địa phương cho phép doanh nghiệp chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn chưa có thêm biện pháp cụ thể nào để giúp các công ty sản xuất đối phó với tình trạng hiện tại.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận tình trạng hủy đơn hàng leo thang và cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng những biện pháp như giảm thuế, bảo hiểm và cung cấp tín dụng. Bắc Kinh cũng hứa giúp doanh nghiệp xây kho ngoại quan, hợp lý hóa thủ tục hải quan...
Nhà kinh tế Harry Hu thuộc Macquarie Group cảnh báo: "Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Trong cả năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm 10% hoặc hơn".
Virus đẩy văng hàng nghìn nhân viên y tế ra khỏi chiến tuyến ở châu Âu Thiếu sự chuẩn bị nghiêm túc, nhiều quốc gia châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị y tế. Điều này khiến các nhân viên y tế thành một phần trong chuỗi lây nhiễm. Khắp Tây Âu, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dùng những từ ngữ miêu tả một cuộc chiến để nói về nỗ lực đẩy lùi...