Gần 5 triệu người Việt đang sống chung với bệnh tiểu đường
Thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, trong gần 5 triệu người mắc bệnh có đến 50% chưa được chẩn đoán và điều trị.
Ảnh minh họa
Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tại hội thảo hôm 16/6, ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh rồi vẫn chưa được điều trị tốt.
“Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường”, ông Dàng chia sẻ. Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng ở tất cả khu vực trên thế giới. Bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Khoảng 425 triệu người mắc bệnh toàn cầu và 159 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương, dự báo tăng lên 183 triệu người vào năm 2025.
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi… Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.
Video đang HOT
Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô ngứa da… Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.
Yếu tố nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường là người béo phì thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg, buồng trứng đa nang… Cần áp dụng lối sống lành mạnh, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress…
Lê Phương
Theo VNE
Bộ trưởng Y tế cảnh báo Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
Trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân gâu ra 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim cho biết như trên tại Chương trình Sinh hoạt y khoa Pháp-Việt lần thứ 23 diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội, do Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.
Năm 2019 là năm thứ 23 của Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt với chủ đề "Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục".
Bộ trưởng Tiến cảnh báo mô hình bệnh tật ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi. Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc quản lý tăng huyết áp và tiểu đường là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia của Bộ Y Tế, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.
Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị...Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch và tiểu đường nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Chương trình Sức khỏe Việt Nam" với 11 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đang được triển khai tích cực, bao gồm: Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại rượu bia.
Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang triển khai thí điểm chương trình phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư.
"Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam cũng chú trọng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường sức khỏe, gắn với y tế cơ sở ở xã, phường, quận, huyện; đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ý nghĩa các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường và mở rộng.
Chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp - Việt năm 2019 sẽ bàn thảo về một mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm có tính khả thi và hiệu quả cao có tên là "NGÀY ĐẦU TIÊN" được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016.
Mô hình này gồm tổ hợp các hoạt động khép kín theo vòng đời nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân gồm: tầm soát phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường sớm, đào tạo phương pháp tư vấn mới cho y bác sĩ, đào tạo trực tuyến cho đội ngũ điều dưỡng, giáo dục bệnh nhân qua website. Đây là dự án phi lợi nhuận được sự bảo trợ của cộng đồng Pháp ngữ, Hội Tim mạch và Đái tháo đường quốc gia.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Cô gái 21 tuổi chỉ sống được 5 ngày sau khi phát hiện bị ung thư: Cảnh báo dấu hiệu ai cũng phải chú ý Gần đây, tin tức về một nữ sinh viên mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, chỉ sống sót được 5 ngày ngắn ngủi sau khi được chẩn đoán bệnh, đang gây xôn xao dư luận ở Chiết Giang, Trung Quốc. Bác sĩ Chu Kiến Anh, giám đốc trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh phổi, trưởng Khoa Hô hấp của Bệnh...