Gần 20.000 tỷ đồng xây đường trên cao số 5 của TP HCM
Tuyến đường dài hơn 30 km giúp kết nối TP HCM với các tỉnh miền Tây, giảm tải cho quốc lộ 1A hiện hữu.
Theo đề xuất của liên danh gồm 4 nhà đầu tư, tuyến đường dài hơn 30 km, rộng 17,5 km với 4 làn xe được xây được dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Công trình chạy dọc theo quốc lộ 1A, điểm đầu tại nút giao Trạm 2 (Xa lộ Hà Nội) và điểm cuối tại vị trí giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường Tân Tạo – Chợ Đệm (nối vào cao tốc TP HCM – Trung Lương). Theo kế hoạch, dự án sẽ thực hiện từ năm 2016-2019, đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Tuyến đường trên cao số 5 sẽ bắt đầu từ nút giao Trạm 2 và kết thúc tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường Tân Tạo – Chợ Đệm. Ảnh: Hữu Công
Để đảm bảo huy động vốn thực hiện, nhà đầu tư đề nghị sẽ chia dự án làm ba phần: đoạn 1 từ nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức) đến nút giao Bình Phước dài gần 8,5 km, đoạn 2 từ nút giao Bình Phước đến nút giao An Sương dài gần 13 km, đoạn 3 từ nút giao An Sương đến nút giao Tân Tạo dài hơn 9 km.
Quốc lộ 1A, đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Tạo, là tuyến đường huyết mạch của TP HCM, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua, lưu lượng giao thông trên tuyến đường này luôn tăng cao, gây ra ùn tắc giao thông.
Theo kết quả khảo sát vào năm 2012, bình quân mỗi ngày có khoảng 83.336 xe (tiêu chuẩn PCU), vượt quá năng lực thông hành của tuyến đường này khoảng 2,1 lần.
Video đang HOT
Sau khi hoàn thành, tuyến đường trên cao số 5 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho quốc lộ 1A hiện hữu, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, tạo đột phá để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP HCM và các vùng phụ cận.
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 2013, TP HCM sẽ có 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài gần 71 km gồm:
- Tuyến số 1 dài 9,5 km từ nút giao Cộng Hòa (Tân Bình) theo đường Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long – giao với đường Điện Biên Phủ. Tại đây, tuyến tách 1 nhánh lên xuống, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh) và kết thúc trước cầu Phú An.
- Tuyến số 2 dài gần 12 km, điểm đầu giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả – Bùi Thị Xuân – cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc – kéo dài dọc công viên Đầm Sen – rạch Bầu Trâu – Hương Lộ 2 kết thúc tại điểm giao quốc lộ 1.
- Tuyến số 3 dài hơn 8 km, điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10) – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – rạch Ông Lớn – Nguyễn Văn Linh.
- Tuyến số 4 dài 7,3 km, bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến số 5) – Vườn Lài – vượt sông Vàm Thuật – Phan Chu Trinh rồi nối vào Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.
- Tuyến số 5 dài khoảng 34 km đi trùng quốc lộ 1 bắt đầu từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Lạc.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Quốc lộ 5 tăng gấp đôi mức phí
Từ ngày 1/12, phương tiện đi qua hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 sẽ phải nộp từ 30.000 đến 160.000 đồng, tăng gấp đôi so với trước. Số tiền này được đưa vào chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo thông tư của Bộ Tài chính, mức thu phí đường bộ quốc lộ 5 tại 2 trạm sẽ được điều chỉnh theo 2 giai đoạn. Theo đó, từ 1/12/2015 đến hết ngày 31/3/2016, mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 160.000 đồng. Từ sau 31/3/2016, mức tăng phí lên tương ứng 45.000 đồng và 200.000 đồng.
Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT sẽ được chuyển giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi). Nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.
Quốc lộ 5 nhanh xuống cấp do xe nhiều quá tải. Ảnh minh họa: Việt Hà
Theo một lãnh đạo Vidifi, mức thu hiện nay trên tuyến quốc lộ 5 chưa thay đổi qua 10 năm, nên việc điều chỉnh phí là phù hợp với lộ trình. Ngoài ra, đây là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu doanh nghiệp này không được tăng phí quốc lộ 5, thì phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá sản.
Cũng theo phương án tài chính của dự án được Thủ tướng phê duyệt, Vidifi được tăng phí theo thời gian như các trạm thu phí khác. Trong khi đó, phí đường bộ tại các tuyến quốc lộ đều đã điều chỉnh gấp 2-3 lần so với quốc lộ 5.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc tăng phí quốc lộ 5 có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì giá cước vận tải tăng. Song doanh nghiệp có thể cân đối chi phí vận tải khi thời gian lưu thông ngắn hơn, phương tiện tiêu hao ít nguyên liệu để đưa ra giá cước hợp lý. Do đó, vấn đề quan trọng là nhà nước kiểm soát tốt chất lượng các dự án BOT để chủ phương tiện không thiệt thòi khi phải đóng phí cao.
Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch phía Đông bắc Hà Nội, có lưu lượng xe hơn 11.000 xe/ngày đêm, trong đó, xe container, xe tải nặng chiếm khoảng 50%. Tuyến quốc lộ này đã được nhiều lần nâng cấp, sửa chữa song chất lượng mặt đường vẫn nhanh xuống cấp.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km do Vidifi đầu tư được kỳ vọng giảm tải lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 5. Hiện nay các nhà thầu đang gấp rút thi công bê tông nhựa tạo nhám tại các đoạn bù lún để chuẩn bị được thông xe toàn tuyến vào ngày 5/12 tới.
Đoàn Loan
Theo VNE
Dừng thu phí trạm Nam Hải Vân từ ngày 1/1/2016 Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản chỉ đạo Công ty CP xây dựng công trình 545 dừng thu phí trạm Nam Hải Vân và điều chỉnh hợp đồng BOT dự án mở rộng quốc lộ đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và đoạn Tứ Câu - Vĩnh Điện theo hình thức hợp đồng BOT. Theo Bộ Giao thông vận tải,...