Gameshow Chinh phục đỉnh cao đang ‘phá opera’ ?
Cuộc thi Chinh phục đỉnh cao đã đi được gần một nửa chặng đường, cuộc trò chuyện với Nhà báo Minh Đức trao đổi một số kiến trái chiều nhau về việc các ca sĩ hát opera theo phong cách riêng của họ.
Có một số ý kiến rằng chương trình Chinh Phục Đỉnh Cao đang “phá opera”, làm khán giả hiểu sai về thể loại âm nhạc đỉnh cao này, anh có thể đưa ra quan điểm của mình như thế nào?
Chúng tôi thực hiện chương trình này theo từng bước, nhằm cho khán giả số đông – trong đó nhiều người hoặc chưa từng biết opera, hoặc đã biết nhưng không thích vì cảm thấy quá xa lạ – thấy rằng opera thực ra không phải là cái gì “khủng khiếp”, cũng chẳng phải quá cao quá xa không thể với, mà có khi nó nằm ngay trong những gì chúng ta vẫn nghe hàng ngày. Quan điểm cá nhân tôi không đồng ý khái niệm “nhạc bác học” hay “nhạc quý tộc” được nhiều người đem gán cho nhạc cổ điển nói chung hay opera nói riêng, rồi từ đó họ tự cho mình thuộc giới tinh hoa mới đủ khả năng để thưởng thức.
Trong đêm diễn đầu tiên của Chinh Phục Đỉnh Cao tôi cũng đã chia sẻ rằng opera không phải là đặc quyền của một giới nào cả. Ngày nay, có nhiều biến thể của opera hiện diện trong đời sống âm nhạc trong khi opera chính thống, ở chuẩn mực cao nhất của nó, vẫn tồn tại và được duy trì rất tốt. Do đó, công chúng có nhiều cách tiếp cận với dòng âm nhạc này. Từ phía ngược lại, opera có thể đến với khán giả bằng nhiều cách, qua nguyên bản cũng được, với ai thích thực sự hay đua đòi, qua các hình thức pha trộn với những thể loại âm nhạc hiện đại khác tạo ra cái mà ngày nay được gọi là “cổ điển giao thoa”.
Từ việc thích những thứ ngoại vi đó, một số lượng khán giả nào đó sẽ có nhu cầu tìm hiểu và tìm đến opera “nguyên bản”. Đó là cách mà opera gây dựng khán giả cho mình qua hàng trăm năm tồn tại, và đó cũng là tinh thần của Chinh Phục Đỉnh Cao. Tôi chẳng bao giờ sợ khán giả hiểu sai cả, khán giả họ thông minh hơn nhiều người tưởng.
Có nhận định nói chương trình là Chinh Phục Đỉnh Cao nhưng mới chỉ là ở… lưng chừng đỉnh, và rằng cách chọn bài hát cho các ca sĩ tham gia có vấn đề, lẫn lộn giữa các thể loại, không phải opera thuần chất, anh có thể giải thích rõ hơn các tiêu chí của chương trình?
Đó là bởi vì chúng ta mới đi chỉ tới nửa chặng đường của cuộc chơi. Chinh Phục Đỉnh Cao có 8 liveshow, vậy mà mới xong liveshow 2 đã có người phán là chỉ đi nửa chừng, tôi có nên cho đó là lời khen không? Còn việc chọn bài hát, thể loại, tôi có thể khẳng định chắc chắn là chúng tôi rất hiểu về tính thể loại của từng bài.
Chúng tôi biết phân biệt rất rõ musical và opera, giữa ca khúc bán cổ điển và ca khúc nhạc pop hát theo kiểu cổ điển. Mỗi sự lựa chọn cho các đêm thi đều có tính hợp lý. Tôi có đọc trên báo thấy nhạc sĩ Nguyễn Bách bảo chúng tôi lựa chọn 1 bài hát được ông gọi là soap-opera để cho vào chương trình. Tôi xin nói luôn là không có cái nào gọi là nhạc soap-opera cả (TV soap opera thì có), chắc ông tự nghĩ ra, vì ai cũng biết đó là một bài nhạc pop, nhưng được viết và hát theo lối bán cổ điển. Chúng tôi chọn là vì thế.
Ở đây, điều tôi muốn nói là âm nhạc thế giới đã thay đổi rất nhiều so với những giáo trình khuôn thước đã ra đời từ gần một thế kỷ trước. Không ai khiến hay giao phó cho những người Việt Nam chúng ta sứ mệnh phải thay mặt thế giới để bảo tồn opera. Chúng ta tiếp cận, đón nhận opera vì đó là tinh hoa âm nhạc của nhân loại, có giá trị toàn cầu. Nhưng giá trị ấy không phải bất biến, nó cũng thay đổi theo thời gian, chính vì thế mà nó tồn tại được.
Ngay trong thời thịnh trị của opera, nhiều người trong giới quý tộc có xu hướng coi thường loại opera hài hước, vì cho rằng opera phải nghiêm chỉnh, đứng đắn, nhưng opera hài vẫn phát triển mạnh mẽ và có những kiệt tác từ những nhạc sĩ bậc thầy. Thì trong thời hôm nay cũng tương tự như vậy, chúng ta hãy tôn trọng sự phát triển tự nhiên của một loại hình âm nhạc đã có tuổi đời vài thế kỷ, hãy biết tận dụng những biến thể mới mẻ của nó để tiếp cận công chúng. Tôi xin khẳng định rằng: Chinh phục đỉnh cao không ở lưng chừng đỉnh.
Video đang HOT
Khi so sánh với một số chương trình truyền hình thực tế khác, có người nói rằng Chinh Phục Đỉnh Cao còn thiếu kịch tính, là người trong cuộc, anh có suy nghĩ gì về việc tạo thêm sức hấp dẫn cho chương trình này?
Thực ra rất khó chiều lòng tất cả mọi người, nhất là với một chương trình thiên về tính chuyên môn như Chinh Phục Đỉnh Cao. Đây là một cuộc thi hát dành cho chính những ca sĩ, hát những thể loại là thách thức với họ. Kịch tính nếu có sẽ nằm ở chính nỗ lực vượt lên chính mình của các ca sĩ đó. Việc cho các ca sĩ thi theo cặp cũng là cách để tăng tính hấp dẫn cho cuộc chơi. Tôi muốn nhắn tới những khán giả của chương trình là sẽ còn rất nhiều bất ngờ, thú vị ở cuộc chơi này.
Chúng tôi muốn đem lại cho khán giả cơ hội khám phá cái mới mẻ hoặc tìm ra cái lạ trong chính những cái quen thuộc họ muốn nghe. Hãy nhớ lại đêm Liveshow thứ 2, chủ đề bán cổ điển, sau đêm đó tôi nhận được rất nhiều phản hồi tốt của khán giả vì họ được nghe lại những bài hát có giai điệu đẹp, nhiều bài trong đó từng rất quen thuộc với họ nhưng lâu rồi họ không được nghe, hoặc chỉ được nghe theo kiểu cổ điển “nguyên chất” vốn không phải là thứ mà họ có thể chấp nhận được ngay. Nên khi nghe các ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng hát những bài đó họ cảm thấy rất dễ “vào”.
Do đó, tính hấp dẫn nằm ở chính âm nhạc, qua từng đêm thi, khán giả sẽ đi dần vào thế giới opera một cách nhẹ nhàng, đầy tính giải trí. Điều này cần có sự cộng hưởng của cả hai phía: nỗ lực của những người làm chương trình, và sự quan tâm theo dõi của khán giả.
Theo anh, ở Việt Nam hiện nay, opera đang được nhìn nhận và tiếp cận như thế nào?
Opera ở Việt Nam từng có thời vàng son từ khi đất nước còn chiến tranh, và khoảng 15-20 năm trước nó có cuộc phục sinh rất ngoạn mục khi nhiều chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam dàn dựng các vở opera nổi tiếng, rồi nó lại ngủ yên gần 10 năm nữa, gần đây mới có dấu hiệu thực giấc. Sự trồi sụt thất thường như thế cũng khiến công chúng khó mà đồng hành để từ đó mà coi opera như cái gì gần gũi thân thiết. Tất nhiên, người ta vẫn có thể nghe opera “xịn” qua băng đĩa, nhưng chỉ như thế thì opera không thể gọi là có một đời sống được.
Khi các vở opera nổi tiếng được diễn ở Việt Nam, nhiều vở đã được chuyển soạn sang tiếng Việt. Lúc đầu nghe hát có vẻ buồn cười, do đặc thù âm nhạc của opera, nhưng nghe kỹ thì cũng thấy rất hay. Chuyển ngữ là một nỗ lực để đưa opera về gần với khán giả tại chỗ hơn, và nhiều nước trên thế giới cũng dùng cách thức này. Nhưng chỉ chuyển ngữ không thôi thì không đủ, cần có thêm những cách thức khác đưa opera gần với bối cảnh ngày hôm nay hơn. Cách đây mấy năm tôi rất thích vở opera Carmen được dựng ở Hà Nội với bối cảnh Việt Nam, nhân vật người Việt, các diễn viên hát và thoại vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp. Nhưng vở này cũng gặp nhiều sự phản đối của những người đòi hỏi opera phải sang trọng, phải nguyên bản, không cách tân. Người ta nói “bảo hoàng hơn vua” là với những kiểu bảo thủ như vậy.
Hiện nay, một số nghệ sĩ được đào tạo về opera bài bản đã có những cách thức tiếp cận khán giả nhanh nhạy khi pha trộn opera với các loại nhạc thịnh hành hiện nay, tôi đánh giá cao các ca sĩ Ngọc Tuyền, Triệu Yên, Phạm Thu Hà… với những sản phẩm âm nhạc của họ, và tôi chờ có thêm những người khác.
Anh có thể đưa ra một đánh giá của riêng mình về các thí sinh năm nay?
Mỗi thí sinh đều có điểm mạnh điểm yếu của mình, và họ cũng có những tính toán để có thể đi sâu vào cuộc chơi. Đến giờ thì thí sinh đều đã hiểu các tiêu chí của cuộc chơi, cách chấm điểm của giám khảo và cả quyền lực của khán giả bình chọn nên tôi tin là cuộc đua đang vào hồi… gay cấn. Nhận xét về các thí sinh thì tôi đã nói qua các đêm thi rồi, và nên là như thế, vì họ sẽ bộc lộ cái mạnh cái yếu của mình qua từng đêm.
Tuy nhiên, tôi nghĩ lực cản lớn nhất mà các thí sinh cần vượt qua chính là cảm giác về một cái nấc “an toàn”, đôi khi khiến họ không đủ mạnh dạn mà tạo ra những đột phá trong cách chọn bài, các hát, cách thể hiện trên sân khấu. Hãy nhớ là khán giả ngày nay rất cấp tiến và rất thông minh, họ đòi hỏi ở các ca sĩ nhiều hơn các bạn ấy nghĩ.
Theo Trithuctre
Bằng Kiều: Hồ Trung Dũng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc!
Là khán giả đến xem đêm thi vừa qua của chương trình Chinh phục đỉnh cao và cổ vũ cho ca sĩ Ngọc Anh, nam ca sĩ Bằng Kiều đã chia sẻ suy nghĩ của mình về chương trình và các thí sinh dự thi.
- Dòng nhạc opera rất kén người nghe, sau khi xem nghe các ca sĩ thể hiện trong chương trình Chinh phục đỉnh cao, anh có cảm thấy "chán" ?
Bằng Kiều: Thực sự tôi rất ấn tượng với chương trình này. Tôi nghe từ đầu đến cuối chương trình không hề có cảm giác "chán nghe" mà ngược lại tôi thấy khá hào hứng. Đúng là âm nhạc opera rất khó thẩm thấu nhưng không có nghĩa là không thẩm thấu được. Trong liveshow này, tôi thấy một số ca sĩ có hát tiếng Việt, tiếng Anh do vậy chắc chắn khán giả phần nào sẽ hiểu và cảm nhận được ý nghĩa nội dung của bài hát.
- Được biết anh đến xem chương trình là để cổ vũ ca sĩ Ngọc Anh, vậy anh có nhận xét như thế nào về phần biểu diễn của Ngọc Anh?
Bằng Kiều: Với Ngọc Anh tôi có phần "khắt khe" hơn vì Ngọc Anh khá thân với tôi. Tôi thấy Ngọc Anh đã thể hiện trọn vẹn phần biểu diễn của mình nhưng tôi nghĩ cô ấy cần rèn luyện và cố gắng nhiều hơn nữa để đạt đến bậc cao nhất của cảm xúc là chạm thấu trái tim người nghe.
Bằng Kiều làm khán giả chương trình Chinh phục đỉnh cao
- Trong số 7 ca sĩ còn lại, anh ấn tượng với giọng ca nào nhất?
Bằng Kiều: Trong số 7 ca sĩ còn lại, về phía ca sĩ nam, tôi thực sự ấn tượng với giọng hát của ca sĩ Hồ Trung Dũng. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Hồ Trung Dũng hát opera. Tôi thấy cậu ấy thể hiện rất "chất" bài hát, từ cách xử lý cho đến cách làm chủ cảm xúc trong từng câu, từng lời bài hát rất tốt và quan trọng hơn hết là nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Còn về phía ca sĩ nữ, tôi thích giọng hát của ca sĩ Khánh Linh. Cô ấy sở hữu chất giọng sáng và cao rất phù hợp để thể hiện những ca khúc theo phong cách opera. Số điểm tuyệt đối Khánh Linh nhận được là hoàn toàn xứng đáng.
- Theo anh, đỉnh cao nào là quan trọng nhất cần 8 ca sĩ chinh phục?
Bằng Kiều: Theo tôi, đỉnh cao nhất cần 8 ca sĩ chinh phục chính là cảm xúc mang lại cho khán giả. 8 ca sĩ từ những dòng nhạc khác nhau nhưng phải thể hiện cách hát opera như thế nào để mang cái tôi riêng của mình, cái chất riêng của mình. Có như thế khán giả mới nhớ đến ca sĩ đó lâu hơn và bền hơn.
- Nếu được mời làm khách mời biểu diễn một ca khúc âm nhạc đúng sở trường của anh nhưng hát theo phong cách opera, liệu anh có sẵn sàng?
Bằng Kiều: Tôi cần phải suy nghĩ rất kỹ bởi tôi ngại mạo hiểm với opera. Đây là thể loại âm nhạc đỉnh cao và sang trọng. Người hát không chỉ thể hiện qua ngôn từ mà còn thể hiện từ sâu trong trái tim, tâm hồn, do vậy để hát được một ca khúc theo phong cách này là rất khó. Nếu được mời, tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng (cười).
- Xin cám ơn anh về những chia sẻ này!
... Sau 2 đêm thi vừa qua của chương trình Chinh phục đỉnh cao, số điểm cuối cùng của các thí sinh được tính bằng điểm tổng của 2 đêm thi và số điểm bình chọn của khán giả. Mặc dù có điểm thi không mấy cao, nhưng nhờ có lượng bình chọn từ khán giả cao áp đảo, Bùi Anh Tuấn đang là thí sinh có điểm số cao nhất trong các thí sinh, tiếp sau đó là ca sĩ Ngọc Anh, Ngọc Khuê và Kasim Hoàng Vũ. Những thí sinh này được xếp vào nhóm thí sinh an toàn. Các thí sinh Hồ Trung Dũng, Nathan Lee, Võ Hạ Trâm và Khánh Linh là nhóm thí sinh không an toàn.
Điểm số sau 2 đêm thi của các thí sinh
Theo BTC cuộc thi, cách thức chia cặp đôi cho đêm thi tiếp theo được tính như sau: Dựa vào tổng kết quả đã quy đổi ra phần trăm của BGK thì thí sinh cao điểm nhất sẽ đối đầu với thí sinh thấp điểm nhất. Như vậy trong liveshow tiếp theo, 4 cặp thí sinh sau đây sẽ thi đấu với nhau: Khánh Linh- Ngọc Anh, Nathan Lee - Ngọc Khuê, Võ Hạ Trâm - Bùi Anh Tuấn, Kasim Hoàng Vũ - Hồ Trung Dũng
Theo ANTD
Jennifer Phạm làm MC cuộc thi hát opera của Bùi Anh Tuấn Người đẹp hai con vừa tiết lộ sẽ đảm nhận vai trò người dẫn chương trình cho "Popstar to Operastar" dự kiến được phát sóng trên VTV3 từ 29/12 tới. Tối 12/12 vừa rồi, Jennifer Phạm bất ngờ có mặt tại Sài Gòn để đảm nhận công việc MC cho buổi tri ân khách hàng của một thương hiệu lớn. Đây là lần...