Gamer Việt và những quan niệm rất sai lầm
Trong làng game online Việt, có lẽ không ai có thể đếm được số lượng những yêu cầu mà người chơi đóng góp cho NPH. Đó có thể chỉ là một phút ngẫu hứng tức thời, hoặc cũng có thể mang tâm huyết không nhỏ. Dĩ nhiên, mọi ý tưởng dành cho game đều đáng quý và cần được tôn trọng, nhưng trong nhiều trường hợp, nó không phù hợp với thực tại. Hãy điểm qua một số tình huống như vậy.
Phải là game P2P mới hay, F2P là dở
Đây là quan điểm hay gặp nhất, thậm chí trở thành một phong trào trên các forum game trong nước. Nói một cách dễ hiểu thì sau sự hoành hành quá lớn của “đại gia” in-game, game thủ Việt thường quan niệm rằng chỉ chơi MMO thu phí giờ chơi thì mới “đáng đồng tiền bát gạo”. Thậm chí họ nhiều khi còn chưa trải nghiệm bất kỳ MMO thu phí nào nhưng vẫn hùa theo suy nghĩ ấy.
Game F2P không có nghĩa là chất lượng kém P2P.
Nghe qua khá nhiều người sẽ cảm thấy hợp lý, nhưng đối với hầu hết NPH tại thị trường game Việt lúc này thì thu phí giờ chơi nghĩa là tự sát. Quá khứ P2P huy hoàng mà VLTK có được chỉ là vì lúc bấy giờ thị trường trò chơi trực tuyến còn mới mẻ, chưa nhiều cạnh tranh, khác xa với bây giờ.
Nên nhớ, ngay cả trên các thị trường MMO nổi trội trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ… xu thế F2P đang ngày càng lấn át P2P. Điều quan trọng ở đây là bản thân NPH cần có những điều tiết hợp lý để cash-shop không làm ảnh hưởng quá đáng tới cân bằng, chuyện này không liên quan gì đến chất lượng trò chơi cả.
Webgame là “rác thải”
Với sự tràn ngập của hàng loạt webgame vào Việt Nam trong hơn 1 năm nay, game thủ nội địa đã quá ngán ngẩm thể loại này. Từ chỗ chán ngán ấy dần dần họ trở nên khó tính và áp đặt, không ít người cứ nghe thấy 2 chữ webgame là ngay lập tức quy chụp cho nó mác “rác thải”.
Nhiều webgame về Việt Nam đều rất ăn khách tại nước ngoài.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng trong nhiều webgame mới ra đời thì chẳng có mấy cái tên đáng chơi. Thế nhưng nên biết rằng không ít NPH vẫn đang ngày ngày tính toán chi li để đưa một tựa game hấp dẫn về nước, nếu vội vàng tẩy chay chúng thì quả thật chưa công bằng.
Chúng ta nên thông cảm với ngành game nội địa trong giai đoạn khó khăn này, bởi vì dù chán nhưng ít nhất vẫn còn trò chơi để tiêu khiển, nếu đến một ngày tất cả bị khai tử thì không rõ giới trẻ sẽ còn chán nản đến thế nào. Hơn nữa, cũng đã bắt đầu có một vài MMO 3D chập chững cập bến từ nay đến cuối năm.
Video đang HOT
Game thuần Việt phải “thuần 100%”
Đây là yêu cầu mà không ít game thủ nêu ra mỗi khi nói về các dự án MMO thuần Việt, họ thường cho rằng việc sử dụng engine nước ngoài để làm game thì không thể coi là sản phẩm của trí tuệ Việt. Số khác lại khẳng định không cần mua engine, các kỹ sư trong nước cũng có thể phát triển được game hay, xứng đáng với chữ “thuần”.
Tự sản xuất engine là nhiệm vụ gần như bất khả thi với các NSX trong nước.
Tuy nhiên chưa nói tới sự thật trên thế giới là việc sử dụng engine mua sẵn là rất bình thường, chỉ tính riêng việc yêu cầu một studio nội địa tự sản xuất engine riêng đã là viển vông và ngoài tầm sức lực (kể cả đó chỉ là engine để làm game 2D chứ chưa nói tới 3D). Dĩ nhiên đã có vài nhóm “cải biên” một engine mã nguồn mở cho tốt hơn hơn nhưng cũng không thể nói là họ tự sáng tạo từ đầu.
Nói chung, lúc này ngay đến yêu cầu về một MMO thuần Việt có khả năng cạnh tranh được với hàng ngoại đã là vấn đề cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là nan giải. Vì thế tốt nhất nên tập trung giải quyết bài toán ấy cái đã.
Chống hack tồi hoàn toàn là do NPH
Đã từ lâu, chuyện phàn nàn (thậm chí là chửi rủa) các NPH có game bị hack quá nhiều không còn xa lạ gì với làng game Việt. Không thể trách được game thủ vì họ thường xuyên bức xúc mà không thể làm gì được những kẻ gian lận.
Nếu NSX không hỗ trợ thì NPH không thể làm gì được hacker.
Tuy nhiên, việc bất lực trước hacker cũng không hoàn toàn do lỗi của NPH, vì họ bị phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị sản xuất. Nếu NSX không tiếp tục hỗ trợ thì dĩ nhiên các bản vá chống gian lận cũng không có, NPH lại không có mã nguồn game trong tay nên chịu trận là điều không thể tránh khỏi.
Có thể ví dụ như trường hợp của VTC Game, NPH này thường bị gán mác “bất lực” nhiều nhất với Đột Kíchnhưng mới đây việc World of Tanks chưa có hacker cho thấy nếu bản thân trò chơi được bảo mật tốt thì không kẻ nào phá được.
Gắn Sử Việt vào game kiếm hiệp TQ
Đó là ý tưởng của một game thủ nhằm phản bác lại nhận định rằng quá khó dùng Sử Việt Nam làm cốt truyện cho trò chơi, trong khi Sử Trung Quốc thì dễ hơn nhiều. Theo anh, việc đưa yếu tố này vào game là chuyện rất dễ dàng nhờ thừa hưởng sẵn những tính năng “hao hao” giống.
Đưa Sử Việt vào game Trung Quốc sẽ tạo nên một món lẩu thập cẩm không ra gì.
Thí dụ như trong Võ Lâm Truyền Kỳ, chắc ai cũng biết về hoạt động Phong hỏa liên thành. Người chơi sẽ tham gia thủ thành trong vòng hai giờ trước quân địch là các NPC xuất hiện liên tục. Như vậy có thể tạo một bản đồ thủ phòng tuyến Như Nguyệt tương tự, nơi người chơi sẽ tham gia hóa thân thành binh lính Đại Việt, đánh lui các cuộc tấn công NPC quân Tống.
Nghe qua thì đóng góp này khá hay và có ích, thế nhưng phải biết rằng các NPH Việt Nam chẳng thể làm gì để thay đổi game như vậy, họ buộc phải thông qua NSX, mà NSX thì chẳng dễ dàng gì nghe theo. Ngoài ra chẳng thể có chuyện thay đổi tên chiến trường trong khi các môn phái vẫn giữ nguyên theo Trung Quốc như Thiếu Lâm, Nga My.
Đó là chưa kể nếu chẳng may làm sai lệch với lịch sử thì trách nhiệm đổ lên đầu doanh nghiệp là rất lớn, họ chẳng dại gì đâm đầu vào mớ bòng bong này.
Theo Game Thủ
Game online Việt là Game Online có nội dung Việt?
Game online "made in Vietnam" với nội dung bối cảnh lấy từ chính Việt Nam đang là một hướng đi đầy cơ hội cho cả cộng đồng chơi game lẫn nhà làm game.
Khái niệm Game Online "thuần Việt" đang dần được định hình riêng cho môi trường tại Việt Nam, vừa qua Game8 đã có đăng tải nội dung xoay quanh chủ đề trên do một thành viên là AirBender với tiêu đề . Những game thuần Việt ... không thuần Việt đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận, phản hồi từ phía các thành viên.
Với đại đa số ý kiến tích cực thì có thể thấy, cộng đồng Việt đã xác nhận việc ủng hộ khái niệm game Việt là game có nội dung Việt.
Quan trọng là nội dung Việt
Hy vọng tươi sáng được nhen lên từ khi sản phẩm Thuận Thiên Kiếm của VNG với tên gọi lúc đầu công bố là dự án T812 đã khiến cộng đồng game online xôn xao. Khi những thông tin đầu tiên được đưa ra đã gây chấn động lớn trong cộng đồng game thủ Việt vốn từ lâu đã ước mơ về một game "made in Vietnam" mang nội dung Việt.
Thuận Thiên Kiếm mở ra cơ hội mới cho game nội dung Việt.
Trên khắp các diễn đàn rất nhiều game thủ đã bày tỏ ước mơ cao hơn nữa về những game do người Việt là mang nội dung về bối cảnh, lịch sử, văn hóa và con người Việt. Nhiều bạn đã mơ ước sẽ cùng Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên hay cùng hoàng đế Quang Trung đánh đuổi quân Thanh trong game. Những người khác lại thích một trận chiến trong game tái hiện lịch sử Việt Nam hoành tráng không kém chiến trường Tống - Kim trong Võ Lâm Truyền Kỳ.
Có thể thấy sự ủng hộ của cộng đồng với những tựa game do Việt Nam sản xuất thường rất cao, các thông tin về các tựa game như 7554, SQUAD, Generation 3 ... đều thu hút chú ý rất mạnh từ cộng đồng và với những game mang nội dung Việt sự ủng hộ còn cao hơn nữa. Bằng chứng rõ nhất chính là việc 7554 vấp phải sự phản đối từ một số ý kiến quan ngại việc sử dụng nội dung lịch sử Việt. Cộng đồng game thủ đã cho thấy sự ủng hộ của mình bằng cách chỉ trích mạnh mẽ những bài bình luận trên thậm chí kêu gọi gửi phản hồi phản đối lên chính những trang tin đã đăng bài chỉ trích.
7554 đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng game thủ Việt.
Những ủng hộ này từ cộng đồng game thủ không phải là vô lý vì game nội dung Việt mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho cộng đồng game nói riêng mà cho cả xã hội. Mặt khác làm game nội dung Việt cũng có nhiều thuận lợi đáng kể đối với nhà sản xuất so với việc dùng bối cảnh nước ngoài.
Làm game nội dung Việt với lợi thế "chủ nhà"
Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến chính là sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng game thủ Việt với những nội dung "cây nhà lá vườn" thân thiện. Sống trong một thế giới game mà ở đó bối cảnh không khác lạ quá nhiều so với cuộc sống và văn hóa hàng ngày của chính người Việt là một điều thú vị hơn hẳn một thế giới lạ lẫm nào đó ở tận bên Tây - bên Tàu.
Bên cạnh đó, việc khai thác chủ đề liên quan đến Việt Nam là một mảng chưa được khai phá và vẫn còn màu mỡ với nhiều khía cạnh có thể sử dụng được. Nếu các game phong cách kiếm hiệp của Trung Quốc đã trở nên gần như cạn kiệt bối cảnh từ những bộ tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long đến các thời điểm lịch sử gần như đã góp mặt đủ trên game thì những phần này của Việt Nam sẽ là một hướng khai phá tiềm năng. Bạn nghĩ sao nếu có một game online dẫn bạn vào thế giới của 12 sứ quân và bạn có thể sẽ trở thành tướng quân bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp thiên hạ ? Tất nhiên là hấp dẫn rồi phải không ?
Khung cảnh Việt gần gũi gợi nhiều cảm xúc hơn game ngoại.
Ngoài những lợi thế về kinh doanh, nhà sản xuất sẽ có cả lợi thế về xã hội khi thực hiện các game liên quan đến nội dung Việt. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh quảng bá văn hóa, xã hội, con người Việt ra thế giới và việc sản xuất game liên quan đến nội dung Việt đã góp một phần vào chủ trương chung này.
Tuyên truyền lịch sử thông qua game là một hướng đi được nhiều nhà làm game nước ngoài sử dụng rất thành công. Nếu Medal of Honor, Call of Duty đã thành công lớn khi tái hiện lịch sử tại sao chúng ta không hy vọng 7554 làm một điều tương tự ? Nếu Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ thành công truyền bá văn hóa kiếm hiệp tại sao chúng ta không hy vọng vào Thuận Thiên Kiếm ?
SQUAD cũng có thể có khung cảnh Việt Nam.
Rõ ràng chúng ta có rất nhiều cơ hội khi khai thác nội dung Việt cho những game do Việt Nam sản xuất trong tương lai. Tuy nhiên con đường nào cũng có chông gai, để thành công chẳng có con đường nào bằng phẳng, vẫn có những trở ngại nhất định để đạt đến ước mơ "người Việt làm game Việt nói về chính đất nước Việt Nam".
Nhưng cũng cần phải có chất lượng
Rào cản đầu tiên có thể thấy rất rõ qua dự án game 7554, khi bạn làm một game lấy đề tài lịch sử lập tức có một số người tự nhân danh "bảo vệ văn hóa - lịch sử" để ném đá đủ kiểu ngay cả khi họ chẳng biết tí gì về game của bạn. Sự thật là luôn có những luồng dư luận trái chiều chỉ vì thiếu thông tin cần thiết và rõ ràng về vấn đề làm game. Để giải quyết vấn đề này cần phải giải thích rõ với xã hội về những quy chuẩn để thực hiện một game lịch sử bảo đảm "chơi vui nhưng không bóp méo lịch sử".
Medal of Honor đã vinh danh trận đánh bi tráng Oamaha, 7554 cũng có thể vinh danh trận Điện Biên Phủ.
Khó khăn kế tiếp thuộc về khả năng làm game, đó là sản phẩm mang nội dung Việt thôi vẫn chưa đủ, nó phải có một chất lượng nhất định để làm hài lòng người chơi. Chính cộng đồng đã khẳng định nhiều lần về điều này qua các ý kiến phản hồi về game nội dung Việt. Cộng đồng game thủ sẽ ủng hộ game nội dung Việt với điều kiện nó không ... quá dở, chênh lệch một chút so với mặt bằng chất lượng hiện tại có thể chấp nhận được nhưng nếu hụt hơi quá xa về gameplay thì khó có thể nhận được sự ủng hộ.
Xem xét về tình hình phát triển của những game "made in Vietnam" có thể thấy việc áp dụng nội dung Việt là khả thi và sẽ là hướng đi tiềm năng. Công đồng ủng hộ hướng đi này, lợi ích cũng không ít khi đi theo hướng này, việc cần làm chỉ là dám bước đi trên con đường này mà thôi. VTC, VNG, Emobi Games ... đã dám bước đi trên con đường này, cộng đồng sẽ ghi nhận những đóng góp, tâm huyết của họ và sát cánh cùng họ để mở ra một hướng đi mới của làng game Việt.
Tính tới thời điểm này có lẽ Thuận Thiên Kiếm là một trong những dự án hiếm hoi đáp ứng được nhu cầu về nội dung Việt nhưng lại còn thiếu chất lượng ở mặt đồ họa và gameplay.
Hy vọng trong thời gian không xa sẽ có những game online sử dụng những engine kinh điển như Unreal hay Crysis do người Việt sản xuất và có nội dung Việt phong phú, hấp dẫn.
Game8
Đột Kích mở sân chơi lớn hơn ở cấp 'Liên minh' VTC Game đã không ngại vung tiền để cộng đồng có một hệ thống giải đấu quy chuẩn và chuyên nghiệp hơn. Hiện tại theo thống kê của VTC Game, Đột Kích có số lượng clan khổng lồ trên 78.000, được phân theo khu vực, server, chế độ chơi. Hệ thống clan cũng là nơi sinh hoạt thường xuyên của hơn 4,68 triệu...