Game thủ Việt và những nỗi lo 3 tháng cuối năm
Rất nhiều những mối lo khác của cộng đồng game thủ Việt Nam đã và đang hình thành khi giai đoạn cuối cùng của năm, quý IV năm 2013 đã đến rất gần.
Năm 2013 của chúng ta đã đi đến những tháng cuối năm. Tính đến thời điểm hiện tại, rõ ràng làng game Việt của năm 2013 đã có những dấu hiệu khởi sắc một cách vô cùng rõ ràng nếu đem so sánh với năm 2012, với không ít những game online mới được ra mắt tại Việt Nam.
Dĩ nhiên những “game online mới” mà chúng ta bàn tới đều sở hữu chất lượng hơn hẳn so với những webgame tầm trung hay những webgame 2D nhàm chán đã hiện diện tại làng game Việt từ rất lâu. Tuy nhiên, vẫn có những thông tin, cũng như cả lời đồn đại gây bao sóng gió đối với cộng đồng game thủ vẫn chỉ là… lời hứa.
Không chỉ có vậy, rất nhiều những mối lo khác của cộng đồng game thủ Việt đã và đang hình thành khi giai đoạn cuối cùng của năm, quý IV năm 2013 đã đến rất gần:
Game đỉnh về không đúng hẹn
Game đỉnh đã về Việt Nam. Đó là một sự thật đáng mừng. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có không ít những webgame lần lượt ra mắt game thủ Việt, thậm chí là cả những tựa game cũ, đã từng được phát hành tại Việt Nam được NPH “luộc” lại tên tuổi để đánh lừa người chơi, khiến chúng ta tin rằng chúng ta đang được chơi game mới.
Video đang HOT
Trong khi đó những cái tên như Tân Lưu Tinh Sưu Kiếm Lục, Phong Thần Vô Song, Tiếu Ngạo Giang Hồ,… vẫn chỉ là những thông tin được người hâm mộ mong chờ, thay vì có những thông tin chính thức từ các nhà phát hành về ngày ra mắt.
Trước việc các NPH gần như chẳng có nhiều động thái trong việc PR hay hé lộ thêm các thông tin bền lề về những MMORPG đình đám này. Đặc biệt, nguy cơ mà các MMORPG này “đột ngột” mất tích hay thông báo “gặp sự cố” để rồi trễ hẹn tới 2, 3 tháng, thậm chí sang cả năm 2014 tới đây là rất cao.
Các NPH dùng “chiêu trò” mới
Và các nhà phát hành ở đây GameK muốn nói tới không ai khác chính là các NPH Trung Quốc, những đơn vị đã và đang có những động thái tấn công gắt gao vào làng game Việt đầy màu mỡ hiện tại.
Kể từ khi có những thông tin liên quan đến việc các nhà phát hành game online Trung Quốc bị truy quét tại Việt Nam, cộng đồng game thủ đã có những phản ứng vô cùng tích cực khi thấy những nhà phát hành với cung cách làm việc và phục vụ game thủ không được như mong muốn buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn kể trên nhằm về phía các nhà phát hành game Trung Quốc tại Việt Nam như 37Wan hay Koram Game, các nhà phát hành này đã và đang có những hướng đi mới, hay nói đúng hơn là những biến tướng trong việc khai thác dịch vụ game online tại Việt Nam.
Ngày càng có nhiều nhà phát hành game online Trung Quốc đã và đang hợp tác với các cổng phát hành game tại Việt Nam để phát hành những game mới, dĩ nhiên là không có giấy phép, cũng như không có cả tên tuổi nhà phát hành thực sự. Nói cách khác, những tựa game này được mở cửa không khác gì những game online “lậu”.
Game đóng cửa trong im lặng
Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều game online đang được phát hành ở nước ta. Chỉ tính riêng trong năm nay, đã có hơn 50 Webgame được phát hành và chúng sẽ còn gia tăng với tốc độ không khác gì trong năm 2012. Ấy là chúng ta vẫn còn chưa tính tới các game online trên di động đang dần trở thành trào lưu.
Vậy hệ lụy của việc số lượng game online mới tăng quá nhanh này là gì? Đó chính là việc cộng đồng gamer bị xé lẻ, các game mới thì được phát hành quá nhiều khiến lượng người chơi ở các game cũ bị giảm đi một cách báo động. Và tất nhiên, khi mà lượng người chơi chỉ còn quá ít, doanh thu của game giảm mạnh và đây cũng là lúc NPH tính đến chuyện “đóng cửa game” để tránh lỗ.
Đóng cửa trong êm đẹp là một chuyện, thế nhưng kể từ đầu năm tới nay, không ít những vụ lùm xùm vì nhà phát hành đóng cửa game mà không có bất kỳ động thái nào đền bù cho game thủ. Điều này khiến cho những game thủ đã gắn bó hoặc bỏ tiền cho game cảm thấy mất lòng tin vào chính các nhà phát hành.
Game “made in Việt Nam” chưa tạo được hiện tượng
Lạc đề một chút, bất kỳ game thủ nào cũng mong đợi game sản xuất bởi bàn tay người Việt sẽ có được những thành công về mặt tài chính. Thế nhưng cũng không ít người vẫn giữ thái độ trung lập, thậm chí có phần hoài nghi về khả năng tạo ra thành công của người làm game Việt Nam.
Khi nghị định 72 của Chính phủ về quản lý dịch vụ trên internet, trong đó có game online được ra đời, các NPH có thể nâng cao hiệu quả trong việc hoạt động tựa game online cũng như cạnh tranh tốt hơn ngay trên thị trường trong nước. Trong khi đó, những công cụ hỗ trợ dành cho những đơn vị tự phát triển game tại Việt Nam hầu như chưa cụ thể. Đó cũng chính là cái khó cho các studio game tại Việt Nam hiện nay.
Khi việc đầu tư mua game mới, game hay từ nước ngoài sắp sửa trở nên dễ dàng, cố nhiên việc quan tâm đến việc tự phát triển game cũng sẽ bị bỏ bê. Từ đó dẫn tới hệ quả, khoảng cách chất lượng giữa game Việt Nam và game nước ngoài sẽ ngày càng bị nới rộng, đơn giản vì cộng đồng phát triển game không được quan tâm đúng mức.
Theo VNE