Game thủ bỏ tiền vào game online: Tự nguyện hay miễn cưỡng?
Sự thật ngược đời của làng game Việt: Game thủ bỏ tiền không tiếc tay vào game online, nhưng vẫn than vãn game hút máu
Việc bỏ tiền vào game online đã từ lâu không còn là điều gì quá xa lạ đối với cộng đồng game thủ Việt nói riêng, mà còn cả làng game thế giới nói chung. Kể từ khi mô hình game online miễn phí được giới thiệu và thực sự có được những thành công vang dội, số lượng người chơi game online nhờ đó tăng lên, các nhà phát hành cũng phải nhìn nhận lại chính sách kinh doanh game online của mình.
Không chỉ một mà còn là hai nghịch lý đã và đang cùng tồn tại ở làng game Việt. Thứ nhất, tuy luôn hô hào game thu phí sẽ giảm tình trạng “trẻ trâu” vào phá game, cũng như game sẽ cân bằng hơn khi không có những cửa hàng in game biến những đại gia lắm tiền nhiều của trở thành siêu nhân, thế nhưng game thu phí tại nước ta ở thời điểm này rất dễ thất bại vì bị chính game thủ quay lưng.
Nếu đem so sánh con số tiền một tháng game thủ bỏ vào nhân vật trong game với khoản tiền trung bình mỗi tháng cần bỏ ra cho một game thu phí là lớn hơn nhiều. Vậy nhưng game miễn phí có kèm cửa hàng trực tuyến vẫn thu hút đại đa số game thủ.
Thế nhưng dù có bỏ tiền ra hay không, thì việc game thủ chê bai một game online hút máu vẫn là điều không thể tránh khỏi. Thay thế cho số lượng những game thu phí, từng một thời là những tượng đài của làng game Việt nhờ vào không ít những lợi ích (dĩ nhiên đi kèm bất cập), là những tựa game miễn phí giờ chơi. Để có được doanh thu, những cửa hàng vật phẩm ảo, những gói dịch vụ trong game mà chúng ta thường tạm gọi là VIP, hay thậm chí trong nhiều game có cả hai, cũng buộc phải xuất hiện.
Một khi đã nhắc tới những tựa game online miễn phí tại thị trường game online Việt Nam, thì câu chuyện được nhiều game thủ nhắc tới nhất chính là việc “hút máu” của những trò chơi thông qua cửa hàng vật phẩm ảo trong game.
Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Game miễn phí tự do hơn
Đó là điều vô cùng dễ nhận thấy. Bạn có thể tự do chiến game đến khi nào nhận ra rằng không bỏ tiền vào game, nhân vật của bạn sẽ mãi chỉ là gã hành giả tép riu giữa biển người phiêu lưu trong game. Trong khi đó với game thu phí, chỉ cần quên nạp tiền thôi là bạn có thể phải “nhịn” cày cuốc đến khi nào chịu bỏ tiền cho NPH thì thôi.
Video đang HOT
Đó là lý do giải thích cho nghịch lý thứ nhất của làng game: Game thu phí được đánh giá cao, thế nhưng khi game ra mắt, server càng lúc càng đìu hiu vì số lượng người chơi liên tục giảm.
Trong những bài viết trước đây của chúng tôi, một sự thật đã được lột trần: Chẳng có game online miễn phí nào không hút máu game thủ thông qua tính năng VIP hoặc cửa hàng trong game cả. Đơn giản lý do là vì, đây là nguồn thu gần như duy nhất của các NPH khi họ quyết định kinh doanh game online theo kiểu free to play.
Một khi đã bước chân vào thị trường game online Việt Nam, thì bên cạnh đam mê, các nhà phát hành luôn luôn cần phải có tầm nhìn chiến lược để mỗi sản phẩm, mỗi “lá bài” họ tung ra thị trường đều cần có lợi nhuận nhất định. Để làm được điều này, trong cuộc chơi của những game online miễn phí, việc “hút máu” chung quy lại đơn giản chỉ là kiếm tiền từ cộng đồng game thủ như thế nào.
Game thủ bỏ tiền cho chính bản thân mình
Phàm đã là một game thủ, mong muốn đầu tiên của bất kỳ ai chơi game online cũng đều muốn nhân vật trong game của họ phải thật mạnh mẽ, “solo” trăm trận trăm thắng, đi kèm với đó là những bộ trang bị và vũ khí “khủng”, khiến cho bất kỳ ai nhìn vào cũng phải thầm thán phục và ghen tị. Để đạt được điều này, chẳng game thủ nào có thể chỉ chơi game miễn phí mà có được cả.
Chính vì thế, cho dù phải nhịn ăn nhịn mặc nhưng không ít game thủ vẫn chi rất thoáng tay cho nhân vật ảo trong game của mình. Nhân vật càng khủng, đứng top càng cao, cố nhiên số tiền bỏ vào trong game cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Game thủ sẽ phải đầu tư không ngừng nghỉ để biến nhân vật trong game của mình trở thành “đương thế vô địch” của server trước sự đe dọa “mất top” đến từ hàng chục thậm chí hàng trăm game thủ khác.
Đến đây, nghịch lý thứ hai của làng game Việt được giải thích: Game thủ hoàn toàn chẳng bao giờ quan tâm tới cái gọi là “cân bằng” trong game. Điều duy nhất họ muốn chỉ là nhân vật của mình càng lúc càng mạnh lên với đống trang bị quý giá đôi khi được định mức tiền tỷ trong nhiều cuộc đấu giá vật phẩm trong game.
Tạm kết
Chính vì đặc điểm tâm lý này của game thủ mà trong nhiều năm qua, kể cả trong năm 2014 tới đây, game thu phí, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên nhiều quốc gia châu Á khác sẽ càng lúc mất đi vị thế đã từng có trước cơn bão những game online miễn phí đang tăng dần cả về số lượng cũng như chất lượng.
Theo Gamek
Game online cổ điển phải chăng đã đến lúc thoái trào?
Chưa bao giờ game online cổ điển lại bị đe dọa từ game mobile và MOBA như hiện nay
Vào ít ngày trước, một bài viết, hay nói đúng hơn là một bản danh sách những tựa game online đã bị đóng cửa hoặc bị ngừng phát triển kể từ đầu năm 2015 đến nay đã được 2P, một chuyên trang về game online nước ngoài đăng tải. Điều khiến cho chúng ta không khỏi giật mình, chính là việc hàng loạt những tựa game bom tấn cao cấp, đồ họa đẹp và tốn kém trong quá trình phát triển lại phải ngừng bước một cách đầy tiếc nuối trong năm nay.
Có thể nói, với 15 tựa game đóng cửa, chúng ta có thể coi đó là một điều không mấy xa lạ. Nhưng cần phải nhắc lại, đây là thị trường game thế giới, chứ không phải Việt Nam. Với sự thống trị của webgame ít năm về trước, việc một nhà phát hành trong 1 tháng ra mắt vài game, và cả vài chục game trong một năm ròng là điều không còn quá xa lạ.
Game thủ Việt chỉ có một việc duy nhất, nạp tiền vào một tựa game và thưởng thức, cày top khi nhà phát hành còn chăm chút cho nó, còn mở server mới. Đến khi vòng đời của một webgame, thường chỉ dừng lại ở khoảng 3 đến 6 tháng, kết thúc, họ sẽ chẳng ngần ngại gì bỏ rơi đứa con tinh thần từng được chăm chút từng li từng tý khi game mới ra mắt, từ giới thiệu, tung event khủng thu hút game thủ, cho đến tặng giftcode giá trị lớn để giữ chân người chơi...
Đối với game thủ Việt chúng ta, lối làm việc có phần chộp giật trong quá khứ của một số các NPH game online Việt Nam đã khiến bản thân game thủ quá quen với việc game cũ đi, game mới đến trong vòng 1 năm cùng những xu hướng mới đã phần nào khiến cho chúng ta nghĩ rằng 15 tựa game online đã dừng bước trong năm 2015 là điều bình thường.
Trên thực tế việc những game online ở tầm cỡ bom tấn như ASTA, Devilian hay thậm chí là cả Echo of Soul phải ngừng hoạt động tại Hàn Quốc, để rồi có nhà phát hành tại thị trường quốc tế mạnh tay bỏ tiền tấn ra mua bản quyền phát hành phiên bản không khóa IP phục vụ đông đảo người hâm mộ hóa ra vừa là điều đáng mừng, lại vừa đáng lo.
Một mặt, chúng ta có thể hoan hỉ khi được tiếp cận nhiều game online đỉnh xứ Kimchi, mà không phải lo lắng nhiều về việc fake IP để vào được game như xưa. Thế nhưng việc game đóng cửa tại Hàn Quốc lại không khỏi dấy lên những lo ngại về tương lai của một trong những thị trường game online mạnh nhất thế giới.
Ngày trước, và thậm chí là cả ở thời điểm hiện tại, rất nhiều game online đã ra mắt cả chục năm về trước như LineAge, Ragnarok... vẫn còn cộng đồng game thủ trung thành, và thậm chí đồ ảo trong game vẫn cực kỳ có giá trị. Điều này khiến chúng ta nghĩ về những tượng đài bất tử trong lòng game thủ hâm mộ game online Việt Nam nhiều năm về trước: Võ Lâm Truyền Kỳ, MU, Priston Tale,... Những tựa game client của thời kỳ hoàng kim thu hút không ít game thủ Việt, mở ra sân chơi cho biết bao người và thậm chí là cả những sàn giao dịch vật phẩm ảo trước kia nữa. Tất cả mô tả hoàn hảo hiệu ứng của game online trước đây đối với cộng đồng game thủ.
Nhưng giờ đây, khi game mobile và game MOBA lên ngôi, game online cổ điển không còn chỗ đứng, cộng thêm việc những sản phẩm mới ra mắt không đủ sức giữ chân người chơi cho dù nó đẹp, độc, lạ đến đâu đi chăng nữa. Thị trường game online cổ điển đã không còn được như xưa, vì game thủ cần một thứ gì đó mới mẻ, MOBA là một trong số đó.
Một trong những sở thích của người Việt kể từ khi những tựa game online đầu tiên tấn công làng game nước ta chính là PvP. Những trận đấu phân cao thấp giữa người chơi với nhau luôn có được sức hút hơn rất nhiều so với việc raid boss hay đánh quái do máy điều khiển. Ở một mức độ nào đó, xét về tâm lý game thủ, rõ ràng chiến thắng trước một nhân vật do người điều khiển luôn đáng tự hào hơn việc hạ gục một con quái thông thường.
Tuy rằng là một thể loại game khó tiếp cận, nhưng MOBA vẫn là lựa chọn của rất nhiều game thủ nước ta, đơn giản vì đây là nơi họ có thể khẳng định được kỹ năng cá nhân.
Một vấn đề còn tồn tại với rất nhiều game online đủ thể loại hiện nay chính là vấn đề cày cuốc. Đúng là chỉ có cày cuốc đánh quái train level mới giúp cho nhân vật của game thủ có thêm sức mạnh nhờ vào chỉ số cũng như đồ đạc. Tuy nhiên vẫn đề nảy sinh lại ở chỗ, lặp đi lặp lại quá trình này quá lâu sẽ dẫn tới nhàm chán và mệt mỏi.
Điều này không tồn tại trong game MOBA. Bạn có thể thưởng thức một trận đấu trong khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó đi ngủ để sáng hôm sau đi học, đi làm là điều bình thường, chứ không còn phải mệt mỏi cày cuốc đua top như trước đây.
Ấy là chưa kể tới game mobile. Thể loại game online chúng ta có thể thưởng thức mọi lúc mọi nơi hóa ra là thứ trước đây chúng ta tưởng như không cần tới, nhưng lại hiện hữu và phát triển tới mức giờ đây ai có điện thoại đều cũng phải làm một việc: Cài game. Sở hữu tính năng cơ động cao, chơi ở đâu cũng được, thậm chí nhiều khi chẳng cần tới sóng điện thoại vẫn chiến game đều, game mobile, cùng những thể loại game mới toanh trong vài năm trở lại đây đã và đang dần trở thành mối đe dọa với game online trên PC, ông vua của một thời xưa cũ.
Theo Gamek
"Game miễn phí" và "game hút máu" - Ranh giới quá mong manh Những "kế sách", những thủ thuật đã và đang phát huy hiệu quả trong việc đem về lợi nhuận cho các nhà phát hành game miễn phí. "Nhà phát hành hút máu", có thể nói đây là điệp khúc muôn thuở của cộng đồng game thủ Việt, hay cụ thể hơn là một phần những game thủ không bỏ tiền đầu tư cho...