Game show gây sợ hãi từng bị dừng phát sóng tại Việt Nam
Sing If You Can từng được chuyển thể thành bản Việt với tên gọi Đố ai dám hát. Sau một thời gian phát sóng, chương trình vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía khán giả.
Killer Karaoke thuộc nhóm game show đáng sợ nhất thế giới. Chương trình được sản xuất dựa trên format gốc của người Anh mang tên Sing If You Can. Tuy nhiên, so với bản gốc, độ kinh dị của Killer Karaoke được đẩy lên cao hơn nhiều lần.
Có tổng cộng 25 phiên bản Sing If You Can trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước mua bản quyền chuyển thể game show. Khi lên sóng hồi 2013-2014, chương trình vấp phải làn sóng phản đối từ khán giả, dẫn đến việc phải ngừng sản xuất.
Việt Nam sản xuất 3 phiên bản Sing If You Can
Dựa theo thông tin từ ê-kíp sản xuất, Đố ai hát được là game show được Việt hóa từ chương trình Sing If You Can thuộc bản quyền của Zodiak Media Group (Anh). Bản Việt hóa do Đài truyền hình Việt Nam phối sản xuất, được phát sóng vào thứ 7 hàng tuần trên VTV vào năm 2013-2014.
Tuy nhiên, đây không phải bản Việt hóa duy nhất của game show. Cùng khoảng thời gian trên, còn hai phiên bản khác với tên gọi Ai dám hát và Tôi dám hát cũng lên sóng.
Ai dám hát là phiên bản với các thử thách được giảm nhẹ độ mạo hiểm, lên sóng đài HTV từ tháng 6/2014.
Tôi dám hát là bản lên sóng đầu tiên, do Tùng Leo dẫn dắt. Số đầu tiên của chương trình rơi vào tháng 6/2013 và từng được tiếp sóng trên kênh VTV6.
Đố ai hát được là phiên bản thứ hai, lên sóng VTV3 từ tháng 12/2013. Bản này có đội ngũ giám khảo là Thu Minh, Đức Hải và Thái Hòa, do MC Phạm Anh Khoa dẫn dắt. Đố ai hát được chỉ duy trì trong vòng ba tháng, với số cuối cùng lên sóng vào ngày 15/3/2014.
Tới tháng 6/2014, tức ba tháng sau khi Đố ai hát ngừng chiếu, phiên bản Ai dám hát bắt đầu xuất hiện trên sóng HTV. Ngô Kiến Huy giữ vai trò dẫn dắt chương trình, và bộ ba giám khảo tiếp tục có sự xuất hiện của nghệ sĩ Đức Hải.
Tuy nhiên, so với Đố ai hát được và Tôi dám hát, các thử thách trong Ai dám hát được tiết chế khá nhiều. Khách mời tham gia phiên bản của HTV hiếm khi rơi vào tình trạng phải khóc thét vì sợ hãi như hai bản trước đó.
Trong nhóm chương trình kể trên, Đố ai hát được là phiên bản phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích nhất. Không ít người cho rằng chương trình quá đáng sợ và thiếu tính nhân văn.
Cụ thể, khách mời tham dự Đố ai hát được phải chạm vào những con vật như bạch tuộc, cóc, hoặc chui vào chiếc hộp chứa chuột, gián. Một số khách mời thì trải qua thử thách bị võ sĩ đấm vào người, hoặc bị thả vào chiếc hồ toàn lươn, ếch, rắn và cá sấu.
Khách mời bị thả vào hồ nước chứa đầy lươn, rắn, ếch, cá sấu trong Đố ai dám hát.
Khi đối mặt với toàn bộ thử thách đáng sợ kể trên, khách mời vẫn phải hát một bài được quy định ngay từ ban đầu. Trong lúc nhiều ca sĩ, diễn viên sợ hãi tới phát khóc, bộ ba giám khảo ngồi dưới vẫn cố bật cười thật to hoặc chọc ghẹo khách mời.
Thời điểm đó, nhiều khán giả cho rằng chuỗi thử thách quá ghê rợn. Họ phải chuyển kênh, tìm chương trình giải trí khác vào mỗi tối thứ bảy vì không đủ can đảm theo dõi game show.
MC bịt mắt, ném dao về phía khách mời và hàng loạt trò chơi kinh dị
Bảo Trâm – Top 3 Vietnam Idol 2012 – từng là một khách mời của Đố ai hát được. Giống như nhiều gương mặt phái đẹp khác, cô đã khóc thét khi phải đối mặt với những thử thách trong game show.
“Tôi trúng phải trò chơi chui vào đường hầm bí mật. Đây là phần thi rất đáng sợ vì ngoài những con vật bẩn thỉu, còn có rắn. Đó là loài động vật mà tôi sợ nhất. Cũng may mắn hôm đó tôi không dẫm phải quả bóng bên trong có gián. Có người từng bị gián bật vào mặt rồi. Tôi mà bị thế thì chắc ngất luôn”, Bảo Trâm tiết lộ với báo chí.
Hari Won cũng phải trải qua thử thách đường hầm bí mật tương tự Bảo Trâm. Bà xã Trấn Thành chỉ giữ được bình tĩnh trong nửa quãng đường đầu tiên. Tới nửa sau, khi gặp khoang hầm có gián, cô bắt đầu run rẩy và liên tục cầu cứu. Ở đoạn cuối cùng, Hari Won không thể hát nổi mà chỉ liên tục khóc nức nở vì quá sợ hãi.
Trang Pháp và Mia thì phải trải qua một trong những trò chơi bị coi là ghê rợn nhất trong chương trình. Đó là “ Hồ thiên nga”. Theo format gốc, khách mời bị thả vào một bể nước chứa đầy ếch, lươn, rắn, hay thậm chí cả cá sấu.
Ở các phiên bản quốc tế, đây cũng là thử thách khiến người chơi sợ hãi nhất. Tại Thái Lan, bể bơi chứa đầy những con rắn dài tới hơn 1 m hoặc trăn to hơn cổ tay người lớn. Cá sấu xuất hiện trong chương trình thì thuộc loại dài khoảng 50-60 cm.
Trang Pháp khóc thét khi bị trăn bò lên mặt.
Tại một số nước như Mỹ, Nga, Đức, ê-kíp sản xuất thậm chí còn thả xuống hồ những con trăn to như bắp tay đàn ông trưởng thành. Loài động vật bò sát liên tục bám đầy thành bể hoặc cuốn quanh dây treo ghế ngồi và chân của khách mời. Ngay cả những người can đảm nhất cũng không khỏi rùng mình khi trải qua thử thách.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, các phiên bản nước ngoài chỉ đổ rắn, trăn, ếch… thẳng xuống bể nước. Ê-kíp sản xuất và nhân viên hỗ trợ trường quay thường tránh để đám động vật trực tiếp đụng vào khách mời ngay từ đầu.
Trong khi đó, tại Đố ai hát được, nhân viên mang theo xô ếch và rắn lại trực tiếp đổ thẳng lên người khách mời. Rắn xuất hiện trong phần “Hồ thiên nga” đều có kích thước tương đối nhỏ (đường kính bằng 1-2 ngón tay), không có nọc độc, và đã bị buộc chặt miệng. Nhưng việc bị đổ thẳng hàng chục con rắn lên người vẫn khiến cả thí sinh lẫn người xem cảm thấy hãi hùng.
Thậm chí, trong phần thi của nhạc sĩ Khánh Đơn, một nhân viên đã kéo cổ áo và nhét chú cá sấu con vào hẳn phía trong trang phục của anh.
Chính giám khảo Thu Minh cũng luôn ở trong tâm trạng run sợ, có xu hướng nấp sau lưng các nghệ sĩ Đức Hải và Thái Hòa mỗi khi chứng kiến phần thi “Hồ thiên nga”.
MC Phạm Anh Khoa là một nguyên nhân nữa khiến khán giả chỉ trích chương trình Đố ai hát được. Trong quá trình dẫn dắt game show, nam ca sĩ liên tục buông thái độ trêu chọc, đùa giỡn với nỗi sợ hãi của khách mời. Trong phần thi “Hồ thiên nga” của Mia, khi cô đang la hét vì bị đổ rắn vào người, nam rocker bèn dùng tay chọc vào đùi khách mời để dọa thêm.
Một lần khác, Phạm Anh Khoa đảm nhận vai trò phóng dao về phía khách mời đang bị buộc chặt vào chiếc bảng xoay hình tròn. Cuối cùng, nam rocker quyết định bịt mắt và cùng lúc phóng dao về phía cả hai nữ khách mời.
Phạm Anh Khoa từng bịt mắt và phóng dao về phía khách mời.
Nhiều ý kiến cho rằng ê-kíp sản xuất chắc chắn đã chuẩn bị phương án để đảm bảo an toàn cho người chơi. Không ai chấp nhận việc tham gia game show để bị thương hoặc bị ném dao vào người.
Nhưng những ý kiến kể trên cũng không thể thay đổi sự thật rằng cả khán giả, bộ ba giám khảo, cũng như hai nữ khách mời đều “chết khiếp” khi chứng kiến cảnh Phạm Anh Khoa bịt mắt và vô tư phóng dao về phía đang có người đứng.
Game show thiếu tính nhân văn, gây sợ hãi cho người chơi và khán giả
BHD – đơn vị mua bản quyền và nắm giữ quyền sản xuất của game show Sing If You Can – từng khẳng định với truyền thông rằng ê-kíp đã tính toán kỹ càng trước khi bắt tay sản xuất Đố ai hát được. Theo đó, đạo diễn và các bên liên quan đều xem xét, lược bớt yếu tố mạo hiểm, đáng sợ, và xây dựng lại các thử thách nhằm phù hợp với thị hiếu khán giả Việt.
Song, sau đó, khán giả vẫn thấy hàng loạt thử thách quen thuộc trong Sing If You Can (Anh) hay Killer Karaoke (Mỹ) xuất hiện trên sóng VTV3 như để rắn, lươn bò qua người, treo ếch nhái lên đầu, nằm trên ván làm mục tiêu để MC phi dao, nằm trong bồn tắm và bị thả hàng chục con bạch tuộc sống lên người…
Theo đơn vị tổ chức, yếu tố giật gân, dọa nạt trong chương trình Đố ai hát được đã được giảm bớt. Phía BHD cho rằng nếu tuân theo đúng format nước ngoài, chương trình còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Đơn vị sản xuất khẳng định nếu tuân theo đúng format gốc, chương trình sẽ còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Thời điểm đó, khán giả theo dõi chương trình vẫn kịch liệt phản đối cách dàn dựng của ê-kíp. Việc giám khảo cứ thế nói chuyện rộn ràng hoặc cười cợt trên nỗi sợ hãi và hoảng loạn của khách mời bị đánh giá là thiếu tính nhân văn.
Ngoài ra, giờ phát sóng của Đố ai hát được rơi vào 20h tối thứ 7 hàng tuần. Đây là khung giờ giải trí cuối tuần của các gia đình, bao gồm cả trẻ nhỏ. Vì vậy, một bộ phận khán giả phản ánh rằng chương trình thiếu tính giáo dục, dễ gây ảnh hưởng tới trẻ em.
Sau ba tháng phát sóng, chương trình bị ngừng lại vĩnh viễn do vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng của khán giả. Người xem đưa ra nhiều lý do cho việc Đố ai hát được vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, trong đó có yếu tố không phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Có lẽ đơn vị nắm bản quyền của Sing If You Can đã tiếp thu ý kiến của người xem, nên khi Ai dám hát lên sóng HTV ba tháng sau đó, chương trình đã lược bỏ hầu hết yếu tố kinh dị, gây sợ hãi cho người xem.
Trong Ai dám hát, dưới sự dẫn dắt của Ngô Kiến Huy, bể “Hồ thiên nga” không còn chứa rắn hay cá sấu, mà chỉ còn ếch, cá và lươn nhỏ. Vòng xoay may mắn cũng không còn là trò chơi phi dao của MC, mà thay vào đó là ném bóng nước. Con đường mạo hiểm thì thay rắn, gián, phân… bằng máu và nội tạng lợn, bùn, chuột bạch, tắc kè…
Dù vậy, format quốc tế Sing If You Can hoặc Killer Karaoke nói chung và các phiên bản Việt nói riêng vẫn không được đón nhận nhiệt tình tại Việt Nam. Tất cả phiên bản đều lần lượt ngừng chiếu chỉ sau quãng thời gian ngắn lên sóng.
Suốt từ đó tới nay, đã 5 năm trôi qua, nhưng chưa có nhà sản xuất nào nảy sinh ý định đưa game show kinh dị này trở lại sóng truyền hình nước nhà.
Hoài Linh: ‘Tạm dừng game show, tôi đi diễn tỉnh, hội chợ rất vui’ Nam danh hài cho biết anh tạm dừng game show vì thời gian qua đã làm quá nhiều. “Hiện nay, tôi đi diễn tỉnh, hội chợ nhiều và rất vui”, anh nói.
Theo zing
Những game show đáng sợ nhất thế giới
Nhiều chương trình trò chơi truyền hình lựa chọn khai thác nỗi sợ để đem lại sự giải trí cho khán giả.
Fear Factor (2001-2006): Trong suốt 6 năm lên sóng, Fear Factor vừa là chương trình truyền hình ăn khách tại Mỹ, vừa là tâm điểm gây tranh cãi vì những thử thách man rợn. Mỗi người chơi được yêu cầu hoàn thành 3 nhiệm vụ mạo hiểm để nhận khoản tiền thưởng 50.000 USD. Một trong những thử thách cực điểm kinh dị là khi các thí sinh phải uống nước tiểu và tinh dịch của lừa. Tuy nhiên, tập này bị hủy phát sóng vào phút chót.
Fear Factor tạm dừng sản xuất vào năm 2006. Từng hồi sinh năm 2011 và hủy vĩnh viễn một năm sau đó. Gần nhất, chương trình được MTV tái sản xuất vào năm 2017. Rapper, diễn viên Ludacris đảm nhận vai trò dẫn chương trình.
101 Ways to Leave a Gameshow (2010-2010): 101 Ways to Leave a Game show (tạm dịch: 101 cách để rời khỏi game show) được đánh giá là một trong những chương trình truyền hình đáng sợ nhất tại Anh. Mỗi số gồm 8 thí sinh trả lời các câu hỏi kiến thức, giành giải thưởng có giá trị 10.000 bảng Anh.
Theo đó, những thí sinh trả lời sai sẽ bị loại khỏi chương trình theo những cách khác nhau nhưng đều mạo hiểm. Tổng số có 101 cách các thí sinh "rời" khỏi chương trình. Hiện tại, có 9 quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã mua bản quyền 101 Ways to Leave a Game show.
Total Blackout (2012-2013): Điểm đặc biệt của Total Blackout là người chơi phải hoàn thành các thử thách như xác định đồ vật bằng tay, mũi hoặc miệng, tìm vật phẩm hoặc đi từ điểm A đến điểm B trong bóng tối. Mỗi tập gồm 4 thí sinh, cạnh tranh giành lấy phần thưởng là 5.000 USD.
Bởi vì người chơi hoàn toàn bị động trong môi trường thiếu sáng, nhiều vật phẩm đáng sợ như chuột, chồn, rắn được sắp đặt. Ngoài ra, những đồ vật bình thường cũng trở nên kinh dị hơn khi các thí sinh chỉ được phép cảm nhận bằng các chi giác.
Killer Karaoke (2012-2014): Dựa trên bản gốc của Anh mang tên Sing If You Can, Killer Karaoke được sản xuất tại Mỹ với độ kinh dị được đẩy cao lên nhiều lần. Mỗi tập gồm sáu thí sinh, được chia thành ba vòng đối đầu giữa hai người. Trong vòng 90 giây thể hiện bài hát, các thử thách kinh dị được chương trình cho xuất hiện lần lượt.
Killer Karaoke nổi tiếng với câu nói chủ đề "dù có chuyện gì xảy ra, đừng ngừng hát". Khán giả tại trường quay trực tiếp lựa chọn người thắng qua mỗi vòng đối đầu. Hiện tại, nhiều quốc gia đã mua lại bản quyền chương trình, trong đó có Việt Nam và Thái Lan. Khi phát sóng ở Việt Nam, game show này bị phản ứng dữ dội và đã phải dừng phát sóng.
Hellevator (2015-2016): Hellevator là game show kinh dị của Mỹ, ra mắt năm 2015 do Jason Blum sản xuất. Tập đầu tiên thu hút hơn 500.000 người xem. Chủ đề của các tập đều mang tính kinh dị, có liên quan tới ma ám hoặc lấy mạng người hàng loạt.
Theo luật chơi mới nhất, mỗi nhóm tham gia gồm 4 thí sinh. Nhiệm vụ của họ là thực hiện thử thách cá nhân trong thời gian có hạn. Xuyên suốt quá trình tham gia thử thách, người chơi thường bị đe dọa bởi âm thanh hoặc các diễn viên hóa trang kinh dị.
Đôi lúc, họ cũng bị bất ngờ bắt cóc tới nhiều khu vực khác nhau.
Theo zing
Cậu bé bật khóc trong game show Nhóc Cưng Siêu Đẳng và những câu hỏi "đắng lòng" dành cho người lớn Trong tập 6 của chương trình Nhóc Cưng Siêu Đẳng vừa phát sóng vào trưa Chủ Nhật ngày 10/11/2019 trên kênh HTV7, BTC và 2 MC Lê Nguyên Bảo, Khánh Ly đã gặp phải một tình huống khá nan giải. Một cậu bé tham gia chương trình đã bật khóc vì không dám chạm vào bất cứ thứ gì tại trường quay. Tường...