Gà thảo mộc, gạo thảo dược lên ngôi
Khi thị trường thực phẩm bẩn trở thành nỗi lo lắng của rất nhiều bà nội trợ, các sản phẩm heo, gà thảo mộc, trứng gà Omega – 3, gạo thảo dược… ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Ngoài quy trình nuôi, trồng khép kín với kỹ thuật hiện đại, các thực phẩm bổ sung thảo dược và các vi chất khác như Omega – 3, sắt, kẽm, selen… được cho là rất có lợi cho sức khỏe nên càng thu hút khách hàng.
Thực phẩm thảo mộc hút hàng
Anh Nguyễn Duy Thiên Ân giới thiệu sản phẩm trứng gà Omega-3 trong một lần gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: T.H
Nhu cầu gà thảo mộc còn rất lớn nên nuôi gà thảo mộc không lo thiếu nơi tiêu thụ, chỉ sợ người nuôi nản lòng rồi bỏ cuộc sớm. Vì nuôi gà thảo mộc không lãi nhiều, nhưng sẽ lãi bền”. Bà Cao Thị Ten
Ở Đồng Nai, nhiều người đều biết bà Cao Thị Ten (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) là nông dân tiên phong trong việc nuôi gà bằng thảo mộc, cũng là người tìm được lối đi riêng cho nghề nuôi gà của gia đình vốn đã hơn 20 năm gắn bó.
Trò chuyện với phóng viên, bà Ten cho biết, để cho ra sản phẩm gà thảo mộc, trong 2 tuần đầu mua gà giống về, bà tiêm kháng sinh, vaccine phòng bệnh cho gà con đầy đủ. Sau đó, trước khi xuất bán khoảng 60 ngày, gà bắt đầu được cho ăn thức ăn trộn thảo dược. Nguồn thảo mộc này nhập từ nước ngoài, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, sức khỏe vật nuôi cũng như an toàn cho người tiêu dùng.
“Nhờ có chất thảo dược nên gà có sức đề kháng tốt, rất ít bị các bệnh về tiêu hóa và giai đoạn này phải “ép” cân để gà đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 – 1,7kg chứ không được lớn hơn nhằm tạo chất lượng thịt đảm bảo độ bổ dưỡng, dai, chắc, ngọt thơm và ít mỡ” – bà Ten nói.
Hiện tại, trang trại gà thảo mộc của bà được Công ty TNHH San Hà (TP.HCM) bao tiêu sản phẩm. Với quy mô đàn 40.000 – 50.000 con/lứa, mỗi tháng, bà cung cấp cho thị trường hơn 9.000 con gà thịt. Bà còn liên kết với nhiều hộ chăn nuôi trong vùng thành lập HTX Chăn nuôi gà thảo mộc Phú Lộc nhằm mở rộng nguồn cung cho thị trường.
Video đang HOT
Cùng với gà thảo mộc, sản phẩm trứng gà Omega-3 những năm gần đây cũng thu hút người tiêu dùng. Loại trứng này đầu tiên được anh Nguyễn Duy Thiên Ân (ngụ Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) sản xuất thành công. Đến nay, trứng gà Omega – 3 được rất nhiều doanh nghiệp khác đầu tư sản xuất.
Hiện nay, không chỉ cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, trứng gà Omega-3 của anh Ân đã xuất khẩu sang nhiều nước khác, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chứa hàm lượng DHA, ALA, EPA cao gấp 3 lần trứng gà bình thường và nhiều loại acid amin, vitamin (A, D, E…) thiết yếu cho cơ thể. Do đó, dù giá bán cao hơn so với trứng gà thông thường, dòng sản phẩm này vẫn hút khách, đặt biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Phát triển thị trường “ngách”
Không chỉ các sản phẩm chăn nuôi có bổ sung thảo mộc, vi chất, gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã tung ra thị trường các sản phẩm từ trồng trọt được bổ sung thảo dược.
Ông Phạm Thanh Luyện – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Việt (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, dù mới ra mắt thị trường hơn 1 tháng nay, nhưng sản phẩm gạo thảo dược của doanh nghiệp này được khá nhiều người tiêu dùng quan tâm. Là sản phẩm được sản xuất theo quy trình của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Sở NNPTNT Đồng Nai nên ông Luyện rất tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Hiện gạo thảo dược có giá 30.000 – 35.000 đồng/kg.
“Ngoài nguồn cung cấp tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi đang phối hợp Hội Nông dân các tỉnh ĐBSCL mở rộng diện tích gieo trồng, đồng thời tìm thêm đối tác để mở rộng phân phối tại TP.HCM” – ông Luyện hào hứng chia sẻ.
Còn bà Cao Thị Ten cũng đang tìm thêm đất để mở rộng trang trại, đồng thời sẽ chuyển từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập sang sử dụng nguồn thảo mộc tại chỗ. “Các loại thảo mộc trong nước có rất nhiều, đáp ứng được đến 80% nhu cầu thảo mộc để chăn nuôi, ngoài ra dùng thảo mộc ở trong nước mình có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào nên an tâm hơn” – bà Ten chia sẻ.
Theo bà Ten, nhu cầu thị trường gà thảo mộc hiện ở mức 30.000 con/tháng, trong khi số lượng cung cấp được chỉ hơn 9.000 con. Chăn nuôi gà thảo mộc vừa khó, vừa không lãi nhiều như nuôi gà thông thường, nhưng với niềm tin về việc phát triển bền vững và tạo được thị trường riêng, bà Ten vẫn kỳ công theo đuổi.
Theo Danviet
Sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản
Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối, giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp...
Minh bạch thông tin sản phẩm
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí -Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, đồng thời ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: H.L
Cụ thể, cũng tại hội nghị, PGS-TS Lê Sỹ Vinh, người đại diện giới thiệu về phần mềm hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho biết, do người tiêu dùng không thể phân biệt được dòng sản phẩm nào tốt hay không, nguồn gốc có rõ ràng? Những thông số qua mã code, mã vạch chỉ cung cấp tên sản phẩm còn thông tin về giấy chứng nhận, quy trình sản xuất, lịch sử... của sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn không được cung cấp.
Từ đó không thể đưa ra ý kiến, phản hồi với nhà sản xuất. Theo đó, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, phần mềm quản trị này phục vụ 3 nhóm đối tượng- người tiêu dùng, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Một số dòng sản phảm có dán mã QR code được thử nghiệm tại hội nghị. Ảnh: H.L
Cụ thể, người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại thông minh có ứng dụng trên 2 phiên bản dành cho hệ điều hành iOS và Android, phần mềm này sẽ có chức năng quét mã QR code để xem thông tin sản phẩm. Mã QR code phải chứa đầy đủ thông tin của cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối cho đến thông tin chi tiết sản phẩm và ảnh đính kèm. Các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm phải được liệt kê đầy đủ trong ứng dụng.
Đồng thời, người tiêu dùng có thể phản hồi những nội dung trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin cung cấp. Phản hồi từ người tiêu dùng sẽ được tương thích và gửi đồng thời đến nhà quản lý và doanh nghiệp với nội dung tương tự nhau.
Nhà quản lý khi sử dụng thì giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý; logo; xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm trong hệ thống; quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng.
Còn doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác.
Tại hội nghị, một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về việc khi sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn, trường hợp người tiêu dùng muốn phản ánh về sản phẩm qua hệ thống thì đơn vị nào sẽ đứng ra giải quyết? Đơn vị quản lý phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử hay đơn vị quản lý ngành chức năng? Hay khi áp dụng phần mềm này cho nông sản thì chi phí cho mỗi sản phẩm nông sản có bị tăng thêm không? Nên chăng phân loại người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn để có hướng đi đúng đắn hơn cho dự án?
Sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ
Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, phần mềm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên sẽ không tránh khỏi những bất cập, chưa chuẩn. Sau thời gian chạy thử và lấy ý kiến, dự án sẽ bổ sung, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại để triển khai mô hình thực tế trong thời gian tới. Hy vọng dự án sẽ đi vào thực tiễn hiệu quả góp phần tích cực vào việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng về thị trường nông sản an toàn.
Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các hội tiêu dùng tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo báo cáo, dự kiến ban đầu, sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong đó có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố phân phối tại Hà Nội.
Các dòng sản phẩm khi được đưa lên hệ thống thông tin này đều là những sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
Theo Danviet
Mô hình nuôi cá tra VietGAP đầy triển vọng Ngày 5.8, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án (DA) "Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP". Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần vực dạy nghề nuôi cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành công...