‘Gã nhà giàu’ Trung Quốc mua thế giới
Cuộc chiến dầu khí khiến không ít các ông hoàng Trung Đông khó khăn, cạn tiền. Trong khi đó, giới nhà giàu Trung Quốc đang tung tiền mua khắp thế giới. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để TQ triển khai chiến lược của “gã nhà giàu” trên phạm vi toàn thế giới.
Ông hoàng Arab cạn tiền
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần qua đưa ra cảnh báo về khả năng cạn tiền nếu Saudi Arabia không cắt giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh giá dầu, vốn đóng góp 80% ngân sách nước này, đang giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Theo IMF, Saudi Arabia có thể sẽ cạn tiền cho chi tiêu trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp. Trong vòng một năm qua, Saudi Arabia đã phải trì hoãn nhiều dự án và lần đầu tiên kể từ 2007 phải phát hành trái phiếu để vay nợ.
Trước đó, tờ Financial Times cho biết, trái ngược với động thái bơm dòng tiền trong suốt nhiều năm trước đó, bắt đầu từ đầu quý II, hàng loạt các công ty quản lý quỹ nước ngoài đã bị Saudi Arabia rút vốn mạnh.
Nỗi lo bị rút vốn đã có kể từ khi giá dầu thế giới lao dốc trong năm trước. Tuy nhiên, hiện tượng rút vốn ồ ạt mới bắt đầu trong vài tháng qua. Ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã rút khoảng 70 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư ở nước ngoài.
Cuộc chiến dầu khí khiến không ít các ông hoàng Trung Đông khó khăn, cạn tiền.
Tiền rút về được bù đắp thâm hụt ngân sách, vốn được IMF dự báo sẽ thâm hụt khoảng 140 tỷ USD, tương đương 20% GDP, trong năm nay. Dự trữ ngoại hối bằng chứng khoán của Saudi Arabia đã giảm khoảng 70 tỷ USD trong vòng một năm qua, gần như ngang bằng mức giảm của tổng dự trữ ngoại hối trong khoảng thời gian trên.
Trên thực tế, mức dự trữ của Saudi Arabia vẫn khá lớn, khoảng 650 tỷ USD nhưng tốc độ thâm hụt khoảng 20% GDP mỗi năm là một mối đe dọa lớn đối với quốc gia dựa phần lớn vào dầu mỏ này.
Theo Economist, chi tiêu của Saudi Arabia hiện quá lớn, bản thân gia đình hoàng gia cũng đã quen với cách chi tiêu thoải mái và kết quả là chỉ trong 6 tháng, hoàng gia Saudi Arabia đã tiêu hết 60 tỷ USD và phải vay thêm 4 tỷ USD từ các ngân hàng.
Cuộc chiến dầu khí trên thế giới giữa OPEC với Mỹ, giữa Mỹ với Nga, giữa các nước trong lòng OPEC với nhau cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông có lẽ đã gây ra khó khăn với nhiều nước Trung Đông.
Cách đây hơn một năm, giá dầu vẫn còn trên 100 USD/thùng nhưng nay chỉ quanh 45 USD/thùng. Nguyên nhân cũng một phần chính do Saudi Arabia không ngừng tăng sản lượng với sản lượng kỷ lục hơn 10,5 triệu thùng/ngày với mong muốn đẩy các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ phá sản, buộc Nga và Iran ngừng hỗ trợ cho Syria.
Video đang HOT
Cũng theo IMF, 2 quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh là Bahrain và Oman thậm chí còn gặp khó khăn hơn Saudi Arabia do có sản lượng dầu thấp hơn, dự trữ ngoại hối ít hơn và nợ cao hơn.
Nhà giàu Trung Quốc mua thế giới
Trong khi rất nhiều nước OPEC, Nga… gặp khó khăn thì Trung Quốc vẫn nổi lên là một điểm sáng, bất chấp vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về TTCK.
Nhà giàu Trung Quốc vẫn mang tiền đi mua sắm, thâu tóm, giải trí trên khắp thế giới.
Trong khi EU sa lầy trong khủng hoảng nợ công, Trung Quốc vẫn rủng rỉnh với túi tiền dự trữ ngoại hối lên tới gần 4 ngàn tỷ USD. Nhà giàu Trung Quốc vẫn mang tiền đi mua sắm, thâu tóm, giải trí trên khắp thế giới, từ Mỹ, cho tới Úc và giờ đây là châu Âu.
Theo CNBC, trong vòng một năm tính tới giữa tháng 8/2015, trung bình mỗi tuần, Trung Quốc có thêm 5 tỷ phú USD và cũng nhờ vậy, quốc gia này đã vượt Mỹ lên đầu thế giới về số lượng tỷ phú, với 596 người.
Cú sốc chứng khoán gần đây khiến không các người giàu Trung Quốc đổ tiền sang các loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu, bất động sản tại thành phố lớn. Một nguồn tiền lớn cũng được đổ ra nước ngoài, mua bán thâu tóm các DN, đất đai… và cả các tác phẩm nghệ thuật ở nước ngoài.
Một nghiên cứu của WealthInsight cho biết khoảng 1 triệu triệu phú USD Trung Quốc với tổng tài sản khoảng 16 ngàn tỷ USD đã chuyển tổng cộng 658 tỷ USD ra nước ngoài, trong đó Mỹ là một địa điểm đến ưa thích.
Trong năm 2014, nhà giàu Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã rót gần 29 tỷ USD vào BĐS Mỹ, tập trung vào các thành phố ven biển như San Francisco, Los Angeles và New York.
Trong nửa đầu năm 2015, người Trung Quốc đã mua đến 28% tổng lượng căn hộ mới ở Melbourne, mỗi căn hộ từ 1 đến vài chục triệu USD, bất chấp các quy định thắt chặt mua nhà đối với người nước ngoài của Chính phủ Úc.
Theo SCMP, giới nhà giàu Trung Quốc đã mua 19 chiếc lâu đài cổ kính ở châu Âu để phục vụ cho việc nghỉ ngơi và du lịch và làm nơi đón tiếp các khách hàng cao cấp ngay tại các nước trong khu vực này.
Các thống kê cũng cho thấy, ngày càng nhiều đại gia Trung Quốc muốn di dân sang các nước khác trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Vương quốc Anh, New Zealand… Người TQ sẵn sàng bỏ ra nhiều triệu USD để nhập cảnh đầu tư vào các quốc gia phương Tây. Theo khảo sát của Barclays, 47% người siêu giàu Trung Quốc muốn di cư, so với mức trung bình 29% trên toàn thế giới. Người Trung Quốc muốn hiện thực hóa mong muốn “đánh dấu tên mình cho hầu như mọi thứ trên thế giới”.
Trong khi đó, chính phủ TQ cũng đang tăng cường đầu tư ra khắp thế giới. Chuyến thăm Anh của ông Tập Cận Bình với một gói thương mại và đầu tư lên tới 30 tỷ bảng Anh. Hàng năm khoảng 100 tỷ Euro vốn đầu tư TQ ra nước ngoài có 25% đổ vào châu Âu. Chuyến đi lần này, ông Bình cũng muốn biến London thành một trung tâm giao dịch dịch đồng NDT mới và hướng tới biến NDT thành đồng tiền chuyển đổi.
Với sự suy yếu của các nước, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để TQ triển khai chiến lược của “gã nhà giàu” trên phạm vi toàn thế giới.
Theo V.Minh
Vietnamnet
Lao đao vì giá dầu, Arab Saudi vẫn đổ tiền cho cuộc chiến Syria
Đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì giá dầu xuống thấp trong thời gian dài, Arab Saudi vẫn tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho phe nổi dậy Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp Nhà vua Salman của Arab Saudi tại thủ đô Riyadh - Ảnh: AFP
Theo báo cáo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố gần đây, việc giá dầu giữ ở mức thấp có thể cuốn phăng 360 tỷ USD ngay trong năm nay khỏi khu vực Trung Đông, bao gồm nhiều thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Arab Saudi, Oman và Bahrain.
Thặng dư ngân sách khổng lồ đang nhanh chóng biến thành thâm hụt lớn tại các nước trên, khi giá dầu lao dốc từ mức 100 USD một thùng hồi năm ngoái, xuống 45 USD hiện nay. Giá dầu sụt giảm và giữ ở mức thấp khiến một số nước Trung Đông, trong đó có Arab Saudi, phải sử dụng các quỹ dự trữ để bình ổn tình hình, và đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Nhưng Arab Saudi và các quốc gia thành viên OPEC vẫn quyết không tăng giá dầu để khôi phục nguồn thu, tránh nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng. Theo các chuyên gia phân tích, động thái "cố chấp" này của Arab Saudi, ngoài các động cơ kinh tế, còn tiềm ẩn những yếu tố về chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.
Trong bài viết trên tờ National Interest hôm 13/10, ông Jonathan Schanzer, cựu chuyên gia phân tích khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ, nhận định việc Arab Saudi đến nay không giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức thấp là hành động làm suy yếu Iran, nước được coi là đối thủ chính của Saudi ở Trung Đông, và là quốc gia có sự hậu thuẫn rất lớn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo IMF, Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cần duy trì giá dầu ở mức 106 USD/thùng để đảm bảo cân đối ngân sách. Quốc gia này hầu như không có khoảng đệm tài khóa đủ mạnh để trụ vững trong vòng 5 năm tới, nếu giá dầu tiếp tục ở dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Trước nguy cơ đó, Arab Saudi vẫn kiên quyết từ chối giảm bớt tình trạng dư cung trên thị trường để nâng giá dầu, đặc biệt là từ năm 2014, khi có dấu hiệu ngày càng rõ cho thấy Moscow và Tehran quyết định cùng hỗ trợ chính quyền Assad tại Syria.
Theo ông Schanzer, quyết định này của Arab Saudi đã khiến cả Nga và Iran chịu hậu quả, bởi cân đối ngân sách của hai nước này lần lượt được hoạch định ở mức giá dầu 80 - 90USD và 72 USD một thùng. Khi giá dầu xuống thấp hơn những mức này trong thời gian dài, cân đối ngân sách của Nga và Iran có thể bị phá vỡ.
Một nhà ngoại giao Saudi từng tuyên bố về chiến lược kinh tế này: "Nếu dầu mỏ có thể giúp đem hòa bình đến Syria, tôi không thấy có lí do gì Arab Saudi lại rút lui trong việc cố gắng giành được một thỏa thuận".
Chính bởi vậy, việc quân đội Nga can thiệp quân sự vào Syria để bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad đã khiến Arab Saudi tức giận, theo Schanzer.
"Arab Saudi luôn là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các cuộc không kích của Nga, và có dấu hiệu cho thấy vương quốc này đã sẵn sàng tăng mạnh hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng đối lập chống Assad", Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại quỹ đầu từ RBC Capital Markets, Canada nhận định trong một báo cáo đánh giá gửi nhà đầu tư hồi tháng này.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 25/10, Arab Saudi và Mỹ đã ra tuyên bố chung tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho phe đối lập tại Syria. Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc hội đàm với Nhà vua Salman của nước chủ nhà tại Riyadh.
Sự hậu thuẫn của Mỹ và Saudi cho phe đối lập và lực lượng vũ trang Hồi giáo tại Afghanistan ba thập kỷ trước từng khiến Hồng quân Liên Xô phải rút khỏi nước này sau một cuộc chiến kéo dài làm hao tổn nhiều tài lực và sinh mạng.
Nhưng hành động can thiệp này cũng sẽ khiến Arab Saudi phải trả giá. "Xung đột leo thang có thể khiến Nga và các quan chức OPEC khó đạt được đồng thuận về cắt giảm sản lượng dầu trong tương lai gần", bà Croft viết. Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria nhiều khả năng sẽ buộc các quốc gia bảo trợ khác - đặc biệt là các nước sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh - gia tăng can thiệp ở Syria, và sẽ "gây thêm sức ép lên ngân sách vốn đã khó khăn của họ", bà viết.
Syria có thể là mặt trận thứ hai ngày càng tốn kém, trong bối cảnh tình hình tài khóa ngày một căng thẳng, và chiến dịch không kích của Arab Saudi tại Yemen đã kéo dài qua tháng thứ 6.
Sau nhiều năm thặng dư ngân sách không lồ, thâm hụt cán cân vãng lai của nước này trong năm nay dự kiến tăng vọt lên mức gần 20% GDP, Capital Economics dự báo. Arab Saudi có khoản ngân sách dự trữ lên tới gần 700 tỷ USD, nhưng con số này đang giảm nhanh.
Đây được coi là lý do Arab Saudi đang phải có những biện pháp tài chính ứng phó khẩn cấp. Quốc gia này không chỉ phải đi vay 4 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu trong năm nay, mà ngân hàng trung ương Arab Saudi cũng đã rút về 70 tỷ USD từ các công ty quản lý quỹ như BlackRock chỉ trong vòng 6 tháng qua.
Cái khó với chính phủ Arab Saudi, theo các chuyên gia, là họ không thể tăng thuế mà phải cắt giảm chi tiêu. Riêng các chi tiêu cho an sinh xã hội và quốc phòng có lẽ sẽ được giữ nguyên, do các nhà lãnh đạo lo ngại việc cắt giảm sẽ khơi mào cho một cuộc nổi dậy tương tự Mùa xuân Arab năm 2011.
"Trong môi trường an ninh khu vực và trong nước bất ổn, việc cắt giảm chi tiêu nhắm vào các cam kết xã hội có vẻ là canh bạc chính trị", Henry Smith, phó giám đốc hãng tư vấn Control Risks tại Dubai nhận định. Dù vậy, chuyên gia này cho biết các dự án chi tiêu lớn của chính phủ đang đối diện với nguy cơ bị cắt giảm.
"Một số những lĩnh vực ít cấp bách hơn về mặt kinh tế đang âm thầm bị loại trừ", ông Smith tiết lộ với CNN. "Các nhà xuất khẩu dầu cần điều chỉnh chi tiêu và chính sách thu ngân sách để đảm bảo sự bền vững về mặt tài khóa", báo cáo của IMF nhấn mạnh.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Thâm hụt ngân sách, quân Mỹ mượn vũ khí NATO để tập trận Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng đã khiến lực lượng Mỹ chịu nhiều thiếu thốn, phải mượn trực thăng của Anh và xài vũ khí của NATO trong các cuộc tập trận tại đây. Lực lượng Mỹ tại châu Âu phải mượn trực thăng Anh để thực hiện các cuộc tập trận - Ảnh minh họa: Hải quân hoàng gia Anh Việc...